Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh đã thành công trên bình diện: khắc thảo những chân dung con người đói khổ, khốn cùng, trong xã hội Việt Nam thế kỷ XIX dưới thời nhà Nguyễn, với ảnh hưởng đạo đức và triết lý Á đông, và thảo ra một khuôn mặt Jean Valjean (Những người khốn khổ - Victor Hugo) Việt Nam trong Lê Văn Đó, khuôn mẫu cho những khuôn mặt cùng đinh sau này sẽ xuất hiện trong tiểu thuyết Việt Nam.
Chúng ta cũng có thể dựa vào tác phẩm Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh như một nguồn văn hoá có thể khai thác, để rút ra những bức chân dung, những chủ đề, những phong tục tập quán, những ngôn ngữ, y phục, những trữ lượng thông tin vô cùng quý giá về xã hội Việt Nam thế kỷ XIX. Ngọn cỏ gió đùa ngoài chất bi kịch còn chuyên chở những tư tưởng cải tạo xã hội Việt nam, dựa trên giáo lý nhà Phật và nhà Nho, khác hẳn với tinh thần đạo lý Thiên chúa giáo của Victor Hugo.
Hồ Biểu Chánh đã dành 5 năm để dựng truyện Ngọn cỏ gió đùa, và khi dựng xong, ông viết trong vòng 2 tháng. Tác phẩm hoàn tất và in năm 1926. Và thời điểm 1926, ở Việt Nam chưa tiểu thuyết nào có tầm cỡ như Ngọn cỏ gió đùa.
Jean Valjean, Việt hóa dưới căn cước Lê Văn Đó, một nông dân khốn cùng, trong thời mất mùa đói kém, không kiếm được việc. Vì không đành lòng nhìn lũ cháu 7 đứa sắp chết đói, Lê Văn Đó lén bưng trộm nồi cháo cho heo ăn, ở nhà một điền chủ giàu, bị người ta bắt, xông vào đánh đập. Lê Văn Đó chống cự lại. Rút cục vẫn bị bắt. Bị đánh đòn 100 trượng, bị tù 5 năm về tội cướp của và hành hung. Nhiều lần vượt ngục, mỗi lần tăng án, tổng cộng 20 năm mới được thả.
Từ một anh lực điền hiền lành chất phác, chưa hề biết oán hận lúc vào tù. 20 năm sau, khi ra tù, Lê Văn Đó trở thành một thứ thảo khấu lầm lỳ và hung hãn…
Chân dung thứ nhì trong Ngọn cỏ gió đùa là Ánh Nguyệt. Ánh Nguyệt hay Fantine là hai người phụ nữ sống hai xã hội khác nhau trong cùng một thế kỷ. Tâm thức Ánh Nguyệt gắn liền với giáo lý Khổng Mạnh, lấy chữ hiếu làm đầu. Vì hiếu với cha mà nàng mắc vòng ở đợ. Khi bị chồng phản bội bỏ rơi, nàng vẫn giữ trọn phẩm tiết. Không thể bán mình nuôi con như Fantine, trong xã hội Pháp; Ánh Nguyệt chết trong cảnh nghèo khó vì muốn giữ tròn trinh tiết của mình.
Tác phẩm cúi xuống những thân phận lạc loài, làm nhiệm vụ cứu khốn phò nguy của những lương tri văn học…
***
Hồ Biểu Chánh là một nhà văn lớn của Nam Bộ, người có công mở đường cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Người đương thời và nhiều thế hệ về sau đã đón nhận tác phẩm Hồ Biểu Chánh với tất cả sự nồng nhiệt, trân trọng. Lịch sử văn học Việt Nam không thể phủ nhận đóng góp to lớn của Hồ Biểu Chánh. Một trong những yếu tố làm nên sự thành công ấy chính là tác phẩm của ông có được một hình thức ngôn ngữ đầy ấn tượng, thể hiện phong cách ngôn ngữ văn xuôi Nam bộ những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
Hồ Biểu Chánh sinh năm 1884 (trong giấy khai sinh ghi ngày 1 tháng 10 năm 1885) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).
Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn.
Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, ông thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.
Tháng 8 năm 1941, sau khi ông về hưu, được Pháp mời làm cố vấn với danh hiệu Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý thành phố Sài Gòn, đồng thời làm giám đốc những tờ báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp-Việt.
Sau khi tái chiếm Nam Bộ năm 1946, Cộng hòa tự trị Nam Kỳ được thành lập, ông được mời làm cố vấn cho chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Nhưng chỉ được mấy tháng, khi chính phủ Nguyễn Văn Thinh sụp đổ, ông lui về quê ở ẩn và giành trọn những năm tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương.
Ông mất ngày 4 tháng 9 năm 1958 tại Phú Nhuận, Gia Định; thọ 74 tuổi.
Lăng mộ ông hiện nay được đặt ở đường Thống Nhất, phường 11 quận Gò Vấp.
Tác phẩm:
***
(Cảm tác Les Misérables của Victor Hugo)
Năm mậu-thìn (1808) nhằm Gia-Long thất niên, tại huyện Tân-Hòa, bây giờ là tỉnh Gò-Công, trời hạn luôn trong hai tháng, là tháng bảy với tháng tám, không nhểu một giọt mưa. Lúa sớm gần trổ, mà bị ruộng khô nên không nở đòng đòng [1], lúa mùa vừa mới cấy, mà bị đất nẻ [2], nên cọng teo lá úa.
Cái cánh đồng, từ Rạch-Lá tới Bến-Lội, là vú sữa của nhơn dân trong huyện Tân-Hòa, năm nào cũng nhờ đó mà nhà nhà đều được no cơm ấm áo, ngặt vì năm nay cả đồng khô héo, làm cho dân cả huyện trông thấy đều buồn-bực thở than.
Tại Vồng-Tre có nhà bà Trần-Thị bần cùng đói rách, thuở nay trời cho trúng mùa mà nhà bà cũng không được vui, huống chi năm nay mất mùa, thiên hạ nhịn đói, thì nhà bà càng thảm khổ hơn nữa.
Bà Trần-Thị đã 65 tuổi rồi, bà góa chồng mà con trai lớn của bà là Lê-văn Ðây cũng bất hạnh, khuất năm trước, để lại cho bà một nàng dâu là Thị-Huyền, với bảy đứa cháu nội, đứa nhỏ hơn hết thì còn bú, đứa lớn hơn hết thì chưa quá 12 tuổi.
Bà già yếu, từ đầu năm chí cuối năm thường òi ọp hoài, còn Thị-Huyền thì bị sắp con thơ, đứa dắt, đứa bồng nên có đi làm thì đi hái rau, bắt ốc, một giây một lát mà thôi, chớ không đi làm mướn làm thuê tối ngày cho được.
Tuy vậy mà bà Trần-Thị nhờ có thằng con nhỏ, tên là Lê-văn-Ðó, tuổi vừa mới hai mươi, vóc-vạc cao lớn, sức lực mạnh-mẽ hơn người, tánh nó chơn-chất thiệt-thà, trí nó chậm-lục u-ám, song nó hết lòng lo làm mà nuôi mẹ già, nuôi chị dâu, nuôi cháu dại.
Khi Lê-văn-Ðó mới được 12 tuổi, thì cha mẹ đem cho ở đợ chăn trâu cho nhà giàu.
Hễ trời gần sáng thì Lê-văn-Ðó đuổi trâu ra đồng, rồi khi thì nằm dưới tàng cây lớn, lúc thì ngồi trên lưng trâu cò [3], dầm mưa dang nắng tối ngày, bữa nào cũng như bữa nấy, trời chạng-vạng tối rồi mới về nhà chủ được.
Có lẽ Lê-văn-Ðó nhờ ở ngoài đồng luôn luôn hấp thụ thanh khí nên sức lực mạnh-mẽ khác thường, nhiều khi trâu chạy, nó nắm đuôi mà kéo, trâu phải đứng lại, chớ không chạy nổi.
Mà có lẽ cũng tại Lê-văn-Ðó ở ngoài đồng luôn luôn, gần-gũi với trâu bò, bạn bè cùng cây cỏ, nên trí tuệ không phát được, không biết lễ nghĩa, mà cũng không thông-thế sự chi hết.
Lê-văn-Ðó ở đợ gần 8 năm, đến năm ngoái anh cả là Lê-văn-Ðây chết rồi, mẹ mới đem về để giúp đỡ trong nhà và cho làm mướn làm thuê mà nuôi sắp cháu.
Hồi đầu mùa mưa, Thị-Huyền xới đất trồng khoai, vun vồng [4] tỉa bắp chung quanh nhà, còn Lê-văn-Ðó thì đi cày mướn lấy tiền đổi gạo đem về nuôi mẹ và nuôi sắp cháu.
Hết cày rồi tới cấy, thì Lê-văn-Ðó lại đi nhổ mạ đắp bờ, làm cực nhọc tối ngày, tuy tiền công không được bao nhiêu, song mẹ với chị dâu tiện tặn, người xúc tôm bắt cá, người đào củ hái rau, khi ít thì để ăn, khi nhiều thì đem bán, nên trong nhà dầu không dư ăn dư để, chớ cũng không đến nỗi hụt thiếu bữa nào.
Ðến tháng chín tháng mười, ngoài đồng chẳng còn công việc gì làm nữa, mà trời hạn thất mùa, lúa cao gạo kém, các nông-gia đều ngồi khoanh tay nhau nháu [5], nên cũng không ai mướn làm việc gì trong nhà.
Trong huyện Tân-Hoà lúa cũ đã ăn hết rồi, còn lúa mới thì không có mà ăn tiếp. Các nhà nghèo thảy đều khốn-đốn nên có nhiều người phải bỏ nhà dắt vợ con qua xứ khác mà kiếm ăn.
Lê-văn-Ðó ngày nào cũng vậy, hễ sớm mai thức dậy thì đi từ xóm nầy qua xóm nọ, kiếm chỗ làm mướn đặng lấy gạo đem về cho mẹ với sắp cháu ăn, mà đi năm ba ngày mới có người ta mướn làm một ngày, lại ngày nào làm được thì họ huờn công (trả công) bằng một vùa gạo (một nửa sọ dừa dùng đong gạo), không đủ nấu cháo cho gia quyến húp mỗi người một chén, có đâu tới nấu cơm chia nhau ăn cho no được.
Lúc ban đầu trong nhà còn khoai còn bắp, hễ bữa nào Lê-văn-Ðó kiếm gạo không được thì Thị-Huyền nấu khoai hoặc bắp, rồi chia cho sắp con mỗi đứa con một củ khoai, hoặc đôi ba muỗng bắp mà ăn đỡ, sắp nhỏ ăn không no, đến tối Lê-văn-Ðó đi làm về, chị dâu lấy tộ bắp nấu để dành mà đưa cho Lê-văn-Ðó ăn, thì sắp nhỏ bu lại đứng ngó lom lom, đứa xin cho một vài hột. Thị-Huyền rầy con, biểu để cho chú ăn no, đặng ngày sau có sức đi làm mà kiếm gạo. Sắp nhỏ sợ mẹ nên dang ra, song bụng đói quá, nên mặt buồn xo. Lê-văn-Ðó thấy vậy thương xót, không đành ngồi ăn một mình, day qua bên nầy đút cho đứa nầy một muỗng, trở qua bên kia đút cho đứa khác một muỗng nữa, đút gần hết tộ, té ra cũng không còn đủ cho nó ăn no được.
Cách chẳng bao lâu, khoai bắp trong nhà ăn đã sạch hết. Bữa nào không ai mướn Lê-văn-Ðó làm, thì cả nhà đều phải luộc rau luộc cỏ mà ăn đỡ, chớ không có cháo mà ăn. Sắp nhỏ nhịn đói mặt mày vàng ẻo; còn Trần-Thị đã già yếu rồi, mà trót mấy tháng nay bà lại chịu cơ hàn nữa, nên bà nhuốm bịnh nằm thiêm thiếp không dậy nổi.
Một bữa nọ Lê-văn-Ðó đi tối một ngày mà không có ai mướn làm việc chi hết. Lúc trời chạng-vạng tối, nó trở về nhà, hai chơn mỏi rụng, bụng đói xếp ve, lỗ tai lùng-bùng, cặp mắt cháng-váng. Chừng gần tới nhà, nó dừng chưn lại, gục đầu ngó xuống đất một hồi, rồi chậm rãi bước từ bước, dường như nhút nhát không muốn trở về nhà.
Mời các bạn đón đọc Ngọn Cỏ Gió Đùa của tác giả Hồ Biểu Chánh.