Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Đam Mê Đắt Giá

Một tác phẩm của Robert Dugoni, người được Tạp chí Providence mệnh danh là “vị vua của dòng văn học trinh thám pháp lý” và được cho là “người kế vị ngai vàng văn học của John Grisham”.

Kavita Mukherjee và Aditi Dasgupta là đôi bạn thân từ thuở ấu thơ, gắn bó mật thiết còn hơn chị em gái. Cùng thuê nhà ở chung, họ vừa tốt nghiệp đại học và cùng nuôi mơ ước sẽ theo đuổi nghiệp học hành để trở thành bác sĩ nhi khoa.

Sau chuyến nghỉ hè mười hai tuần của Aditi về Ấn Độ dự đám cưới họ hàng, cô trở về Mỹ và thông báo một tin động trời với Kavita: Aditi vừa kết hôn ở Ấn Độ và chỉ tới dọn đồ đạc để chuẩn bị theo chồng tới sống ở London. Đây là một cú sốc lớn với Kavita - cô gái trẻ hai mươi tư tuổi vốn kiên quyết phản đối tục lệ kết hôn sắp đặt theo truyền thống Ấn Độ và đang bàng hoàng khi phải xa cách người chị em của mình. Và càng đáng lo hơn khi Kavita hoàn toàn mất tích sau cuộc gặp chia tay với Aditi. Dấu vết để lại trong căn hộ của cô chỉ là chiếc áo sari - món quà của Aditi - trải trên giường, và lá thư của Aditi gửi Kavita đã được bóc ra xem, kèm tờ séc bị xé vụn…

Điều tra viên Tracy Crosswhite vốn đã rất nhạy cảm với khái niệm “người mất tích”, giờ thực sự bị cuốn vào cuộc đua với thời gian để tìm kiếm Kavita. Nhất là khi Tracy có dự cảm bất an rằng đây không phải là một vụ mất tích thông thường.

Những bí mật chết người dần lộ diện, và nhiều điều đáng sợ hơn được vạch trần.

***

Bộ sách Tracy Crosswhite gồm có:

***

Robert Vincent Dugoni là một tác giả người Mỹ hiện đang sống ở Seattle, Washington. Tiểu thuyết của ông đã giành được những vị trí trên New York Times, Wall Street Journal, BookSense và danh sách bán chạy nhất của Amazon. Chúng được bán trên toàn thế giới tại hơn 25 quốc gia.

Tác giả Robert Dugoni khởi đầu trong mảng truyện trinh thám khá muộn (mãi 43 tuổi mới bắt đầu viết sách, còn trước đó ông làm phóng viên và luật sư thực tập), nhưng đã chứng minh cho độc giả thấy ‘gừng càng già càng cay’ là có thật. Tác phẩm ký sự đầu tay của ông viết về điều tra bất công, The Cyanide Canary, đã được bình chọn là cuốn sách phi hư cấu hay nhất năm 2004 của tờ Washington Post. 10 năm sau, ông trở lại với đề tài này một lần nữa thông qua nhân vật nữ cảnh sát Tracy Crosswhite trong cuốn Căn hầm tối.

***

Thú thật rằng mình hơi tiếc nuối vì dù đã biết nhưng lại không để tâm đến tác giả này sớm hơn. Sau khi đọc xong “Đam mê đắt giá”, mình đã tự hỏi: Làm sao mà Robert Dugoni lại thấu hiểu phụ nữ đến thế? Ông viết đơn giản nhưng rất lịch lãm và có chiều sâu, ông viết về những vấn đề nổi cộm trong đời sống nội tâm của nữ giới, ông có cái nhìn đầy cảm thông và ưu ái dành cho thiên chức của những con người nhạy cảm như người mẹ, người vợ…
“Đam mê đắt giá” là cuốn thứ 6 trong series với nhân vật chính là nữ điều tra viên Tracy Cosswhite được xuất bản tiếng Việt. Cấu trúc của truyện là 2 vụ án song song. Ở phần tóm tắt truyện mình chỉ mới nói sơ qua vụ án mà Tracy theo đuổi, vụ án còn lại thuộc về những người đồng đội của cô đảm nhiệm. 2 vụ án khác nhau về tính chất, nhưng điểm liên kết chính là những con người cùng thuộc Đội điều tra chống tội phạm Bạo Lực ở thành phố Seattle. Thực sự rất lấy làm cảm mến cái cách Dugoni xây dựng tiểu thuyết trinh thám nhưng vẫn không quên miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật, đằng sau bản chất nghề nghiệp của họ thì họ vẫn còn những cá tính đáng quý thứ 2 với gia đình và bạn bè ở cuộc sống đời thường.
Trong vụ án tìm kiếm cô gái xinh đẹp Kavita mất tích, có thể nói rằng dù không phải dựa trên câu chuyện có thật ngoài đời, nhưng buồn thay nền tảng cơ sở của cốt truyện lại rất bi thảm và chân thực. Một minh chứng rõ ràng về văn hoá có phần cứng nhắc, cổ hủ, tồn tại lâu đời của Ấn Độ: đó chính là hôn nhân sắp đặt. Vị thế của một người con gái ở Quốc gia này, một khi còn độc thân, thì bất kể là sinh ra trong gia đình giàu hay nghèo, cô ấy vẫn không có quyền tự định đoạt hạnh phúc của đời mình. Ngay cả khi sống ở một quốc gia khác, tư tưởng cội rễ này vẫn bám chặt vào tiềm thức của họ. Nhưng nếu để xét đến một nền văn hoá hiện đại hơn, nước Mỹ chẳng hạn, thì những cuộc hôn nhân hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện liệu có mang đến sự tích cực tuyệt đối hơn không? Khi tỉ lệ ly hôn ở nước Mỹ vẫn cao ngất ngưởng so với Ấn độ?
Một vấn nạn nữa được khai thác trong “Đam mê đắt giá” đó chính là sugardating. Các bạn có thể hiểu rõ khái niệm này hơn khi đọc cuốn sách này nhé, đây là một khái niệm vừa thú vị vừa ẩn chứa nguy hiểm giữa thời đại công nghệ thông tin bùng nổ mà Dugoni đã rất khéo léo đưa nó vào tiểu thuyết bối cảnh hiện đại.
Những hệ luỵ tiềm tàng nào có thể xảy đến nếu như phụ nữ sống trong một xã hội với nhiều định kiến, thiếu tính rạch ròi về quan hệ tình cảm, lại rất gần với nguy cơ bị lạm dụng?
Và như đã nói ở trên, vụ án song song mà đồng đội của Tracy phụ trách mang một tính chất khác, một đặc tính tiêu cực của xã hội mà bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt: Tội phạm ma tuý! Seattle không giống với Gotham - nơi mà tội phạm mọc lên như nấm, hỗn loạn, nhơ bẩn và đen tối từ bên trong. Seattle là nơi tập trung nhiều dân cư Tây Ban Nha, Mexico, những yếu tố quen thuộc trong vấn đề buôn bán, tiêu thụ ma tuý sang biên giới. Cộng đồng của những thành phần cực đoan bởi nạn phân biệt chủng tộc, nơi đặc thù tồn tại các băng đảng xã hội đen luôn xem Cảnh sát là kẻ thù số 1, nơi mà súng đạn có thể xả vào bất cứ người dân nào với mục đích “lấy số má” để tồn tại.
Mặc dù theo đuổi 2 vụ án không giống nhau, nhưng ở cả 2 diễn biến, mình đều thích thú và cảm phục những con người đại diện cho chính nghĩa được xây dựng nên trong truyện. Một Tracy với linh cảm nhạy bén và sự mẫn cán đáng nể trong công việc. Một người phụ nữ tinh tế, giàu tình cảm mỗi lần trước khi cô gặp mặt gia đình nạn nhân. Cái cách Tracy đeo đuổi sự việc không ngừng nghỉ, cách cô hy sinh thời gian và sức khoẻ của bản thân để dành điều tốt đẹp cho đồng đội của mình nói lên nhân cách tuyệt vời của cô. Cùng với đó, là 2 điều tra viên Faz và Del. Hai thành viên tích cực, ưu tú của Đội điều tra tội phạm bạo lực thành phố. Hai người đàn ông vui tính và lịch thiệp luôn mang đến nguồn năng lượng tốt đẹp cho những người xung quanh dù đã có lúc họ có thể sẽ mất mạng vì công việc.
Nhìn chung, “Đam mê đắt giá” được làm tốt cả về dịch thuật lẫn biên tập. Cốt truyện dễ đọc và dễ chịu. Tác giả sẽ không xoáy vào trái tim bạn bằng việc miêu tả những chi tiết dễ gây ám ảnh hay thương tâm, ngược lại ánh sáng của công lý luôn được thực thi. Dugoni có trái tim ấm áp và nhiều hiểu biết để viết nên một cuốn sách dành cho tất cả những ai sống lành mạnh và quý trọng tình cảm giữa người với người.

***

Tác giả: Robert Dugoni. Dịch giả: Khánh An

Thể loại: Trinh thám pháp lý
.
.
“Thiên chức làm cha làm mẹ không phải là điều dành cho những kẻ hèn nhát hay bạc nhược. Làm một người cha hay một người mẹ nghĩa là không chỉ phơi bày một phần trái tim mình trước niềm vui và niềm hạnh phúc vô bờ bến, mà còn có nguy cơ phải phơi bày trái tim mình trước sự tuyệt vọng và nỗi đớn đau không thể diễn tả bằng lời”.
Mỗi khi cảm thấy buồn buồn + chán đọc, tôi lại chọn một cuốn Robert Dugoni trong số những cuốn mình có để tự vực dậy tinh thần, trừ cuốn “Hơi thở cuối cùng” vì nó không hay. Lần này, tôi chọn đọc “Đam mê đắt giá” vì bìa đẹp và vì chưa đọc bao giờ. Trong lúc đọc, đúng là văn phong và lối xây dựng cốt truyện quen thuộc của bác Dugoni đã khiến tôi được giải khuây đôi chút, nhưng đến gần cuối truyện thì tâm trạng tôi càng chìm nghỉm hơn nữa, kèm theo là sự đau xót và tức giận cho thân phận phụ nữ nói chung và phụ nữ Ấn Độ nói riêng.

Những ai đã đọc từ đầu loạt truyện của Robert Dugoni về nhân vật Tracy Crosswhite hẳn không còn xa lạ gì với các đồng nghiệp điều tra viên án mạng và người chồng luật sư của cô. Trong cuốn này, hai trong số các đồng nghiệp của Tracy đang điều tra vụ sát hại một người phụ nữ là mẹ của hai đứa con nhỏ. Vụ giết người nghi có dính líu đến một tổ chức buôn bán ma túy, nạn nhân là nhà hoạt động xã hội đã dũng cảm chống lại các băng đảng và ma túy, nỗ lực làm mọi cách để đem lại cuộc sống bình yên cho cư dân trong vùng. Bản thân Tracy thì bước vào cuộc truy tìm Kavita – một cô gái trẻ Ấn Độ bị thông báo mất tích. Kavita và Aditi là hai người bạn thân từ nhỏ, sống cùng phòng ở ký túc xá sinh viên. Sau khi Aditi trở về từ kỳ nghỉ dài tại Ấn Độ và thông báo mình đã kết hôn với một người đàn ông vừa gặp được một tuần, Kavita đã trải qua các thái cực mãnh liệt của sự giận dữ, đau buồn, thất vọng… Ngay tối hôm đó, cô ấy biến mất. Áp dụng những kiến thức được cập nhật về công nghệ thông tin hiện đại, Tracy cùng đồng nghiệp khẩn trương tìm kiếm cô gái, và phải đối mặt với những xung đột văn hóa, những góc tối tàn nhẫn trong tâm hồn thiển cận của con người.

Tôi thích đọc truyện của Robert Dugoni vì dường như loạt truyện về Tracy Crosswhite được ông viết dành riêng cho đối tượng độc giả nữ. Hiểu biết của ông về tâm lý nữ giới thật đáng nể. Bản thân là một luật sư nên ông luôn tạo được điểm nhấn thành công khi đưa những phân cảnh xét xử ở tòa án vào truyện. Tôi thấy Robert Dugoni hơi giống Jeffery Deaver ở chỗ những quyển sách của họ thường có motip giống nhau, nhưng sự giống nhau ấy không gây nhàm chán cho độc giả vì trong mỗi cuốn lại được đưa vào những yếu tố mới lạ, được cập nhật theo thời cuộc, chứng tỏ sự nghiêm túc, óc sáng tạo và khả năng vận dụng chất xám cao độ của tác giả trong nghiệp viết văn.

Tương tự những cuốn đã được dịch tiếng Việt trong loạt truyện về Tracy Crosswhite, “Đam mê đắt giá” cũng chứa đựng vài câu chuyện song song, những cuộc điều tra diễn ra cùng lúc được thực hiện bởi đội A của Ban Tội Phạm Bạo Lực sở Cảnh sát Seattle. Trong cuốn này, độc giả bắt gặp những vấn đề thời sự nóng bỏng như việc trở thành sugar baby và sugar daddy thông qua các trang web hẹn hò; việc ‘hợp pháp hóa mại dâm để cảnh sát có thể dồn các nguồn lực vào những loại hình tội phạm khác’; việc có con sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sự nghiệp của các bậc cha mẹ như thế nào… Thế nhưng, tôi cho rằng ý tưởng chính xuyên suốt tác phẩm là nêu lên sự khác biệt văn hóa giữa Ấn Độ với Mỹ. Chính sự khác biệt này, được giữ vững một cách cực đoan bởi những con người cổ hủ, đã là nguyên nhân chính đẩy những cô gái trẻ Ấn Độ tài giỏi xinh đẹp vào con đường sống không hạnh phúc, không thành công. Trong truyện có đến vài lần những người Ấn nói với Tracy rằng “Cô sẽ không bao giờ hiểu”. Tôi cũng không hiểu. Tôi cho rằng bất kỳ lĩnh vực nào thuộc về tâm lý, tinh thần thì đều nên được tạo ra và duy trì nhằm mục đích giúp cho cuộc sống con người được hạnh phúc, được bình yên, chứ không phải để đẩy những người con của mình vào đường cùng.

“Từ hồi còn nhỏ, chúng tôi đã nghe người ta nói về chuyện chúng tôi có giá trị thế nào đối với gia đình. Ở Ấn Độ từ trước đến giờ, phụ nữ thường bị gả đi để đổi lấy những món quà và để tuân thủ truyền thống. Hôn nhân đối với chúng tôi là bị chuyển từ một gia đình này sang một gia đình khác. Chúng tôi không được coi trọng bằng những người anh em trai của mình – dù chúng tôi có thông minh hay giàu trí sáng tạo ra sao. Chúng tôi không được coi là bình đẳng với họ. Chúng tôi bị coi là một mặt hàng. Chúng tôi bị coi là những cô dâu”.

Vì yêu thích truyện của Robert Dugoni từ sau cuốn “Trảng đất trống” nên khi đọc các cuốn khác của ông, tôi đều không soi lỗi. Tuy vậy, với cách xây dựng vài vụ án song song trong cùng một quyển, đồng thời còn đưa vào không ít chi tiết về cuộc sống riêng của các nhân vật nên có lẽ những cuốn trinh thám của ông cũng có vài lỗi (cốt truyện, tình tiết), nhưng vì không soi nên tôi không hề phát hiện ra, dù đôi lúc đọc cũng thấy vài chỗ hơi kỳ kỳ, cảm giác như mình đang bị lọt hố. Bên cạnh kimono của Nhật và hanbok của Hàn thì sari của Ấn cũng là một loại trang phục tôi ưa thích và muốn có dịp mặc thử, do đó bìa sách của cuốn “Đam mê đắt giá” thu hút sự chú ý của tôi ngay từ đầu, nên tuy đã hơi chán một chút với loạt truyện về Tracy Crosswhite nhưng tôi vẫn mua đọc. Tổng quan bản dịch Việt không có lỗi chính tả hoặc lỗi in ấn, chữ to rõ dễ đọc, độ hay của nội dung vượt mức tôi mong đợi. Tôi không tán thành lắm với cách dịch tựa đề “Đam mê đắt giá”, từ tựa gốc “A Steep Price” và từ nội dung truyện thì cá nhân tôi sẽ dịch là “Lựa chọn đắt giá”, hoặc nghe tầm thường hơn nhưng sát với nội dung hơn nữa là “Cái giá phải trả”. Để xóa đi cảm giác buồn bã tức giận sau khi đọc, tôi xin gõ lại một trích đoạn ngọt ngào mà tôi ưa thích trong cuốn này:

“Anh muốn em biết rằng anh yêu em. Anh biết là em biết điều đó, nhưng anh muốn em nghe anh nói ra. Và anh biết em đã bảo anh đừng có lải nhải xin lỗi, nhưng anh xin lỗi vì đã không nói thế với em thường xuyên hơn. Em xứng đáng được nghe điều đó. Em xứng đáng được nghe điều đó mỗi ngày. Và anh sẽ bắt đầu nói yêu em mỗi sáng”.

(Sea, 29-1-2021)

P.S.: Tuy rất ổn với các họ tên dài tám âm tiết trong truyện trinh thám Nhật nhưng khi đọc cuốn “Đam mê đắt giá” này tôi liên tục nhầm nhọt sang trồng trọt giữa tên của Aditi và Kavita, tuy vậy tôi lại không muốn gọi tắt là A và K! Tên Ấn Độ nghe có giai điệu thật đấy, nhưng quá khó nhớ.

Cáo Biển Non Xanh


Không biết quyển này có được gọi là hot trong thời gian gần đây không nhưng nó đúng là một quyển sách bõ công chờ đợi Đinh Tị phát hành của Robert Dugoni.

Nằm trong series về nhân vật thanh tra Tracy Crosswhite ( Căn hầm tối – Hơi thở cuối cùng – Trảng đất trống – Mắc kẹt – Cận kề tổ ấm) nhưng các phần có thể đọc riêng lẻ mà không bị ảnh hưởng.
Đam mê đắt giá

ĐAM MÊ ĐẮT GIÁ

Để có thể thực hiện được ước mơ, đam mê của mình họ đã phải trả một cái giá quá đắt. Dugoni đã kể một câu chuyện éo le, bi thảm. Thật buồn và không khỏi suy nghĩ, đau lòng cho sự trớ trêu của câu chuyện.

Đam mê đắt giá vẫn là hai vụ án song song cùng được điều tra. Vụ điều tra vụ bắn Rodgerd ở khu South Park và song song đó là điều tra về vụ mất tích đầy bí ẩn của Kavita Mukherjee.

Mình thật sự rất thích cách xây dựng nhân vật của Robert Dugoni. Các nhân vật mà Dugoni xây dựng rất gần gũi và chân thật. Họ không phải là những anh hùng vĩ đại, họ cũng như bao người bình thường khác, cũng cần phải lựa chọn và đối mặt với những vấn đề không hề dễ dàng của mình.

Cách kể chuyện của Dugoni cũng là điểm mà mình thích. Dugoni lựa chọn cho mình một cách kể đầy cảm thông, chia sẻ, rất tình cảm nhưng cũng không thiếu đi sự bất ngờ, lôi cuốn của một tác phẩm trinh thám. Đam mê đắt giá có cái kết rất bất ngờ, cái kết mà bạn không ngờ tới nhất.

Anh Dan phần này ít đất diễn nhưng vẫn là anh Dan “soái ca”, vẫn là hình tượng người đàn ông đáng mơ ước (mà có lẽ chỉ có trong tiểu thuyết) trong lòng chị em phụ nữ. Anh là một luật sư giỏi, thành đạt và cực kỳ dịu dàng, yêu chiều Tracy. Mừng cho cặp đôi này là hạnh phúc của họ thêm viên mãn khi sau bao cố gắng Tracy cũng đã có một thiên thần bé nhỏ, xinh đẹp mà như cha đỡ đầu cô bé đã nói: “Nếu có bất cứ thằng nhóc nào lảng vảng xung quanh con gái tôi, tôi sẽ đưa ra cho chúng một lời đề nghị mà chúng không thể chối từ”. (????). (Câu này mọi người nghe có thấy quen không?)

Nhìn cái bìa các bạn có thể nhận ra ngay là cô gái mặc sari – trang phục truyền thống của người Ấn Độ và tay đang cầm chiếc điện thoại thông minh phát sáng. Đây là 2 chi tiết cực kỳ liên quan tới tác phẩm nhé. (Liên quan ra sao thì đọc tác phẩm các bạn sẽ hiểu). Bản thân mình vẫn còn bị ám ảnh về việc người phụ nữ Ấn Độ bị lệ thuộc và ràng buộc bởi nhiều lễ giáo khắt khe, cổ hủ. Họ kết hôn theo sự sắp đặt chứ không được lựa chọn, dẫn tới rất nhiều bi kịch. (Con gái giống như món hàng đem gả bán để nhận số tiền hồi môn từ nhà trai)

Được mệnh danh là “ông hoàng của dòng văn học trinh thám pháp đình” nên tác giả đã không quên lồng ghép một cách khéo khéo những luật lệ, quy định pháp luật vào trong tác phẩm.

Tóm lại, Đam mê đắt giá là một tác phẩm hay. Trong series Tracy Crosswhite thì mình thích quyển này thứ hai sau Mắc Kẹt.

Binh Boog

Mời các bạn đón đọc Đam Mê Đắt Giá của tác giả Robert Dugoni & Khánh An (dịch).