Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Vầng Trăng Máu: Cuộc Thảm Sát Người Osage và Sự Ra Đời của Tổ Chức FBI

Trong bối cảnh thế giới ngày nay, khi các nguồn nhiên liệu tái tạo được tôn vinh là nguồn nhiên liệu phát triển bền vững, không phát thải và thân thiện với môi trường, dầu mỏ cùng các nhiên liệu hóa thạch khác bị buộc tội là thủ phạm gây ra biến đổi khí hậu cùng hàng loạt các cáo buộc khác về ô nhiễm môi trường. Tiềm ẩn trong giá trị của dầu mỏ là quyền lực, có thể tác động và quyết định cục diện chính trị toàn cầu. Lịch sử thế giới ghi nhận nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu quy mô lớn nổ ra để giành quyền kiểm soát tài nguyên được ví là “vàng đen” này.

Vầng trăng máu là một công trình nghiên cứu khá tận tâm, cho thấy một góc nhìn về những cuộc chiến tranh giành dầu mỏ ở quy mô nhỏ, gói gọn trong phạm vi các ngôi làng quy hoạch dành cho những thổ dân bản địa châu Mỹ vào đầu những năm 1900. Cuốn sách phơi bày lịch sử đẫm máu trải dài nhiều thập kỷ, mà nạn nhân chính là một trong những bộ tộc thổ dân hùng mạnh nhất thời bấy giờ, những người Osage.

Bị Chính phủ Mỹ buộc rời khỏi vùng đất rộng lớn màu mỡ sau cuộc Nội chiến, người Osage phải ly hương và định cư trên một vùng đất mới khô cằn không sức sống. Nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ nằm dưới những làng định cư này, trong cơn sốt dầu mỏ trên khắp nước Mỹ, người Osage trở thành những cư dân giàu có nhất thế giới. Từ cuộc sống săn bắt trong những căn lều gỗ nhỏ, từ gia sản gần như là hai bàn tay trắng, người Osage bỗng chốc có người hầu kẻ hạ, có xe hơi, dinh thự và tất cả những vật phẩm xa xỉ nhất thời bấy giờ. Dầu mỏ được coi như điềm phúc bất ngờ được ban tặng bởi Đấng tối cao mà người Osage luôn kính sợ, nhưng họ không ngờ rằng, nó cũng chính là điềm báo chết chóc bao trùm lên vận mệnh của toàn bộ tộc.

Thông qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ có thêm hiểu biết về những trang lịch sử đã bị xé nát một cách thô bạo, những con người vô tội bị đẩy ra bên rìa xã hội – không được công nhận, không được bảo vệ, không làm gì sai nhưng vẫn phải chịu ngược đãi, phân biệt và không được quyền đòi “công lý”. Như tựa đề của mục cuối cùng khép lại cuốn sách, đây quả thật là “lời khóc than của máu”!

***

Vào tháng Tư, hàng triệu bông hoa li ti nở rộ khắp các ngọn đồi sồi đen và những đồng cỏ rộng lớn trên vùng đất của bộ tộc Osage ở Oklahoma. Những bông violet và những bông ngọc trâm xen kẽ với những đóa thiên thảo nhỏ bé. Nhà văn người Osage John Joseph Mathews đã quan sát và miêu tả cảnh tượng này trông như thể “các vị thần đã tung lên một cơn mưa hoa giấy”. Vào tháng Năm, khi những con sói đồng cỏ cất tiếng hú bên dưới vầng trăng tròn thẳm, những loài cây cao hơn như thài lài hay cúc vàng mắt đen không ngừng vượt lên trên các nụ hoa li ti ấy, lấy đi ánh sáng và nước của chúng. Các đài hoa nhỏ tàn lụi, những cánh hoa dập dìu bay đi, để rồi chẳng bao lâu lại nằm chôn vùi dưới đất. Đây chính là lý do khiến những thổ dân Osage gọi tháng Năm là tháng của vầng trăng bẻ-hoa.

Vào ngày 24 tháng 5 năm 1921, Mollie Burkhart - một cư dân trong làng định cư Osage thuộc vùng Gray Horse, Oklahoma - bắt đầu cảm thấy lo sợ, rằng điều gì đó đã xảy tới với một trong ba người chị em của cô: Anna Brown.

Anna Brown ba mươi tư tuổi, lớn hơn Mollie chưa đầy một tuổi, đã biến mất cách đây ba hôm. Theo cách gọi đầy mỉa mai của gia đình, cô thường hay “đi chơi tới bến”, nhảy nhót và uống rượu với bè bạn cho tới rạng sáng. Nhưng riêng lần này, một đêm đã trôi qua, và rồi một đêm nữa, Anna vẫn chưa xuất hiện trước hiên nhà Mollie như thường lệ, với mái tóc đen dài hơi xù và đôi mắt đen láy ánh lên như thủy tinh.

Mỗi lần Anna bước vào nhà, cô thích cởi tuột giày. Mollie bắt đầu thấy nhớ những âm thanh dịu dàng của Anna khi thong thả bước đi trong căn nhà. Giờ đây, hết thảy chỉ còn lại sự lặng thinh trống trải.

Mollie đã mất đi một người em gái tên Minnie gần ba năm về trước. Cái chết đến quá đột ngột, và mặc dù các bác sĩ cho rằng đây là “một ca lao lực cá biệt”, Mollie vẫn luôn đau đáu ngờ vực. Khi ấy, Minnie mới chỉ hai mươi bảy tuổi và lúc nào cũng khỏe mạnh.

Giống như bố mẹ của mình, Mollie và các chị em đều có tên trong phả hệ dòng tộc Osage, họ đều là thành viên chính thức của bộ tộc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ sở hữu cả một gia tài.

Vào đầu thập niên 1870, bộ tộc Osage bị buộc phải rời khỏi lãnh thổ của mình và di cư tới một vùng đất đầy sỏi đá tưởng chừng vô giá trị ở phía đông bắc Oklahoma. Sau đó vài thập kỷ, họ phát hiện ra rằng, mảnh đất này chứa đựng những vỉa dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ thời bấy giờ. Để khai thác dầu, những người đi thăm dò phải trả tiền thuê đất và thuế tài nguyên cho bộ tộc Osage.

Vào khoảng đầu thế kỷ XX, mỗi thành viên trong bộ tộc bắt đầu nhận được séc theo mỗi quý. Giá trị ban đầu chỉ vỏn vẹn vài dô la, nhưng dần dần, khi ngày càng nhiều dầu mỏ được khai thác, số tiền này lên tới vài trăm, rồi vài nghìn đô la. Khoản tiền nhận được gần như năm nào cũng tăng, giống như các khe suối trên thảo nguyên hội tụ rồi tạo nên con sông Cimarron rộng lớn đầy bùn lầy, cho tới khi lũy kế của chúng lên tới hàng triệu đô la (Chỉ riêng năm 1923, bộ tộc nhận được hơn 30 triệu đô la). Do đó, người Osage được coi là một trong những cư dân giàu có nhất trên thế giới.

“Hãy nhìn xem!”, tuần báo Outlook của New York đã thốt lên: “Thay vì chết đói, những tên thổ dân lại tận hưởng nguồn thu nhập ổn định tới mức làm các nhà băng tái mặt vì ganh tị”.

Công chúng ngỡ ngàng trước sự phồn vinh của bộ tộc, điều này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh từ lần chạm trán tàn bạo đầu tiên với thổ dân châu Mỹ, cũng chính là tội ác khai sinh ra đất nước này. Các phóng viên trêu ngươi độc giả của họ bằng những câu chuyện về “người Osage quyền uy” và “những tên triệu phú da đỏ”, với những biệt phủ xây bằng gạch, đất sét đỏ và những chiếc đèn chùm, với những chiếc nhẫn kim cương, áo khoác lông thú, xe hơi và tài xế riêng. Một tay viết kinh ngạc khi thấy những cô gái Osage theo học các trường nội trú tốt nhất và diện những bộ đồ thời thượng của Pháp, cứ như thể “những cô nàng trẻ trung xinh tươi trên các đại lộ của Paris” bất thần xuất hiện ở ngôi làng quy hoạch nhỏ bé này.

Cùng lúc ấy, các tay phóng viên mau mắn chộp lấy bất kỳ bằng chứng nào về lối sống truyền thống của tộc Osage, nhồi vào đầu óc công chúng hình tượng những tên thổ dân “hoang dã”. Một bài viết miêu tả “những chiếc xe hơi xa xỉ được xếp quây tròn quanh đống lửa trại, nơi các chủ nhân ăn vận sang trọng với làn da nâu bóng đang nấu thịt theo cách của người cổ”. Một bài khác viết về một nhóm thổ dân Osage đi bằng máy bay tư nhân tới nhảy trong một lễ hội - một khung cảnh “vượt quá sức tưởng tượng của những tiểu thuyết gia viễn tưởng”. Tóm gọn lại suy nghĩ của đám đông về người Osage, tờ Washington Star viết: “Câu cảm thán ‘Ôi đám thổ dân nghèo khổ’ nay có thể đổi thành ‘Ồ, những tên da đỏ giàu có’ được rồi”.

Gray Horse là một trong những làng định cư lâu đời của khu quy hoạch. Khu vực này bao gồm Fairfax (một ngôi làng lân cận, lớn hơn với gần 1.500 dân) và Pawhuska (thủ phủ của Osage, với dân số hơn 6.000 người), là nơi có tốc độ phát triển chóng mặt. Đường phố nhốn nháo bởi những chàng cao bồi, những người đi tìm vận may, những kẻ buôn rượu lậu, những nhà tiên tri, các dược sĩ, những tên tội phạm, cả những viên cảnh sát trưởng Hoa Kỳ, những nhà đầu tư đến từ New York và các đại gia dầu mỏ. Xe hơi băng băng trên những lối đi lát gạch cho ngựa, mùi xăng dầu lấn át mùi hương của đồng cỏ. Quạ đậu theo bầy dòm xuống từ đường dây điện thoại. Có cả những nhà hàng - quán rượu, nhà hát và các sân chơi polo.

Mặc dù Mollie không vung tay tiêu xài như hàng xóm của mình, cô cũng xây được một căn nhà gỗ rộng rãi, xinh đẹp ở Gray Horse, gần túp lều cũ có khung bằng cọc gỗ với những tấm thảm dệt tay và mái phủ bằng vỏ cây của gia đình. Cô sở hữu vài chiếc xe hơi và một nhóm người hầu - những kẻ vét-nồi cho dân da đỏ. Đây là cách người định cư nhạo báng nhóm người lao động nhập cư này. Đám người hầu thường là dân da den hoặc dân Mễ Tây Cơ (Mexican).

Mollie là người cuối cùng thấy Anna trước khi cô biến mất. Hôm ấy, ngày 21/5, Mollie thức dậy lúc rạng sáng, một thói quen ăn sâu từ thời bố cô còn cầu nguyện với mặt trời mỗi sáng. Cô đã quen nghe bản hợp ca của những chú chim sáo, chim dẽ và đàn gà thả đồng, giờ đây bị át đi bởi tiếng mũi khoan dập trên mặt đất. Khác với nhiều người bạn đã bỏ lơ trang phục Osage truyền thống, Mollie khoác trên vai mình tấm vải thổ dân. Thay vì để kiểu tóc ngắn uốn cong, cô xõa mái tóc đen dài của mình ngang lưng, để lộ khuôn mặt cuốn hút với hai gò má cao và đôi mắt nâu to tròn.

Chồng cô, Ernest Burkhart, thức dậy cùng cô. Anh là một chàng trai da trắng hai mươi tám tuổi có nét điển trai thường thấy ở vai quần chúng trong các bộ phim của phương Tây: tóc nâu ngắn, đôi mắt màu xanh xám, cằm vuông. Chỉ có cái mũi làm hỏng bức chân dung. Nhìn nó như thể từng bị đấm một đôi lần trong quán rượu.

Lớn lên ở Texas, Ernest Burkhart là con trai của một nông dân trồng bông nghèo. Anh mê mẩn những câu chuyện về Ngọn đồi Osage - dấu tích xưa cũ của vùng biên nước Mỹ nơi cao bồi và thổ dân vẫn thường qua lại. Năm 1912, Ernest mới mười chín tuổi. Giống như Huck Finn, anh gói ghém đồ đạc tìm đường rời đi, tới ở với ông chú - một gã chăn gia súc độc đoán tên là William K. Hale ở Fairfax.

“Ông ta không phải loại người nhờ anh làm điều gì đó, ổng sẽ bảo anh phải làm điều đó”, Ernest từng nói như vậy về Hale, người được coi như người cha thứ hai của anh. Dù chủ yếu làm việc vặt cho Hale, thi thoảng anh vẫn nhận lái xe thuê. Nhờ đó, anh gặp Mollie khi nhận lái xe cho cô quanh khu làng.

Ernest thường hay uống rượu lậu và chơi xì tố kiểu thổ dân với những tay nhiều tai tiếng, nhưng ẩn dưới sự phong trần là nét dịu dàng có đôi chút ngại ngùng, và Mollie đã phải lòng anh vì điều đó.

Dù sinh ra là người Osage nhưng Mollie có học sơ qua tiếng Anh ở trường. Tuy thế, Ernest vẫn kiên trì học tiếng mẹ đẻ của Mollie cho tới khi có thể dùng nó để nói chuyện với cô.

Mollie mắc bệnh tiểu đường, và Ernest luôn săn sóc cô mỗi khi khớp cô đau nhức hay bụng cô quằn quại. Khi biết một người đàn ông khác có tình cảm với cô, anh khẽ nói với cô rằng anh không thể sống thiếu cô được.

Họ đến với nhau không hề dễ dàng. Đám bạn thô kệch của Ernest chế nhạo anh là “tên chồng thổ”. Và mặc dù cả ba chị em gái của Mollie đều lấy chồng da trắng, cô vẫn cảm thấy mình có trách nhiệm kết hôn với người cùng tộc, như cách cha mẹ cô nên duyên. Dù vậy, được sinh ra trong một gia đình vừa tuân theo lề lối người Osage vừa tin vào Chúa, Mollie không lý giải được tại sao Chúa cho cô tìm thấy tình yêu chỉ để tước đoạt nó đi. Vì thế, vào năm 1917, cô và Ernest trao nhẫn và trao lời thề yêu thương nhau mãi mãi.

Tới năm 1921, họ có một cô con gái hai tuổi tên là Elizabeth và một cậu con trai mới chỉ tám tháng tuổi tên là James (tên thân mật là Cao Bồi). Tại thời điểm đó, Mollie đang chăm sóc người mẹ già Lizzie. Bà chuyển tới sống cùng cô sau khi cha cô mất.

•§•

Ngày 21/5 đáng ra phải là một ngày thật dễ chịu với Mollie. Cô rất thích làm tiệc chiêu đãi và đang tổ chức một bữa tiệc trưa nhỏ. Chuẩn bị xong, cô cho lũ trẻ ăn. Cao Bồi thường hay bị đau tai, và cô thổi vào tai bé cho tới khi bé nín khóc.

Mollie chăm sóc ngôi nhà của cô rất tỉ mỉ, cô điều phối đám người hầu chuẩn bị đón khách. Mollie nhờ Ernest gọi Anna, xem xem Anna có thể tới và thay cô chăm sóc Lizzie một hôm được không. Anna là chị cả trong nhà, cô luôn có một vị trí đặc biệt trong mắt của mẹ mình. Mặc dù Mollie mới là người chăm sóc Lizzie, nhưng Anna mới là đứa con được mẹ nuông chiều.

Khi Ernest nói với Anna rằng mẹ cô cần cô, cô hứa sẽ bắt taxi tới ngay. Không lâu sau, Anna xuất hiện với một đôi giày đỏ chót, váy ngắn và một tấm vải thổ dân trùng tông màu, trong tay cô mang một chiếc ví da cá sấu. Trước khi bước vào, cô chải vội mái tóc rối bù vì gió và trát phấn lên mặt. Dù vậy, Mollie vẫn có thể nhận thấy bước chân lảo đảo và giọng nói líu nhíu vì say rượu của Anna.

Mollie không giấu nổi vẻ bực dọc. Một vài vị khách đã tới, trong đó có hai anh em của Ernest - Bryan và Horace Burkhart. Họ là những người bị vàng đen cám dỗ, đã chuyển tới sống ở Quận Osage và thường giúp việc cho Hale trên nông trại. Một bà dì của anh, người hay thốt ra những lời lẽ kỳ thị chủng tộc cũng ghé qua. Mollie không mong Anna chọc giận mụ già ấy.

Mời các bạn đón đọc Vầng Trăng Máu: Cuộc Thảm Sát Người Osage và Sự Ra Đời của Tổ Chức FBI của tác giả David Grann & Phạm Quốc Anh (dịch).