Những bài về văn chương trong quyển này đều đã đăng rải rác trong hai tờ báo Ngày-Nay và Chủ-Nhật từ 1939 đến 1940. Bây giờ gom lại in thành sách, chúng tôi tưởng tốt hơn hết là cứ xếp theo thứ tự trước sau, để các bạn đọc có thể theo biết cái giòng tư tưởng của tác giả.
***
Ai nói rằng: “Sáng-tác khó, phê-bình dễ”? Không, phê-bình cũng khó như sáng-tác. Một nhà phê-bình giỏi cũng hiếm như một nhà viết tiểu thuyết giỏi. Nhà phê-bình còn cần đến những đức tính không phải là có nhiều trong lòng người; nhà phê-bình trước hết phải công bình và hiểu được người khác.
Có nhiều nhà phê-bình chỉ phê-bình vì có dịp nói tới mình. Họ có cần gì đến tác-phẩm mà họ phê-bình đâu. Như F. Celine đã nói trong cuốn “Bagatelles pour un massacre”, họ không thể nói tới cái gì khác được cái “bản ngã kiêu ngạo” của họ. Thật là đáng chán khi thấy họ giày vò một tác-phẩm, dùng nó làm một cái bực để nhẩy đi xa.
Nhiệm vụ của nhà phê-bình có lẽ không phải là tìm tòi những tài năng mới. Nhưng trong công việc, nhà phê-bình phải lưu ý hơn đến những tác-phẩm đầu tiên của một nhà văn. Phải cúi mình xuống những tác-phẩm có biểu-lộ một tâm-hồn rung động, một ý-chí sốt-sắng. Tác-phẩm có thể vụng về, có thể non-nớt như tiếng chim mới biết kêu. Nhưng cốt nhất là thấy ở đấy một vẻ sắc riêng, một âm-điệu đặc biệt; cái già giặn của nét bút, cách xếp đặt của cuốn truyện rồi về sau sẽ có. Không thể nhầm được, và nhà phê-bình cũng không có quyền nhầm, trong đó thế nào cũng có cái gì cho ta đoán biết được tài năng về sau này.
Không có gì cảm-động hơn những bước chân hãy còn chập-chững của những người mới-mẻ, bắt đầu đi vào các đường lối tri-thức và của tâm-hồn.
*
**
Bên ta, có bao nhiêu người viết văn, tưởng mình là văn sĩ, là thi sĩ một cách quả dễ dàng. Họ làm thơ để có một bài thơ, viết truyện để có một quyển truyện. Họ không muốn một tỵ cố công nào, họ viết thế nào xong thôi, thế nào cũng được.
Làm thợ, đi buôn còn phải khó nhọc, còn phải học nghề; tại làm sao viết văn lại không muốn học, không muốn cố?
*
**
Những người đó cái gì cũng viết, chỗ nào cũng đăng, làm cho ta chán nản. André Gide thật nói phải khi đã nói: “Nếu họ ít viết đi, ta sẽ thấy thích viết hơn”.
*
**
Nhà văn ấy còn nói câu này nữa: “Có hai mươi cách diễn đạt ý tưởng, nhưng chỉ có một cách là đúng”.
Trước khi đến được cách đúng ấy còn phải bao nhiêu ngày giờ, bao nhiêu khó nhọc, bao nhiêu công tìm. Mà cũng có khi chỉ cần đến chỗ đúng mà thôi. Những nhà văn giá trị ít khi mình lại tự bằng lòng mình. Mỗi câu văn viết ra thường là một dịp cho họ ân hận, băn khoăn.
*
**
Phân biệt sự rung động thật với sự “văn chương” rất là dễ dàng; một ý nghĩ, một hình ảnh, một cảm giác thêm vào - vì nhà văn tưởng là thâm thúy, là đẹp đẽ - không đánh lừa được ai. Cái gì nhà văn không cảm thấy mà bịa ra, nó vẫn có vẻ một vật thừa, một vật và ích. Không bao giờ tự thấy lông mày cô thiếu-nữ giống như nét xuân sơn, mà cứ viết tưởng là hay, nhà văn đó suốt đời chỉ là một người đi vay mượn, một tâm hồn nghèo nàn đem của người khác đi cầm để mua chút danh hão cho mình.
*
**
Trong mục “tin thơ” của báo Tin-Văn (Nouvelles littéraires), ông Robert Honner đã viết:
- “Càng nghĩ tôi càng tự hỏi xem lời khuyên nhủ mà tôi phải bảo, lời khuyên cần nhất, có phải là lời khuyên về một phương diện tinh-thần không: trước hết mình phải thành-thực với mình, không bao giờ nên chịu viết về một đề bởi thấy người khác được hoan nghênh vì nó, nếu chính mình không thấy một cái liên lạc tối cần với đề ấy: không bao giờ nên bắt một hình ảnh nếu mắt mình không trông thấy. Chính những đồ trang sức mượn làm hại nhất cho các nhà thi sĩ”.
Tôi nói cả các nhà văn nữa.
*
**
Sự thành-thực chưa đủ cho nghệ-thuật.
Có thể, nhưng một nhà văn không thành thực, không bao giờ trở nên một nhà văn giá trị. Không phải cứ thành-thực là trở nên một nghệ sĩ. Nhưng một nghệ-sĩ không thành-thực chỉ là một người thợ khéo tay thôi.
Không nên cãi rằng mình thành-thực, nếu mình không thành-thực. Một đôi khi người khác có thể nhận được, nhưng chính ta, ta không bao giờ nhầm cả. Và không có gì đáng bỉ cho một nhà văn hơn là mình tự đối mình.
***
Nhà văn Thạch Lam, tên thật là Nguyễn Tường Vinh (1910 – 1942), sau đó đổi tên thành Nguyễn Tường Lân và lấy bút danh là Thạch Lam. Nguyên quán của ông là tại Hà Nội, ông sống trong một gia đình công chức gốc quan lại trong giai đoạn đất nước sa sút.
Cha của ông là Nguyễn Tường Nhu, sinh năm 1881, là một người thông thạo cả chữ Hán và chữ Pháp, làm Thông Phán Tòa Sứ. Mẹ của Thạch Lam là bà Lê Thị Sâm, con gái cả của Lê Quang Thuật, người gốc Huế, đã 3 đời làm quan võ cùng thời với Huyện Giám (tức ông nội Thạch Lam).
Ông bà Nhu sinh cả thể được 7 người con, trong đó có 6 người con trai và 1 người con gái. Trong 7 người con thì ngoài người con trai tên Tường Thụy làm công chức, tất cả những người con lại ít nhiều đều tham gia và con đường sự nghiệp văn chương. Trong số đó nổi bất nhất có Tường Tam, Tường Long và Tường Vinh (nhà văn Thạch Lam).
Vào năm 1918, ông Nguyễn Tường Nhu cha của nhà văn Thạch Lam mắc bạo bệnh và qua đời. Kể từ đó, một mình mẹ phải mua bán tần tảo để nuôi một người mẹ chồng và 7 đứa con.
Ở Cẩm Giàng, Thạch Lam học tại trường tiểu học Hải Dương, nay là trường tiểu học Tô Hiệu. Cho đến khi người anh cả là Nguyễn Tường Thụy đã học xong ra trường và về dạy học ở Thái Bình, mẹ ông quyết định đưa cả nhà về Thái Bình sinh sống.
Nhưng sống ở đây được 1 năm, làm vẫn không nuôi đủ mấy miệng ăn, mẹ ông lại quyết định dẫn các con về Hà Nội ở nhà thuê và sinh sống ở đây.
Nhiều năm sau đó, Thạch Lam thi đỗ vào trường Cao Đẳng Canh Nông ở Hà Nội, nhưng sau đó một thời gian ông chuyển vào trường trung học Sarraut để học thi Tú tài.
Mời các bạn đón đọc Theo Giòng của tác giả Thạch Lam.