Không hài lòng với những Chinatown - Phố Tàu và Paris 11 tháng 8, hai tiểu thuyết nổi bật của văn học Việt Nam năm 2005, chỉ một tháng sau, Thuận trở lại với những thay đổi đáng kể trong giọng văn và đề tài. T mất tích đẩy xa hơn, một bước rất dài, ngưỡng cửa của bất an và hoang vắn của con người hiện đại, trong các xã hội hiện đại. Con người trong T mất tích không còn mang thân phận của kẻ tha hương bơ vơ trong một bối cảnh xa lạ, mà lâm vào một tình thế khác, không kém phần tuyệt vọng: bị kết án biến mất, nhân vật của Thuận thậm chí không còn chỗ đứng dưới chân, quá khứ nhạt nhoà và tương lai đơn giản là không tồn tại. Với cuốn tiểu thuyết mới, Thuận tiếp tục khẳng định sức viết dồi dào và khả năng chạm đến những ngõ ngách đặc biệt của cuộc sống hiện đại chúng ta.
"…T là ai? Chắc hẳn trước hết là cái tôi. Cái tôi sau khi tràn ngập từng trang, trong những đoạn văn dài hàng trang không ngắt dòng ở ba tiểu thuyết trước, đã phải gánh chịu hậu quả của chính sự tràn đầy đó: nó không trụ nổi lại trên trang giấy. Nó phải chấp nhận số phận mờ ảo hiện diện sau những nhân vật khác. T, điều này quan trọng hơn rất nhiều, còn là Thuận, là nhà văn. Nhà văn Thuận đang tiến hành một thao tác, một thao tác quan trọng với một dải văn chương cá nhân…".
***
T mất tích của nhà văn Thuận là một trong những tác phẩm đáng chú ý của văn học Việt Nam đương đại.
Khi hai từ “mất tích” xuất hiện trong nhan đề một cuốn tiểu thuyết dễ khiến ta nghĩ rằng đó là một cuốn trinh thám. Chẳng hạn, nếu bắt gặp một cuốn tiểu thuyết có tên là Sherlock Holmes mất tích, thì bạn còn mong đợi gì hơn ngoài việc người ta truy tìm vị thám tử lừng danh như thế nào, tại sao anh ấy lại mất tích, và một câu hỏi hết sức kinh điển: thủ phạm là ai? Thế nhưng, không phải bất kỳ sự mất tích nào cũng dẫn đến một câu chuyện trinh thám. Nhà văn đương đại nổi tiếng Nhật Bản Haruki Murakami bắt đầu cuốn Biên niên ký chim vặn dây cót bằng sự mất tích của một con mèo, rồi từ cuộc tìm kiếm mang tính chất trinh thám ban đầu, dần dần đưa người đọc bước vào cuộc phiêu lưu mang tính chất siêu thực trong thế giới tiểu thuyết của mình. Tương tự, Hãy chăm sóc mẹ Shin Kyung-Sook (vừa đoạt giải Man Asian 2011) mở ra với sự mất tích của một người mẹ, nhưng hơn ba trăm trang sách không để trả lời câu hỏi mẹ đang ở đâu, mà thông qua cuộc tìm kiếm và góp nhặt ký ức của những đứa con về mẹ, cho ta biết bà là ai.
Tiểu thuyết luôn cần có một ngòi nổ để bắt đầu, và các nhân vật mất tích là một trong những ngòi nổ như vậy. Nhân vật mất tích có thể hoàn toàn mờ nhạt (như con mèo), hoặc không trực tiếp xuất hiện nhưng lại được tô đậm rõ nét thông qua những nhân vật khác (như người mẹ). Cuốn tiểu thuyết đó cũng có thể là trinh thám (Sherlock Holmes mất tích), hoặc siêu thực (Biên niên ký chim vặn dây cót), hoặc không siêu thực mà cũng chẳng trinh thám (Hãy chăm sóc mẹ). Nhưng nếu không có một nhân vật nào đấy tình nguyện mất tích, thì thế giới sẽ vẫn trôi lăn theo cái vòng tuần hoàn của nó, còn người đọc thì chẳng thể có được những cuốn tiểu thuyết tuyệt vời như trên.
Ở đây, T mất tích lại là một nhan đề nửa rõ ràng nửa không rõ ràng. T là ai? T, hiển nhiên không phải là tên của một vị thám tử lừng danh, cũng không phải tên của diễn viên, ca sĩ nổi tiếng nào cả. T có thể là một con mèo, cũng có thể một người mẹ. Nhưng chắc chắn một điều, T chính là viết tắt của Thuận, tên tác giả. Người đọc có quyền đoán định: phải chăng T chính là Thuận? Sự việc chưa rõ ràng trở nên rõ ràng hơn khi đến trang 57 có một đoạn như sau: “Tôi chưa bao giờ đọc đúng tên T. Những cái dấu trong tiếng Việt nghe nói rất rắc rối mà tên của T ghi trong hộ chiếu gốc thì gồm những hai dấu, cái trên cái dưới, lâu ngày tôi đã quên rằng chúng dành cho chữ U hay chữ A hay mỗi chữ một dấu.”
Vậy là ngay từ nhan đề, ta đã có thể thấy được sự hài hước vốn là điều quen thuộc trong văn chương của Thuận. Nếu T là Thuận, chị tuyên bố với độc giả ngay từ đầu rằng tôi – tác giả, sẽ hoàn toàn mất tích trong tác phẩm này. Điều đó đồng nghĩa với việc chị đã thẳng thừng bác bỏ luận điểm trên. Tiểu thuyết chẳng cần tới bất cứ cái ngòi nổ quái quỷ nào cả, mà không ai khác, nhà văn chính là nhân vật quan trọng nhất trong việc hình thành một cuốn tiểu thuyết. Trong một tác phẩm, nhà văn có thể hoàn toàn “mất tích” từ đầu đến cuối, thay vào đó sẽ là anh A chị B hay một “tôi” nào đó kể tiếp câu chuyện. Nếu T không là Thuận, chị phủ lên độc giả một bức màn khơi gợi sự tò mò: T, thực ra là ai, và T mất tích có phải là một cuốn tiểu thuyết trinh thám hay không?
Ngay từ trang đầu tiên, Thuận đã đặt người đọc vào trong một không gian hết sức trinh thám: đồn cảnh sát. “T mất tích… trong một buổi tối, tôi phải qua hai cuộc thẩm vấn”. “Tôi” không ai khác chính là chồng của T, một phụ nữ Việt Nam lấy chồng và sinh sống tại Pháp. Như vậy, T chỉ là một con người bình thường, bình thường đến độ sẽ chẳng ai biết cô mất tích nếu chồng cô không gọi điện báo cảnh sát. Lý do là vì cô không có gia đình lẫn bạn thân ở Pháp, đám cưới cũng không ai hay biết. Mà thực tế là cũng chẳng có cái đám cưới nào được tổ chức, hai vợ chồng chỉ đơn giản nắm tay nhau đến tòa thị chính ký giấy kết hôn rồi đi ăn nhà hàng.
Từ cái không gian trinh thám đó, ta cũng bắt gặp một nhân vật hết sức trinh thám: đại úy Delon. Nhưng đại úy Delon không phải là Sherlock Holmes của tác phẩm, mà nhiệm vụ ấy sẽ được đặt lên vai của “tôi”, nhân vật chính. Trước hết, ta có thể dễ dàng thấy được chồng của cô T vốn có sẵn máu thám tử trong người. Hãy chú ý đến những suy luận hết sức logic của anh ta về từng vấn đề xung quanh, từ sự mất tích của T cho đến việc đại úy Delon tìm cách do thám mình như thế nào. Hai lần điển hình là khi Delon gọi điện đến cơ quan dò hỏi người bạn đồng nghiệp Paul và khi Delon nói chuyện với vợ chồng ông gác cổng nơi “tôi” ở. Cũng dễ hiểu vì khi T mất tích thì chồng cô nhanh chóng trở thành nghi can số một. Thế nên, “tôi” quyết định tự mình đi tìm vợ, thay vì trông chờ vào những nỗ lực không mấy khả quan của cảnh sát Pháp.
Cuộc tìm kiếm T mất tích dẫn người đọc đi qua ba cuộc ngoại tình hết sức dữ dội mà thực tế đều bắt nguồn từ những suy luận đầy tính thám tử của “tôi”. Nhân tiện, ngoại tình vốn là một chủ đề ưa thích của Thuận, và sẽ còn bùng nổ hơn ở cuốn tiểu thuyết kế tiếp của chị, Vân Vy. Ở T mất tích, ngoại tình, hay cụ thể hơn là tình dục, trở thành một nỗi ám ảnh thường trực đối với nhân vật chính. Anh có thể dễ dàng nhận ra mối quan hệ mẹ con bất chính của vợ sếp với đứa con nuôi, hoặc chỉ cần quan sát cô y tá cũng đoán được cô ả đã mây mưa với bố mình như thế nào. Giọng văn hóm hỉnh cùng lối viết chắc tay của Thuận khiến cho việc ngoại tình cũng trở nên hết sức thú vị. Nhưng căn nguyên do đâu người chồng lại có những suy nghĩ như vậy, đầu tiên phải nghĩ đến người vợ.
T, tuy mất tích nhưng cũng được miêu tả đủ cho người đọc hình dung về một tính cách: “T không lãng mạn”, “tính kín đáo quá mức của T làm tôi ngần ngại”. Một người chồng Pháp lấy phải cô vợ Việt như vậy mà không ly dị không ngoại tình thì quả là có sức chịu đựng, chịu đựng đến mức dửng dưng. Sự dửng dưng của anh chồng Pháp không chỉ giới hạn ở đó. Anh không nhảy vào tám chuyện với đồng nghiệp, anh chẳng buồn quan tâm đến chuyện chia chác tài sản mà bố để lại, và xem chuyện của chị hàng xóm chỉ “như cơm bữa trên một nửa trái đất”. Cuối cùng, sau tất cả những dửng dưng, anh cũng đành buông xuôi trước sự mất tích của người vợ.
Sự mất tích của T hóa ra lại là một ẩn dụ, ẩn dụ cho cái sự dửng dưng và buông xuôi của con người. Người chồng Pháp có thể tiếp tục dửng dưng nhưng người vợ Việt thì đã đủ mỏi mệt. Cuộc sống như một vở kịch mà các nhân vật vô cùng lạc lõng giữa sân khấu.
“Thử nhìn xung quanh, có ai dám thay đổi điều gì?”
T mất tích hóa ra lại là sự dũng cảm, muốn phá vỡ cái dửng dưng đó…
T mất tích dẫu có những yếu tố trinh thám rất Trần Dần (Thuận là con dâu Trần Dần, vợ Trần Trọng Vũ) nhưng không phải là sách trinh thám. T mất tích rất gần với Biên niên ký chim vặn dây cót của Murakami, từ giọng văn rất Tây (Thuận đang sinh sống tại Pháp) cho đến nỗi cô đơn của con người hiện đại, cụ thể hơn là xã hội tư bản phương Tây. Nhưng gần không có nghĩa là giống, ta hoàn toàn có quyền tự hào về một tác giả người Việt viết tiểu thuyết chắc tay và đầy bản lĩnh, ngay từ cách đặt nhan đề cho tác phẩm của mình.
Còn một điều hài hước nữa, chính người đọc cũng bắt đầu vào một cuộc tìm kiếm. Ban đầu, ta đọc tiểu thuyết để đi tìm lời giải T là ai. Trải qua từng trang sách, ta cứ đoán già đoán non, T là Thuận hay T không phải là Thuận.
Cuối cùng, T vẫn còn là một ẩn số.
***
Câu chuyện bắt đầu ngay bằng sự vắng mặt của T. Tôi, một người đàn ông Pháp một chiều bỗng không thấy người vợ Việt Nam (T) trở về nhà. Sau khi báo cảnh sát, tìm kiếm ở một người quen biết, và tin rằng vợ mình không về nước, cũng chẳng có người thân nào để đến, ông quyết định: T mất tích.
Cuộc sống biến động với sự kiện đó. Đã bao năm, một cuộc sống lặng lẽ trôi đi và họ chưa hề có một lần nào nhìn bản chất thực của nó. Cả hai người đều có rất ít người quen, sống giữa chốn đô thị mà không khác gì nơi hoang đảo. Họ không còn liên lạc nào với cha mẹ, họ hàng. Đều đặn ngày nào cũng như ngày nào, đến nơi làm việc, về nhà vào tối mịt, đón con rồi ăn tối, ngủ trên hai chiếc giường đơn trong phòng ngủ, chung hay riêng tùy lúc. T đi đâu, phải chăng sự ra đi đó là để dứt khỏi cái nhịp điệu buồn tẻ kia. Hay đó là sự lạc lõng của một bản thể, đi vào cõi hư ảo, tìm sự giải thoát cho kiếp sống ngột ngạt?
Vào vai một nhân vật đàn ông khá nhuyễn, nhà văn Thuận mang đến T mất tích như một món ăn tinh thần lý thú mà văn đàn Việt Nam bấy nay chưa có.
***
T mất tích. Cảnh sát, sau bốn mươi tám tiếng đúng qui định hình sự, đã khẳng định như vậy và tung kế hoạch truy tìm trên phạm vi toàn quốc. Ngay trước đó, trong một buổi tối, tôi phải qua hai cuộc thẩm vấn, cuộc đầu tiên vào sáu giờ là của thanh tra phó đồn cảnh sát địa phương, cuộc thứ hai một tiếng rưỡi sau là của thanh tra trưởng đồn cảnh sát địa phương. Tôi tỏ ra bình tĩnh và kiên nhẫn, các lời khai có lẽ khớp nhau nên sau đó, người ta hứa để cho tôi yên. Thực ra cũng không thể khác được, các câu hỏi của cả hai thanh tra khá đơn giản và tôi đã nói sự thật một cách mạch lạc, họ có vẻ tin lời tôi và chưa một lúc nào tỏ ý muốn vặn vẹo hay đánh bẫy. Nhìn chung, các vị ấy có tác phong nhã nhặn, thậm chí lịch thiệp, bằng chứng đầu tiên là cả hai đều gọi tôi đến vào những giờ ít ảnh hưởng tới công việc của tôi và lần nào cũng tự tay mang cho tôi một tách cà phê nóng kèm đường viên đựng trong một hộp nhỏ, lấy từ góc bếp chỉ dành cho nhân viên trong đồn. Biên bản của các cuộc thẩm vấn ghi theo lời tường trình của tôi, dường như cả dấu phẩy cũng không khác nhau, tôi cảm giác đã học thuộc ngay sau khi ra khỏi đồn cảnh sát, giờ đây vẫn có khả năng nhắc lại không mấy khó khăn:
T thường rời công sở lúc 5h15, đến mẫu giáo đón Hanah con gái của chúng tôi lúc 6h kém 5 vì đúng 6h là trường đóng cửa, nội qui được hiệu trưởng thông báo ngay từ buổi họp phụ huynh đầu tiên. Hôm kia khoảng 7h tối, khi tôi đang còn ở văn phòng thì cảnh sát gọi điện yêu cầu tôi đến gặp gấp, lý do là Hanah không có ai đến đón nên đã bị đưa ra đồn và đang ngồi đợi người thân. Lúc tôi tới nơi, Hanah vừa được một nữ cảnh sát cho ăn tối, tôi trình chứng minh thư và kí vào giấy nhận con, chúng tôi về tới nhà chừng 8h30, cho đến lúc đi ngủ cũng không có một tin tức nào của T. Tôi đã gọi điện báo cho công an, cũng là nơi đã giữ Hanah lúc nãy. Hôm sau, tôi tự đưa Hanah đến mẫu giáo và tới văn phòng muộn mười lăm phút, buổi chiều xin phép nghỉ sớm một tiếng. Ngay trong ngày, tôi tranh thủ gọi điện đến chỗ làm việc của T, thường trực và hai đồng nghiệp cùng phòng đều khẳng định nhìn thấy T ra khỏi cơ quan lúc 5h10 chiều hôm trước. Vợ tôi không có cả gia đình lẫn bạn thân ở Pháp. Người duy nhất mà T đôi khi gặp gỡ là chị Xuân, cùng theo học lớp tiếng Pháp ở một tổ chức Thiên chúa giáo khi cả hai mới đặt chân đến Paris. Trong danh bạ điện thoại Paris, tôi tìm được số của chị Xuân. Chị Xuân đang vội đi làm và trả lời ngắn gọn từ nửa năm nay không nhận được điện thoại của T.
Rất ít khả năng là T về Sài Gòn thăm gia đình. Một chuyến đi xa như vậy, dù thế nào đi nữa, cô ấy cũng phải báo cho tôi một câu. Tôi cũng trao đổi với ngân hàng và được biết từ đợt trả tiền nhà lần cuối, tài khoản của chúng tôi không có thất thoát quan trọng, người phụ trách ngân hàng còn nhiệt tình gửi qua fax bản kê những món chi tiêu được trả bằng séc và các Visa ba tuần qua. Sau đó tôi đã kiểm tra cặn kẽ, không thấy có dấu hiệu đặc biệt, nói chung là những khoản nhỏ dưới một trăm euro, chủ yếu là tiền đi chợ và tiêu vặt trong nhà.
Mời các bạn đón đọc T Mất Tích của tác giả Thuận.