Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Trò Chơi Của Ripley

Tom Ripley chỉ quan tâm đến tiền.
Tom Ripley chỉ giết người vô tội.
Tom Ripley chỉ giả vờ hiền lành để người khác quý mến.

Thông qua phần 1 – Quý ngài tài năng và phần 2 – Thế giới ngầm của Ripley, độc giả đã hiểu rõ về quá trình mà Tom Ripley từ một thanh niên “có vẻ hiền lành” trở thành một kẻ sát nhân. Hai phần đầu dường như khiến người đọc cảm thấy đã hiểu rõ về nhân vật này.

Thế nhưng…

Mọi điều bạn nghĩ mình biết về Tom Ripley – nhân vật phản anh hùng được yêu thích nhất của Patricia Highsmith – sắp hoàn toàn thay đổi.
Anh tham gia vào một phi vụ chỉ vị cảm thấy bản thân có trách nhiệm.
Anh trừng trị những kẻ sát nhân.

Nhưng anh vẫn bị người khác ghét đến mức nhổ nước bọt vào mặt.

Và trong trò chơi nguy hiểm này, không còn những tay cảnh sát, thám tử ngờ nghệch. Những tên mafia Ý ra tay dứt khoát và tàn độc sẽ không dễ dàng buông tha cho Tom Ripley. Liệu với quá nhiều biến động xảy ra như vậy, anh có thể bảo toàn tính mạng cho màn đấu trí tiếp theo?

***

REVIEW “TRÒ CHƠI CỦA RIPLEY”
“Hai ô tô đậu trên sân sỏi một cách tùy ý, Tom muốn ngôi nhà của mình trông giống bức tranh một bữa tiệc đang diễn ra huyên náo, đông vui hơn so với thực tế. Dù Tom biết rằng thật ra chuyện này cũng sẽ chẳng cản trở hành động của tụi mafia đâu, nếu chúng định quẳng một quả bom vào, và do đó có thể anh đang đẩy bạn bè mình vào vòng nguy hiểm. Nhưng Tom có cảm tưởng là lũ mafia thích mưu sát anh một cách lặng lẽ hơn: chọn lúc anh ở một mình rồi tấn công anh, có thể là không dùng súng, chỉ cần tấn công đột ngột và gây chết người là đủ”.
Hào hứng chờ quyển thứ 3 trong series Ripley và quả thật không cảm thấy thất vọng sau khi đọc xong. Ripley ở quyển này mang đến những màn giết người trầm tĩnh đến đáng sợ dù ở những chương đầu, một cuộc sống khá yên ả của nhân vật chính hiện ra trước mắt bạn đọc. Nhưng sự thanh bình trong đời sống của Tom chỉ là giây phút thoáng qua, dường như vận mệnh của một kẻ như anh là vậy, nhìn cứ tưởng là hào nhoáng, là nhẹ nhàng sau bao màn giết chóc nhưng ẩn giấu tận cùng đều là mùi máu tanh. Reeves – một người quen cũ của Tom đến tìm anh với mục đích nhờ giết dùm mấy tên mafia. Với cách cảm nhận của mình thì Reeves là một tên có tính cách đáng ghét và ăn hại. Vậy mà Ripley vẫn giúp hắn, nhưng anh nâng tầm lên bằng việc “nhờ cậy” Jonathan Trevanny. Thực chất, đưa Jonathan vào vụ này vì Tom muốn có kẻ thay mình làm, sau đó tâm lý dần chuyển thành muốn có bạn làm chung rồi cuối cùng là chuyển hóa thành tâm lý muốn bảo vệ Jonathan thoát khỏi vụ này. Ban đầu, việc thuyết phục Jonathan Trevanny khá khó khăn nhưng Tom nắm thóp được Jonathan đang cần tiền để chữa bệnh và lo cho gia đình, Reeves thì nhìn nhận Jonathan là một kẻ nhát gan và thiếu ý chí nên sẽ dễ dắt mũi. Một vài chiêu trò về tiền bạc, về sự cám dỗ đã khiến Jonathan rơi vào vòng xoáy phạm pháp mà Ripley vẽ ra. Cũng từ đó, hàng loạt vụ giết người diễn ra và Jonathan đáng thương cứ bị cuốn theo như thế, không thể nào tách ra được.
Về mạch truyện, “Trò chơi của Ripley” thực sự rất cuốn vì ban đầu cứ thư thả, nhẹ nhàng, dần dần chuyển nhanh và đẩy cao trào một cách trọn vẹn. Những vụ ám sát xảy ra khá nhiều, cảm giác những cái chết của mấy tên mafia đến nhanh chóng và hồi hộp vô cùng. Nhân vật Tom ở phần 3 này dường như đã bớt “phản anh hùng” hơn hai quyển trước. Thứ nhất là ở tâm lý chỉ giết kẻ xấu, không giết người tốt nữa – một sự chuyển biến khá tích cực mà Patricia Highsmith đã dựng lên khá hay trong câu chuyện lần này. Thứ hai là cảm giác ăn năn khi kéo Jonathan Trevanny vào vụ việc ám toán lũ mafia. Sự hối hận này không giúp Jonathan thoát khỏi những rắc rối giết chóc nhưng cũng phần nào có thêm sự hỗ trợ để tránh những hiểm nguy chết người khi thực hiện “nhiệm vụ”. Dù rằng sau đó kết cục hơi cay đắng nhưng màn xây dựng tâm lý cho Tom ở quyển này đã mang nặng tình nghĩa và tình người hơn. Đây cũng là điểm yếu của quyển sách này vì khác với hai quyển trước, khi tâm lý tội phạm là nghệ thuật đỉnh cao trong cách viết của Highsmith thì ở quyển này, vì “tính tội phạm” của Ripley đã giảm một phần nào đó trong tính cách nên phần diễn tả nội tâm có phần kém hấp dẫn.
Một điểm thú vị mà mình thấy được trong cách sống phức tạp của nhân vật Ripley là Jonathan Trevanny có một sức hút đặc biệt lạ kỳ đối với anh ta. Điều này cũng đã từng xảy ra ở hai quyển trước đó, dường như Tom rất dễ bị ảnh hưởng, bị ám ảnh bởi một người khác. Lần nào cũng vậy, một khuôn mẫu mà anh dễ bị tác động đến, vừa muốn bảo vệ vừa muốn làm hại người đó – vừa ngưỡng mộ vừa muốn phá bỏ để thay thế cái mà bản thân khao khát. Mình không nghĩ điều này là do Tom có tâm lý bệnh hoạn gì nhưng có xuất phát từ tài năng bắt chước, xuất phát từ hoàn cảnh thuở bé mà mãi cho đến tận sau này, Ripley vẫn chưa hề hài lòng về bản thân.
Có lẽ, ở “Trò chơi của Ripley”, ai chết đã không còn quan trọng nữa, vì đối với Tom thì chúng là mafia – là những kẻ đáng phải chết. Và đúng với tinh thần đó, tác giả cũng miêu tả những cái chết một cách chớp nhoáng, kịch tính và không phức tạp tâm trạng của nhân vật chính khi giết người. Đúng là khi chúng ta ở thế giới của một nhân vật chính “phản anh hùng” thì luôn thấy những lý do giết chóc ấy ở một góc độ hợp lý. Sự biện minh chính nghĩa ấy được nâng tầm khá tốt ở quyển sách này và giống như một biểu tượng trưởng thành của Tom vậy. Nếu lần đầu, khi đọc “Quý ngài tài năng”, mình cảm thấy hình ảnh của “Gatsby vĩ đại”; lần hai khi đọc “Thế giới ngầm của Ripley”, mình liên tưởng đến “Bức tranh Dorian Grey” thì lần này, đọc “Trò chơi của Ripley”, mình chẳng liên tưởng đến bất cứ tác phẩm nào nữa, cảm thấy Tom Ripley của phần này khác biệt quá. Thật sự, cốt truyện của quyển này không phải là một chất xúc tác hấp dẫn mà thứ chinh phục bạn đọc chính là hình tượng nhân vật chính đã mang bản sắc cá nhân rất riêng biệt, rất độc đáo, khác đi với chính hắn trong quá khứ và chắc sẽ còn khác biệt nữa ở những quyển sau.
(Trần Nguyễn Phước Thông, FB Trần Thông, 16-11-2020)

***

“Trần đời không thể có một vụ giết người hoàn hảo,” Tom nói với Reeves. “Đó chỉ là một trò chơi tự biên tự diễn, cố gắng khiến nó trở nên hoàn hảo. Tất nhiên anh có thể tranh luận là có rất nhiều vụ án chưa được giải quyết. Hai chuyện này khác nhau.” Tom thấy chán. Anh đi đi lại lại trước lò sưởi nhà mình, bên trong có một ngọn lửa nhỏ nhưng ấm cúng nổ lép bép. Tom cảm thấy cái cách anh vừa nói chuyện có vẻ trịch thượng lại còn bảo thủ. Nhưng vấn đề là, anh không thể giúp Reeves và anh cũng đã nói với anh ta điều đó rồi.

“Phải, không sai,” Reeves nói. Anh ta đang ngồi trên một chiếc ghế bành lụa màu vàng, cơ thể mảnh dẻ chúi về phía trước, hai tay chụm lại giữa đầu gối. Anh ta có khuôn mặt xương xẩu, mái tóc ngắn màu nâu sáng, đôi mắt màu xám lạnh lẽo - không phải một khuôn mặt dễ chịu nhưng có thể được xem là khá đẹp trai nếu không có một vết sẹo dài mười hai phân từ thái dương bên phải vắt ngang qua má và gần chạm đến miệng. Có màu hồng sáng hơn một chút so với da mặt, vết sẹo giống như một tác phẩm khâu vá không lành nghề, hoặc cũng có thể nó chưa bao giờ được khâu lại. Tom chưa một lần hỏi về chuyện đó, nhưng Reeves từng tự nguyện kể lại, “Một cô gái dùng hộp phấn bỏ túi của cô ta gây ra đó. Anh có tưởng tượng nổi không?” (Không, Tom không thể.) Reeves nở một nụ cười buồn bã thoáng qua, một nụ cười hiếm hoi mà Tom nhớ ở anh ta. Vậy nhưng trong một dịp khác, “Tôi bị ngã ngựa - bị kéo lê theo bàn đạp vài thước.” Reeves đã nói vậy với một người khác, nhưng Tom cũng có mặt ở đó. Anh thì nghi là do một con dao cùn trong một trận ẩu đả hết sức hung hãn ở đâu đó gây ra.

Giờ thì Reeves lại muốn Tom đề cử một người để thực hiện một mà có lẽ là hai “vụ giết người đơn giản” và có thể thêm một vụ trộm nữa, cũng rất an toàn và đơn giản. Reeves đã từ Hamburg đến tận Villeperce để nói chuyện với Tom và anh ta sẽ ở qua đêm, rồi ngày mai tới Paris để nói chuyện thêm với một người khác, sau đó mới quay về nhà, hẳn là để suy nghĩ thêm nếu mời chào thất bại. Reeves vốn chỉ làm việc mua bán đồ ăn cắp, nhưng dạo này đã bắt đầu nhúng tay vào thế giới cờ bạc phi pháp của Hamburg, giờ anh ta đang đảm nhận vai trò bảo vệ. Bảo vệ khỏi cái gì? Khỏi lũ cá mập Ý muốn nhảy vào ăn phần. Một gã từng là sát thủ đánh thuê của mafia đã được cử ra làm người thử lửa, ngoài ra còn có một gã nữa có thể đến từ một băng đảng khác, Reeves nghĩ. Khi trừ khử một hoặc có thể là cả hai kẻ xâm nhập đó, anh ta mong muốn sẽ dập tắt được những nỗ lực trong tương lai của bọn mafia, thêm vào đó là thu hút sự chú ý của cảnh sát Hamburg tới mối hiểm họa này, còn lại để cảnh sát giải quyết nốt việc tống cổ lũ mafia đi. “Bọn nhóc Hamburg đó là một băng đảng đứng đắn,” Reeves đã hùng hồn tuyên bố như vậy. “Có thể những gì chúng làm là phi pháp, việc điều hành vài casino tư, nhưng với câu lạc bộ thì không, vả lại chúng cũng chẳng thu về những khoản lợi nhuận kếch xù. Không giống Las Vegas, hoàn toàn bị mafia thao túng, lại còn ngay dưới mũi đám cảnh sát Mỹ!”

Tom cầm que cời và gạt lửa lại một chỗ cho gọn, đút thêm một khúc gỗ nhỏ được chẻ gọn gàng vào. Giờ là gần sáu giờ tối. Chẳng mấy nữa là đến lúc uống rượu. Mà sao không uống luôn nhỉ? “Anh có muốn.

Bà Annette, quản gia của nhà Ripley, đúng lúc ấy từ bếp vào. “Xin thứ lỗi. Anh Tome, anh có muốn uống rượu luôn không, vì hai anh đã không hề uống trà?”

“Có, cảm ơn bà Annette. Tôi cũng vừa mới nghĩ vậy xong. Bà mời Heloise uống rượu cùng chúng tôi luôn được không?” Tom muốn cô giải tỏa bầu không khí một chút. Trước khi đến sân bay Orly lúc ba giờ chiều để đón Reeves, anh đã dặn Heloise là anh ta muốn nói chuyện riêng với mình, nên cô đã nhẩn nha trong vườn hoặc ở lỳ trên gác cả buổi chiều.

“Anh vẫn không,” Reeves nói với vẻ khẩn thiết và dồn hết hy vọng lần chót, “cân nhắc chuyện tự mình đảm nhận việc đó sao? Anh thấy đấy, anh không có liên hệ nào với thế giới đó hết, đó là điều chúng tôi muốn. Sự an toàn. Sau tất cả, số tiền chín mươi sáu nghìn đô đâu phải là tệ.”

Tom lắc đầu. “Theo một cách nào đó mà nói, tôi có liên hệ với anh còn gì.” Chết tiệt, anh từng giúp Reeves Minot vài việc vặt, như là gửi những món đồ nhỏ bị ăn cắp, lấy lại đồ từ các tuýp kem đánh răng, nơi anh ta đã đút chúng vào, những vật nhỏ xíu như các cuộn vi phim chẳng hạn, được những hành khách mang theo không chút hoài nghi. “Anh nghĩ tôi có thể trốn thoát bao nhiêu phi vụ bí mật như thế này nữa? Tôi còn phải bảo vệ danh tiếng của mình, anh biết đấy.” Tom suýt phì cười khi nói ra câu này, nhưng đồng thời tim anh cũng rộn ràng với một cảm xúc rất thật. Và anh đứng thẳng hơn, ý thức sâu sắc về ngôi nhà hoa lệ mà mình đang sống, về sự tồn tại an toàn của mình hiện giờ, tròn sáu tháng sau sự vụ Derwatt, suýt nữa đã trở thành một thảm kịch. Nhưng anh đã thoát được, chẳng phải chịu hậu quả gì ngoài chút hoài nghi quấn thân. Đi trên làn băng mỏng, đúng thế, nhưng mặt băng chưa vỡ. Tom đã tháp tùng thanh tra người Anh Webster và vài chuyên gia pháp y tới khu rừng ở Salzburg nơi anh đã hỏa thiêu cái xác của người được xem là họa sĩ Derwatt. Cảnh sát cũng hỏi vì sao anh lại đập nát sọ người. Tom vẫn nhăn nhó khi nghĩ lại, vì anh đã làm vậy để cố gắng rải rác và che giấu hàm răng trên. Hàm răng dưới dễ dàng bung ra, và Tom đã chôn nó ở cách đó một đoạn. Nhưng hàm răng trên… Vài chiếc răng đã được một chuyên gia pháp y thu thập lại, nhưng hoàn toàn không có hồ sơ nha khoa của Derwatt từ bất kỳ một nha sĩ nào ở Luân Đôn hết, Derwatt đã sống (như người ta nghĩ) ở Mexico suốt sáu năm trước đó. “Lúc ấy nó có vẻ là một phần của công tác hỏa táng, việc phải làm để giúp anh ấy biến thành tro bụi,” Tom đã trả lời họ như vậy. Cái xác bị đốt thực ra là xác của Bernard. Đúng thế, Tom vẫn thấy rùng mình trước sự nguy hiểm trong thời khắc ấy cũng như hành động đáng kinh sợ của anh, thả một tảng đá lớn xuống cái sọ đã cháy đen. Nhưng ít nhất anh không hề giết Bernard. Bernard Tufts đã tự tử.

Tom nói, “Chắc chắn là trong số những người mà anh quen thì anh có thể tìm được một người làm việc đó chứ.”

“Đúng thế, vậy nhưng họ đều có liên hệ với tôi - nhiều hơn anh. À, những người mà tôi quen thì đều khá tai tiếng,” Reeves nói với giọng đượm vẻ đầu hàng buồn bã. “Anh quen rất nhiều người đáng kính, Tom, những người thật sự trong sạch, những người không thể chê trách.”

Tom bật cười. “Anh định dụ dỗ những người như thế bằng cách nào hả? Thỉnh thoảng tôi lại nghĩ anh mất trí rồi đấy, Reeves.”

“Không! Anh hiểu ý tôi mà. Một người chịu làm vì tiền, chỉ cần tiền mà thôi. Họ không nhất thiết phải là chuyên gia. Chúng tôi sẽ chuẩn bị chu đáo. Nó sẽ giống như… một vụ mưu sát công cộng. Một ai đó mà nếu bị thẩm vấn thì trông anh ta sẽ… hoàn toàn không có khả năng gây ra hành động đó.”

Bà Annette đẩy xe chở rượu vào. Xô đá bạc bóng loáng. Chiếc xe đẩy kêu lọc xọc. Tom đã định tra dầu cho nó mấy tuần nay rồi. Anh có thể giễu cợt Reeves tiếp vì bà Annette, Chúa phù hộ linh hồn bà ta, không hiểu tiếng Anh, nhưng Tom đã chán ngán chủ đề này rồi và thậm chí còn thấy sung sướng khi bà Annette cắt ngang. Bà ta tầm sáu mươi tuổi, gốc Normandy, đường nét đẹp và cơ thể rắn rỏi, một viên ngọc quý trong số những người hầu. Tom không thể tưởng tượng ra Belle Ombre vận hành mà thiếu bà ta.

Mời các bạn đón đọc Trò Chơi Của Ripley của tác giả Patricia Highsmith & Nguyễn Mai Trang (dịch).