Tình yêu dối trá là cuốn tiểu thuyết trinh thám trong một chuỗi các tiểu thuyết trinh thám của Kellerman. Cuốn sách được mở đầu bằng một cuốn băng cát–xét gửi cho bác sĩ tâm lý học Alex Delaware, không đề địa chỉ người gửi. Trong băng là những tiếng gào thét điên loạn xen lẫn tiếng trẻ con ê a bốn từ “Tình yêu dối trá, tình yêu dối trá…” Alex cố gắng tìm hiểu, nhưng không hiểu nội dung của cuốn băng đó là gì, cũng không biết ai gửi cho anh và gửi vì lí do gì.
Tuy nhiên, khi nhận được một cú điện thoại lạ lùng, đặc biệt là khi con cá vàng yêu quý của anh bị giết chết, anh nhận ra rằng cuộc sống của anh đang bị đe dọa. Với sự giúp đỡ của người bạn thân – thám tử Milo Sturgis, Alex bắt đầu khám phá ra những tình tiết phức tạp, chồng chéo của các vụ án mạng liên quan đến một cuộc hội thảo khoa học mà anh từng làm đồng chủ tịch cách đây hai mươi năm.
Cuối cùng Delaware phát hiện ra mình đang bị một kẻ giết người bệnh hoạn săn đuổi. Hắn đốt nhà, phá phách và giết người để trả thù cho những sai lầm của người khác đã từng làm hắn đau khổ trong suốt hai mươi năm qua. Sự tham gia của tiến sĩ Delaware, một bác sĩ nhạy cảm, hiểu biết và nhân hậu đã làm cho mọi tội lỗi phải chùn bước.
Đối với độc giả Việt Nam, nhà văn Jonathan Kellerman và những cuốn sách của ông còn rất mới mẻ. Chúng tôi giới thiệu cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông với bạn đọc với mong muốn độc giả Việt Nam sẽ biết thêm về một tác giả và những sáng tác của ông.
***
Jonathan Kellerman sinh năm 1946 tại New York. Ông lớn lên ở Los Angeles, tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Los Angeles, nhận bằng tiến sĩ về tâm lý học lâm sàng tại Trường Đại học Nam California, nơi mà hiện nay ông đang cộng tác giảng dạy. Trước khi nhận học vị tiến sĩ, Kellerman đã từng làm biên tập, giáo viên, vẽ tranh minh họa và sáng tác nhạc. Trong sự nghiệp của ông, với tư cách là một nhà tâm lý học, ông đã đồng sáng lập và điều hành chương trình tâm lý xã hội ở viện nhi Thành phố Los Angeles: lãnh đạo một công ty tư vấn tâm lý, chỉ đạo việc nghiên cứu thuốc và điều chỉnh hành vi. Ngoài vai trò là một nhà văn, ông còn nổi tiếng khắp nước Mỹ như là một chuyên gia về bệnh stress ở trẻ em.
Với hơn hai triệu bản những tiểu thuyết bán chạy nhất, được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhận cả giải Edgar và giải thưởng Anthony, Jonathan Kellerman đã được độc giả tôn là bậc thầy của truyện trinh thám tâm lý đương thời. Ngoài những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như, Khi cành cây gẫy, Thử máu và Trên đỉnh, tiến sĩ Kellerman còn viết hai cuốn sách khoa học nổi tiếng về tâm lý học. Nhiều truyện ngắn và những bài xã luận của ông đã xuất hiện trên các báo, tạp chí nổi tiếng của Mỹ như Tạp chí bí mật, Tạp chí Los Angeles, Thời báo Los Angeles và tờ New week.
Jonathan Kellerman đang sống ở Nam California với người vợ thân yêu của ông, nữ nhà văn Faye Kellerman và bốn người con – ba trai, một gái. Hiện tại ông vẫn đang tiếp tục viết tiểu thuyết về chống tội phạm.
***
Gói hàng gửi đến được bao bằng loại giấy trơn, màu nâu, và được đựng trong một vỏ hộp, cỡ độ bằng cuốn sách. Tôi đoán là một cuốn sách học sinh, hình như tôi đã quên mất là mình đã đặt mua trước đó. Gói hàng nằm trên chiếc bàn lẫn trong đống đơn từ và các bản thông cáo Hội thảo sinh viên ở Hawai trên đường Croix.
Trở lại thư viện, tôi đang cố nghĩ ra việc gì đó để lát nữa sẽ làm, thì Tiffani và Chondra Walace xuất hiện. Đây là cuộc gặp gỡ thứ hai của chúng tôi.
Một năm trước đây, mẹ của hai cô bé đã bị chính người cha mình sát hại trên một ngọn đồi ở cánh rừng mang tên “Ngọn đồi của những Thiên Thần”. Ông ta bảo rằng đó là tội ác của sự đam mê và có lẽ điều đó cũng chẳng có gì lấy làm khó hiểu bởi trong cơn sốc tình cảm kinh hoàng như thế người ta dễ làm như vậy lắm chứ. Qua những tài liệu mà tòa án cung cấp, tôi biết rằng với Ruthanne và Donald Dell Walace chuyện cãi vã, xô xát giữa họ xảy ra như cơm bữa. Bà ta vốn chẳng phải là một phụ nữ cứng rắn, dù cuộc ly hôn của họ đem đến những điều không lấy gì làm tốt đẹp, nhưng bà vẫn dành cho Donald những “tình cảm yêu thương nồng nhiệt”. Vì thế, chẳng ai ngạc nhiên khi thấy ông ta dùng những lời đường mật để dụ bà cùng thưởng ngoạn chuyến du đêm trong cái đêm định mệnh đó, với lời hứa hẹn bữa cơm tối sẽ có món tôm hùm mà bà ưa thích, điều đó có lẽ còn mê hoặc hơn cả hương thơm của “nàng tiêu nâu”.
Ngay khi vừa dừng xe trên một ngọn đồi tối bưng, trông ra phía cánh rừng hai người đã quấn lấy nhau, và từ chỗ âu yếm, tâm tình, tranh luận rồi dần dần biến thành cuộc khẩu chiến, phẫn nộ và cuối cùng họ lao vào cấu xé nhau như hai con thú dữ tranh mồi. Bất ngờ Donald Dell rút ra một con dao, lao tới người phụ nữ vẫn mang họ*của ông ta, đâm ba mươi tư nhát, sau đó hất xác bà ta ra khỏi chiếc xe thùng của mình, và làm rớt chiếc ví kẹp bằng bạc kiểu Ấn Độ, bên trong chứa đầy tiền và cả tấm thẻ hội viên của ông ta tại câu lạc bộ đua mô tô mang tên “Những Thày Tu Sắt”.
Phụ nữ phương Tây, khi lấy chồng mang họ của chồng – ND.
Với tội trạng rõ ràng, bản nghi án đã khiến ông ta bị tống vào nhà tù Folsom mười năm vì tội giết người mức độ hai. Ở đó ông ta được tự do tha thẩn trong một khu vườn cùng với mấy gã bạn tù trước đây là đàn em của anh em nhà Aryan. Tham gia một khóa học máy tự động mà lẽ ra ông ta có thể làm thầy. Trong xưởng làm việc ông ta đã học được những cách cư xử tốt và củng cố được những mặt yếu của mình. Ông ta còn có thể tập thể dục bằng cách chống đẩy, mà có lúc ông ta tập cho đến khi các cơ lồng ngực như muốn vỡ tung ra mới thôi.
Sau bốn tháng ngồi tù, ông ta rất nóng lòng muốn gặp hai cô con gái của mình. Theo luật pháp, ông ta cũng được xem xét các quyền của người làm cha. Ông Stephen Huff, vị thẩm phán tư gia ở L.A.* – một trong những thẩm phán giỏi nhất đã đề nghị tôi xử lý vụ này. Chúng tôi gặp nhau trong phòng làm việc của ông ấy vào một buổi sáng tháng chín. Và trong khi vừa uống cốc nước gừng vừa vuốt lên cái đầu hói trơn bóng của mình, ông ta kể lại toàn bộ chi tiết vụ đó cho tôi. Căn phòng làm việc của ông được ốp bằng gỗ sồi, lâu ngày đã trở nên cũ kỹ, còn đồ đạc trong phòng thì mộc mạc, rẻ tiền. Những bức hình chụp lũ trẻ con ông bày, treo la liệt khắp phòng.
L.A.: Viết tắt của chữ Los Angeles – ND.
Tôi hỏi ông ta:
– Stephen này, ông định khi nào thì gặp họ đấy?
– Tôi sẽ đến thẳng nhà tù, mỗi tháng hai lần.
– Tức là ông sẽ phải đáp máy bay.
– Đúng vậy, mấy người bạn sẽ thu xếp vé cho tôi.
– Bạn thế nào?
– Nếu nói một cách khôi hài thì có thể gọi họ là Hội những người ủng hộ Quỹ Bảo Trợ Gia Đình Donal Dell Wallace.
– Những người bạn hảo tâm quyên góp đúng không?
– Ờ, ờ thì cứ cho là thế đi.
– Tôi hiểu rồi, thế ra là món tiền khích lệ.
Ông ta gượng cười khó nhọc và thoáng vẻ miễn cưỡng:
– Mà đó cũng chẳng phải là vấn đề của chúng ta, đúng không ông Alex.
– Sao nào! Steven? Chẳng lẽ việc không thanh toán tiền pháp lý được là vì ông bố góa ấy đang ngồi tù ư?
– Không phải… mà thôi bỏ chuyện đó đi, thế có gì mới mẻ không? Được rồi, chúng ta chỉ gặp gỡ những đứa trẻ tội nghiệp đôi ba lần nữa thôi, sau đó viết một thông báo nói rằng việc viếng thăm như thế sẽ ảnh hưởng xấu đến tinh thần của bọn trẻ và chúng ta sẽ tạm đình vấn đề này.
– Trong bao lâu?
Ông ta đặt cốc nước gừng xuống và ngắm những hình tròn in ở trôn cốc xuống chiếc bàn, đang từ từ chuyển sang màu đậm do bị thấm nước.
– Tôi có thể đình việc này ít nhất là một năm.
– Sau đó thì sao nào?
– Nếu ông ta thỉnh cầu lần nữa, thì bọn trẻ có thể được xem xét lại và chúng ta phải trì hoãn lần nữa. Trong khi thời gian lại ủng hộ bọn trẻ đúng không? Hy vọng là chúng sẽ càng chín chắn và cứng cỏi hơn.
– Steve à, một năm nữa thì chúng sẽ lên mười, mười một rồi còn gì.
Ông ta chỉnh chiếc cà vạt của mình.
– Alex, tôi có thể kể gì cho anh đây? Vả lại tôi không muốn thấy cảnh lũ trẻ cau có, mếu máo. Tôi sẽ nhờ anh xem xét hộ, vì tôi biết anh có chí khí mạnh mẽ, quyết đoán nên hoàn toàn có thể đảm nhận công việc mà khiến nhiều người phải thoái trí này.
– Nghĩa là người khác cũng có thể đề nghị thăm viếng?
– Có thể quá đi chứ, anh nên xem lại một số ý kiến mà các đồng nghiệp của anh đưa ra. Có lần ai đó đã nói với tôi rằng đôi khi việc để đứa trẻ chứng kiến sự phiền muộn của người mẹ lại là điều hết sức thuận lợi, vì nó dạy cho đứa trẻ hiểu được giá trị của tình cảm đích thực.
– Thôi được rồi – Tôi nói – Nhưng tôi muốn có một sự đánh giá trung thực, chứ không phải chỉ bằng hình thức qua loa cho xong chuyện. Chắc chắn phải là một việc gì hữu ích cho bọn trẻ sau này.
– Liệu pháp tâm lý ư? Sao lại không nhỉ? Được rồi, anh cứ làm bất cứ việc gì anh muốn. Bây giờ anh rút hồ sơ rồi gửi thẳng cho tôi và anh sẽ được trả công, bằng mười lăm ngày làm việc.
– Thế ai sẽ trả đây, những ông bạn hảo tâm à?
– Đừng lo, tôi đảm bảo họ sẽ tăng cổ phần của anh mà.
– Miễn là họ không dúi séc vào tay tôi là được.
– Alex này, chắc tôi chẳng phải lo chuyện đó đâu, bây giờ tình hình đã khá hơn rồi.
*
Cũng như tuần trước, hai cô bé đến rất đúng giờ. Mỗi đứa níu lấy một tay bà ngoại, trông chúng như những chiếc va ly kéo mini.
– Bọn trẻ đến rồi đây – Evelyn Rodriguez thông báo – Bà ta đứng chắn lối cửa ra vào, khẽ đẩy hai đứa nhỏ bước tới.
– Chào hai cháu – Tôi nói.
Tiffani gượng cười. Còn cô chị nhìn xa xăm lơ đãng.
– Chuyến đi tốt đẹp chứ?
Evelyn nhún vai, bặm môi rồi lại thôi… Vừa giữ ghì hai cô bé bà ta vừa kéo chúng lùi lại. Hai cô bé để mặc cho bà kéo đi, song vẫn cố cự lại bằng sức nặng của mình, như thể chúng muốn phản đối bà ta một cách lặng lẽ. Dường như cảm nhận được điều đó Evelyn liền buông lũ trẻ ra, vòng tay khoanh trước ngực, ho vài tiếng rồi quay mặt đi.
Rodriguez là người chồng thứ tư của bà ta. Bà vốn là người Anglo, thân hình mập mạp, dáng vẻ nặng nề, trạc năm mươi tám tuổi, hai khuỷu và các đốt ngón tay đã nhăn nheo, nước da sạm đi vì hút thuốc lá quá nhiều. Còn đôi môi thì mỏng dính, thẳng tuột, tựa như vết chỉ khâu. Bà ta có vẻ rất khó nói chuyện. Nhưng tôi tin là không phải sau cái chết của cô con gái bà ta đâm ra như vậy, mà vốn trước đây tính bà ta đã thế rồi.
Sáng nay, bà mặc một chiếc áo cánh không có cổ và đường nét thì chẳng rõ ràng. Đại thể đó là một chiếc áo vải, in hình hoa cà màu xanh da trời, nó khiến tôi liên tưởng đến một chiếc hộp giấy thơm được trang trí loè loẹt. Chiếc áo cuộn lên, xổ ra và trùm xuống chiếc quần Jeans màu đen được trang trí viền đỏ. Đôi giày tennis màu xanh da trời của bà lốm đốm những vết bợt trắng. Tóc bà ta cắt ngắn và để lượn sóng. Phần trên ngọn, bạc như râu ngô còn phần chân tóc thì đen thẫm. Những lỗ đeo khuyên tai đã làm hai dái tai nhăn nheo chảy xệ xuống. Nhưng bà Evelyn lại không đeo đồ trang sức. Phía sau hai tròng kính, đôi mắt bà vẫn chẳng thèm ngó vào mắt tôi.
Mời các bạn đón đọc Tình Yêu Dối Trá của tác giả Jonathan Kellerman.