Giờ đây cụ hãy lập tâm thành kính lắng nghe Giáo Pháp. Trong khi sư giảng, cụ hãy chăm chú lắng nghe những lời sư cũng giống như chính đức Phật đang ngồi trước mặt. Hãy nhắm mắt lại và giữ thân thoải mái, lắng tâm và an trụ vào một điểm. Để tỏ lòng tôn sùng kỉnh mộ Bậc Toàn giác hãy từ tốn để cho trí tuệ, chân lý và trạng thái thanh khiết của Tam Bảo đi thẳng vào an định trong tâm cụ.
Hôm nay sư không mang đến biếu cụ quà tặng vật chất nào, chỉ có Giáo Pháp, những lời dạy của đức Phật. Hãy chăm chú lắng nghe. Cụ nên nhận thức rằng cho dù chính đức Phật đi nữa - với kho tàng đức hạnh vĩ đại mà Ngài đã tích trử từ vô lượng kiếp - vẫn không thể tránh khỏi cái chết của thể xác. Khi tuổi già đến, Ngài không bám níu vào thân mà buông bỏ, đặt gánh nặng xuống. Giờ đây cụ cũng vậy, cũng phải học bài học thỏa mãn với bao nhiêu năm tháng đã trải qua, tùy thuộc vào tấm thân này. Cụ nên cảm nghe rằng bao nhiêu đó đã đủ rồi.
Thân này có thể ví như những món đồ dùng trong nhà mà cụ đã mua sắm từ lâu, những cái tách, cái dĩa, cái tô, cái bát v.v… Khi mới được mua về thì nó sạch sẽ, bóng ngời, nhưng đến nay, sau một thời gian lâu dài bị xử dụng nó đã bắt đầu hư cũ. Một mớ đã bể, mớ khác bị thất lạc, mất đi, và những món còn lại thì đang dần dần hư hoại; nó không có một hình thể ổn định, và bản chất tự nhiên của nó là vậy. Cơ thể của cụ cũng dường thế ấy : luôn luôn thay đổi. Ngay từ lúc mới được sanh ra và xuyên qua thời niên thiếu rồi tráng niên, chí đến ngày nay mà cụ đã già, nó vẫn liên tục biến đổi. Cụ phải chấp nhận điều này. Đức Phật dạy rằng các vật hữu lậu (sankhara, hay vật tùy thế, tức những vật chỉ hiện hữu nhờ những gì khác tạo điều kiện. Đó là tất cả những sự vật trong thế gian hiện tượng này), dầu ở bên trong, dầu thuộc về cơ thể, hay dầu ở bên ngoài, đều là VÔ NGÃ, bản chất của nó là luôn luôn BIẾN ĐỒI. Hãy quán tưởng chân lý này cho đến khi cụ nhìn thấy rõ ràng như vậy.
Chính cái khối thịt đang suy tàn nằm ở đây là chánh pháp (saccadhamma), là chân lý. Chân lý của thể xác này là chánh pháp, saccadhamma, và đó là giáo huấn bất di dịch của Đức Bổn Sư. Đức Phật dạy ta hãy nhìn vào cơ thể này, hãy quán chiếu và suy niệm cho đến khi thấu triệt bản chất thật sự của nó. Chúng ta phải có thể sống an lạc với thân này, dầu nó ở trong trạng thái nào. Đức Phật dạy chúng ta phải tự đảm bảo rằng chỉ có thể xác bị nhốt trong tù và không để cho cái tâm cũng bị cầm tù chung với nó. Trong hiện tại thân thể bắt đầu suy tàn và hư hoại với thời gian. Không nên cưởng lại. Nhưng cũng không nên để cái tâm cùng suy tàn với nó. Hãy tách rời, giữ tâm riêng ra. Hãy gia tăng năng lực cho tâm bằng cách nhận định rõ ràng thực tướng của sự vật. Đức Thế Tôn dạy rằng đó là bản chất tự nhiên của thể xác, không thể nào khác hơn được : đã được sanh ra tức nhiên phải đi dần đến tuổi già, bệnh tật và chết. Đây là chân lý vĩnh cửu mà cụ đang chứng nghiệm trong giờ phút này. Cụ hãy nhìn lại tấm thân mình với trí tuệ và nhận thức chân lý này.
Nếu cái nhà của cụ bị trận lụt cuốn trôi đi, hoặc bị hỏa hoạn thiêu đốt tàn rụi, dầu hiểm họa lụt lội hay hỏa hoạn nào đe dọa, hãy để cho cái nhà lo lắng. Những hiểm họa ấy chỉ liên quan đến cái nhà. Nếu có lụt lội, chớ nên để nó tràn ngập và lôi cuốn tâm. Nếu có hỏa hoạn, chớ nên để cho nó thiêu đốt tâm. Cái nhà là vật ở bên ngoài cụ, hãy để cho nó bị cuốn trôi theo dòng nước lụt, hay cháy thành tro trong trận hỏa hoạn. Hãy để cho tâm buông bỏ, không bám níu vào cái nhà. Thời gian đã chín mùi.
Cụ đã sống trong một thời gian khá lâu dài. Mắt cụ đã thấy nhiều hình thể và màu sắc, tai cụ đã nghe nhiều âm thanh, cụ đã có bao nhiêu kinh nghiệm. Và tất cả chỉ là thế, chỉ là kinh nghiệm. Cụ đã ăn nhiều thức ăn ngon và tất cả những vị ngọt bùi ấy chỉ là vị ngọt bùi - không có gì hơn nữa. Những vị đắng cay cũng chỉ là những vị đắng cay - chỉ thế thôi. Nếu mắt cụ nhìn thấy những hình sắc đẹp đẽ thì nó cũng chỉ là những hình sắc đẹp đẽ, tất cả chỉ có thế. Một hình thể xấu xí cũng vậy, chỉ là một hình thể xấu xí. Tai nghe những điệu hát mê ly êm dịu và nó cũng chỉ có thế, không có gì hơn. Một âm thanh chát chúa, ồn tai cũng chỉ giản dị là vậy.
Đức Phật dạy rằng giàu hay nghèo, trẻ hay già, người hay thú, không có chúng sanh nào trên thế gian này có thể giữ mình nguyên vẹn trong bất cứ trạng thái nào trong một thời gian lâu. Tất cả đều phải đổi thay và trở thành một cái gì khác. Đó là một thực tại của đời sống mà ta không thể làm thế nào để cứu vãn. Tuy nhiên, đức Phật dạy rằng điều mà ta có thể làm được là tự quán chiếu thân và tâm để nhìn thấy đặc tướng vô ngã của nó, để nhận thấy rằng cả hai, thân và tâm, không có cái nào là "TA" hay "CỦA TA". Nó chỉ hiện hữu một cách tạm thời. Cũng như cái nhà này, nó chỉ là của cụ trên danh nghĩa. Cụ không thể đem nó đi no*i nào với cụ được. Cùng thế ấy, tài sản, sự nghiệp, thân bằng, quyến thuộc của cụ - tất cả đều chỉ là của cụ trên danh nghĩa, trong lời nói, chớ không thật sự thuộc về cụ. Nó thuộc về thiên nhiên. Chân lý này không áp dụng riêng cho đơn độc một mình cụ : tất cả mọi người đều cùng chung một hoàn cảnh, chí đến đức Thế Tôn và các Thánh Đệ Tử của Ngài cũng vậy. Có khác chăng là các vị ấy chấp nhận rằng đó là bản chất tự nhiên của sự vật : các Ngài thấy rằng đường lối của sự vật là vậy, không có cách nào khác.
Do đó, đức Phật dạy ta tự quán chiếu và tỷ mĩ khảo sát thân này từ lòng bàn chân lên đến đỉnh đầu, và từ đỉnh đầu xuống trở lại lòng bàn chân. Hãy thử nhìn. Cụ thấy những gì? Có cái chi tự nó là tinh khiết không? Cụ có thể tìm được trong đó một thể chất nào thường còn không? Toàn thể thân này vững vàng tiến dần đến tan rã và đức Phật dạy ta thấy rằng nó không thuộc về của ta. Lẽ dĩ nhiên, cơ thể này phải là vậy bởi vì tất cả hiện tượng hữu lậu, đều có tính cách phải đổi thay. Ta có thể làm gì khác hơn được? Đúng thật ra, bản chất của thân là vậy thì không có gì là sai. Chính đường lối suy tư sai lầm của ta làm cho ta đau khổ. Khi cụ nhìn điều phải một cách sai lầm thì đương nhiên cụ phải nhầm lẫn.
Cũng như nước trong giòng sông, tự nhiên trôi chảy từ cao xuống thấp, không bao giờ từ thấp chảy lên cao. Đó là đặc tính thiên nhiên của nó. Nếu người kia đứng trên bờ sông nhìn thấy nước chảy từ trên cao xuống lại điên cuồng ước muốn rằng nước phải chảy ngược trở lên dốc cao thì lẽ dĩ nhiên người ấy phải thất vọng, đau khổ. Dầu ông ta có làm gì đi nữa đường lối suy tư sai lầm của ông cũng không để cho tâm trí ông được yên ổn, an lạc, thanh bình. Ông bất toại nguyện vì quan kiến của ông sai lầm, và ông suy tư ngược giòng. Nếu quan kiến chân chánh ông sẽ thấy rằng nước tự nhiên phải chảy từ trên cao xuống thấp, và chí đến khi nhận thức rõ ràng và chấp nhận thực trạng này người ấy vẫn còn rối loạn và buồn phiền.
Mời các bạn đón đọc Ngôi Nhà Thật Sự Của Chúng Ta của tác giả Ajahn Chah & Phạm Kim Khánh (dịch).