Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Hẹn Hò Nước Mỹ

ẹn hò nước Mỹ là tâm sự của Nhật Nam từ khi Nam chuẩn bị đi Mỹ du học. Ở đó Nam chia sẻ hành trình của mình từ khi xin học bổng đến khi hòa nhập với cuộc sống một mình ở nước Mỹ. Qua cuốn sách bạn sẽ có cái nhìn thật hơn về cuộc sống của một du học sinh.

Hoàn toàn không đơn giản như mọi người vẫn nhìn thấy những thành tích ở Nam, cuốn sách “hé lộ” cả những thất bại mà Nam đã trải qua và đôi khi là cả tâm trạng buồn đến mức muốn quay trở về nhà của chàng trai này.

Cuốn sách cũng là những góc nhìn của Nam trước những người, những việc rất đỗi bình dị ở nước Mỹ. Những bức ảnh Nam chụp, những bài thơ minh họa cho các bức ảnh đó thể hiện suy ngẫm rất riêng của chàng trai tuổi 15.

Sách cũng chan chứa nỗi niềm yêu thương của Nam dành cho bố mẹ, cho gia đình. Và ta chợt hiểu, đi hết núi sông đồng bãi là sẽ gặp nhà mình.

Và như thế, đọc sách cũng là cách để tìm cảm hứng lên đường và tha thiết tin tưởng vào những gì mình lựa chọn trong cuộc đời này.

***

Ước mơ của con - Niềm vui của bố

Từ ngày Nam còn nhỏ, bố luôn nói với con rằng: Nam lớn nhanh cố gắng phấn đấu để được đi du học nhé.

Và bố bày cái bản đồ thế giới ra trước mặt, bố mỉm cười và khích lệ: Nam chọn đất nước mà mình thích đến để du học đi nào.

Lần nào cũng thế, Nam đều chọn nước Mỹ.

Bố luôn cười xòa, xoa đầu rồi bế bổng Nam lên tay: Ôi chao, cái thằng bé xíu mà thật là chính kiến, lần nào cũng giống nhau cả.

Má Nam đỏ bừng, con khúc khích cười.

Rồi Nam rủ bố chơi trò chơi “xuất ngoại”.

Bố nằm ngửa, để hai bàn chân giả làm máy bay cho Nam ngồi lên rồi bố nâng hai bàn chân của mình “cất cánh”, đưa Nam bay vù lên. Tóc Nam bay lòa xòa. Nam cười nhô hai cái răng thỏ xinh ơi là xinh. Và tiếng cười của Nam lẫn trong lời bố giả làm tiếp viên: Phi cơ chở giáo sư Đỗ Nhật Nam đi Mỹ thỉnh giảng về thăm bố mẹ đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Nội Bài…

Ôi chao là những trò chơi thương mến…

Giá mà có phép màu, bố mong ước được trở lại những giây phút đó, có Nam ngồi gọn trên hai chân bố, tóc tơ thơm mềm và nụ cười ngọt như quả ủ chín vào mùa đông lạnh giá. Vị ngọt cứ thấm sâu vào tim bố.

Bố nhớ lần đầu tiên bố cho Nam đi tàu Shinkansen ở Nhật. Con nhỏ xíu đứng cạnh tàu chụp bao nhiêu là ảnh. Khi ấy, bố đã thủ thỉ với con rằng, sau này Nam lớn, Nam sẽ cho bố đi khắp bốn phương trời bằng máy bay, bằng tàu siêu tốc nhé.

Nam gật đầu cái rụp, thò cái ngón tay bé xinh ra ngoéo tay bố, như chắc chắn cho những dự định của hai bố con.

Rồi thơ ấu lùi xa…

Rồi nước Nhật lùi xa…

Chỉ có những ước mơ là mãi mãi còn…

Năm 13 tuổi, một hôm Nam đột ngột tuyên bố: Con sẽ đi du học ở Mỹ bố ạ.

Chao ôi, bố không diễn tả được cảm giác của mình khi ấy. Có chút gì như vui mừng vì con đã sớm trưởng thành lại có chút gì như hụt hẫng chênh chao.

Xa con khi con mới 13 tuổi là điều bố chưa thể hình dung đến, chưa từng tính đến, ngay cả trong những giấc mơ.

Nhưng bố biết, bố khó có thể ngăn cản đam mê của con.

Và cũng bởi như có một sự trùng hợp trong vòng quay số phận, bố cũng đã xa nhà đi học trường chuyên năm 13 tuổi. Và bố đã một mình tự lập bươn chải nỗ lực hết mình từ ngày đó.

Nên bố tin vào sự trùng phùng duyên nợ với con số 13, với cái dấu mốc diệu kỳ ấy…

Và con lên đường trong nỗi nhớ ngác ngơ bần thần của bố.

Đêm đầu tiên khi mẹ đưa con sang Mỹ, một mình bố đánh vật với nỗi thương nhớ cồn cào…

Nỗi thốc nghẹn trong tim khiến bố rã rời.

Bố âm thầm giấu bóng mình vào đêm, như người ta nén một nắm tro âm ỉ cháy. Nỗi nhớ bốc lên từ từ ủ suốt từng chân tóc. Bố đếm bóng đêm qua trùng trùng lớp lớp những kỉ niệm về con.

Và rồi bức ảnh đầu tiên con gửi về, thật kì lạ là ảnh về nước Nhật, khi con dừng chân transit tại sân bay Narita ở Tokyo. Con cười tươi. Như cái ảnh con chụp bên tàu Shinkansen hay cạnh rừng lá đỏ năm nào khi cả nhà mình còn ở bên đó.

Bố thấy lòng mình đã dịu đi rất nhiều.

Rồi con gửi tặng bố mẹ nhiều ảnh về nước Mỹ, về nơi con sống. Kì lạ là ảnh nào bố cũng thấy đôi mắt con buồn rươm rướm. Bố đã thương con biết mấy. Nhưng bố luôn tự nhủ là bố tin vào sự gắng gỏi của con.

Và rồi đúng như bố nghĩ, con liên tiếp đạt những giải thưởng, những thành tích đáng ghi nhận ngay từ năm học đầu tiên.

Đến tận năm thứ hai con vào trường mới, bố mới sang được nước Mỹ cùng con.

Nước Mỹ đón bố bằng mùa thu vàng lá. Nó cho bố cảm giác như nước Nhật năm nào. Nên bố thấy nước Mỹ xa xôi mà thật gụi gần.

Lần đầu tiên được đến ngôi trường của con, lòng bố đã tràn ngập niềm vui.

Trường con đẹp như một bức tranh. Mọi thứ ấm áp và thân thiện quá.

Bố vui mừng biết bao khi nghĩ đến con sẽ có những năm tháng sinh sống và học tập ở nơi này.

Và chính trong khung cảnh đó, trong sự yêu thương đùm bọc của thầy cô, con tiếp tục được phát huy những sở thích của mình.

Con học hát, con đi thi hợp xướng, con chụp ảnh, con tham gia các câu lạc bộ, con làm thơ, con viết văn, con chơi đàn… Con làm tất cả những điều đó nhẹ nhàng đầy niềm vui sống.

Con muốn truyền tất cả những điều đó đến với bạn bè, đến với những ai cùng nuôi dưỡng ước mơ du học như con.

Qua những cuốn sách con viết. Từ Đường xa con hát đến Hát cùng những vì sao… Và bây giờ là Hẹn hò nước Mỹ.

Nước Mỹ qua cách nhìn của con khác với cách nhìn của bố hay của mẹ.

Nó tràn đầy những điều mới mẻ, tràn đầy những điều thú vị, tràn đầy niềm lạc quan khám phá, tìm tòi…

Con đã hẹn với nước Mỹ như người ta hẹn một tình yêu. Con đã hẹn với nước Mỹ như người ta hẹn một nỗi mong chờ dịu dàng tha thiết…

Và rồi con đã đến.

Và rồi con lại nhớ về ngôi nhà mình, nơi có giàn hoa tường vi nở âm thầm, nơi có mẹ ngồi đọc sách bên cửa sổ và nơi có bố âm thầm quay bóng nhớ vào đêm.

Tất cả những điều đó, khi đọc Hẹn hò nước Mỹ bố mới được biết, bố mới chạm được vào góc tâm hồn bé bỏng của con.

Nên bố thương lắm, bố yêu cuốn sách này lắm lắm. Nó như một ánh mắt ngộ nghĩnh tròn đầy khao khát mở ra trước cuộc đời này.

Bố may mắn được làm biên tập cho tất cả những cuốn sách con từng viết, nhưng cuốn này bố thấy thú vị nhất. Vì rất nhiều điều bố mới biết lần đầu, về con, về nước Mỹ.

Nên bố ước ao có nhiều bạn trẻ đọc được cuốn sách này, đọc và xem, đọc và nghĩ để cảm nhận và để nuôi trong mình những ước mơ.

Để mang trong mình một cuộc hẹn…

Với tương lai…

Cảm ơn con, chàng trai của bố!

Đỗ Xuân Thảo

Mời các bạn đón đọc Hẹn Hò Nước Mỹ của tác giả Đỗ Nhật Nam.