Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Tự Sự Của Một Người Làm Khoa Học

"Tôi hân hạnh giới thiệu một cuốn sách mới của tôi có tựa đề là Tự sự của một người làm khoa học. Sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh mới xuất bản tuần vừa qua. Đây là cuốn sách có phần cá nhân trong đó, viết về những gì mình đã trải nghiệm qua, những gì mình đã nghe và thấy, những cảm nhận và tâm tư cá nhân.

Cuốn sách bắt đầu từ một dịp kể chuyện hơn 10 năm trước. Dạo đó, một tờ báo bên Mĩ có mở cuộc thi viết về những mảnh đời trên đất Mĩ, và tôi có tham gia một bài kể chuyện hành trình từ Việt Nam, sang Thái Lan, đi Úc, và sang Mĩ. Đó là một bài viết góp vui với đồng hương, chứ tôi không có hi vọng chiếm giải gì cả. Ấy thế mà đến vòng chung kết thì ban giám khảo cho bài viết một giải thưởng trị giá vài trăm USD (tôi không còn nhớ nữa). Nhiều bạn bè cùng thời ở Thái Lan, Mĩ, và Úc biết tôi, đã viết thư động viên tôi nên viết lại câu chuyện của tôi cho hoàn chỉnh. Họ nói những câu chuyện của tôi cũng chính là những câu chuyện của họ. Nhưng thời gian trôi qua nhanh và tôi cũng quên đề nghị đó.

Bẵng đi một thời gian 10 năm sau, khi có một đề nghị khác, lần này từ một người bạn ở Việt Nam. Đó là anh Nguyễn Công Thắng, một biên tập viên kì cựu cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Anh là người biên tập hai cuốn sách Đi vào nghiên cứu khoa học (Nxb Tổng Hợp, 2011), và Chất lượng giáo dục đại học (Nxb Tổng Hợp, 2011). Anh cũng là độc giả của trang web cá nhân của tôi. Một hôm, tôi đề nghị in thêm một cuốn sách về kĩ năng mềm cho nhà khoa học, nhưng anh đề nghị tôi nên in một cuốn sách gì “nhẹ nhàng” hơn. Tôi không nghĩ ra thế nào là nhẹ nhàng, thì anh gợi ý là những bài viết về quê tôi, những bút kí về bạn bè và người thân, và câu chuyện tôi bươn chải trong thế giới phương Tây như thế nào.

Cũng mất vài tháng suy nghĩ về nội dung để cho ra đời một cuốn sách như thế. Nay thì sách đã in và đang được trình làng cùng bạn đọc nhân ngày Tết Quí Tị (trong Chợ hoa Nguyễn Huệ). Sách gồm 5 phần: Tự sự, người thân và bè bạn, đọc - nghe - cảm nhận, du kí, và trò chuyện. Phần tự sự là những câu chuyện tôi đến Thái Lan và cuộc sống bên Úc. Đáng lẽ câu chuyện dài hơn và sống động hơn trong những năm sau 1975, nhưng có lẽ chưa phải thời điểm kể lại những chuyện không vui đó. Thành ra, câu chuyện giới hạn trong thời ở trại tị nạn và những ngày tháng đầu trên xứ người. Những trải nghiệm về tự học, và kinh nghiệm trong những lần phỏng vấn và đề bạt cũng được thuật lại như là những kỉ niệm cá nhân để người đọc có thể cảm nhận một chút về mảnh đời của người Việt ở thế giới Tây phương ra sao. Tôi nghĩ đó là kỉ niệm của tôi nhưng cũng là những bài học có ích cho các bạn trẻ hơn còn đang trong quá trình … phấn đấu trong những bước thang khoa bảng.

Phần hai viết về những người thân và bạn bè. Trong cuộc sống tôi gặp rất nhiều người thú vị và những người thầy. Một số thì chưa tiện viết ra, nhưng một số thì tôi nghĩ có thể kể lại những kỉ niệm đẹp với họ. Những bạn bè thật ra là những người tôi ngưỡng mộ, đã và chưa gặp ngoài đời. Đó là Bs Võ Thành Phụng, Bs Ngô Thế Vinh, anh Phạm Ngọc Tới, những người chủ trương Quán Cơm 2000, và vài nhạc sĩ tôi rất quí ngoài đời dù chỉ gặp qua có một lần.

Phần ba thật ra là … đọc và nghe. Tôi ham đọc sách từ hồi nhỏ, nên với tôi một ngày không đọc gì là cảm thấy thiếu thốn. Các bạn sẽ biết cảm nghĩ tôi về những tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn và Stephen Oppenheimer. Đáng lẽ còn in thêm vài bài điểm sách khác, nhưng khổ nỗi những cuốn đó chưa được lưu hành ở Việt Nam! Nhạc và cải lương là hai món ăn tinh thần tôi rất mê. Do đó, thỉnh thoảng tôi cũng ghi lại những suy nghĩ cá nhân về nhạc, về cải lương, và chuyện Tết miệt quê.

Phần bốn là phần tôi ghi lại một số cảm nhận trong vài chuyến đi công tác xa. Đi thì nhiều (có thể ví như đi chợ), nhưng có cảm hứng để viết lại thì chẳng bao nhiêu. Có khi viết nhiều, nhưng có thể một số quan điểm chưa thích hợp cho việc in ấn. Các bạn sẽ đọc những chuyến đi của tôi đến Nhật, Thái Lan, xứ ngàn lẻ một đêm, và dĩ nhiên là những chuyến công tác bên nhà. Đây là những ghi chép ở VN từ những 6 năm trước, và bây giờ thì chắc đã khác lắm rồi. Nhưng tôi nghĩ đó là những chứng từ của một thời trên quê hương.

Phần năm là những trò chuyện với phóng viên. Trong thời gian trên dưới 10 năm qua, tôi có cơ duyên tiếp chuyện với khá nhiều bạn trong giới báo chí. Đó là các bạn Phan Xuân Loan, Trần Nguyên, Vĩnh Huy, Lê Ngọc Sơn, Hoàng Hạnh, Lê Viết Thọ, vv thuộc các báo Tuổi Trẻ, Khám Phá, Sinh Viên Việt Nam, Phụ nữ… Những cuộc trò chuyện bây giờ đọc lại mới thấy mình cũng có vài chuyển biến trong suy nghĩ và cách nhìn cuộc đời.

Như tôi viết trong lời nói đầu rằng vì không phải là văn sĩ nên bạn đọc sẽ không tìm thấy những ngôn từ hoa mĩ trong sách. Ngay cả cách diễn đạt bằng tiếng Việt của tôi thỉnh thoảng có vấn đề. Nhưng tất cả chỉ là những tâm tình và cảm nhận cá nhân được giải bày bằng những câu chữ rất thật, có khi hơi dí dỏm."

***

Sau một khoảng thời gian ngắn ngưng đọc sách, mình bắt đầu lại với cuốn này và cuối cùng đã đọc xong.

Mình biết Thầy Tuấn đã lâu, nhưng mới có dịp được gặp Thầy trong một khóa học tại BV Chợ Rẫy vào 07/2018. Sau đó, hình ảnh Thầy trong mình là một người đẳng cấp và hài hướt. Đọc xong cuốn này, mình biết thêm Thầy "trên hết, là một người con đất Việt" như lời Thầy viết. Nhưng buồn thay, hình như có một lần Thầy từng nói: với Úc, họ xem Thầy là dân nhập cư; còn với Việt Nam, Thầy có mang "yếu tố nước ngoài".

Mình rất thích cách Thầy kể chuyện: hài hướt, tự nhiên, phê bình nhưng không phê phán. Thích cách Thầy dù đi đâu cũng nhớ về quê nhà. Cách phân tích và đưa ra nhận định một cách rất hệ thống. Thích cách Thầy kể các câu chuyện về con người, những chuyến đi; từ ngữ đôi khi mộc mạc và rất hài hướt.

Đọc cuốn sách, nó giúp mình có thêm những suy nghĩ về con đường phía trước. Dù sao đi nữa, phải thật quyết tâm, "phải cố hơn người ta ít nhất là 2 cái đầu". Dù phải đi một mình, hay đi chậm, nhưng nhất định phải đi tới cùng.

***

Có nhiều cách để người khác biết về mình, nhưng Nguyễn Văn Tuấn đã chọn cách hiệu quả nhất, đó là kể chuyện. Tôi biết về anh không nhiều, chỉ thông qua những bài anh viết trên báo chí Việt và qua blog của anh, nhưng những gì tôi cảm nhận được, cũng giống cảm nhận của nhiều người, anh là một – nhà – khoa – học – dấn – thân. Và cảm nhận đó càng được khẳng định hơn khi đọc Tự sự của một người làm khoa học (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2013).

Gần 600 trang sách, dù anh gần như không nói gì về công việc mình đang làm – GS y khoa đại học New South Wales (Sydney – Úc) cùng nhiều trọng trách khác đang đảm nhiệm, nhưng người đọc vẫn có thể cảm nhận hình ảnh một – nhà – khoa – học – dấn – thân thông qua những trải nghiệm trong cuộc đời được anh kể lại. Có thể là một chuyến đi mang tính “cột mốc” hay những chuyến du ký; có thể là một lần được đọc (Đọc Bùi Ngọc Tấn), nghe (Tình ca Trịnh Công Sơn) hay cảm nhận (Nhớ nước mắm quê nhà); có thể là cảm xúc về một người thân yêu (Má tôi) hay một người mà anh ngưỡng mộ (Nhớ anh Tới); và không thể không là những gì mà anh tâm huyết bấy lâu nay – khoa học và giáo dục với những góc sáng, tối của nó.

Với Tự sự của một người làm khoa học, người đọc thấy Nguyễn Văn Tuấn có tinh thần khoa học – vì anh phê bình nhưng không chê bai, phản biện nhưng không chỉ trích. Và Nguyễn Văn Tuấn cũng có tinh thần dấn thân – vì anh đề cập đến những sự thật của xã hội Việt hiện nay (đạo đức xuống cấp, ăn cắp học thuật…), chứ không “mũ ni che tai” hoặc “đóng khung trong tháp ngà” như thái độ của không ít người làm khoa học khác.

Đọc Tự sự của một người làm khoa học, người ta có thể “phiền toái” khi tác giả “ôm đồm” nhiều chuyện, đề cập nhiều lĩnh vực, ngoài khoa học còn có văn chương, hội hoạ, thơ ca, văn hoá. Anh biết điều đó chứ, nhưng anh cho rằng “mình quan tâm đến nhiều chuyện” hơn là “nhiều chuyện”. Nhưng, dù “quan tâm đến nhiều chuyện” hay “nhiều chuyện” gì đi nữa, tôi vẫn thích anh như thế. Bởi trước khi anh là một – người – làm – khoa – học, anh phải là một – con – người đã, mà là con người thực sự thì trong cuộc sống có biết bao chuyện để buồn, vui, suy tư, trăn trở, hy vọng…

Đọc Tự sự của một người làm khoa học, người ta thấy Albert Einstein nói có lý: “Một người bắt đầu sống khi anh ta có thể sống vượt ra ngoài bản thân mình”. Một cuốn sách dễ đọc, nhiều cảm xúc, có ích cho mọi người, đặc biệt là người trẻ và người làm khoa học.

Mời các bạn đón đọc Tự Sự Của Một Người Làm Khoa Học của tác giả Nguyễn Văn Tuấn.