Tập truyện Xa Xôi Thôn Ngựa Già của nhà văn Ma Văn Kháng một lần nữa cho người đọc thấy cái nhìn đa chiều về những mặt tích cực cũng như tiêu cực của đời sống xã hội.
Nhà văn không ngại đào sâu đến những khía cạnh gai góc của hiện thực như con đường tiếp nhận tôn giáo hãy còn nhiều chông gai, thử thách của người dân tộc thiểu số; những mâu thuẫn giữa sự cống hiến hết mình cho cách mạng, cho đất nước với hạnh phúc riêng của mỗi con người; hay những ảo tưởng về vai trò cá nhân đến nỗi trở thành “hoang tưởng như một chàng hiệp sĩ đã lạc thời”…
Câu chuyện về một cha xứ đi mở mang nước Chúa ở vùng đồng bào dân tộc Mông (Cố Vinh, người xứ lạ). Ông đã cống hiến bằng cả trái tim và tâm hồn, bằng “cái đam mê của kẻ tạo vĩ nghiệp ở bước khởi đầu” nhưng lại có một kết cục buồn thảm vì đã sống thành thật với chính mình… Câu chuyện khiến người đọc băn khoăn day dứt về số phận bi đát của hệ thống tín ngưỡng xa lạ và nhiều khi chưa thực sự bám sát đời sống con người…
Người phụ nữ xinh đẹp Seo Ly được miêu tả như một trang tuyệt sắc xứ Mèo “mắt nàng biếc xanh màu núi lung liêng, môi nàng hé mở đầy vẻ mời mọc gợi tình…” (Seo Ly, kẻ khuấy động tình trường). Nàng gây nên những bi hài kịch và những vụ “thăng giáng” của các vị chức sắc nhất nhì trong huyện lỵ, để từ đó những âm mưu, toan tính có cơ hội được hé lộ, phơi bày…
Những hiểu biết tinh tường về đời sống văn hóa người dân vùng núi được thể hiện qua lời văn mộc mạc, giản dị của một tác giả đã “nhập cuộc, dân thân và sống hết mình với đời sống hiện sinh”. Sau những tủi nhục, mất mát, xót xa… là niềm cảm thông, tin yêu, trân trọng con người và những vấn đề nhân văn cao đẹp.
Ma Văn Kháng bằng cái tâm trong sáng, đôn hậu đã “khuấy động” lòng người mối bận tâm về cảnh đời thế tục và thế thái nhân tình…
***
“Xa xôi thôn Ngựa Già” là tập truyện mới của nhà văn Ma Văn Kháng vừa được xuất bản những ngày đầu tháng 5.
Tác phẩm gồm 06 truyện ngắn: Seo Ly, lể khuấy động tình thường; Thắp một tuần hương; Cố Vinh, người xứ lạ; Cánh bướm tím; Người khổ nhất trần gian và Xa xôi Ngựa Già.
Xa xôi Ngựa Già là câu chuyện kể về ông lão 65 tuổi nhưng vẫn còn rất nhiều nhiệt huyết và đam mê đã tự bỏ tiền đi khắp nơi trên đất nước để có thêm hiểu biết và rồi ông lên Thôn Ngựa Mới (còn gọi là Thôn Ngựa Già) để khai hoang, đưa máy móc vào áp dụng trong sản xuất nông nghiệp ở nơi đây mặc cho mọi người nói ông là kẻ hoang tưởng. Thôn Ngựa Già từ khi ông lên có cuộc sống ấm no, sung túc hơn. Ông được người dân trong Thôn Ngựa Già gọi là "chàng hiệp sĩ", là "bông hoa đức hạnh mang màu lửa" của người dân thôn bản ở đây.
Truyện Cố Vinh, người xứ lạ kể lại câu chuyện về một cha xứ đi mở mang nước Chúa ở vùng đồng bào dân tộc Mông. Ông đã cống hiến bằng cả trái tim và tâm hồn, bằng "cái đam mê của kẻ tạo vĩ nghiệp ở bước khởi đầu" nhưng lại có một kết cục buồn thảm vì đã sống thành thật với chính mình…
Seo Ly, lể khuấy động tình thường là câu chuyện kể về một phụ nữ xinh đẹp tuyệt sắc của xứ Mèo trên đỉnh núi Fansipan. Sắc đẹp của cô tỏa sắc đến mức đã lưu truyền trở thành một trong những truyền kỳ đặc sắc nhất trong vùng, “Mắt nàng biếc xanh màu núi lung liêng, môi nàng hé mở đầy vẻ mời mọc, gợi tình". Nhưng chính Seo Ly cũng là người gây nên những bi hài kịch, những vụ thăng chức, giáng chức của các vị quan chức quan trọng trong huyện lỵ M, để từ đó những âm mưu, toan tính có cơ hội được hé lộ, phơi bày…
Cả tập truyện đã phản ánh hơi thở nóng hổi của cuộc sống đương đại tại những bản làng vùng núi phía Bắc. Bằng ngòi bút am hiểu, đầy tình cảm với nhiều năm gắn bó với đồng bào dân tộc tại miền núi. Nhà văn Ma Văn Kháng đã phác họa những mặt tích cực, tiêu cực, những bề bộn lo toan, bon chen của cuộc sống mưu sinh hiện đại cùng những cảnh đời éo le nhưng vẫn khát khao vươn lên bằng sức sống mãnh liệt ở những bản làng miền núi phía Bắc.
Đọc “Xa xôi thôn Ngựa Già”, người đọc cảm nhận được rất rõ cái nhìn đa chiều về nhiều mặt trong xã hội. Những thử thách chông gai, những mâu thuẫn hay cả sự cống hiến, hạnh phúc riêng của mỗi cá nhân hay hạnh phúc của cả dân tộc đều được lột tả đầy hình ảnh và màu sắc qua từng trang sách.
***
Cửa sổ gác hai nhà anh giáo Vàng Seo Tống nhìn xuống đường phố chính huyện lỵ M, một tỉnh miền núi xa xôi. Đường phố huyện lỵ heo hút này thì có gì mà đáng nói, ngoài phân ngựa khô, phân ngựa tươi và lũ chó lười, khi đùa phỡn, khi ngủ trong nắng hanh vàng vắng ngơ. Thành ra thu hút cái nhìn của con mắt cửa sổ trổ trong bức tường xăm đá nhà Tống phải nói chính là cái tòa nhà đối diện với nó. Bốn cây cột đá tròn dựng nơi tiền sảnh, đội cả một tảng đá lớn trên khắc những chữ Tây cho đến năm ngoái khi ông đội Tơ ở phố này hai năm mươi, thì chẳng còn ai hiểu nghĩa nó là quái quỷ gì, ngoài cái ấn tượng mông lung về một dĩ vãng rất sơ sài và buồn tẻ. Qua tiền sảnh, bước vào một cái sân gạch đỏ như son, chưa kịp gột rửa cảm giác ngợp choáng vì lạ lẫm, khách liền rơi vào tâm trạng tự ti vì thấy quá bé nhỏ so với ba lớp nhà hai tầng vây kín, chế ngự cả khoảng trời xanh bao la trên đầu. Hành lang nối hành lang. Các vòm cửa đắp nổi hình lá nho và con dơi, cùng các mặt sàn lát gỗ lim đen bóng với lò sưởi xây, đem lại cho dinh thự một phong cách châu Âu xa lạ. Nhưng, nhìn hàng tường mặt tiền tòa nhà thao láo các lỗ châu mai, và phía sau, một lô cốt quét vôi vàng cao vọt lên, khách nơi xa đến lại nghĩ nó chính là một trại lính khố xanh, khố đỏ còn sót lại từ thời xứ này thuộc quyền của đạo quan binh thuộc địa thứ tư. Muốn gì thì gì, tòa nhà này cũng là một công trình bền vững, còn lại với thời gian và mang dấu vết thời đại rõ rệt nhất ở trong vùng. Tòa nhà trơ như đá, vững như đồng, thi gan cùng tuế nguyệt. Sau Pháp là Nhật, sau Nhật là Quốc dân đảng. Sau Quốc dân đảng là tên tuổi các thổ ty chúa đất lừng danh, và bây giờ, đóng trụ sở tại đó là ủy ban nhân dân, chính quyền công nông của các dân tộc Mèo huyện nhà.
Khoảng tháng này, quanh cái bàn nhỏ của anh giáo Tống kê gần cửa sổ nọ, Tống có thêm hai người bạn trẻ. Một là bác sĩ Ngôn hai mươi chín tuổi, chưa vợ, đeo kính cận, điển trai, tiêu biểu cho lớp đàn ông ưa phiêu du lãng mạn. Một người là Quốc, một gã trai mới hai mươi nhăm, lùn, vập vạp như đô vật, rất phù hợp với cái nghề kỹ sư nông nghiệp mà anh ta đang dấn thân. Khác với Ngôn, Quốc khô khan, lý tính rõ rệt. Hắn có thể lội ruộng cả ngày. Và đếm quả đậu tương trên các khóm cây nọ ở ruộng thí điểm không bao giờ chán.
Họ chơi với nhau, thân với nhau vì cùng sinh hoạt một chi đoàn. Nhưng sự liên kết về chính trị thật tình cũng chỉ là bước khởi đầu, một cái cớ bề ngoài. Cốt lõi của sự thân thiết là tuy khác nhau lắm lắm về phong độ, tính tình, cả ba đều thấy ở nhau một điểm tương đồng đặc biệt: ấy là sự đam mê, sự sống tận lực, hết mình với cái mà họ yêu quý, tôn thờ. Tuy nhiên, thúc đẩy họ đến đây lại từ một lý do vừa tầm thường, vừa cao cả, nhưng cụ thể và giản đơn hơn nhiều. Cuối cùng thì Ngôn nhìn hai bạn, đắc chí nói rằng: Suy ra thì đối với cái đẹp, đối với người đẹp, một ông kỹ sư xuất thân chân đất, một gã tiểu tư sản thành thị và gã trí thức Mèo gốc là Tống, khác nhau quá lắm cũng không hơn sự khác nhau giữa con chó giữ nhà và con chó đi săn.
Đợi cho Quốc giãn cái mặt hay nhăn nhó vì Ngôn phải chua thêm rằng đó là ý kiến của Phrêđêrích Ăngghen mà hắn đã đọc, đã ghi nhớ từ lâu rồi, Tống mới nhoẻn cười, vào đầu câu chuyện:
- Tôi cam đoan với hai bác rằng, cô ấy là phụ nữ Mèo đẹp nhất mà tôi đã thấy. Tất nhiên là theo mắt tôi, mắt của kẻ đã thấy chín mươi chín ngọn núi, chín mươi chín con suối và chín mươi chín rừng đào.
Quốc chọp chẹp đôi môi dày, chen ngang:
- Cái đẹp, theo tôi, có một cái khung thẩm mỹ, rất rộng. Một người đẹp. Một khu đồng đẹp. Một khóm đậu tương đẹp. Cái đẹp một khi dâng hiến cho con người thì nó mang nhân tính.
Tống giơ tay, hồn nhiên, đầu lắc lắc:
- Tôi chưa nói hết. Tôi đã có dịp quen biết nàng. Nàng đẹp khác thường lắm. Toàn bộ dân ca Mèo nói về người con gái đẹp tôi thuộc cả. Hàng nghìn câu. Nhưng chưa đủ đâu. Lạ lắm, thực đấy mà huyền hoặc đấy. Nói không được mà chỉ cảm được thôi. Thôi, tôi không đủ lời đâu. Kìa, nàng đã ra! Hai bác cứ mục sở thị, rồi hãy phát biểu ý kiến!
Mời các bạn đón đọc Xa Xôi Thôn Ngựa Già của tác giả Ma Văn Kháng.