Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Quê Nội

Khi nói về cuốn sách Quê Nội của Võ Quảng người ta thường bảo: Đây là một loại Tom Sawyer của Việt Nam. (Một tác phẩm được nhiều người ưa thích). Nhưng sau khi làm quen với tác phẩm của Võ Quảng, bạn sẽ cảm thấy mình còn thích các nhân vật Cục và Cù Lao hơn.

Võ Quảng đã đặt câu chuyện xảy ra tại chính quê hương mình, ấy là làng Hòa Phước, tỉnh Quảng Nam, Một tỉnh nằm giữa nước Việt Nam. Ở đây các sự kiện nhỏ đặt liền nhau, khăng khít nhau tạo nên câu chuyện. Câu chuyện bắt đầu sau Cách mạng Tháng Tám, sau ngày lễ tuyên bố độc lập của nước Việt Nam năm 1945, một thời kỳ mà mãi đến nay vẫn còn để lại dấu tích trong nền văn học Việt Nam.

Có thể nói, Quê Nội là một trong những tác phẩm thành công về đề tài Cách mạng tháng Tám. Nhà văn Võ Quảng đã đi xa, nhưng với tình yêu quê hương thắm thiết, tình yêu và ơn tri ngộ cách mạng, ông đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam, văn học xứ Quảng một tác phẩm để đời.

***

Bối cảnh của tác phẩm ở quê hương của tác giả, làng Hòa Phước, tỉnh Quảng Nam, vào thời điểm sau Cách mạng tháng Tám. Hai nhân vật chính của tác phẩm là Cục, một cậu bé ở Hòa Phước, đứng nhân vật "tôi" trong truyện và Cù Lao, một cậu bé trạc tuổi Cục, ở xa mới theo cha trở lại làng.

Chú Hai Quân, cha của Cù Lao, vốn ở làng. Vì bị cường hào ức hiếp nên Hai Quân bỏ làng, bỏ vợ con ra đi. Sau mấy năm, biết được tin vợ ở quê đã mất, trong một lần ra cù lao Chàm bán thuốc, Hai Quân được giới thiệu cho một cô gái. Chú lấy vợ mới và ở lại quê vợ. Khi Cù Lao lên ba tuổi thì mẹ mất. Khi cậu bé mười hai tuổi thì Tổng khởi nghĩa xảy ra. Chú Hai Quân đưa Cù Lao trở về làng.

Tác phẩm miêu tả cuộc sống ở làng quê thông qua những hoạt động thường ngày của Cục và Cù Lao, như làm cỗ mừng chú Hai Quân trở về, đến thăm nhà ông Bảy Hóa từng làm thầy cúng, nhà bà Hiến, làm các công việc chăn trâu, nuôi tằm… Cục và Cù Lao sau đó được đi học ở lớp thầy Lê Hảo, được dự khán các hoạt động của đội tự vệ làng.

Khi có tin Pháp chiếm Nam Bộ, các hoạt động chuẩn bị kháng chiến được đẩy mạnh như các cán bộ làng đi học các lớp huấn luyện, đội tự vệ tăng cường diễn tập, trường học cũng được xây lại. Cục và Cù Lao được theo thuyền ngược lên nguồn để lấy gỗ làm trường.

Phần "Quê nội" kết thúc khi chú Hai Quân ra công tác ngoài Đà Nẵng, Cù Lao đi theo cha và chia tay Cục, tạm biệt Hòa Phước.

Phần "Tảng sáng" bắt đầu khi Cù Lao từ Đà Nẵng trở về khi quân Pháp trở lại chiếm Đà Nẵng. Phần này chủ yếu nói về cuộc kháng chiến khi Pháp tái chiếm, nhiều đoàn người từ Đà Nẵng chạy nạn về Hòa Phước. Nhân dân ở Hòa Phước cũng lo tính chuyện lánh nạn sang nhà người thân ở xa. Cục và Cù Lao thuộc bộ phận đưa tin kháng chiến. Lúc này Hòa Phước đã bị tàn phá dữ dội, có nhiều nhân vật tới từ bộ chỉ huy về kháng chiến chung với nhân dân. Phần "Tảng sáng" kết thúc khi cuộc chiến ác liệt ở Hòa Phước diễn ra và nhân dân Hòa Phước còn phải chiến đấu cùng nhân dân cả nước thêm 10, 20 năm nữa.

***

Khi giới thiệu quyển truyện Quê nội của Võ Quảng người ta bảo tôi: Đây là một loại Tôm Xoyơ của Việt Nam. Đã từ lâu tôi rất thích tác phẩm Tôm Xoyơ. Nhưng sau khi làm quen với tác phẩm của Võ Quảng tôi cảm thấy mình còn thích các nhân vật Cục và Cù Lao hơn.

Võ Quảng đã đặt câu chuyện xảy ra tại chính quê hương mình, ấy là làng Hoà Phước, tỉnh Quảng Nam, một tỉnh nằm giữa nước Việt Nam. Ở đây các sự kiện nhỏ đặt liền nhau, khăng khít nhau tạo nên câu chuyện. Câu chuyện bắt đầu sau Cách mạng tháng Tám, sau ngày lễ tuyên bố độc lập của nước Việt Nam năm 1945, một thời kì mà mãi đến nay vẫn còn để lại dấu tích trong nền văn học Việt Nam.

Tác phẩm phản ánh tâm trạng phấn khởi có phần hơi ngây thơ của dân làng, lòng tin tưởng kì diệu của họ vào tương lai đất nước. Tôi đã có dịp hỏi vài người từng sống trong thời kì ấy, khi họ còn trẻ. Ở họ đều còn đọng lại một niềm thương nhớ thắm thiết.

Bạn đọc người Pháp có thể tìm thấy gì qua các hình tượng ở đây? Có thể ở một số người sau bốn mươi năm, những nỗi đau xót nảy sinh từ cuộc chiến tranh ở Đông Dương chưa xoá hết được. Trong truyện, người Pháp hiện diện như kẻ áp bức, như những kẻ thù. Tác giả không nhào nặn lại lịch sử, nhưng ở đây trong mọi thể hiện đều có mức độ. Có một tí gì mỉa mai nhẹ nhàng và thân ái trong khi tác giả nhắc lại bài diễn thuyết có phần khoa trương của một cán bộ cơ sở. Nhưng chúng ta không thể nào nhầm, vì đây không phải là những lời trống rỗng. Chú Năm Mùi không hề thủ đoạn, không đầu cơ chính trị. Chú đấu tranh cho cách mạng, chú hiểu rõ bà con trong làng xóm của mình. Những lời nói của chú không phải là những câu châm ngôn sách vở, chú cũng không phải là kẻ khoe khoang. Trái lại, trong nhiều trường hợp chú tỏ ra biết nhiều kinh nghiệm, có những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và con người. Ngoài ra chú không phải không biết hóm hỉnh.

Ở Việt Nam, Võ Quảng được công nhận là một trong những nhà văn ưu tú viết cho thiếu nhi. Mặc dù sự khan hiếm về giấy đã hạn chế gay gắt số lượng bản in, tác phẩm của Võ Quảng được tái bản nhiều lần và nhanh chóng được tiêu thụ.

Trước kia trong thời kì thực dân Pháp đô hộ, ông hoạt động cách mạng chống Pháp. Năm 1941 ông bị thực dân Pháp bắt giam. Sau Cách mạng tháng Tám, ông phụ trách chính quyền Đà Nẵng, phụ trách việc xét xử ở các toà án miền Trung. Từ năm 1957, ông chăm lo công việc giáo dục thiếu nhi bằng các phương tiện văn học nghệ thuật.

Sự đồng cảm về ngôn ngữ có phần hạn chế nhưng bản dịch ít nhiều cũng gợi lên được phong cảnh, những công việc làm ăn hàng ngày ở một vùng quê Việt Nam. Chúng ta hi vọng tài năng của tác giả trong việc sáng tạo những hình tượng văn học, trong việc tạo ra sự sống động của các nhân vật. Không phải không được cảm nhận ở đây. Làm sao người ta có thể quên được quang cảnh những ngọn đèn trôi dọc bờ rào của những người đi học lớp xoá nạn mù chữ trong đêm tối, quên được những con gà trống ở Hoà Phước, con trâu Bỉnh bước giữa ngàn sao, quên bà Hiến… Chúng ta hi vọng tính chất kín đáo rất mực tinh vi của những tình cảm bộc lộ trong câu văn được truyền qua bạn đọc. Chú Hai Quân bị lí trưởng đánh đòn buộc phải bỏ làng ra đi. Trước khi đi chú sửa lại tao nôi của đứa bé gái con chú. Những lời từ biệt của Cục và Cù lao được thể hiện qua tiếng hát của các cô lái đò xuôi Hội An. Lần chia tay thứ hai trái lại là một sự rứt ra đột ngột vào lúc bến đò Hoà Phước nhốn nháo giữa chiến tranh. Và câu chuyện của Cục và Cù Lao cũng kết thúc ở đấy.

Các độc giả phương Tây có lẽ sẽ ngạc nhiên trước bao nhiêu khía cạnh dân tộc của người Việt Nam. Chẳng hạn sự say mê xem hát tuồng của dân làng và vai trò quan trọng của sân khấu trong đời sống của họ, cảnh chạy trốn chiến tranh hay chạy trốn đói nghèo kéo dài suốt lịch sử đất nước Việt Nam qua bao thế kỉ đã từng tạo nguồn cảm hứng cho bao nhiêu bài hát dân gian.

Về phần tôi, tôi mong muốn trước hết được Cục và Cù Lao đưa lại cho chúng ta một sự hiểu biết nhiều hơn về một nước Việt Nam hầu như còn xa lạ đối với người Pháp.

1987

Mời các bạn đón đọc Quê Nội của tác giả Võ Quảng.