Ngôi Làng Cổ Mộ - Thục Linh
Gồm 2 phần:
Phần 1: Ngôi Làng Cổ Mộ
Phần 2: Cầu Vong Phách
Truyện kể về Hoài, 1 cô gái thành phố phải theo bố mẹ trở về sinh sống tại 1 ngôi làng cổ với những nếp sống kì dị. Càng ở đây lâu, những sự kiện tâm linh xảy ra liên tiếp làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của Hoài. Hoài phải làm gì để chấm dứt cơn ác mộng vô tận ấy?
***
Nếu là một người yêu thích tiểu thuyết kinh dị, bạn sẽ không thể bỏ qua Ngôi làng cổ mộ của tác giả trẻ Thục Linh.
Những chi tiết rùng rợn, những tình huống gay cấn, căng thẳng, sợ hãi, góc nhìn trong cuộc của người đang phải chạy trốn hay đương đầu với những thế lực huyền bí ở Ngôi làng cổ mộ sẽ lôi cuốn bạn không ngừng. Từng câu chữ của Thục Linh sẽ dẫn dắt bạn đọc như lạc vào chính xứ sở u linh trong câu chuyện, trải nghiệm cảm giác ghê rợn một cách chân thực nhất như chính các nhân vật.
Không chỉ dừng lại ở yếu tố kinh dị, điều đặc sắc hơn cả là đằng sau bức màn câu chuyện huyền bí tâm linh, Thục Linh sẽ kể cho độc giả một bức tranh đời thực trần trụi nhất, sự đương đầu giữa cái ác và cái thiện trong cuộc sống, tình yêu thương và xúc cảm bản năng nhất của con người, những giá trị nhân văn mà đôi lúc dường như ta đã vô tình lãng quên…
***
Thục Linh
Cô tốt nghiệp khoa Sư phạm của trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội và hiện đang là giáo viên bộ môn Ngữ văn.
Thục Linh bắt đầu viết truyện từ năm 2017 và nhận được sự quan tâm rất lớn từ các độc giả yêu thích truyện tâm linh trên mạng xã hội. Mỗi tác phẩm của cô đều được độc giả đánh giá cao về đồ li kì, ma mị và tính nhân văn. Ngoài sở thích viết lách, cô còn có niềm đam mê với bộ môn huyền học Tarot và đàn hát, vẽ tranh.
“Ngôi làng cổ mộ” là sách xuất bản đầu tay của tác giả Thục Linh. Ấn phẩm đã bán hết 1000 bản sau 1 tháng ra mắt.
***
Trưa hôm ấy về nhà, tôi thấy mẹ tôi đang khóc. Mẹ gần như hoảng loạn. Bố tôi không có nhà, không biết giờ này ông còn đi đâu.
“Hoài à,…” Mẹ tôi nói trong nước mắt: “Bố con không may mắn, giờ phá sản rồi… Cái nhà này cũng phải bán đi…” Mẹ tôi nấc lên từng cơn: “Mẹ e là… e là… chúng ta phải trở về đấy…”
Thông tin đến tai tôi đột ngột khiến mọi thứ dưới chân tôi sụp xuống. Chúng tôi đã sống ở đây hơn mười năm. Năm nay tôi vào lớp mười một, mười sáu tuổi. Tôi đã quen với nhịp sống của thành phố ồn ã nhộn nhịp này, giờ đột nhiên phải chuyển đi, tôi thực sự không sao chấp nhận nổi.
Tôi ngồi thụp xuống đất dưới chân mẹ, từng dòng nước mắt ứa ra: “Chúng ta… giờ đi đâu hả mẹ…”
“Về… về đó…” Mẹ tôi ôm mặt ra vẻ sợ sệt lắm.
Về đâu cơ?
Mẹ tôi chỉ khóc chứ không thể nói gì thêm.
Tối muộn hôm ấy, bố tôi về nhà. Người ông nồng nặc mùi rượu. Ông nói bằng giọng lè nhè: “Từ giờ đến cuối tuần, dọn hết đi… Người ta đến siết nhà giờ đấy…” Nói rồi ông đi vào phòng.
Tôi cũng trở về phòng, từng bước đi thất thểu. Tôi mở cửa phòng. Căn phòng tối om chỉ có ánh đèn lờ mờ sáng từ ngoài phòng khách hắt vào. Nhi, con em gái tôi đang ngồi vẽ trong lặng lẽ. Năm nay nó mới chín tuổi, học lớp ba. Nó rất thích vẽ, cả căn phòng ngủ nhỏ của hai chị em dán đầy những bức tranh nguệch ngoạc của nó.
“Mọi người sao thế?” Nó hỏi bằng giọng véo von mà không ngoảnh đầu lại.
“Không sao đâu…” Tôi lẩm bẩm rồi nằm vật xuống giường.
Những ngày sau đó chỉ có tôi và mẹ lặng lẽ thu dọn mọi thứ trong nhà, cho vào thùng các tông để chuẩn bị chuyển đi. Bố tôi giam mình trong phòng cả ngày không ra, chỉ đắm chìm trong men rượu. Nhìn ông, tôi vừa thương vừa giận. Những nỗi uất ức cứ nghẹn lên trong họng tôi. Tôi chẳng có tội lỗi gì mà vẫn phải hứng chịu nỗi bất hạnh này. Tôi phải rời xa căn nhà yêu dấu, lớp học với bao nhiêu bạn bè… Giờ tôi sẽ phải tới một nơi khỉ ho cò gáy nào đó không có lấy một chút thân thuộc.
Những ngày sau, tôi chia tay bạn bè trong nước mắt. Ai cũng bất ngờ với tin tôi phải chuyển đi gấp. Thực sự tôi không muốn xa nhóm bạn của tôi…
Đêm trước ngày chuyển, tôi nghe tiếng đồ đạc đổ vỡ vọng ra từ phòng ngủ của bố mẹ. Tôi tò mò tiến lại gần.
“Bắt buộc phải chuyển về đấy sao? Không còn cách nào khác à? Em nghe…” Giọng mẹ tôi vang lên.
“Không về đấy thì về đâu? Tôi hỏi cô, còn chỗ nào để đi nữa?…” Bố tôi gắt lên.
“Anh biết là không tốt cho bọn trẻ mà!?”
“Đừng nghe ngóng linh tinh… Giờ còn mỗi căn nhà đấy thôi… Tôi trắng tay rồi!”
Xoảng… nghe đâu như bố tôi bực dọc quật vỡ thứ gì đó trong phòng.
Mẹ tôi im bặt.
Tôi bỏ ra đi thu dọn nốt đống đồ đạc còn lại trong phòng ngủ. Dưới sàn nhà vương vãi những bức tranh của con em gái tôi. Tôi gắt lên: “Đừng bày nữa, không thấy tao dọn chưa đủ mệt sao?”
Con bé trốn sau tấm rèm cửa, cười khinh khích. Tôi nhặt những bức tranh lên. Những bức tranh đều giống giống nhau: Những ngôi nhà san sát nằm trên một ngọn đồi nhỏ, đằng sau là một ngọn núi to. Những người que đang đi đi lại lại ở phía dưới.
Tôi chẳng bận tâm, cho hết vào thùng. Thực sự tôi chỉ muốn ném hết đi nhưng con bé sẽ khóc lóc nếu như không thấy tranh. Nó đã chín tuổi mà nhiều lúc tôi cảm giác như nó mới chỉ bốn, năm vậy.
Sáng hôm sau, gia đình tôi chuyển ra từ sớm. Mọi thứ được chất lên xe rất nhanh. Phải tới hai xe tải mới chở hết đồ trong nhà.
Tôi đứng bần thần ở ngoài cửa, nhìn vào trong gian nhà trống, cổ họng cứ nghẹn lại, mắt nhòe đi. Căn nhà này đã chứa đựng bao kỉ niệm vui buồn của tôi trong suốt mười năm qua. Tôi nhớ những tháng ngày gia đình vui vẻ đầm ấm bên mâm cơm. Giờ tất cả chỉ là hư vô…
“Hoài… Đi thôi con!” Giọng mẹ tôi khàn khàn gọi tôi.
Tôi quay lưng bước đi. Tôi đưa tay đóng cánh cửa lại, khép lại quãng thời gian yên bình nhất cuộc đời mà tôi từng có.
Thực sự tới giờ tôi vẫn chẳng biết là nhà mình sẽ chuyển đi đâu. Tôi chỉ biết là đó là một căn nhà dưới quê mà ông nội đã để lại cho bố tôi. Giờ chẳng còn nơi nào để đi nên nhà tôi sẽ về đó sống.
Chòng chành trên xe rất lâu, chúng tôi nghỉ đêm tại một nhà nghỉ cũ kĩ ven đường quốc lộ. Dự là sáng sớm ngày hôm sau sẽ tới nơi.
Đêm hôm ấy tôi nằm mơ thấy một giấc mơ. Tôi đi lạc trong sương mù. Phía trước tôi là một cô bé, bé tuổi hơn Nhi. Nó dẫn tôi chạy, chạy mãi. Tiếng nó vang vọng trong không gian: “Đi đi… Hoài, đừng về…”
Cơn mơ ngột ngạt làm tôi thức dậy giữa đêm. Biến cố lớn trong cuộc đời làm tôi vẫn chưa hết sốc. Tôi nằm xuống cố ngủ lại, mai còn về nhà mới.
Sáng hôm sau xe đi sớm. Cảnh vật ngày càng hoang sơ, khác xa sự nhộn nhịp của thành phố tôi đã từng ở. Chẳng hiểu sao nhìn từng rặng cây tôi lại cảm thấy vô cùng quen thuộc.
Xe đang leo lên dốc thì Bốp, một tiếng nổ lớn vang lên. Xe đã bị nổ lốp.
“Chết rồi… Không mang lốp dự phòng đâu…” Tài xe gãi gãi đầu đầy bối rối.
“Cũng gần tới nơi rồi…” Bố tôi nói: “Dù sao xe đồ kia cũng lên trước rồi. Giờ từ đây chúng tôi đi bộ. Lát anh gọi người sửa xe đi nhé…”
Nói rồi bố tôi ngoắc ba mẹ con xuống xe. Bố bảo chúng tôi đi trước còn xếp đồ. Ông sẽ ở lại trông xe và giúp bác tài xế.
Tôi, mẹ và Nhi lếch thếch leo lên sườn dốc quanh co. Con đường ngày càng heo hút. Hai bên dày đặc những cây rừng và bụi rậm.
“Lâu quá rồi… chẳng nhớ có đúng không nữa…” Mẹ tôi lẩm bẩm.
Hóa ra bà đã từng về đây rồi à? Đây không phải quê nội cũng chẳng phải quê ngoại của tôi. Chỉ biết ở đây, trong ngôi làng này có một căn nhà mà ông nội để lại cho bố tôi.
“Đây là làng gì hả mẹ?…” Tôi cất tiếng hỏi.
“Làng Thổ Hà, con ạ…”
Tôi im lặng bước đi. Con đường này dường như tôi đã từng đi qua rồi, nhưng chẳng thể nhớ rõ.
Chúng tôi leo lên đỉnh dốc thì ngôi làng hiện ra. San sát bên cạnh nhau là những ngôi nhà mái ngói, hai hay ba tầng. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ít ra nó cũng không quá quê mùa như tôi tưởng tượng. Đằng sau ngôi làng, nằm xa xa là một ngọn núi lớn.
Điều khiến tôi giật mình đó chính là cảnh vật ở ngôi làng Thổ Hà này giống bức tranh của con Nhi một cách gai người. Nó mới có chín tuổi, chắc chắn nó chưa bao giờ về đây.
Tôi bước theo sau mẹ, tiến gần đến ngôi nhà mới của chúng tôi mà tôi không biết rằng tôi đang từng bước lại gần những cơn ác mộng dai dẳng sau này.
Mời các bạn đón đọc Ngôi Làng Cổ Mộ của tác giả Thục Linh.