Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Thế Giới Là Một Cuốn Sách Mở

Cuốn sách Thế Giới Là Một Cuốn Sách Mở này, một tập hợp những bài phỏng vấn của Lévai Balázs với các nhà văn nổi tiếng nhất thế giới đương đại, một sự kiện lớn của truyền hình và xuất bản Hungary, thật bất ngờ, đã làm được điều mà báo chí các nước lớn nhiều khi cũng không làm được: làm cho các nhà văn nổi tiếng nhất thế giới nói về họ, tác phẩm của họ. Trong sự thân tình hiếm thấy giữa người hỏi và người được hỏi, các bậc thầy văn chương đã phô bày con người thật của họ, con người của cuộc sống bình thường. Nhờ tài gây thiện cảm và sự hài hước sắc sảo nhiều khi không thua kém nhà văn lớn nào của Lévai Balázs, những người như Eco, Auster, Pamuk, Atwood, Le Carré… đã thực sự nói nhiều hơn là họ định trước.

***

TÁC GIẢ

Lévai Balázs, sinh năm 1968, trước đây là một giáo viên dạy Văn - Sử. Từ khi chuyển sang làm truyền hình, mối quan tâm đặc biệt của ông là văn học. Lévai là người dẫn chương trình Cuốn sách Lớn (lấy từ phiên bản Big Read của BBC, Anh), cũng như nhiều chương trình truyền bá kiến thức với nội dung khoa học của Đài truyền hình Hungary.

Năm 2003, từ sáng kiến của vợ, ông quyết định thực hiện chân dung truyền hình về các tác giả nổi tiếng trên thế giới. Sau thành công vang dội của loạt chương trình này, hai tập sách của ông, xuất bản năm 2004 và 2008, với tổng số 25 nhà văn, tiếp tục gặt hái thành công lớn trong công chúng Hungary.

***

JOHN UPDIKE

Nhà văn Mỹ, sinh năm 1932 tại Reading, tiểu bang Pennsylvania. Tốt nghiệp đại học Harvard, ra làm phóng viên, viết phê bình cho tờ The New Yorker. Ông viết nhiều bài phê bình văn học, đề cập tới tác phẩm của nhiều nhà văn châu Âu, trong đó có Esterházy Péter và Konrád Gyrgy*. Năm 1957, ông rời khỏi tờ The New Yorker, trở thành nhà văn tự do. Tiểu thuyết đầu tay xuất bản năm 1958, mang nhan đề The Poorhouse Fair (Phiên chợ nhà nghèo), ông là nhà văn viết khỏe đến kinh ngạc, đã cho ra đời hơn sáu mươi đầu sách. Bộ tiểu thuyết Rabbit (Thỏ) đã được ông viết liên tục trong ba mươi năm, kể từ năm 1960, nhưng loạt sách với nhân vật [Henry] Bech, phiên bản của chính nhà văn, cũng rất nổi tiếng. Dù đề cập tới những chủ đề không thay đổi, nhưng trong văn nghiệp lâu dài của mình, ông đã đưa vào sáng tác dấu ấn phong cách của thế hệ trẻ, tiếp tục đưa khả năng diễn đạt của văn xuôi đến những cấp độ tinh tế. sáng tác ở nhiều thể loại, ông còn là một nhà thơ và cây bút tiểu luận xuất sắc.

Đây là một nghề hết sức lành mạnh

Ban đầu tôi dự định trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh. Tôi rất thích tranh biếm họa và truyện tranh, chính tôi cũng đã làm vài ba cái. Tôi nuôi những hoài bão như vậy đến tận năm mười lăm tuổi. Mẹ tôi cũng có viết văn, nhưng bà không thực sự thành công, vì vậy tôi thành nhà văn có lẽ là do ý tưởng của bà. Nhiều lần tôi quan sát bà ngồi viết ở nhà. Tôi viết vài đoạn minh họa cho truyện tranh, những khổ thơ hài hước, đó là hoạt động văn học đầu tiên của tôi. Tất cả bắt đầu từ đó. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi theo học tại Harvard, ở đó các môn học xã hội rất mạnh, đặc biệt là Anh ngữ. Luận văn tốt nghiệp của tôi viết về Anh ngữ. Hai mươi hai tuổi, với tấm bằng trong tay, đúng là tôi nghĩ, tôi dự định sẽ trở thành nhà văn. Nhưng khi đó tôi còn quá trẻ, chưa có những trải nghiệm và kinh nghiệm sống mang tính quyết định. Chẳng hạn, [Jose] Saramago và Joseph Conrad đã có những trải nghiệm như thế, vì họ bắt đầu viết khi đã trưởng thành. Ví dụ, họ đã làm việc ở nhiều nơi trong khi tôi mới thử ở vài chỗ.

Những kinh nghiệm sống cần thiết đến mức vậy sao? Cần phải học hỏi những gì về thế giới để có thể viết được?

Đúng là chúng không thể thiếu, đặc biệt khi ta viết tiểu thuyết. Cần phải biết sự vận hành của thế giới, không thể chỉ đơn giản viết nhật ký về bản thân mình. Tôi không bao giờ thích những cuốn sách nói về các nhà văn. Những tiểu thuyết hư cấu cần hướng tới mọi người. Phải giới thiệu cuộc sống thường nhật, viết cho những con người bình thường. Bố tôi là giáo viên, tôi đã xem cách ông dạy học, như vậy từ trong gia đình, ở một khoảng rất gần, tôi đã thấy dạy học là thế nào. Nhưng ngoài ra tôi chưa biết gì về thế giới. Tôi có làm vài năm ở một tờ báo, nhưng thế giới thực tế thì tôi không am tường lắm.

Ông đã chọn tờ tuần báo văn học The New Yorker huyền thoại là nơi làm việc đầu tiên. Ông có thể kể xem làm việc ở đó thế nào không?

Nhiều người ở tiểu bang Pennsylvania, nơi tôi trưởng thành, không tưởng tượng nổi tờ The New Yorker là gì, và tầm quan trọng của nó đến mức nào. Ở chỗ chúng tôi gần như không thể mua được, chỉ ở những thành phố trăm nghìn dân trở lên. Ở thành phố chúng tôi họ chỉ bán báo ngoài ga xe lửa. Một bà cô tôi sống ở Connecticut biết về những dự định viết văn của tôi, vì thế bà nghĩ dù thế nào tôi cũng phải biết về tạp chí này. Ngay lập tức tôi thích mê mẩn tờ báo, thật kỳ diệu, trước đó chưa khi nào tôi thấy một tờ báo như thế. Rất tuyệt, và nó được đặc trưng bởi một chất hài hước rất lạ lùng.

Nếu tôi không nhầm thì tới nay tờ báo vẫn có những tranh biếm họa và thời trước còn có cả truyện tranh nữa?

Còn khá nhiều là đằng khác. Tờ báo có nhiều họa sĩ rất cừ, ít nhất là tôi khoái họ. Có lẽ từ đó về sau tôi không thấy nhóm họa sĩ nào hay hơn, mặc dù đã khá lâu rồi, từ những năm bốn mươi, khi tôi còn là một cậu bé. Hồi ấy chưa có truyền hình, chỉ có chiếu bóng và radio. Có thể mua nhiều tạp chí cầu kỳ, khi đó viết là một bộ phận của nghệ thuật quần chúng. Và trong số đó The New Yorker là tờ báo trí tuệ nhất, khá nhất, mê hoặc nhất. Mười sáu tuổi, mơ ước cháy bỏng nhất của tôi là được làm cho tờ báo, bằng mọi giá tôi muốn trở thành cộng tác viên của The New Yorker.

Ước mơ của ông thành hiện thực khá mau chóng.

Đúng vậy, tôi được nhận vào khá nhanh, và hoàn toàn bị choáng ngợp trước điều này. Dù sao đó cũng là một thành công đến sớm. Ngay sau khi tốt nghiệp, tôi có một số truyện ngắn được đăng, trời đất, thế mà đã năm mươi năm. Tôi thật may mắn, mối liên hệ với tờ The New Yorker là một nấc thang rất quan trọng trong sự trưởng thành của tôi. Nhờ mấy cuốn tiểu thuyết, khi đó tôi đã kiếm được chút tiền, nhưng công việc hàng ngày của tôi là ở The New Yorker, đó là bánh mì hàng ngày của tôi, nhờ nó mà tôi tự trang trải. Tôi viết cả những bài điểm sách, tiểu luận, những bài thơ ngắn, chứ không chỉ truyện ngắn.

Sau này ông cũng viết rất nhiều bài điểm sách và tiểu luận, trong đó có cả bài về Eszterházy Péter. Ông làm vậy vì tới nay ông vẫn cho rằng việc hiểu biết các nhà văn cùng thời là quan trọng, hay qua nhiều năm việc này đã trở thành công việc quen thuộc thường ngày?

Tôi luôn luôn dành rất nhiều công sức để đọc và viết về các nhà văn khác. Khi vị trí của tôi ở The New Yorker đã có vẻ chắc chắn, tôi tuyên bố thích viết về những tác phẩm của các nhà văn nước ngoài hơn, vì tôi không tin mình có thể khách quan đối với các nhà văn trong nước. Tôi cảm thấy như thế mình có thể học hỏi nhiều hơn, và tôi quan tâm đến các tác giả Hungary, Mỹ La tinh, hay Anh hơn các nhà văn Mỹ. Tôi là người Mỹ, tôi hiểu làm người Mỹ là như thế nào, nhưng đến nay tôi vẫn chưa hiểu cách suy nghĩ của người Nam Mỹ hay người Scandinavia. Với tôi đó là một dạng du hành. Khi viết về họ, ở mỗi người tôi đều học được điều gì đó, chẳng hạn như từ Eszterházy. Trong những năm chiến tranh lạnh, các nhà văn Đông Âu và Xô viết muốn lên tiếng từ bên kia tấm màn sắt, và những gì họ viết bao giờ cũng có nội dung chính trị và chủ ý. Rõ ràng khi viết ở Mỹ thì không bao giờ có nguy cơ bị vào tù vì những gì anh viết, như trường hợp Solzhenitsyn. Người ta không quan tâm anh nói gì hay viết gì. Các nhà văn Xô viết phải đối mặt với quyền lực nhà nước, họ được quy định cái gì là đúng, cái gì được viết. Những tiểu thuyết châu Âu cô đọng hơn, trí tuệ hơn, nhiều sự kiện hơn tiểu thuyết Mỹ. Sẽ rất hay nếu một cuốn sách có cốt truyện hấp dẫn. Trong một cuốn sách như thế có rất nhiều thách thức. Gần đây tôi có viết một bài phê bình về cuốn sách mới của Gunter Grass. Ông là một nhà văn châu Âu điển hình, và ông bao giờ cũng rất hấp dẫn. Ông giả định độc giả luôn quan tâm đến những gì ông viết, đây là điều một nhà văn Mỹ không phải bao giờ cũng làm được.

Thế mà - chắc ông cũng đã biết - người ta thường liệt ông vào hàng những nhà văn mang tinh thần châu Âu.

Quả thực là tôi cô gắng học hỏi ở họ nhiều điều. Nhưng hiện nay tôi không ghiền sách lắm nữa. Có những người đọc không lựa chọn, giống như ai đó xem tivi, họ bật lên và gặp gì xem nấy. Tôi cần nhiều hơn một chút để một cuốn sách gây được sự chú ý của tôi. Tôi còn chú ý để những cuốn sách tôi viết ra cũng phải hấp dẫn. Chắc điều này là nhờ trường đại học, bởi tiếng Anh là môn chính của tôi, chủ yếu tôi đọc sách và các tập thơ tiếng Anh. Có lẽ văn học Anh thế kỷ XVII còn gần gũi tôi hơn văn học Mỹ thế kỷ XIX. Nhưng tôi cũng cố gắng đọc các tác giả cổ điển Mỹ sau khi đã tốt nghiệp đại học. Tìm hiểu các nhà văn Mỹ là một thử thách đối với tôi.

Những nhà văn nào đã có ảnh hưởng tới ông thuở ban đầu?

Có một nhà văn có lẽ không mấy quen thuộc với bạn đọc Hungary, ông hơn tôi khoảng ba mươi tuổi, đó là James Thurber. Ông có óc hài hước đặc biệt, tôi rất mê văn ông ấy. Ông còn vẽ tranh, những tranh châm biếm, truyện tranh. Đến nay tôi vẫn bái phục ông. Ông không phải là một nhà văn lớn trong làng văn thế giới, nhưng là một nhân cách rất tinh tế. Ông luôn đặt yếu tố gây cười độc giả lên hàng đầu. Tôi học ở ông và bạn bè ông rất nhiều, vì thời gian đó những gì tôi viết chưa có sự nhạy cảm tới mức ấy. Tôi rất coi trọng những cuốn sách gây cười. Thời trẻ tôi đọc rất nhiều tác phẩm của Bernard Shaw, ông cũng có tính hài hước và tôi học hỏi được nhiều ở ông. Mặc dầu, xin thú thực, tôi chỉ bắt đầu thực sự đọc văn học Anh khi vào đại học.

Như thế nghĩa là khi còn trẻ, những chuyện trào lộng gần gũi ông hơn cả?

Đúng, đúng như thế. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi nghĩ mình sẽ trở thành cây bút châm biếm của báo The New Yorker - một người sống ở New York, không giàu cũng chẳng nghèo - và chọc cười độc giả. Đó là mục tiêu của tôi, khi ấy tôi còn chưa nhìn xa hơn. Bằng mọi cách tôi muốn trở thành nhà văn hài hước, cho dù những truyện ngắn trước đó của tôi đã báo hiệu không phải tôi chỉ biết viết châm biếm. Tôi không viết các bi kịch, đơn giản là tôi thử viết về cuộc sống quanh tôi. Mấy năm sau tôi thử viết tiểu thuyết, vì xét cho cùng tiểu thuyết mới thực sự khiến ai đó trở thành nhà văn. Tất nhiên có những nhà văn đáng kể trong đời không hề viết tiểu thuyết, nhưng tôi muốn trở thành cây bút tiểu thuyết.

Rất lý thú, vì viết báo và viết tiểu thuyết đòi hỏi phương pháp kể chuyện hoàn toàn khác nhau. Trong các tiểu thuyết của mình, ông miêu tả cực kỳ chân xác các nhân vật, địa danh, diễn biến, những chi tiết nhỏ. Trước khi viết, phải chăng là công việc khảo cứu nghiêm túc?

Khối lượng công việc khảo cứu tất nhiên phụ thuộc vào đề tài, nhưng đúng là trước khi viết mỗi tiểu thuyết tôi đều tiến hành việc khảo cứu, có những cuốn trước đó phải làm không ít. Lấy ví dụ bộ sách Rabbit. Cuốn đầu tiên tôi hoàn toàn dựa vào những trải nghiệm thời niên thiếu, nhưng cuốn thứ hai - khi Harry làm việc bằng máy - thì tôi đã phải có những khảo nghiệm nhất định, chẳng hạn như phải xem mặt mũi cái máy ấy ra sao. Và điều này cũng cần thiết cả trong cuốn thứ ba và cuốn thứ tư, khi Harry làm tại hãng buôn ôtô. Tôi đã trao đổi với những người làm việc này, họ cho biết những vụ tiền nong, họ kiếm bao nhiêu, một ngày của họ thế nào, họ có quan hệ ra sao với các xưởng sửa chữa. Tôi ghi chép cẩn thận mọi số liệu, đúng như ông nói, bao giờ tôi cũng cố gắng tìm hiểu kỹ lưỡng những gì mình sẽ viết để mô tả các nhân vật trong môi trường thực tế của họ. Chẳng hạn tôi rất thích cuốn sách viết về những chiếc bút. Thế giới đầy rẫy những điều chúng ta không để ý tới hoặc không nhận biết được. Nhưng tôi thì muốn nói về chúng, ví dụ về một chiếc bút chì có thể nói rất nhiều. Hiện tại tôi đang viết một cuốn sách mà nhân vật chính là một người lập trình cho máy tính. Có hàng triệu người trên thế giới am hiểu máy tính, biết lập trình. Nhưng tôi thì không nằm trong số đó, tôi không thể tưởng tượng nổi tạo ra một chương trình nghĩa là như thế nào…

Chắc hẳn ông rất hứng thú với phần này của công việc. Tôi đọc những bài tiểu luận của ông về những đề tài khác hẳn nhau, về con tàu Titanic, về những chiếc bút chì, về những sản phẩm kỹ thuật, những thứ có nguồn gốc khác hẳn nhau. Tôi thầm nghĩ: con người này có lẽ rất thích thú với công việc, ít nhất là với việc khảo cứu, tìm tòi. Hay đó chỉ là tính cẩn thận của ông?

Cuốn sách viết ra cho những bạn đọc biết thế nào là máy tính, nó hoạt động ra sao, lập trình có nghĩa là gì. Tôi không muốn nhận được những lá thư trong đó họ kê ra những sai sót tôi mắc phải. Tất nhiên ai cũng có thể sai sót, nhưng dù sao tôi không thể như người hoàn toàn không hiểu biết gì. Càng có tuổi, người ta càng biết ít. Khi hai mươi, hai hai tuổi anh còn hiểu dòng chảy chủ đạo của văn hóa, vì anh dự phần vào đó, anh biết nhiều hơn về thế giới. Đến nay bao nhiêu việc đã diễn ra, ít nhất là ba bốn thế hệ đã lớn lên, và mỗi thế hệ đều có những ấn tượng, những kinh nghiệm sống, những đổi mới của riêng họ. Tôi không muốn chỉ viết về lớp già, nhưng khi viết về tuổi trẻ, thỉnh thoảng tôi sửng sốt nhận ra mình thực sự không hiểu họ. Điều này cũng giống như, chẳng hạn, tôi viết vài toang về một nhân vật người Pháp, nhưng rồi sau đó tôi cạn kiến thức về người Pháp. Tóm lại, năm tháng qua đi, hư cấu mỗi ngày một khó khăn hơn, và ta đánh mất sự lạc quan của mình.

Với một nhà văn năng suất như ông, điều này nghe ra có vẻ khá buồn. Ông đã mệt mỏi hay đơn giản là đã cạn kiệt những điều muốn viết?

Tôi vẫn rất lạc quan. Thời trẻ khi viết Rabbit Run và vài tiểu thuyết khác tôi nghĩ mình viết những điều trước mình chưa ai viết. Đó là cuộc sống ở Mỹ vào những năm năm mươi. Tôi hiểu biết nó vì sống trong những năm tháng ấy và chưa ai viết về nó. Nhưng những điều hiện nay tôi muốn viết thì người ta đã viết cả. Tất nhiên hiện nay tôi vẫn có những điều muốn nói, nhưng tôi không còn cảm thấy mình tràn đầy những gì muốn gửi gắm.

Ông có số lượng độc giả khổng lồ trên khắp thế giới. Khi viết một cuốn sách, ông có nghĩ nhiều về sự kỳ vọng của số đông độc giả ấy không?

Khi viết, tôi không bao giờ quên người ta sẽ đọc cuốn sách, nhưng tôi cố không nghĩ có bao nhiêu người sẽ mua sách, và nó sẽ được đánh giá như thế nào. Dầu vậy, tôi cũng rất khắt khe với bản thân. Tôi đọc phần lớn các bài phê bình, không đọc hết, nhưng đa phần. Tôi biết rõ là thực ra, có thể tìm ra sai sót trong mọi cuốn sách. Nếu liên tục chú ý đến những hệ lụy và số phận tiếp theo của cuốn sách thì chắc tôi không thể viết nổi, trong đầu luôn đầy ắp những cái đó, cây bút sẽ run lên trong tay. Trong khi viết tôi cố không nghĩ tới điều đó, chỉ tập trung vào viết. Cũng như bây giờ khi nói chuyện với ông, chúng ta ngồi đối diện với nhau, chú ý lẫn nhau.

Mời các bạn đón đọc Thế Giới Là Một Cuốn Sách Mở của tác giả Lévai Balázs & Giáp Văn Chung (dịch).