Người ta nói dối số li đã uống trước khi về nhà. Họ nói dối số lần đi tập gym một tuần, về giá đôi giày mới mua, và cả về chuyện có đọc quyển sách mà họ đã nói hay không. Họ gọi điện báo nghỉ bệnh khi vẫn khỏe như vâm. Họ nói sẽ liên lạc nhưng rồi bặt vô âm tín. Họ nói rằng chuyện không liên quan đến bạn mặc dù có liên quan. Họ nói họ yêu bạn dù rằng họ không hề yêu. Họ nói họ vui dù rằng đang buồn chán. Họ nói họ thích phụ nữ dù thực tế họ thích đàn ông.
Người ta nói dối với bạn bè. Họ nói dối với ông chủ. Họ nói dối với trẻ con. Họ nói dối với cha mẹ. Họ nói dối với bác sĩ. Họ nói dối với chồng. Họ nói dối với vợ. Họ nói dối với chính mình.
EVERYBODY LIES là quyển sách ngay từ khi ra mắt đã tạo nên cú chấn động trong cộng đồng yêu thích những sự thật tréo nghoeo nói chung và ham mê tìm tòi phân tích dữ liệu nói riêng. Tận dụng lợi thế cực mạnh của Dữ Liệu Lớn cùng những phương pháp khai thác dữ liệu vô cùng độc đáo và thông minh, tác giả Seth Stephens-Davidowitz đã làm lộ diện điều mà mỗi người thực sự suy nghĩ tận sâu bên trong tâm hồn.
Liệu bạn có đang nói dối chính mình?
***
Mọi Người Đều Nói Dối là cuốn sách của tác giả Seth Stephen Davidowitz. Ông là một nhà khoa học dữ liệu tại Google, kiêm vai trò giáo sư thỉnh giảng tại đại học Wharton. Seth nổi tiếng với vai trò chuyên gia ứng dụng BigData vào phân tích và thấu hiểu tâm trí con người.
Cuốn sách Mọi Người Đều Nói Dối đưa ra những nghiên cứu thông qua các dữ liệu thu thập được từ Google, Facebook (và thậm chí cả Pornhub) để phơi bày những thói quen và suy nghĩ tưởng là kì lạ nhưng lại rất phổ biến giữa những những người dùng internet.
Sách Mọi Người Đều Nói Dối trở thành New York Times bestseller và là cái tên được tìm kiếm rộng rãi trên các trang Economist, PBS NewsHour hay Amazon.
***
Mỗi ngày, một lượng dữ liệu khổng đồ được đổ vào các trang tìm kiếm, điển hình là Google. Lượng lớn dữ liệu này cho phép chúng ta thực hiện những điều tưởng chừng như không thể thực hiện được. Chúng ta có thể thu được dữ liệu cho những vấn đề mà mình quan tâm, dẫu là nhỏ nhặt nhất. Ta có thể nghiên cứu từ mức độ hạnh phúc của những người dân Mỹ cho đến mối quan hệ giữa việc ly hôn và số bạn bè chung trên Facebook của các cặp đôi.
Dữ liệu lớn đóng vai trò quan trọng, giúp ích cho chúng ta rất nhiều khi muốn so sánh trong thử nghiệm A/B testing. Ví dụ, trong chiến dịch tranh cử của tổng thống Obama vào năm 2008, nhóm cộng sự của ông đã tạo ra một trang web thu hút người quyên góp cho chiến dịch với sự kết hợp giữa nhiều hình ảnh và bố cục khác nhau. Sau một thời gian phân tích, họ có thể nhận thấy phương án trình bày nào hiệu quả nhất và tối ưu phương án đó để tiếp tục chiến dịch tranh cử.
Dữ liệu lớn cũng có thể giúp ích cho chính phủ trong một số công tác quản lý nhất định. Sách Mọi Người Đều Nói Dối lấy ví dụ về trường hợp người dùng internet tìm kiểm từ khóa liên quan đến “tự tử”. Nếu chính phủ được phép nắm bắt dữ liệu này, họ sẽ có thể có những phương án can thiệp kịp thời. Hay đơn giản hơn, nếu từ khóa “các triệu chứng bị cúm” trở nên phổ biến trên Google, chúng ta có thể nắm bắt được sự lây lan của bệnh cúm theo khu vực địa lý và thời gian.
### Tại sao mọi người đều nói dối?
Nhờ vào dữ liệu lớn, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và người ta phát hiện ra rằng, chúng ta đều nói dối.
Khi ngồi một mình trước bàn phím máy tính, con người mới dám thú thật với con người mình: những khát khao thầm kín, những nỗi sợ thầm kín, những bí mật riêng tư. Khi thổ lộ với thanh tìm kiếm của Google, ta không sợ bị ai phán xét, đánh giá mà kết quả trả về lại vô cùng đa dạng và có thể thỏa mãn những nhu cầu cảm xúc của chúng ta.
Thông qua những nghiên cứu về dữ liệu lớn trong Mọi Người Đều Nói Dối, ta nắm bắt được những suy nghĩ thật của người dùng mạng tìm kiếm. Người Mỹ tìm kiếm về porn nhiều hơn cả thời tiết. Nhưng khi tham gia vào khảo sát trực tiếp, chỉ 25% nam giới và 8% nữ giới thừa nhận họ có xem phim ảnh khiêu dâm.
“Họ nói dối số lần đi tập gym một tuần, về giá đôi giày mới mua, và cả về chuyện có đọc quyển sách mà họ đã nói hay không. Họ nói họ yêu bạn dù rằng họ không hề yêu. Họ nói họ vui dù rằng đang buồn chán. Họ nói họ thích phụ nữ dù thực tế họ thích đàn ông.”
Người ta nói dối bạn bè, người yêu, cảnh sát, bác sĩ và thậm chí nói dối chính bản thân mình. Nhưng với Google, họ sẽ nói thật. Người ta có thể thẳng thắn về hôn nhân không tình dục, về sức khỏe tinh thần hay sự thù địch với người da đen.
Trong thế giới dữ liệu lớn ngày càng trở nên khổng lồ, chúng ta đừng giữ những suy nghĩ lối mòn, những thói quen cố hữu mà hay liên tục cập nhật.
Mọi Người Đều Nói Dối chỉ ra rằng, không phải cứ học tại trường danh giá là sẽ có khả năng thành công cao hơn trong tương lai. Đúng là những người xuất thân từ Ivy League đều có những thành công vượt trội (Bill Gate, Mark Zuckerberg,..) nhưng có nhiều người chọn lối đi khác và vẫn thành công xuất chúng. Điển hình là Warren Buffet đã bắt đầu với một trường kinh doanh trong nhóm Ivy League nhưng rồi chuyển qua trường Nebraska Lincoln vì có học phí rẻ hơn.
Thành công trong tương lai của mỗi người sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên chúng ta không thể chỉ đem môi trường giáo dục ra để đánh giá năng lực của mỗi cá nhân.
Vai trò của khoa học xã hội đang ngày càng được đề cao trong cuộc sống của con người. Khoa học tự nhiên có những công thức tóm tắt và ngắn gọn, nhưng khoa học xã hội sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn tới sự thấu hiểu tâm lý, suy nghĩ và hành vi của con người. Một cái nhìn toàn diện sẽ giúp ta thấu hiểu bản thân và thế giới xung quanh để đưa ra những quyết định lý trí hơn.
Mọi Người Đều Nói Dối được nhận xét là một cuốn sách thú vị. Sách đem đến nhiều kiến thức mới mẻ, gần gũi. Đọc sách Mọi Người Đều Nói Dối, bạn sẽ có nhiều giây phút bất ngờ và ngạc nhiên với những kết quả thí nghiệm. Tác giả Seth Davidowitz cũng có lối viêt rất tự nhiên và dí dỏm. Ông tự hỏi bao nhiêu người sẽ đọc hết cuốn sách của mình, liệu họ có hiểu hết được những pha chơi chữ hài hước mà mình đã vắt óc nghiên cứu mấy năm trời hay không.
“Tôi sẽ đi làm vài ba cốc bia với mấy ông bạn và thôi cạy cục viết cái kết luận chết tiệt này đây. Bởi Dữ liệu lớn đã cho tôi biết sự thật rằng, chẳng còn mấy ai đọc tới đoạn kết này.”
“Thông thường, nếu người ta nói với bạn họ sẽ trả nợ cho bạn, họ sẽ không trả. Lời hứa càng quả quyết, họ càng có khả năng thất hứa. Nếu người ta viết “tôi hứa tôi sẽ trả, vậy vì Chúa, hãy giúp tôi,” tức là họ thuộc nhóm ít có khả năng trả nợ nhất. Khi kêu gọi lòng tốt của bạn – giải thích rằng họ cần tiền bởi vì họ có người thân nằm “bệnh viện” – cũng có nghĩa là họ nhiều khả năng sẽ không trả.
Thực vậy, đề cập đến một thành viên trong gia đình – chồng, vợ, con trai, con gái, mẹ hoặc cha – là một dấu hiệu người ta sẽ không trả nợ vay. Một từ khác báo hiệu khả năng xù nợ là “giải thích”, có nghĩa là nếu người ta đang cố gắng giải thích tại sao họ sẽ có thể trả nợ, họ nhiều khả năng sẽ xù luôn…Hứa hẹn và kêu gọi lòng tốt của người cho vay là dấu hiệu rõ ràng họ sẽ xù nợ…
Các học giả đã cho ta một thông tin cực kì giá trị trong việc dự báo xù nợ. Ai mà đề cập đến Chúa thì khả năng xù nợ gấp 2.2 lần. Đây là một trong số các chỉ báo cao nhất rằng người ta sẽ không trả nợ.”
“Nếu có nhiều câu hỏi đặt ra tại một cuộc hẹn hò, ít có khả năng cả hai bên nam nữ sẽ đổ nhau. … Ở cuộc hẹn đầu, hầu hết các câu hỏi là dấu hiệu của sự buồn chán. “Anh có sở thích gì không?” “em có bao nhiêu anh chị em?” Đây là những thứ người ta hay nói khi không có chuyện gì để nói.”
“Bạn nghĩ cái gì sẽ liên quan mật thiết với tình trạng thất nghiệp? …Tìm kiếm thường xuyên nhất (trong thời kỳ thất nghiệp trên Google) là một trang khiêu dâm. Mới nhìn thì có vẻ kì lạ, nhưng những người thất nghiệp thường có nhiều thời gian rảnh. Nhiều người nằm bẹp ở nhà, đơn độc và buồn chán….Theo dõi từ khóa “S***load” hoặc “Spider Solitaire” là cách tốt nhất để dự báo tỷ lệ thất nghiệp.”
Ai cũng nói dối, nhưng việc đó không đáng buồn. Hãy đọc cuốn sách Mọi Người Đều Nói Dối để tìm hiểu thêm thật nhiều kiến thức thú vị về dữ liệu lớn và tâm lý học hành vi để không lạc hậu trong kỷ nguyên của BigData bạn nhé.
Mời các bạn đón đọc Mọi Người Đều Nói Dối - Dữ Liệu Lớn, Dữ Liệu Mới Và Những Điều Internet Tiết Lộ Về Chính Chúng Ta của tác giả Seth Stephens-Davidowitz.