Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Quỷ Sứ Cũng Phải Dè Chừng

Một vụ hành quyết man rợ trong khu ngoại ô hoang vắng ở Paris đã mở đầu cho một chuỗi những tình tiết được sắp đặt để dẫn tới một thảm họa toàn cầu, khi trào lưu của thứ ma túy chết người đe dọa nhận chìm nước Anh những năm sáu mươi; một chiếc máy bay dân dụng của Anh bị mất tích trên vùng trời Iraq và tiếng sấm của cuộc chiến tranh đang vang rền khắp vùng Trung Đông…
Bond đã tìm thấy kẻ đồng lõa tự nguyện trong dáng hình của một phụ nữ Paris xinh đẹp và quyến rũ tên là Scarlett Papava. Chàng sẽ phải cần tới mọi sự trợ giúp của nàng trong trận đấu sinh tử với kẻ thù nguy hiểm nhất - đó là kẻ luôn sẵn lòng nhảy múa với cả quỷ sứ.
Bond đã trở lại. Cùng sự báo thù

Phiên bản mới này là phần tiếp theo đầy uy lực của di sản James Bond - một chương mới rất giật gân trong cuộc đời của một điệp viên hình tượng nhất trong văn học và phim ảnh.
"Việc một người viết tiểu thuyết tầm cỡ như Faulks, chứ không phải ai khác, mang vào mình chiếc áo khoác của Fleming là sự tôn kính phù hợp nhất đối với một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nước Anh chuyên viết về đề tài li kì và giật gân."

Ben Macintyre - The Times

***

Loạt tác phẩm James Bond xoay quanh một nhân vật mật vụ người Anh hư cấu, được sáng tạo bởi nhà văn Ian Fleming vào năm 1953. Fleming đã khắc họa Bond trong 12 cuốn tiểu thuyết và 2 tuyển tập truyện ngắn. Sau khi ông qua đời vào năm 1964, đã có tám tác giả tiếp tục viết tiếp các tác phẩm tiểu thuyết hoặc tiểu thuyết chuyển thể về James Bond, bao gồm: Kingsley Amis, Christopher Wood, John Gardner, Raymond Benson, Sebastian Faulks, Jeffery Deaver, William Boyd và Anthony Horowitz. Forever and a Day của Anthony Horowitz, xuất bản vào tháng 5 năm 2018, là cuốn tiểu thuyết James Bond mới nhất. Ngoài ra, có thể kể đến loạt truyện viết về Bond thời trẻ của Charlie Higson hay Kate Westbrook với bộ ba tiểu thuyết dựa trên cuốn nhật ký của Moneypenny, một nhân vật từng xuất hiện trong loạt truyện.

Nhân vật James Bond còn được biết tới với mã tên 007, được chuyển thể rộng rãi thành các tác phẩm truyền hình, phát thanh, truyện tranh, trò chơi điện tử và phim ảnh. Loạt phim về James Bond hiện đang là loạt phim liên tục dài nhất mọi thời đại và thu về tổng doanh thu 7.04 tỉ đô la Mỹ, trở thành loạt phim có doanh thu cao thứ sáu lịch sử. Nó được khởi đầu vào năm 1962 bằng phần phim Dr. No với ngôi sao Sean Connery trong vai Bond. Tính tới năm 2020, loạt phim do Eon Productions sản xuất đã có 24 phần. Spectre (2015) là bộ phim James Bond gần nhất, có sự tham gia diễn xuất của Daniel Craig với lần thứ tư anh thủ vai mật vụ Bond trong loạt phim của Eon. Ngoài ra, còn có hai tác phẩm độc lập: Casino Royale (một phiên bản giễu nhại ra mắt năm 1967, với sự tham gia của David Niven) và Never Say Never Again (bản làm lại bộ phim do Eon sản xuất trước đó của Thunderball, ra mắt năm 1965, cả hai bản đều có sự tham gia của Connery). Năm 2015, với trị giá ước tính 19.9 tỷ đô la Mỹ, James Bond trở thành một trong những thương hiệu truyền thông có doanh thu cao nhất từ trước tới nay.

Các bộ phim về Bond nổi tiếng bởi một số điểm đặc trưng, như phần nhạc đệm với các bài hát chủ đề đã nhiều lần được đề cử Oscar và chiến thắng hai lần. Vài yếu tố xuyên suốt quan trọng khác bao gồm những chiếc xe hơi của Bond, các khẩu súng của anh và những thiết bị mà anh được Q Branch cung cấp. Mỗi phần phim cũng chú ý khắc họa mối quan hệ của Bond với nhiều phụ nữ khác nhau, đôi khi được gọi là các "Bond girl".

***

Đó là một buổi tối lạnh lẽo ở Paris. Mưa vẫn không ngừng rơi lộp độp trên mái ngói đá đen của những tòa nhà dọc theo những đại lộ và cả trên những căn nhà nhỏ hai mái ở khu Latin. Phía ngoài khách sạn Crillon và khách sạn George 5, nhân viên gác cửa đang huýt gọi những chiếc taxi đến từ trong màn đêm, rồi hối hả chạy tới giương dù che cho những người khách mặc áo lông thú khi họ bước lên xe. Cả một khoảng không bát ngát của quảng trường Concorde ẩn hiện lấp lánh mờ ảo trong cơn mưa ào ạt.

Ở khu Sarselles, một vùng xa phía bắc ngoại ô, Yusuf Hashim đang trú mưa trên hè đường. Trên đầu hắn không phải là mái vòm duyên dáng của cây cầu số Chín, nơi các cặp tình nhân đang túm tụm trú mưa, mà là một mảng bê-tông dài của chiếc ban-công với những cánh cửa rẻ tiền gắn đầy then, mở vào những căn hộ ba phòng cáu bẩn của khu nhà mười tám tầng nhìn xuống một phần đông đúc của quốc lộ N1. Được kiến trúc sư đặt tên là Cầu vồng, song khu nhà được coi là một chốn đáng sợ, ngay cả khi nó tọa lạc trong cái quận khét tiếng này.

Sau sáu năm trời chiến đấu chống lại quân Pháp ở Algeria, cuối cùng Yusuf Hashim cũng bỏ chạy. Hắn trốn đến Paris và tìm được một chỗ ở Arc en Ciel, nơi ba người anh em của hắn sẽ cùng tụ họp vào một lúc thích hợp. Người ta nói rằng chỉ những kẻ sinh ra ở những khu nhà gớm ghiếc mới có thể không do dự khi du thủ du thực, ấy thế mà Hashim lại chẳng sợ ai. Hắn đã bắt đầu chuyến liều mạng đầu tiên khi làm việc cho Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria (FLN), lúc mới mười lăm tuổi đầu, bằng vụ đánh bom lửa một trạm bưu điện. Suốt thời gian ở Bắc Phi hoặc ở Paris, hắn chưa hề gặp một ai lại coi cuộc đời độc thân quá giá trị cả. Cuộc đua luôn dành cho kẻ mạnh, và thời gian đã chứng tỏ Hashim cũng mạnh mẽ như ai.

Hắn bước ra ngoài trời mưa, mau lẹ liếc trước liếc sau. Dưới ánh đèn trắng nhạt, khuôn mặt rỗ màu xám nâu với chiếc mũi khoằm to tổ bố nhô ra giữa hai hàng lông mày đen của hắn trông đầy thận trọng. Hắn vỗ nhẹ vào túi sau của chiếc quần lao động màu xanh, nơi có 25.000 đồng franc mới, gói kĩ trong bao xốp. Từ trước đến giờ, đây là món tiền lớn nhất hắn từng giao dịch, do vậy tuy đã từng trải, hắn cũng thấy phải cẩn trọng.

Giấu mình trong bóng tối, hắn liếc nhìn năm sáu lượt xuống chiếc đồng hồ đeo tay. Hắn không bao giờ biết mặt người mà hắn đang đợi vì chẳng bao giờ hắn gặp lại họ lần thứ hai. Đó là một phần xuất sắc của mưu đồ: sau mỗi phi vụ phải dứt điểm ngay với nguồn cung cấp vô tận của đám buôn lậu. Hashim cố gắng giữ an toàn đều đặn trong khi chuyển hàng. Hắn luôn nài nỉ phải thay đổi địa điểm và yêu cầu gặp người giao dịch mới, thế nhưng không phải lúc nào cũng được như ý. Các biện pháp thận trọng thì tốn tiền, và mặc dù đám bạn hàng của Hashim khá liều mạng, song chúng lại hiểu rõ giá trị đường phố về những gì chúng giao dịch. Chẳng kẻ nào trong đường dây lại có thể kiếm đủ tiền để hoạt động một cách tuyệt đối an toàn, chắc chắn chẳng có ai, ngoại trừ một vài gã gộc nhất, đầy quyền lực kiểm soát, đang ở cách xa hàng ngàn dặm cái chỗ hôi thối trong lòng cầu thang, nơi hắn đang đứng.

Mời các bạn đón đọc Quỷ Sứ Cũng Phải Dè Chừng của tác giả Sebastian Faulks & Nguyễn Việt Hải (dịch).