Ta đối với với ngươi có ân giúp đở,
Cho nên người phải làm cho ta 3 điều:
Điều 1: Từ nay về sau một khi gặp người họ Ân, ngươi phải xoay người bỏ chạy!
Điều 2: Từ nay về sau không đụng tới thầy tướng số!
Điều 3: Ngươi nhớ kỹ a, không được thích nam nhân!”
***
Lần đầu đọc truyện của Nhĩ Nhã mà đọc hết trong vòng hai ngày . Khủng khiếp hơn là truyện không H, đến hôn cũng chả tả rõ, hai đứa nhân vật chính thì hơn 2/3 truyện mới thấy tình củm với nhau :v (tự nhiên tổng kết lại thấy mình đọc được cũng hay à… )
Người ta đọc Thần toán tứ bộ dãy đọc từ bộ 1 rồi mới đến mấy bộ sau, tui nhào dô quất bộ 4 trước ╮(╯▽╰)╭. Nói chung thì truyện chủ yếu tranh quyền đoạt vị là nhiều, tình cảm ngọt ngào thì đừng trông mong gì, toàn là ngươi lừa ta gạt, đọc mà đau hết cả đầu. Đây là bộ kể về nguyên căn nguồn cơn của ba bộ trước, về đời cha chú, nên tốt nhất là thôi cứ đọc mấy bộ trước rồi hẳn đọc bộ này, nghe nói mấy bộ trước đáng yêu lắm, thương là thương, ghét là ghét, không có dây dưa cù cưa như bộ 4 này đâu. Mấy ông cha chú thông minh cho dữ dô, toàn một lũ dốt đặc về tình cảm :))).
Bé thụ trong này là bạn thụ khủng bố nhất hệ liệt, vô cùng thông minh, vô cùng xinh đẹp, mỗi tội mồm tới mép tai và luôn lo sợ thiên hạ thái bình. Bản mà không nháo cho gà bay chó sủa là bản không yên được, vậy mà có một đám đâm đầu vào thương bản mới ghê.
Nói chung nhiều lúc cũng thấy khó chịu với bạn thụ tại vì với người thích bạn bạn cứ hay thả thính lắm :)) . Không thích thì dứt khoát đi, cứ mập mờ thành ra gây họa về sau. Cơ mà nói chung #teamsủngthụ (dạo gần đây thì tui chuyển sang #teamtrunggian rồi :)) )mà, nói vậy thôi chứ vẫn thương bản. Rất thích cái tánh quật cường của bạn thụ và cách bản làm mọi chuyện vì bạn công. Rõ ràng bản có thể thi rớt rồi quay về quê an tĩnh mà sống, vậy mà bản vẫn ở lại Nhạc đô, vì bạn công, ở lại giúp công quân lâm thiên hạ mặc dù thụ chẳng ưa tranh quyền đoạt thế, chỉ thích tự do tự tại phá làng phá xóm .
Con người thụ tưng tửng khó ưa vậy thôi, nhưng nhiều cảnh bà Nhã viết bản ngồi cô đơn một mình mà thấy tội lắm. Nhất là cái đoạn mà anh công đăng cơ rồi, bản để anh đi lên hoàng vị một mình, không đoái hoài tới anh. Thật ra thụ chẳng thích công làm vua chút nào, chẳng qua đó là mục tiêu cả đời anh công nên bạn vẫn giúp, lúc anh ngồi yên trên đế vị cũng là lúc em bỏ anh mà đi…
Nghe ngược vậy thôi, chứ anh công ngu ngơ như mầm non tổ quốc kia đâu có để bản đi! Lên làm vua chưa được ba ngày là ổng ngán tới cổ! Hời ơi ổng thích đánh giặc mà bắt ổng ngồi phê tấu chương, uống rượu với bạn mà phải qua mấy chục lần thử độc trong rượu :v, đã vậy còn bị vợ bỏ rơi… thế là ảnh quyết định dứt áo ra đi, quyết tâm giết gịăc lần cuối rồi dẫn thụ cao chạy xa bay. Tới cái đoạn này (gần cuối cmn truyện), tui mới thấy một anh đúng chất một công quân tốt, có chí khí, có lí tưởng, nắm được thì buông cũng được, biết đâu là cái mình cần nhất.
Nói chung về nhân vật thì bộ này bà Nhã chưa làm thỏa mãn nhân tâm lắm, tui thấy vẫn còn sạn nhiều trong tính cách, cơ mà chín người mười một ý, đây mới là ý kiến khách quan thôi. Tình tiết khá ổn, cơ mà tình tiết về sau cứ dồn dập làm độc giả bị quay như dế. Chắc gần cuối tác giả bị đuối :)) , nên một số nút thắt chưa được mở ra hết, còn khó hiểu. Bởi tham thì thâm, dồn tình tiết quá rồi quên tới quên lui. Kết thì xem như là viên mãn, tại vì một phần cái kết nó nằm trong ba bộ trước rồi, cũng xem là tạm chấp nhận đi.
Đọc cái này rồi cũng ngẫm ra được mấy điều hay hay. Cơ mà nhân tình trong này thì chả dám khen…. trở mặt như trở bánh tráng, thay đổi một cái mà hết hồn luôn. Huynh đệ tỉ muội gì đó, trước quyền lực cũng chả là thá gì… Chỉ tội mấy đứa con (nhân vật chính mấy bộ sau), đời cha ăn mặn đời con khát nước, sau này mấy ẻm cũng chịu khỏi vì cha chú lắm.
Nói chung bộ này đọc một lần rồi… không đọc lại :))). Ngán cái tình tiết hack não, ngán cả cái chậm nhiệt, nhưng mà nó vẫn sẽ là một bộ để lại dấu ấn của bà Nhã trong tui :))). Mấy cái đạo lý trong này, nhớ được thì cũng thấy tốt lắm.
P/s: viết cái review này đâu hồi tháng 6/2016, đến tháng 3/2017 lại lọ mọ đi đọc lại, rồi nhận ra rằng thật sự đây là một bộ vô cùng đáng đọc, đọc để đau, đọc để ngẫm và đọc để thấm. Ừm, đến tháng 8/2017 thì thấy là đọc để thích Ân Tịch Ly nhiều hơn chút nữa :)). ❤
Chấm điểm: Theo ban đầu thì tui định chấm cmn xuống 3,75 luôn vì tội chậm nhiệt huhu TT, chậm nhiệt tới tui ngứa ngáy tay chân mình mẩy giùm công luôn é! Nhưng mà cuối cùng thì đây là một bộ ổn, cho nên tạm cho 4,0/5 đi :))
***
JANUARY 23, 2014 | HẢI ĐƯỜNG TĨNH NGUYỆT
Tôi đọc Hoàng Bán Tiên, Hào Mộc Vọng Thiên và Thịnh Thế Thanh Phong trước khi đọc đến Quốc Tướng Gia Thần Toán. Nó là bộ cuối cùng trong hệ liệt nhưng lại là điểm khởi đầu, tạo nút thắt cho ba bộ còn lại. Vì đọc ba bộ kia trước cho nên tôi phần nào đoán được diễn biến trong bộ cuối cùng này nên cứ chần chừ không đọc mãi vì tôi biết cái kết hạnh phúc trong bộ cuối chẳng được vẹn toàn mà tôi thì lại là đứa đa sầu đa cảm, nhát gan không chịu nổi cái đau. Thế mà không hiểu ma xui quỷ khiến gì mà mấy ngày trước tôi lại lấy hết dũng cảm đi đọc nó để rồi lại cảm thấy đau, thấy uất ức, thấy bất công. Chẳng đến mức khiến tôi rơi lệ mà cứ âm ỉ nhức nhối. So với cái cảm giác đau một lần rồi thôi thì cái sự âm ỉ này nó dai dẳng hành hạ người khác hơn rất nhiều. Thế là tôi lùng đọc những bài cảm nhận về Quốc Tướng, nhưng vẫn cảm thấy không đủ, còn thiếu thiếu gì đó. Cuối cùng đành gom góp vốn chữ nghĩa ít ỏi để nói ra hết những suy nghĩ của mình, để cho lòng nhẹ bớt.
Từ khi đọc Hoàng Bán Tiên thì tôi đã thấy tò mò về Ân Tịch Ly, muốn biết một người có thể khiến cho hoàng đế, tướng quân, vương gia… đều nhớ mãi không quên đó là ai. Những đoạn có Ân Tịch Ly xuất hiện, tôi luôn đọc thật kỹ rồi cố gắng mường tượng nhận vật mang tiếng thần toán đó là người như thế nào. Nhưng do tôi già rồi nên trí nhớ chẳng hữu dụng là bao, qua hai năm thì những gì đọng lại trong trí nhớ chỉ là ấn tượng hình như hình tượng Nhĩ Nhã xây dựng cho Ân Tịch Ly trong ba bộ đầu là một con người tài ba nhưng đồng thời cũng có phần ích kỷ. Vì nếu không có Ân Tịch Ly thì tất cả những rắc rối sau này sẽ chẳng xảy ra mà y lại chẳng hề xuất hiện để thu dọn tàn cuộc. Hậu bối kính trọng thì kính trọng đấy, nhưng chẳng thể thích Ân Tịch Ly được, thậm chí còn có phần ghét. Nhưng khi đọc Quốc Tướng rồi thì mới thấy Ân Tịch Ly chẳng ích kỷ chút nào, thậm chí còn có phần khoan dung, cũng không thể ghét Tịch Ly được, thương còn không hết thì làm sao mà ghét chứ.
Ân Tịch Ly, Tịch trong tịch liêu, Ly trong ly biệt.
Một con người kiêu ngạo, phóng khoáng, là thần toán đoán thiên mệnh tài ba sao lại chọn cho mình một cái tên mang đầy cô độc và thê lương như thế? Phải chăng y đã đoán được số mệnh của mình sẽ là cô độc cho nên mới chọn lấy cái tên ứng với hoàn cảnh như vậy? Nhưng thiên mệnh xoay vần, hóa ra Ân Tịch Ly cũng không đến mức cô độc không người chia sẻ, nhân duyên mang Viên Liệt, lãnh liệt như băng, không ai dám đến gần, không ai dám chọc đến bầu bạn với kẻ cô độc như y. Là thứ nhân duyên mà Tịch Ly trăm phương ngàn kế muôn tránh nhưng tránh không được, muốn bỏ mà bỏ chẳng đành.
Có nhiều bạn nói cái tình giữa Viên Liệt và Ân Tịch Ly nhạt, không mang chút sủng nịnh nâng niu như Tư Đồ và Tiên Tiên, không dễ thương bằng Vọng Vọng và Mộc Mộc, không cuồng dại si mê như Ngao Thịnh và Tương Thanh. Nhưng giữa Viên Liệt và Ân Tịch Ly không bắt đầu bằng chữ tình mà là nghi ngờ, là tán thưởng, là tin tưởng rồi mới đến yêu thương. Từ từ, từng chút một, thấm dần, thấm dần vào tim.
Trước hết, bối cảnh trong Quốc Tướng là loạn ly, là phân tranh, là chiến trường. Viên Liệt không mang trong mình võ công cái thế, không tự do thoải mái như Tư Đồ hay Vọng Vọng, không phải là hoàng đế có đội quân bách chiến bách thắng như Ngao Thịnh, trên vai hắn mang cả trách nhiệm với giang sơn, cả ước nguyện của phụ thân, cả nỗi cơ cực của lê dân bá tánh, hắn phải vẫy vùng trong chiến tranh mới có thể đạt được những gì mà hắn muốn, sao có thể buông bỏ trong giây phút chỉ vì Tịch Ly chứ. Viên Liệt phải đấu tranh nội tâm rất nhiều. Hắn giành được giang sơn, nhưng hắn hiểu tâm hắn không tại giang sơn, vậy nên hắn quyết định bình ổn thiên hạ xong, sẽ mang Tịch Ly đi ẩn cư. Viên Liệt như vậy không phải là yếu hèn, mà hơn hẳn thế, là anh hùng. Tình cảm đôi lứa với Viên Liệt vẫn xếp sau cái chí anh hùng mong muốn đoạt giang sơn ấy. Bình thiên hạ xong, giao lại cho kẻ có tài cai trị, coi như hắn tẫn hết trách nhiệm với bá tánh với phụ mẫu với tướng sĩ, rồi sau đó, hắn mới theo đuổi hạnh phúc riêng của mình. Như vậy, chưa xứng với hai chữ anh hùng hay sao?
Tịch Ly không ngây thơ như Tiên Tiên để cần Viên Liệt bảo vệ, bản thân y đủ sức ngạo nghễ chốn ba quân. Ban đầu Tịch Ly muốn trốn đi, nhưng sau khi nghe được những tâm nguyện của Viên Liệt thì lại thay đổi ý định. Y khâm phục bậc anh hùng như Viên Liệt và thế y chọn cách đứng bên cạnh Viên Liệt, cùng chiến đấu cho lý tưởng của hắn. Cái tình giữa Viên Liệt và Ân Tịch Ly là cái tình giữa hai nam tử hán, đứng ngang hàng nhau cùng hỗ trợ nhau bình định giang sơn, là cái tình giữa hai anh hùng mang chung chí hướng giúp đỡ muôn dân, chứ không chỉ đơn giản là tình cảm giữa hai con người bình thường nữa.
Giữa Ân Tịch Ly và Viên Liệt không có lời thề non hẹn biển, không kinh tâm động phách, không luyến ái say mê, mà chỉ có nụ hôn nhẹ lướt dưới ánh trăng, là những lời nói bình thường nhưng động lòng ai.
“Đích thực là ta rất muốn được hoàng vị, thế nhưng trong một kiếp nhân sinh, muốn hoàng vị thì dễ, có được một người hữu tình lại khó.” Viên Liệt cười, nói, “Nếu ta đã tìm mọi biện pháp để không yêu ngươi, nhưng kết cục vẫn cứ yêu ngươi, vậy chứng tỏ đối với ta mà nói ngươi quan trọng hơn ngôi vị hoàng đế rất nhiều, cho nên ngươi hãy theo ta! Chúng ta sẽ đến một nơi không có hoàng vị, sống trọn một đời!”
Vừa thanh tỉnh trở lại, Ân Tịch Ly chợt nghe thấy một thanh âm kỳ quái… Thanh âm, của tiếng lòng khẽ động.
Ân Tịch Ly kiêu ngạo nhưng không ngông cuồng, không ích kỷ ngược lại còn khoan dung. Vốn dĩ y có thể bỏ đi, an ổn sống một đời tại trấn Thanh Vân hẻo lánh xa xôi không ai biết được nhưng y quyết định ở lại giúp Viên Liệt đoạt hoàng vị, giúp bá tánh thoát khỏi cuộc sống cơ cực, mặc dù biết được làm thế chẳng khác nào mang đá buộc chân mình. Ngoài mặt thì Tịch Ly có vẻ tự do nhất, phóng khoáng nhất, nhưng có ai biết gánh nặng giang sơn xã tắc y mang trên người còn nặng hơn bất kỳ ai khác?
Tịch Ly chỉ cảm thấy đã quanh quanh quẩn quẩn lâu đến thế, lần đầu tiên bỏ xuống được gánh nặng trên vai, cũng là lần đầu tiên suy tính đến tương lai của bọn họ, cái tương lai ấy, tràn đầy hạnh phúc, hạnh phúc của tự do thư thái.
Một Tịch Ly đối với mọi người có tâm nhưng lại nhẫn tâm với chính mình hơn ai khác. Một Tịch Ly đầy cơ trí, ngạo nghễ chốn quần hùng, một Tịch Ly điều binh khiển tướng như đang chơi trò đánh trận, một Tịch Ly ngoài cứng trong mềm, một Tịch Ly tuy chọc phá bằng hữu nhưng không cho phép một ai tổn thương đến họ, một Tịch Ly mâu thuẫn biết tránh không được duyên phận mà vẫn cố tránh, biết không được yêu mà vẫn yêu.
“Sao ngươi có thể nhẫn tâm như thế, không nghiêm với kẻ khác, mà hà khắc với bản thân.” Trần Miễn oán giận khóc, “Tất cả mọi người cứ vậy rời đi, đến Diệt Diệt cũng mang đi rồi, chỉ còn ngươi lẻ loi lưu lại một mình.”
Tịch Ly như vậy có ai không thương, có ai không đau?
Mang tiếng là thần toán, nhìn thấu cả thiên cơ, nhưng lại chẳng thể thay đổi được nó. Biết rõ những người xung quanh mình sẽ gặp nạn mà không thể làm gì giúp họ tránh khỏi, thậm chí còn cho rằng mình sát tinh khi những người mà y đoán mệnh không người nào mệnh tốt cả. Đó là nỗi đau của Tịch Ly, là nỗi đau của kẻ thông minh, mà cũng có thể do vậy mà y chọn cho mình cái tên Tịch Ly, suy cho cùng, đa số người được Tịch Ly đoán mệnh cũng mang số kiếp tịch mịch, cô liêu cả đời. Những nỗi tiếc nuối, đau thương của Tịch Ly không được diễn tả bằng lời, mà chỉ qua miêu tả bóng lưng, dáng người.
Viên Liệt không trông thấy thần tình của hắn, chỉ cảm nhận được một mảnh cô đơn khó hiểu phảng phất ưu sầu, vì sao đã rời xa chiến trường, vẫn còn mang cảm giác cô tịch như thế…
Chỉ cảm thấy vị đắng đọng lại, cố gắng xua đi cũng không được.
Loạn lạc như thế, đã đủ lắm rồi, những năm sau chỉ mong an nhàn mà sống.
Tôi thích cái cách Nhĩ Nhã xây dựng nhân vật trong đây, khác với kiểu viết thường của chị, nhân vật trong này không ai là hoàn hảo cả, từ Ân Tịch Ly, Viên Liệt, cho đến Tề Linh, Viên Lạc, Hạ Vũ… Ân Tịch Ly là thần toán đoán thiên mệnh, nhưng không thể thay đổi được nó vì thiên mệnh xoay chuyển theo nhân tâm, mà có mấy ai trên đời này nhìn thấu nhân tâm đâu? Viên Liệt là đại tướng quân, cũng không phải bách chiến bách thách, cũng phải trải qua sinh tử mới thấu hiểu được nhiều điều. Nhưng cái không hoàn hảo đó lại khiến tôi đọng nhiều nhát
Cái tôi không thích ở truyện này là kết truyện quá hẫng, làm tôi có cảm giác như chị bị thiếu ý nên đành phải kết vội vậy, vẫn còn nhiều tình tiết và nhân vật cần nên triển khai như vì sao hoàng đế lại nhường ngôi cho Viên Liệt trong khi trước đó trăm phương nghìn kế muốn đày hắn ra biên quan? Kết cục của Quế Thiếu Nghĩa như thế nào?.. Chỉ đành hy vọng một ngày đẹp trời nào đó chị viết lại phần cuối của bộ, hoặc cho vài cái phiên ngoại cho thỏa nỗi lòng thôi.
Mời các bạn đón đọc Quốc Tướng Gia Thần Toán của tác giả Nhĩ Nhã.