Thể loại: Cổ đại, hoan hỉ oan gia, duyên trời tác hợp, cưới trước yêu sau, cung đình hầu tước, HE
Nhân vật chính: Liễu Ngọc Như, Cố Cửu Tư
Văn án:
Thời cổ đại, nữ nhân chỉ có thể gả cho một người, sau đó là cuộc sống gia đình, giúp chồng dạy con, quản lý nhà cửa.
Vì muón có thể gả cho một phu quân tốt, Liễu Ngọc Như noi theo mọi người, tận lực tu tâm dưỡng tính, trở thành khuê tủ điển phạm suốt mười lăm năm ròng.
Không ngờ được, kết quả lại như công giã tràng, nàng bị buộc gả cho một kẻ ăn chơi trác tiếng có tiếng khắp Dương Châu - Cố Cửu Tư.
Gả cho kẻ như vậy, đời nàng coi như đã bị hủy hoại.
Nhất là gả xong nàng mới phát hiện người này cũng bị ép cưới nàng.
Tâm Liễu Ngọc Như hóa tro tàn, nàng tự nhốt mình trong phòng. Ba ngày sau, nàng giác ngộ một điều.
Gả cho kẻ ăn chơi trác táng thì việc gì phải làm khuê tú nữa?
Vì thế ngày thứ ba sau khi thành hôn, vị khuê tú nổi tiếng dịu dàng ở Dương Châu run rẩy cầm đao, dùng hết dũng khí của cả một đời tiến vào thanh lâu. Nàng nhìn Cố Cửu Tư đang say như chết mà nói, “Đứng lên.”
Từ đó cuộc đời Cố Cửu Tư nhanh chóng thay đổi.
Dù là những tháng ngày ăn chơi hay khi làm quan nhất phẩm, nữ nhân này vẫn đứng bên hắn. Nàng đỡ lấy hắn bằng thân mình mảnh mai yếu đuối và bảo, “Đứng lên.”
Thế nên mặc cho bị róc xương róc thịt, mặc cho giãy giụa đứng lên từ vũng bùn, hắn cũng muốn cắn răng cõng nàng trên lưng đi qua cả đời này.
Với Liễu Ngọc Như mà nói, trong mười lăm năm đầu đời, sống là để tìm một nam nhân tốt. Đến khi gặp được Cố Cửu Tư nàng mới biết nam nhân tốt sẽ khiến nàng hiểu rằng sống là vì chính mình.
Ta nguyện lấy máu thịt này che mưa chắn gió, để váy nàng không vương bụi trần, để thái dương kia chẳng đọng sương.
Ta nguyện hóa thành cơn gió lớn, đưa quân đi vạn dặm.
Một câu giới thiệu vắn tắt: Phu quân ăn chơi trác táng biến thành nam thần.
Cùng đọc truyện nhé!!!!
***
(Review) Trường phong độ – Mặc Thư Bạch
Vừa đọc xong “Trường phong độ”, sợ mọi người vì mấy dòng giới thiệu ngắn ngủi mà bỏ qua một tác phẩm hay nên phải viết vài dòng cho quyển này nè.
Thực tế thì tên và giới thiệu truyện này không thu hút mình, thậm chí mình định bỏ qua vì thấy tag “sủng”, “hoan hỉ”… nên nghĩ nó chỉ thuộc thể loại sủng đơn thuần như những quyển lãng mạn khác, song nhìn thấy tên tác giả là Mặc Thư Bạch thì quyết định nhảy hố luôn.
Mặc Thư Bạch là một trong số ít tác giả có văn phong khá ấn tượng với mình. Không biết có phải vì cùng tần số tâm hồn không mà quyển nào của tác giả này cũng phải vừa cầm khăn giấy sụt sùi vừa bật cười ngô nghê, dù là một bộ giải trí đơn thuần như “Giả quý tộc” hay bộ truyện đã phá vỡ định kiến của mình về thể loại “hệ thống nhân vật” như “Nhân vật phản diện tôi nuôi đều nghẻo” đều là vậy hết.
Trở lại với “Trường phong độ”. Ban đầu mình nghĩ quyển này không có nhiều nội dung, sau đó lướt số trang liền ngạc nhiên tự hỏi: Ủa truyện gì mà dài dữ vậy? Rồi thì mới phát hiện đây đâu đơn thuần là truyện tình yêu, đó còn là bài hùng ca về tuổi trẻ, về tình bạn, về con đường trưởng thành của hai nhân vật chính và những ngừơi bạn cùng trang lứa của mình.
Câu chuyện bắt đầu với những giấc mơ của nữ chính. Liễu Ngọc Như là cô tiểu thư nhà khá giả, sống trong gia đình cha không quan tâm, thiếp thất đè đầu mẹ con nàng. Liễu Ngọc Như chơi với cô bạn xuất thân nhà thư hương Diệp Vận và thường nghe bạn kể về người anh trai là Diệp Thế An, thiếu niên kiệt xuất của thế hệ này. Từ đó, một cô bé mười tuổi như Liễu Ngọc Như đã bắt đầu dồn toàn bộ tâm huyết để được gả cho Diệp Thế An. Nàng lấy lòng Diệp Vận và cả nhà họ Diệp, học trở thành một người đoan trang hiền thục nức tiếng trong thành để xứng với Diệp Thế An. Mục tiêu cuộc đời nàng chỉ có một, đó là lấy được Diệp Thế An. Nhưng rồi như trò đùa của số phận, nàng phải lấy Cố Cửu Tư, gã trai ăn chơi có tiếng trong thành.
Chấp nhận số phận, sau vài đêm suy sụp tinh thần, Liễu Ngọc Như quyết tâm cải tạo Cố Cửu Tư thành một đại trượng phu đầu đội trời chân đạp đất. Nàng rũ bỏ lớp vỏ tiểu thư hiền thục để thay bằng hình tượng đanh đá, bắt hắn đọc sách, bắt hắn thay đổi tâm tính từng bước một. Cố Cửu Tư tuy ăn chơi nhưng lại trọng tình cảm. Hắn cảm thấy có lỗi với nàng nên đành phải nhường nhịn nàng. Nhưng rồi loạn thế xảy ra, thành trấn bị kẻ thù bao vây, trong cảnh cửa nát nhà tan, người thân, bạn bè lần lượt ngã xuống, cả hai chạy trốn đến U Châu. Sau bao phen hoạn noạn, suýt chết vì đói, gặp cướp bóc, phải ăn cỏ cây để sống, rồi chứng kiến cảnh sinh linh đồ thán, cả hai dần trưởng thành. Họ kết thân với những người bạn cả cũ lẫn mới, rồi bắt đầu hành trình xây dựng lý tưởng, vì một thái bình thịnh thế, bá tánh no ấm.
Bối cảnh câu chuyện rất rộng lớn. Hai nhân vật chính đi qua nhiều châu huyện khác nhau, với kịch tính được thúc đẩy dàn trải liên tục, từ chiến tranh, xây dựng thương nghiệp, dựng đê chống lũ, đấu đá gian thần hay quyền đấu trên triều đình, lắm nước mắt, nhưng cũng không ít những nụ cười ngọt ngào. Đó không chỉ là câu chuyện về sự trưởng thành của chàng thiếu niên lông bông Cố Cửu Tư hay sự kiên định thuỷ chung của Liễu Ngọc Như, đó còn là sự lột xác của nàng tiểu thư kiêu kỳ Diệp Vận, sự khôn lớn của gã sơn phỉ Thẩm Minh, hay cuộc đời bi kịch của nhân vật phản diện Lạc Tử Thương.
Đó là câu chuyện mà trong suốt quá trình dõi theo, rất nhiều lần chúng ta phải tự hỏi:
Chúng ta là ai?
Và chúng ta sẽ là ai?
Liệu trên chặng đường trưởng thành này, có khi nào chúng ta sẽ trở thành kiểu người mình từng ghét hay không?
Nam chính Cố Cửu Tư là nhân vật ấn tượng và được chăm chút trong truyện. Khác với hình ảnh những nam chính nam thần lạnh lùng bá đạo thường thấy, xuất phát điểm của Cố Cửu Tư là một công tử ăn chơi, thích đánh bạc, chán học hành, lại thích chống đối cha mẹ. Thế nhưng trong nội tâm chàng thiếu niên này vẫn giữ bản chất lương thiện. Cũng chính vì bản chất lương thiện này đã giúp Cố Cửu Tư từng bước thay đổi, từng bước hình thành lý tưởng và chung thuỷ xây dựng nó.
Thế giới trong trang sách bao giờ cũng đẹp. Lý tưởng nói ra thì dễ, song thực hiện mới thấy gian truân biết bao nhiêu. Quan trường nhiều cám dỗ, quá nhiều tầng lớp thế lực rối ren và âm mưu xảo trá. Rất nhiều lần, Cố Cửu Tư phải đã phải đối mặt với sự lựa chọn: giữ vững tấm lòng thuở ban đầu hay dần dần bị cuộc sống mài mòn, từng bước trở thành con người mình từng chán ghét.
Cả câu chuyện tác giả luôn dành lời ngợi khen của mình cho tấm lòng son sắc vì lê dân trăm họ của Cố Cửu Tư. Song bản thân mình cảm thấy, Cố Cửu Tư có thể giữ được điều đó tới phút cuối cùng, không gục ngã, cũng không suýt sảy chân trước thực tại khắc nghiệt như những người bạn mình là vì bên cạnh hắn có một người vợ như Liễu Ngọc Như.
Liễu Ngọc Như nói bản thân mình là người ích kỷ, nàng chỉ lo cho gia đình mình, còn trong lòng Cố Cửu Tư quá rộng, lòng hắn chứa đựng cả bá tánh thiên hạ. Song từ đầu tới cuối, vào những lúc Cố Cửu Tư sắp gục ngã, luôn là Liễu Ngọc Như kéo hắn đứng lên. Liễu Ngọc Như thông minh, kiên định và luôn hiểu rõ mình muốn gì. Thuở bé nàng muốn sống yên ổn mà không bị mẹ ghẻ chèn ép, nàng học nghe lời. Muốn lấy tấm chồng như ý, nàng thay đổi bản thân mình thành dáng vẻ mà nhà chồng tương lai ưa thích. Muốn thay đổi Cố Cửu Tư, nàng uốn nắn răn đe. Muốn trở thành người vợ duy nhất của Cố Cửu Tư, nàng cố gắng trở thành người giàu nhất, chỉ để hoàng đế nếu muốn trị tội kẻ chẳng có chống lưng như Cố Cửu Tư cũng phải nể mặt nàng. Nhưng sâu trong thâm tâm nàng trưởng thành nhưng chưa từng thay đổi. Liễu Ngọc Như nhìn thấu mọi chuyện. Nàng hiểu mọi chuyện có được có mất, muốn nhận được cũng phải cho đi. Nàng trân trọng nghĩa tình, có trách nhiệm và sẵn sàng hi sinh. Với nàng, Cố Cửu Tư là bờ bến vững chắc để nàng có thể sống với chính mình. Nhưng đối với Cố Cửu Tư, nàng chính là ánh sáng soi lối, để mỗi khi mờ mịt về con đường phía trước, chỉ cần nhìn thấy nàng hắn sẽ biết phải đi về đâu.
Truyện có tuyến nhân vật dàn trải, rất nhiều nhân vật đáng chú ý. Song có vẻ tác giả quá cưng nam chính của mình nên đôi khi cố tình hạ thấp vài nhân vật khác để nâng Cố Cửu Tư lên. Điều này khiến mình ít nhiều cảm thấy tiếc nuối, bởi bớt đi một chút thì câu chuyện đã đẹp hơn rất nhiều. Vốn dĩ Cố Cửu Tư đã rất xuất sắc rồi mà. Theo đánh giá riêng của mình thì mô tả tính cách xuyên suốt của vài nhân vật phụ cũng không thật sự thuyết phục, như Lạc Tử Thương, Giang Hà, đặc biệt là Diệp Thế An ở phần kết truyện.
Nhân vật phản diện như Lạc Tử Thương cũng là một tiếc nuối. Bi kịch của nhân vật này từng bước được phác hoạ rõ nét, nhưng quá nhiều nước thì dễ tràn ly. Vì quá “bi” nên câu chuyện đời y lại trở nên khá “kịch”, thêm nữa lại không đủ không gian thể hiện. Vì vậy mà cảm xúc dành cho Lạc Tử Thương ở đoạn kết cũng không được đẩy cao như mình mong muốn. Vốn dĩ với văn phong cảu mình, Mặc Thư Bạch có thể làm tốt hơn rất nhiều. Có tiếc chỉ tiếc Lạc Tử Thương là con ghẻ mà thôi.
Cũng có thể vì bối cảnh rộng lớn nên bạn có thể nhặt được kha khá sạn trong câu chuyện, nhưng đừng nghĩ mình đang chê bộ truyện nhé. Chính vì mình đánh giá cao nội dung truyện này cũng như giọng văn của Mặc Thư Bạch nên mới tiếc nuối vì lẽ ra bộ truyện có thể làm được nhiều hơn thế. Ngoài những vấn đề này thì “Trường phong độ” là một câu chuyện rất ăn điểm. Nó phù hợp cho những ai thích đọc truyện dài có nội dung bối cảnh rộng lớn, có kịch tính, có nụ cười và nước mắt, có khát vọng sục sôi của tuổi trẻ, lại có chút trầm lắng về cuộc đời. Chúng ta có thể chiêm nghiệm được nhiều câu nói hay trong quyển truyện này, đồng thời rút ra nhiều bài học cho bản thân mình. Học cách khoan dung, cách thấu hiểu, cách để trở nên kiên cường và sống sao cho xứng đáng với cuộc đời.
Đọc đến đoạn cuối, hy vọng bạn cũng như mình, có thể nhớ lời căn dặn mà Liễu Ngọc Như dành cho Cố Cửu Tư:
“Ta hy vọng trong tương lai hai ta vĩnh viễn ghi nhớ tại sao mình đi trên con đường này.”
Chẳng ai nói trước được tương lai, song có lẽ tất cả chúng ta đều thật lòng mong muốn mình có thể giữ được tấm lòng son thuở ban đầu, đúng không?
_ _ _
Lâu quá không đụng tới câu chữ nên lờn tay, cảm thấy bài review này không thể hiện hết được cái hay của truyện đâu. Tốt nhất mọi người cứ đọc rồi tự chiêm nghiệm nhé.
***
Tên cũ: Gả hoàn khố/Gả ăn chơi trác táng.
Tác giả: Mặc Thư Bạch.
Thể loại: Cổ đại, cung đình, oan gia, #cưới_trước_yêu_sau, #cường_cường, HE.
CP: Nam chính khách sống tình cảm x Nữ thương gia sống lý trí
Tình trạng: Hoàn edit.
Review: Do Minh | Chỉnh ảnh: Aurora
Link đọc: https://sunrises6.wordpress.com/ngon-tinh/truong-phong-do/
----
Giới thiệu:
Liễu Ngọc Như muốn gả cho hôn phu tốt nên làm khuê tú mẫu mực suốt mười lăm năm trời. Nhưng trước ngày đính hôn nàng lại bị buộc gả cho Cố Cửu Tư, kẻ ăn chơi trác táng khét tiếng Dương Châu.
Gả cho kẻ như vậy, đời nàng coi như đã bị hủy hoại.
Nhất là gả xong nàng mới phát hiện người này cũng bị ép cưới nàng.
Tâm Liễu Ngọc Như hóa tro tàn, nàng tự nhốt mình trong phòng. Ba ngày sau, nàng giác ngộ một điều.
Gả cho kẻ ăn chơi trác táng thì việc gì phải làm khuê tú nữa?
Vì thế ngày thứ ba sau khi thành hôn, vị khuê tú nổi tiếng dịu dàng ở Dương Châu run rẩy cầm đao, dùng hết dũng khí của cả một đời tiến vào thanh lâu. Nàng nhìn Cố Cửu Tư đang say như chết mà nói, “Đứng lên.”
Từ đó cuộc đời Cố Cửu Tư nhanh chóng thay đổi.
Dù là những tháng ngày ăn chơi hay khi làm quan nhất phẩm, nữ nhân này vẫn đứng bên hắn. Nàng đỡ lấy hắn bằng thân mình mảnh mai yếu đuối và bảo, “Đứng lên.”
Thế nên mặc cho bị róc xương róc thịt, mặc cho giãy giụa đứng lên từ vũng bùn, hắn cũng muốn cắn răng cõng nàng trên lưng đi qua cả đời này.
Với Liễu Ngọc Như mà nói, trong mười lăm năm đầu đời, sống là để tìm một nam nhân tốt. Đến khi gặp được Cố Cửu Tư nàng mới biết nam nhân tốt sẽ khiến nàng hiểu rằng sống là vì chính mình.
Ta nguyện lấy máu thịt này che mưa chắn gió, để váy nàng không vương bụi trần, để thái dương kia chẳng đọng sương.
Ta nguyện hóa thành cơn gió lớn, đưa quân đi vạn dặm.
Một câu giới thiệu vắn tắt: Phu quân ăn chơi trác táng biến thành nam thần.
----
????????????
Câu chuyện này bắt đầu từ hai con người không thể trái ngược hơn.
Liễu Ngọc Như là đích nữ của một gia đình buôn vải nhỏ với phụ thân không thương, mẫu thân yếu đuối, di nương lộng hành. Sống trong hoàn cảnh như thế nên từ nhỏ Liễu Ngọc Như đã học cách nuốt nước mắt vào lòng và luôn hành xử theo khuôn phép để lấy thiện cảm từ người xung quanh. Cô nương bị vây bởi bốn bức tường hậu viện phấn đấu suốt mười lăm năm chỉ để lấy một lang quân như ý, để nửa đời sau mình có người dựa vào.
Cố Cửu Tư là đích tử của nhà giàu số một Dương Châu, được phụ mẫu yêu chiều hết mực, chưa kể còn có cữu cữu giữ chức Lại Bộ Thượng thư. Hắn sống sướng từ nhỏ, thích gì làm nấy mà chả hề quan tâm miệng lưỡi thiên hạ. Mơ ước to lớn đời hắn là được lang bạt giang hồ để hành hiệp trượng nghĩa.
Cuộc đời hai người sẽ vĩnh viễn chẳng giao nhau nếu Cố Cửu Tư không thốt ra câu đùa khiến phụ mẫu hắn hiểu nhầm con mình thích Liễu Ngọc Như. Và thế là chàng thì nghiến răng nghiến lợi còn nàng thì khóc cạn nước mắt để bước vào cuộc hôn nhân bất đắc dĩ.
Ông bà ta đã nói: Gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Chỉ tiếp xúc vài lần với vũng mực đen sì như Cố Cửu Tư đã đủ để Liễu Ngọc Như vứt bỏ hình tượng khuê tú mình dày công xây dựng sau ba ngày thành hôn. Ngày đó, cô khuê tú chuẩn mực cầm đao đến thanh lâu rồi lôi cổ phu quân về và bắt hắn đi trên con đường dùi mài kinh sử kiếm cáo mệnh cho nàng.
Chính từ đây, mối quan hệ được xây dựng từ một trò đùa dần biến thành sự thật.
Càng tiếp xúc với Cố Cửu Tư, Liễu Ngọc Như càng hiểu hắn không phải mực mà là đèn; một ngọn đèn sáng rực tựa ánh mặt trời. Hắn thông minh, chính trực, trọng tình trọng nghĩa. Cố Cửu Tư có thể hết lòng vì huynh đệ thân thiết nhưng hắn cũng có thể nhận hai mươi roi để đòi lại công bằng cho cô thê tử mà hắn bị ép cưới.
Liễu Ngọc Như biết mình quản được Cố Cửu Tư chẳng phải vì nàng giỏi mà vì hắn luôn nhường nhịn nàng. Cuộc hôn nhân này đâu phải lỗi của mình hắn nhưng hắn vẫn gánh hết trách nhiệm và chưa từng trút giận lên đầu Liễu Ngọc Như. Hắn biết nàng vô tội, giận chó đánh mèo nàng thì thật vô lý và quân tử không thể ngu muội làm điều vô lý.
Từ ngày quen Cố Cửu Tư, Liễu Ngọc Như đón nhận rất nhiều lần đầu tiên. Cô nương Liễu gia luôn phải chịu ấm ức kia lần đầu tiên được thử sức với kinh doanh; lần đầu tiên được đi chơi khắp chốn vào ngày sinh nhật; lần đầu tiên có người đứng trước kẻ ức hiếp nàng và khảng khái tuyên bố, “Nàng thích buôn bán thì ta cho nàng làm, nàng thích dạo phố thì ta cho nàng dạo. Lão tử sủng nàng, thương nàng, là để súc sinh như ngươi sỉ nhục nàng à? Hôm nay lão tử nói cho ngươi hay, lần sau nhìn thấy nàng thì cách xa ba trượng cho ta!”
Đời này, gả cho Cố Cửu Tư chính là may mắn lớn nhất của nàng.
Ban đầu Cố Cửu Tư nghĩ Liễu Ngọc Như là cô nương đậm chất vùng non nước Giang Nam: mảnh mai, điềm đạm, nho nhã. Trong mắt hắn, nàng là cô nương tốt nhưng không phải cô nương hắn thích; mẫu người lý tưởng của hắn là dám yêu dám hận, khoa trương, và thích làm càn.
Song càng quen biết Liễu Ngọc Như, hắn càng hiểu có những sự cứng cỏi chỉ xuất hiện vào thời điểm nhất định. Khi hắn chờ chết dưới lưỡi đao của binh lính, có một nữ tử nhỏ nhắn đứng trên cao đốt lửa đánh lạc hướng cho hắn chạy thoát. Khi hắn gục ngã vì sự vô dụng của bản thân, có một nữ tử ngày thường luôn ăn nói nhỏ nhẹ đã quát, “Đứng lên!” Khi hắn hoang mang trước muôn vàn ngã rẽ, có một nữ tử vĩnh viễn mỉm cười kiên định với hắn, “Có ta ở đây.”
Liễu Ngọc Như không phải một cô nương tỏa sáng rực rỡ như thái dương, nàng là ánh trăng dịu dàng chỉ đường giữa đêm đen mỗi lần hắn lạc lối.
Đời này, cưới Liễu Ngọc Như chính là may mắn lớn nhất của hắn.
Nhưng Trường Phong Độ không chỉ đơn thuần là chuyện tình giữa hai con người nhỏ bé, đi cùng với sự trưởng thành của họ là hai chủ đề xuyên suốt cả bộ truyện.
Con người có thể vượt qua định kiến dành cho bản thân không?
Mười lăm năm đầu đời, ước mơ của Liễu Ngọc Như là gả cho lang quân tốt và đạt được địa vị cao thông qua hôn nhân. Thật ra cũng khó gọi đây là ước mơ của nàng, vì nó giống như một tiêu chuẩn mà các cô nương đều hướng tới. Họ lẫn Liễu Ngọc Như không biết đến nơi nào khác ngoại trừ chốn hậu viện chật hẹp và cũng chẳng rõ bản thân có thể làm gì ngoài lấy chồng sinh con.
Nhưng Liễu Ngọc Như may mắn được trao cơ hội tỏa sáng trong lĩnh vực kinh doanh. Nhờ đó nàng mới biết bản thân có thể thành lập đội vận chuyển nối liền Bắc - Nam; có thể được gọi là Liễu lão bản chứ không chỉ là Liễu tiểu thư hay Cố thiếu phu nhân; có thể xây dựng học đường lẫn nhà từ thiện để trao cơ hội cho những mảnh đời bất hạnh. Hơn hết, nàng tự hào thành quả này do chính nàng gieo trồng gặt hái chứ chẳng dựa dẫm vào đức lang quân nào cả.
Qua Liễu Ngọc Như và những cô nương quanh nàng như Vân Vân – người xuất thân nghèo khổ và từng nghĩ làm thiếp thôi cũng tốt lắm rồi – bộ truyện cho thấy chỉ cần được trao cơ hội, nữ nhân chẳng thua kém bất kỳ ai. Họ đủ sức gánh vác trách nhiệm trên đôi vai và lúc cần họ sẽ vung đao bảo vệ những điều quan trọng. Liễu Ngọc Như từng bước rời khỏi bốn bức tường hậu viện tù túng và đến cuối cùng, nàng đứng giữa sông nước mênh mông dùng thân giữ đê với quyết tâm lấy cái chết trấn giữ Hoàng Hà.
Còn Cố Cửu Tư thì từ ngày làm quan, dường như xung quanh ai cũng đang ngấm ngầm nói với hắn làm quan phải biết uốn gối khom lưng, kết bè kết đảng, và thiên hạ bá tánh là cái gì đó rất vặt vãnh còn quan trọng nhất là tiền đồ của bản thân.
Song Cố Cửu Tư cho mọi người thấy không chỉ có một cách làm quan. Hắn từ chối lợi dụng chức quyền để làm việc phi pháp; dù trên chiến trường hay khi tham gia cải tạo đê, hắn cũng lăn lộn cùng binh lính và dân chúng; giây phút bá tánh bỏ cuộc, hắn vẫn kiên quyết tuân thủ trách nhiệm của mình.
Hắn bảo, “Vì ta là quan.”
Chính vì là quan – ăn lương thực do bá tánh nuôi trồng và nhận bổng lộc từ tiền bá tánh nộp lên – nên phải làm đến cùng. Nếu là chuyện có lợi cho đất nước lẫn dân chúng thì sao lại không làm?
Cố Cửu Tư từng bước chứng minh trên đời vẫn còn quan chân chính và đến cuối cùng, những vị quan khác tự nguyện theo hắn ngồi chắn trước đại quân chuẩn bị giày xéo kinh thành với quyết tâm lấy máu thịt bảo vệ Đông Đô.
Trên tất cả, Trường Phong Độ là hành trình để các nhân vật tìm đáp án cho câu hỏi: Khi ngoảnh đầu nhìn lại sau một quãng đường dài, chúng ta có còn nhận ra mình của thuở thiếu thời?
Chẳng ai chào đời với một trái tim đen tối, mỗi người đều từng là những thiếu niên mang tâm tư như trời xanh mây trắng. Ai chắc cũng có lúc ngạo mạn nhìn người đi trước rồi tự nhủ mình sẽ không như thế nhưng khi giật mình nhìn lại sau mười hay hai mươi năm, họ nhận ra mình đã già nua và còn trở thành phiên bản khác của người đi trước. Bởi vì cuộc sống là lưỡi dao tàn khốc nhất, nó có thể im hơi lặng tiếng thay đổi hoàn toàn một con người.
Những kẻ ác độc biết đâu cũng từng hứa với trời cao, từng uống máu ăn thề, từng tuyên bố không phụ lòng bách tính thiên hạ, từng gửi gắm tình cảm sâu thẳm vào sơn hà này. Song hoàn cảnh buộc con người ta phải cúi đầu cho đến lúc họ chỉ còn là cái bóng của chính mình năm xưa. Sau thời gian dài ngụp lặn tại chốn quan trường nhơ nhớp, ngay cả Cố Cửu Tư cũng lưỡng lự khi bị ép lựa chọn giữa huynh đệ và tiền đồ. Diệp Thế An với Chu Diệp từ nhỏ đã được dạy dỗ làm quân tử, nhưng lại muốn tắm máu kinh thành khi mất đi người thân. Lạc Tử Thương từng là đứa bé dám đơn thương độc mã đòi công lý cho nghĩa phụ, thế mà lại trở thành kẻ có lỗi với cả thiên hạ. Phải chăng khi lần đầu lựa chọn trái lương tâm, những kẻ ác độc đã nghĩ chỉ một lần này thôi? Song một bước sai, từng bước sai, sau đó là muôn đời muôn kiếp không thể quay đầu lại. Đã dám vượt qua ranh giới cuối cùng thì còn gì không dám vượt qua?
Ai cũng có lý do để sa ngã: sự ích kỷ, nỗi khổ tâm riêng, hoặc vì tình thế bắt buộc. Nhưng sẽ không bao giờ có lý do chính đáng để làm việc ác. Thước đo bản lĩnh con người không phải lời nói thời bình mà là hành động thời loạn, là khi ở tận cùng của nỗi đau ta vẫn làm điều đúng đắn. Chúng ta làm thế chẳng phải vì thiên hạ, vì bằng hữu, vì gia đình mà chỉ đơn thuần để sau này có thể đối mặt với mình của thời niên thiếu và nói rằng: Ta không làm ngươi phải hổ thẹn.
Trường Phong Độ là bộ truyện được viết chặt chẽ với các nhân vật có sự phát triển hợp lý – thể hiện rõ nhất qua hai nhân vật chính và đặc biệt ở các nhân vật phản diện chủ chốt. Họ không xuất hiện chỉ để làm ác mà là những con người bằng xương bằng thịt với hỉ nộ ái ố như bao người, là phiên bản mà nhân vật chính diện sẽ trở thành nếu đánh mất sơ tâm. Tác giả có thể hơi làm quá năng lực của Liễu Ngọc Như và Cố Cửu Tư nhưng hai người thường chỉ đóng vai trò kích thích còn để mọi việc hoàn thành thì cần sự góp sức lẫn hy sinh từ rất nhiều người, vì vậy truyện chẳng tạo cảm giác đây là cuộc chơi riêng cho hai nhân vật chính. Cái kết của truyện trọn vẹn không phải vì ai cũng hạnh phúc mà vì nó đầy đủ những cung bậc cảm xúc được đan xen hợp lý: đau thương, xót xa, vui mừng, và trên hết là niềm hy vọng xây dựng một tương lai nơi mọi người có thể sống sạch sẽ và mãi mãi giữ vững trái tim thuở thiếu thời.
Mời các bạn đón đọc Trường Phong Độ của tác giả Mặc Thư Bạch.