"Thành thị đôi khi làm người ta ngột ngạt dù ở châu Âu, cuộc sống rất thảnh thơi, có sự thanh bình, chậm rãi ngay ở những thành phố lớn… Thế nhưng sau tất cả, thiên nhiên vẫn nhiều sức vẫy gọi nhất, về với những cánh đồng, những con đường, những ngôi làng hoặc những thành phố nhỏ bé. Có rất nhiều vẻ đẹp tiềm tàng ở đó, không chỉ trong cảnh sắc dân dã mà còn trong bầu không khí thật tươi mới, trong những con người hiền lành - những con người thật sự Pháp, Ý hay Đức.
Tôi sẽ kể một tẹo về những hành trình ấy - những hành trình sẽ đưa bạn đi giữa bát ngát hoa cỏ, núi rừng, mặt trời, chạy theo những vòng quay, những nỗi nhớ biển, những câu chuyện không thể lãng quên, và tình yêu chưa bao giờ lụi tàn trên con đường tít tắp".
***
Review sách Trái Tim Trên Những Con Đường
Phan Thị Thu Thảo đã review 28 tháng 12, 2018
Tôi biết đến tác giả Mai Thanh Nga qua cuốn sách Paris trong hộp giày, rồi sau cuốn sách này tôi mới tìm đến Trái tim trên những con đường. Tôi thích cả hai cuốn sách này nhưng có lẽ tôi thích Trái tim trên những con đường hơn, có lẽ vì tôi thích thể loại du ký, cũng có thể vì hình ảnh một Mai Thanh Nga lạc quan, vui vẻ hơn hiện lên qua cuốn sách này. Nếu Paris trong hộp giày chỉ lấy bối cảnh riêng về thành phố Paris vừa cổ kính lại vừa hiện đại thì Trái tim trên những con đường lại là hành trình chạy dọc xuyên suốt các thành phố của Châu Âu từ những thành phố lớn như Paris, London hay Venice rồi đến những thành phố nhỏ, cả những thành phố mà đến bây giờ tôi vẫn chẳng nhớ tên.
Trái tim tôi cứ lửng lơ theo từng hành trình, cứ theo dấu chân của tác giả mà băng qua biển, qua rừng, hòa mình với thiên nhiên và với mong ước được một lần đặt chân đến những thành phố Châu Âu đó để đi, để yêu và để trải nghiệm.
Trái tim trên những con đường được tác giả Mai Thanh Nga viết theo lối văn du ký, giọng văn nhẹ nhàng nhưng mang đầy sự lạc quan và mang hơi thở của thiên nhiên đem đến cho người đọc những cung bậc cảm xúc giản dị và chân thành nhất.
Thật sự đây là một cuốn sách rất tuyệt vời cho những ai đam mê xê dịch, không gượng ép, cứ trôi theo dòng chảy của trái tim như vậy.
***
Đời vẽ tôi tên mục đồng, rồi vẽ thêm con ngựa hồng
Từ đó tôi nguyện suốt đời rong chơi.*
*Câu gốc: “Đời vẽ tôi tên mục đồng, rồi vẽ thêm con ngựa hồng. Từ đó lên đường phiêu linh” trong bài “Chỉ có ta trong cuộc đời” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Bạn nói ôi trời, hát sai lời rồi kìa, tôi nói tôi có hát nhạc Trịnh đâu, tôi đang nói về kim chỉ nam cuộc sống của mình lúc này. Tôi không biết liệu cách sống ấy sẽ còn đúng tới bao giờ, khi tôi qua tuổi 20? Khi tôi đầu bốn? Khi tôi tóc bạc, cháu quấn chân? Hay khi tôi không còn tự ngồi dậy mỗi sáng được nữa? Tôi nghĩ nó sẽ thực sự chấm dứt khi tôi đủ lười, đủ lười để trái tim hết cảm giác với những bước chân. Khi căn bệnh nan y và đáng sợ ấy tới, tôi sẽ bước đi chỉ là bước, không nghĩ suy, không hoài bão, không tò mò, không xao động, và không trăn trở trong những giấc ngủ đêm.
Dĩ nhiên tôi vẫn sống tốt khi không di chuyển, chỉ là cuộc sống sẽ hơi thiêu thiếu, thiếu một cái gì đó như là chính bản thân mình. Giờ thì tôi vẫn thích đi, thích điên lên được, bởi đi làm tôi hết đau lưng. Cái ghế đang làm tôi biến dạng cột sống, lại còn cài thêm mấy cái gai tinh túy vào, dĩ nhiên giết dần cơ thể và tâm hồn. Thật đấy!
Người ta bảo “Con người hình thành khi khỉ đi hai chân”, đạo diễn Lê Hoàng phản pháo theo đúng kiểu đanh đá của ông: “Con người hình thành khi họ bắt đầu di chuyển”. Di chuyển ở đây chắc không chỉ nói về tình trạng địa lý mà còn trong tư duy. Nếu ta đi, không nghĩ suy, chỉ rong chơi, đơn giản đó là kẻ hành khất, giống người Gipsy một đời không nơi nương náu. Nếu ta đi, mang theo suy nghĩ khám phá vùng đất mới, say mê phiêu lưu thì sẽ thành như Gristoforo Colombo tìm thấy châu Mỹ hay James Cook cập bến châu Úc. Nếu ta đi, lòng chất đầy ham muốn chiếm đoạt thì sẽ thành thực dân Anh, Pháp, Bồ. Còn nếu ta đi, vì không có nơi nào để sống, khát khao tìm vùng đất của mình, xã hội của mình, thì sẽ thành những người Do Thái khôn ngoan. Thực chất, khi họ đến với châu Âu, ngày đó người ta coi giao thương là nhơ nhớp, dân Do Thái làm việc đó và thành công xuất sắc, có tiền nhưng không địa vị. “Tiền nước Mỹ nằm trong túi người Do Thái”. Họ là những người sáng lập nên mô hình ngân hàng, mà sau này cả thế giới phải đi theo. Vậy mới là đi, thực sự là đi bằng chân và bằng đầu.
Chủ nghĩa xê dịch đang “làm loạn” thế giới này, trong cộng đồng những người trẻ có nhiệt huyết, đam mê, và hơn cả là dũng cảm. Cuộc sống của con người có sinh, lão, bệnh, tử, trong đó quá trình “lão” kéo dài nhất: trẻ nhỏ, niên thiếu, trưởng thành, người già. Nhưng ở thế kỷ XXI, có thêm giai đoạn nữa gọi là hậu niên thiếu, tiền trưởng thành - quá độ Peter Pan* . Về cơ bản, giai đoạn này nằm trong quá trình “lão” bất di bất dịch, nhưng già thể xác mà trẻ tâm hồn. Bạn có thể gặp họ ở hình thái ông cụ Benjamin Button* tập nhảy, chơi đu quay, khóc oe oe gọi mẹ. Tôi nằm trong thế hệ này, thích rong chơi, vô lo vô nghĩ, không gò bó bản thân trong gia đình, nhà cửa, xe cộ, coi mình là trẻ con. Mà thế hệ này ngày càng nhiều người sống với khẩu hiệu “Forever Young”. Thật sự không biết đó là tốt hay xấu nữa? Sống theo bản năng, tự do với xã hội, bứt mình ra mọi khuôn khổ, nâng cao nhân quyền, sống thế thật tuyệt, nhưng có phần ích kỉ với gia đình. Hòa hợp giữa sống vì mình và vì gia đình khó như xã hội hiện đại cố gắng giữ bản sắc truyền thống.
* Peter Pan - nhân vật hư cấu của nhà văn J.M.Barrie - mang hình hài của một thiếu niên 15-16 tuổi biết bay, luôn muốn vui chơi và hưởng thụ cuộc sống, luôn chối bỏ “sự trưởng thành”.
* Nhân vật trong phim “Dị nhân Benjamin Button” (tên gốc “The Curious Case of Benjamin Button) - một cậu bé có chu trình sinh học ngược với bình thường, sinh ra đã già, dần dần trẻ ra. Phim do David Fincher đạo diễn, dựa trên một truyện ngắn cùng tên của nhà văn Mỹ F. Scott Fitzgerald xuất bản năm 1992.
Dù thế nào tôi và vô số người vẫn đang xê dịch, đi chỉ vì muốn đi, hoặc đi vì chán ngồi một chỗ. Đi thì cứ đi, làm thì cứ làm, vui cứ vui, miễn sao thoải mái, chỉ đừng hô khẩu hiệu: “Người ta chỉ sống khi xê dịch”. Ông bà tôi, bố mẹ tôi nghìn đời vẫn sống, sống đẹp là đằng khác. Nhiều người lại thích câu “Đừng nói với tôi bạn giỏi thế nào, hãy nói với tôi bạn đi những đâu”. Thomas Edison cả ngày chỉ ngồi trong phòng và ông ấy mang văn minh cho toàn nhân loại. Ông Mạc Ngôn chỉ ngồi yên ở huyện Cao Mật để vẽ lên toàn bộ hiện thực Trung Quốc, giật về giải Nobel. Ngày xưa có bài báo nói vui rằng nếu nhà văn Tô Hoài lên Tây Bắc trước khi viết truyện thì “Truyện Tây Bắc” đã không hay như thế.
Mỗi người một cách sống, hãy để mình tự do trong suy nghĩ về người khác. Chúng ta về cơ bản chỉ khác nhau ở đam mê. Chỉ hy vọng rằng mỗi vùng đất mình tới, mỗi trải nghiệm mình có, mỗi bước chân mình đi sẽ làm con người lớn lên. Người ta khổng lồ trong tư duy, còn tư duy khổng lồ lại nằm trong hình hài đơn giản. Đi cho sự ngu xuẩn giảm bớt, can đảm tăng lên, trí tuệ rèn giũa để đương đầu với một cuộc sống ổn định trong xã hội bất ổn phía trước.
Tôi đi không hẳn đã nhiều, chỉ đủ để viết cho mình một cuốn cẩm nang nho nhỏ, có những bức ảnh, những tranh vẽ về ngày tháng tuổi trẻ ít biếng lười. Thông thường những chuyến đi sẽ bắt đầu từ các thành phố lớn: Paris, London, Prague, Venice… lâu dần con đường hẹp về những thành phố nhỏ hơn như Torino, Strasbourg, Heidenberg… rồi lại dẫn tới những thành phố kém tiếng hơn như Echallens, Founteinbleau, Biella… cứ thế đi về phía những cánh rừng, những bãi biển, những ngọn núi, về với thiên nhiên.
Thành thị đôi khi làm người ta ngột ngạt dù ở châu Âu, cuộc sống rất thảnh thơi, có sự thanh bình, chậm rãi ngay cả ở những thành phố lớn. Nếu không phải chen lấn nhiều tại tàu điện ngầm thì người ta sẽ thấy cuộc sống ở nơi hỗn độn như Paris cũng còn yên lành lắm. Thế nhưng sau tất cả, thiên nhiên vẫn nhiều sức vẫy gọi nhất, về với những cánh đồng, những con đường, những ngôi làng, hoặc những thành phố nhỏ bé. Có rất nhiều vẻ đẹp tiềm tàng ở đó, không chỉ trong cảnh sắc dân dã mà còn trong bầu không khí thật tươi mới, trong những con người hiền lành - những con người thật sự Pháp, Ý hay Đức.
Tôi sẽ kể một chút về những hành trình ấy - những hành trình sẽ đưa bạn đi giữa bát ngát hoa cỏ, núi rừng, mặt trời, chạy theo những vòng quay, những nỗi nhớ, biển, những câu chuyện không thể lãng quên, và tình yêu chưa bao giờ lụi tàn trên con đường tít tắp.
Mời các bạn đón đọc Trái Tim Trên Những Con Đường của tác giả Mai Thanh Nga.