Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Chuyện Làng Cuội

“ Cũng là lạ. Không biết nội bộ nó là gì mà phổ biến đến tận đứa trẻ con. Ngành nào, cấp nào làm gì cũng làm theo những chỉ thị, nghị quyết nội bộ chứ không làm theo luật pháp. Luật pháp cứ ra, cứ học, cứ thuộc ra rả như con vẹt mà làm gì, xử lý bất kể việc gì, kể cả tội giết người cũng cứ là từng làng, từng xóm, từng ngành, từng giới có cách giải quyết riêng theo những chỉ thị, nghị quyết nội bộ của người ta. ” Trích “Chuyện làng cuội”.

Đó là một câu chuyện trải dài mấy chục năm, từ đời ông đến đời con, rồi đến đời cháu, suốt mấy thời kỳ, từ trước Cách mạng tháng tám, đến cải cách ruộng đất, rồi đến những năm đầu chuyển sang cơ chế thị trường. Với một cốt chuyện hấp dẫn, “Chuyện làng cuội” đã tái hiện chân thực về cuộc sống con người và vùng quê sông Hồng trong sự chuyển mình của làng quê, của Đất nước trong thời kỳ đổi mới.

***

Nào ai ngờ cái chết của bà Hiêu Đất lại tạo cho làng Cuội ta một khí thế tưng bừng sôi nổi, rất là tự hào. Sau hàng tháng trời lơ lửng trong nỗi buồn ngơ ngác “được phân phối hụt” do huyện chỉ đạo tháo đê quai, cái xác trôi lênh phênh của bà Đất dạt về bến Chợ Quán như nắp thùng tô-nô đựng đầy ám khí được bung ra. Tiết trời mấy ngày nay cũng quang quẻ hẳn. Xa xôi quá thì ít người am tường, chỉ tính năm sáu chục năm đổ lại đây, kể từ năm Quý Dậu, năm cuối cùng của hội thi nói khoác ở miếu Ông Cuội cũng là năm cô Đất bỏ làng đi biệt tăm, đến bây giờ làng mới lại có một vẻ mặt đồng loạt buồn. Nhưng mà sôi động. Khi nào làng có chung một khuôn mặt buồn đều ào ào náo nhiệt và thì thào còn chán. Thế lại hoá vui. “Tuổi Mão đi năm Mùi là đúng cách. “Hợi Mão Mùi”, “Nam xung nữ hợp”, nhất định bà lão phải “đi” vào năm nay. Ông đã biết từ lâu rồi. Nhưng bà lão này thiêng lắm. Không à? Ông dám chắc bà ấy mà dạt về đúng quê, nhất định làng Cuội có sự. Đại sự”.

Ông thống Bứt vừa liêu xiêu đi ra phía bờ sông vừa quát lác. Không cần có ai, hoặc giả trong cơn say ông đã nhìn thấy một thằng người cứ theo ông, ông bước bước nào nó bước bước nấy, nên ông cứ tự hỏi rồi tự giả nhời như thế. Hôm nay ông phải làm một việc hệ trọng. Bắc cầu cho mẹ đồng chí Lưu Minh Hiếu phó chủ tịch tỉnh lên bờ. Khổ thân bà lão. Suốt đời long đong tủi nhục, được lúc con cái ăn nên làm ra, đi Tây đi Tàu như đi chợ lại lăn xuống sông mà chết. Cũng là số trời run rủi. Đồng chí Hiếu là hiếu nghĩa với bố mẹ, đời nào để bà lão chết nhục nhã đến nỗi thế này.

Xác bà lão được vớt lên từ trưa hôm qua. Một cái xác trương phềnh. Cả mặt và hai cánh tay xước tướp táp, không hiểu do cá rỉa hay mắc mớ vào đâu mà không còn một mảng da nào nguyên. Trưa hôm qua, chiếc tàu chở khách từ Hà Nội xuôi, sóng rào rạt xô vào bờ một người mặc quần đen, áo nái vàng, tóc xoã như là ma nhoài lên nằm nghiêng ở bờ cát một tay dang ra như là cố bám lấy cát để khỏi trụt xuống. Các cô bé đang đập chiếu tàm tạp trông thấy thế, kêu lên thất thanh, chạy lao lên ngã dúi dụi vào quán bà Cu Từ. Tiếp theo là ông Cu Mỡ, em ruột ông Cu Từ, vác một manh chiếu xuống bờ sông đắp lên cái xác cũng với câu: “Đ. mẹ nó, điềm này, làng Cuội lại ăn cứt”. Rồi đám người gỡ dây khoai, những người gieo ngô, đám đốt lò vôi, dân thợ xẻ, lò rèn bỏ hết đồ nghề, giống má, chạy túa lại quán bà Cu Từ và ông Cu Mỡ đứng nhìn xuống sông và nghe các cô gái thuật lại “đầu đuôi”. Mấy anh thợ “phơ” đóng gạch, cầm kéo cắt đất táo tợn chạy đến hất chiếu ra, lấy tay kéo lật ngược mặt bà lão lên nhìn: “Đếch phải người làng này”. “Chắc lại oan khuất gì, tự vẫn đây”. “Có khi bị trấn, lấy của rồi nó cho xuôi”.

Khách qua đò ùn tắc lại. Trẻ con tan học hổn hển chạy đến rào rào như gió. Chả mấy chốc bến đò Chợ Quán nghìn nghịt như một cái chấm đen khổng lồ tụ giữa cánh đồng làng Cuội bát ngát phù sa. Quán nhà bà Cu Từ, ông Cu Mỡ nứt nở kẻ đứng người ngồi. Cho đến 10 giờ đêm các đồng chí Đảng uỷ, uỷ ban, hợp tác xã, công an, bàn bạc trong quán bà Cu Từ hết 37 bìa đậu phụ, một bình lạc rang, gọi tròn năm chục chén, mười ba cút rượu, tám gói thuốc lào hội nghị mới ra được một quyết định: lập biên bản báo cáo lên huyện chờ xin ý kiến.

Cần nghiên cứu thêm ý kiến của trưởng ban thông tin văn hoá: có thể đưa lên “quảng cáo” trên ti vi. Độ này người ta quảng cáo tất tần tật, không thiếu thứ gì. Dễ lắm. Thân nhân của họ về nhận sẽ phải tính công vớt từ giữa sông lên rồi công của mấy chục con người canh giữ suốt 24 trên 24 không để thi hài thất thoát. Biết đâu lại chả trúng quả đậm. “Có gì ta làm bữa thả phanh cho bõ công đêm hôm lăn lội, ngồi suông”. Mặt khác, ngày mai, uỷ ban thảo một công văn lên phòng thương binh xã hội xin duyệt một cỗ ván. Việc này có trở ngại là: muốn được duyệt nhanh chóng thì phải có dăm bao ba số, thậm chí còn phải kéo ra cửa hàng lòng lợn, hoặc “cầy tơ”. Kinh phí lấy vào khoản nào? Vậy, tất cả cứ chờ ý kiến của huyện và chờ đồng chí chủ tịch đi thăm bố vợ ốm trên tỉnh, nội nhật ngày mai về. Tối mai ta hội ý lại rồi quyết định sau. Đằng nào bà ta cũng rữa ra rồi. Cho anh em bảo vệ hắt mấy xẻng đất xơ xơ cho đỡ bốc mùi, rồi thù lao cho anh em. Cũng chả cần trông nom gì. Ai họ lấy đi cho là phúc. Đúng là cái vạ cho xã ta.

Đồng chí Nạc – anh đã đổi cái phụ âm đầu nhưng chỉ có cấp trên gọi anh là Lạc còn bà con trong xã vẫn gọi anh là Nạc. Ở vùng này thường lấy tên con đệm trước tên bố mẹ hoặc đẻ con trai đầu gọi là cu, con gái là đĩ. Anh Cu Từ, cụ Cu Từ, ông Cu Mỡ là thế. Bà Hiêu Đất cũng vì con là Hiếu (họ bỏ dấu sắc đi để gọi cho tiện chứ không hẳn là tin theo kẻ xấu bụng, đổi họ và tên anh từ Lưu Minh Hiếu thành Lưu Manh Hiêu).

Đồng chí Nạc cầm quyển sổ có treo bút chì bằng dây gai, ghi các khoản nợ của tối hôm nay. Bà Cu Từ hấp háy đưa ra trước ánh đèn soát lại. Trên mặt chõng cũng nhẵn hoén không còn sót lấy một viên lạc, gói thuốc. Bà yên trí “xin phép các cụ” “cứ tự nhiên” để bà ngả cái nong xuống nằm khoanh tròn trong ấy. Bí thư Đảng uỷ ngồi chồm hỗm trên những đoạn tre đóng vào hai đầu cọc hàng giờ không biết tê, lúc anh thả hai chân xuống, phủi đít quần đứng dậy thì Nạc lại có một sáng kiến mới. Nghiêng tai nghe tiếng ngáy rất dư dật của bà bác dâu, anh vươn người về phía bí thư nói nhỏ nhưng mọi người đều nghe. Anh nói rằng tình hình này sự đồn đại thất thiệt sẽ còn lan đi ghê lắm. Nhưng có lợi cho ta. Ai cũng bịa tạc những tin giật gân, bí hiểm nên người tò mò kéo đến đây xem càng đông. Nhất là cho lên ti vi thì sẽ không biết cơ man nào là người từ các thành phố kéo về đây. Thành phố bây giờ họ có làm gì đâu. Một người ngã xe máy còn xúm đông xúm đỏ lại xem, huống hồ nghe tin có ma hiện lên ở bờ sông làng Cuội. Bí thư cắt ngang.

- Lạy bố. Thế thì rách việc lắm. Mà hơi sức đâu lại đi tìm hiểu để báo cáo nguyên nhân từ đâu có cái tin ấy. Rồi còn phải giải quyết tư tưởng cho bà con. Chết, chết!

- Thiên hạ họ đồn mắc mớ gì đến mình. Biên bản mình sẽ gửi đi. Pháp y họ về, họ làm gì kệ xác họ. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ ấy. Anh không hiểu ý tôi. Tôi hỏi các anh: Các anh có công nhận là mới từ trưa đến giờ đã bao nhiêu người bổ về đây xem thực hư? Đấy là chưa kể bao nhiêu người ở bên kia không có đò sang.

- Đúng rồi – Gần như mọi người cùng trả lời.

- Tôi quả quyết ngày mai còn đông hơn.

- Nhất trí!

- Trời nắng này, người như nêm ấy, có cần uống nước, hút thuốc không?

- Có quá chứ lị.

Mời các bạn đón đọc Chuyện Làng Cuội của tác giả Lê Lựu.