Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Pháo Hiệu Đỏ

Tác phẩm Pháo Hiệu Đỏ khắc họa tinh thần chiến đấu của những người lính Liên Xô trong cuộc chiến tranh Vệ quốc, thông qua một trận đánh chiếm trường học với quân Đức.

Cuốn Pháo Hiệu Đỏ này gồm hai truyện vừa:

  • Pháo hiệu đỏ
  • Gia đình đại úy Đôrôkhin

***

Lời tác giả

Các bạn thân mến!

Cuốn truyện vừa nhỏ bé này đã được viết vào lúc nghỉ ngơi giữa các trận đánh hồi cuối năm 1942: thời kỳ gian khổ của cuộc chiến tranh mà đất nước chúng tôi đã tiến hành để chống chủ nghĩa phát-xít Đức. Tôi đã phục vụ trong một sư đoàn đã tham gia phòng thủ Moskva, về sau sư đoàn ấy đã tham gia cuộc phản công của quân đội chúng tôi đánh đuổi bọn xâm lược Hitler. Trong truyện vừa này, tôi cố kể lại về chủ nghĩa anh hùng của những người lính Xô-viết đã chiến đấu trên những phòng tuyến ngoại thành Moskva. So với hồi bấy giờ thì trong truyện vừa này không có điều gì đặc biệt và khác thường cả, truyện này chỉ nêu lên việc xảy ra bình thường ngoài mặt trận. Trong những ngày ác liệt này, chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Xô-viết ở ngoài tiền tuyến cũng như ở hậu phương là một biểu hiện chung của mọi người và ở khắp nơi; hồi đó, chiến công là tiêu chuẩn trong tư cách con người. Nhân dân Xô-viết thuộc mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp đều đứng lên chiến đấu chống quân thù. Đảng cộng sản đã đoàn kết toàn dân – và chúng tôi đã chiến thắng!

Tôi vô cùng sung sướng là cuốn sách này của tôi sẽ được các bạn đọc, tôi hy vọng như thế. Chúng tôi, những người Xô-viết, hiểu rất rõ thế nào là chiến tranh, chúng tôi nhớ lại mọi điều: những trận ném bom thường xảy ra, những đám cháy của thành thị, tình trạng tâm thần căng thẳng tột độ, những hy sinh, những mất mát họ hàng thân thích… Và vì thế, hỡi các bạn thân mến, chúng tôi rất khâm phục tinh thần dũng cảm của các bạn! Nhân loại sẽ không bao giờ quên chiến công huy hoàng của các bạn, những người Việt Nam gan dạ, tự hào và tha thiết yêu tự do. Còn kẻ thù của các bạn, kẻ thù độc ác trong nhiều năm ngập ngụa trong những tội ác đẫm máu, thì nhất định sẽ bị đánh bại. Cũng như chủ nghĩa phát-xít Đức đã bị đánh bại – điều đó thì không còn nghi ngờ gì nữa. Cuối cùng thì thắng lợi bao giờ cũng thuộc về chính nghĩa, tự do và dũng cảm.

Hỡi các chiến sĩ Việt Nam, chúng tôi hết lòng ủng hộ các bạn!

Georgy Beryozko

***

Đúng 17 giờ 30, trung úy Gorbunov dẫn quân mở đợt tấn công, và để chấp hành mệnh lệnh, trung úy vừa chiến đấu, vừa lao vút đến rìa phía đông của làng. Một bộ phận những xạ thủ của anh đã nằm trong những chiến hào phủ băng mà bọn Đức bỏ lại. Gorbunov vừa bắn tiểu liên vừa chạy đến ngôi trường đen sẫm. Ngọn lửa chập chờn chiếu sáng gian phòng trống, ngổn ngang những gạch vỡ. Gorbunov dừng lại và ngừng bắn. Anh nghe ở phía sau lưng có tiếng chân nện thình thịch và hơi thở hồng hộc của những người đang chiến thắng. Các chiến sĩ dùng báng súng mở toang những cánh cửa và lần lượt chiếm lớp này đến lớp khác. Tiếng hô “xung phong” đã ngừng bặt, và trung úy cất cao giọng khản đặc ra lệnh bắn ba phát pháo hiệu trắng. Theo mệnh lệnh đã quy định thì đó là dấu hiệu chiến thắng của anh. Những chiếc pháo hiệu bay vút lên bầu trời, và bây giờ thì chính Gorbunov phải chờ tín hiệu. Pháo hiệu đỏ ở hướng tây-nam sẽ phải báo cho anh biết về cuộc tấn công chung đã bắt đầu. Gorbunov nhận được lệnh yểm hộ cuộc tấn công của nhóm quân chủ lực có nhiệm vụ đánh chiếm, còn sau đó thì sẽ hợp nhất với nhóm đó để tiêu diệt quân thù. Mệnh lệnh rõ ràng và ngắn gọn, như mọi mệnh lệnh xuất sắc khác.

Các chiến sĩ bố trí trong trường học. Họ nạp lại đạn, làm huyên náo, ăn tuyết – một sự khích động lớn đang nung nấu trong lòng họ. Sức mạnh đáng sợ của lòng căm thù dữ dội đã làm cho họ vùng lên, và chỉ vừa mới đây thôi, họ đã chạy trên lũy đất băng giá được những ánh lửa chói lòa bùng lên soi sáng. Nảy sinh từ ý chí muốn sống, sức mạnh đó đã làm tiêu biến nỗi lo sợ chết, và giờ đây sức mạnh đó vẫn đang tìm lối thoát. Tròng trắng của những cặp mắt dữ tợn ánh ngời lên trên những khuôn mặt đen sạm và tím lại vì băng giá. Hơi tỏa ra từ những cái mồm mở rộng, bay lơ lửng trên đầu.

Gorbunov đứng giữa lớp vừa thét vừa ra lệnh. Qua lỗ thủng to tướng trên tường do đạn đại bác đã xuyên qua, nom thấy rõ mảnh trời trăng dày đặc sương mù. Những viên đạn sáng rực vút bay trong không trung màu lam nhạt. Gorbunov đi đến gần lỗ thủng, áp mình vào tường và nhìn ra ngoài. Ở phía trước, khoảng chừng một trăm rưởi thước, bọn Đức đang ở trên bờ cao của dòng mương xói phân cách làng với trường học. Chúng ẩn nấp trong những ngôi nhà gỗ đen ngòm, phủ đầy tuyết; ở hầm nhà thì chúng đặt những khẩu đại liên. Những nòng súng không nom thấy từ đó chĩa thẳng đến trường học và các chiến hào… Đằng sau ngôi nhà đó, mờ mờ hiện lên một dải rừng xanh phủ tuyết, giống như một đám mây đen sa xuống. Ở phía ấy, trong lòng sâu của đám mây đen kia, đáng lẽ phải lóe sáng lên ánh chớp của mũi tấn công chủ lực, nhưng dải rừng lúc đó thật là yên tĩnh và bí ẩn. Thỉnh thoảng những chiếc pháo sáng treo lơ lửng trên hàng tiền duyên tuyến phòng ngự của địch. Ánh sáng không sinh khí tỏa xuống mương xói, và Gorbunov nom thấy rõ rệt ở đáy mương xói một thành giếng phủ đầy băng, những lối mòn in hằn trên tuyết, những xác chết đã biến dạng tựa hồ như những vết mực nhòe. Ở đằng xa trên chân trời, một cái ấp đang cháy. Ngọn lửa vàng khè, hầu như bất động, le lói sáng trong màn đêm sâu thẳm và giá lạnh của tiết tháng giêng.

Gorbunov vuốt mặt, sờ thấy trên má một thỏi băng con. Anh rứt nó đi và cảm thấy ran rát đau. Té ra là khi tấn công, anh bị xây xát mặt mà không biết. Anh lấy lòng bàn tay thu nhặt tuyết có lẫn cả gạch và áp vào má. Tuyết nhanh chóng tan ra. Trung úy nhìn bàn tay vấy bẩn nước đen đen, nghĩ rằng cần phải băng má lại, nhưng ngay lập tức, anh đã quên bẵng điều đó.

- Trung úy đâu? – một giọng khản đặc thét lên trong bóng tối.

Gorbunov nhận ra Medvedovsky, tiểu đội trưởng.

- Có chuyện gì thế hở? – trung úy thét lên và chỉ đến bây giờ anh mới nhận thấy là mình luôn mồm thét to, mặc dù chẳng cần phải thét nữa.

- Báo cáo đồng chí trung úy, các chiến sĩ hỏi, cớ sao bọn ác ôn kia được ngồi trong nhà sưởi ấm, còn chúng ta thì giẫm chân trong băng giá.

- Củng cố vị trí rồi chứ? – cố kìm mình, trung úy hỏi khẽ.

- Báo cáo có! – tiểu đội trưởng gào to.

- Việc gì anh phải thét lên thế? – Gorbunov nói.

- Tôi không thét ạ! – tiểu đội trưởng gào to.

- Củng cố rồi, thế là được! – Gorbunov đáp.

Anh cảm thấy nóng và dựng những vành tai của chiếc mũ lông lên. Khí phách hiên ngang vừa vui vẻ vừa dữ dội lạ lùng vẫn còn sôi nổi trong tâm hồn anh. Trong giây lát, một ý nghĩ điên rồ thoáng hiện trong óc trung úy: không chờ tín hiệu, cứ dẫn quân tấn công đánh chiếm làng mà không cần sự chi viện của ai cả. Một cảm giác tinh nghịch đã thôi thúc anh, giống như cảm giác của con bạc gặp vận đỏ đang đặt món tiền cái tăng gấp đôi. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, không lôi thôi gì cả; và hơn nữa với lực lượng nhỏ bé mà anh hiện có trong tay thì cuộc tấn công vào một vị trí đã được củng cố chắc chắn sẽ thất bại thảm hại.

- Hãy quan sát, – trung úy nói. – Có lẽ là chúng ta sẽ sưởi ấm cho đến tảng sáng.

Các chiến sĩ túm tụm lại. Trong góc, những chiếc áo dài ngụy trang của họ ánh lên màu trăng trắng. Sau giờ phút căng thẳng đến kiệt lực của trận tấn công, giờ đây mọi người đều muốn ăn và hút. Họ gặm lương khô, và những ánh lửa thuốc lá lập lòe trong bóng tối.

- Nó xông vào tớ, – Lugovykh thét to, anh ta là một nông dân mặt chữ điền, râu ria xồm xoàm, quê ở Ngoại Ural, – nhưng chính cu cậu thì lại sợ quá nên khẩu súng trường run rẩy trong tay. Tất nhiên là tớ chẳng bỏ lỡ cơ hội…

- Tớ lễ phép bảo nó: “Đồ chó đẻ, đầu hàng đi!” còn nó thì đưa tay lấy lựu đạn. Tớ liền nói: “Tùy ngài thôi…”

Dvoeglazov không nói hết câu và nhún vai.

- Cậu bắn chứ? – Lugovykh thét to.

- Nếu kẻ thù không hàng thì người ta diệt nó, – Dvoeglazov nói.

- Đúng thế! – Kochesov gào lên. – Tớ cũng làm như thế.

Kochesov quê ở Baku, anh là một người xà ích có đôi vai rộng, vạm vỡ như ông hộ pháp, anh thở hồng hộc và chậm rãi đảo qua đảo lại cặp mắt tròn, tựa hồ như cặp mắt người say rượu. Vừa ngắt lời nhau vừa tranh nhau nói, các chiến sĩ kể lại trận đánh mà họ đã chiến đấu rất giỏi. Họ cảm thấy sung sướng vì họ còn sống và được thấy quân thù tháo chạy khỏi họ. Sự gần gũi của đồng đội giờ đây đã đem lại cho họ nỗi lòng khoan khoái rõ rệt. Việc cùng nhau chịu đựng nguy nan và cùng nhau vui hưởng thắng lợi đã xóa bỏ mọi điều không thích nhau giữa người này với người khác mà trong những hoàn cảnh khác thì có thể xảy ra. Vì bị kích động nhiều nên họ chửi rủa và đùa cợt lẫn nhau.

Gorbunov gọi trung sĩ Rumyantsev đến chỗ mình. Một vệt xám rời khỏi tường và bò trên sàn. Trung sĩ đứng sau lưng Gorbunov. Ngoái lại, trung úy thấy khuôn mặt sạm đen với cái mũi hếch và đôi mắt ti hí tươi cười.

- Cảm ơn, trung sĩ, – Gorbunov nói. – Anh không bị thương chứ?

- Còn sống! – với một vẻ ngạc nhiên vui vẻ, Rumyantsev trả lời.

Gorbunov mỉm cười nhìn trung sĩ. Chính anh ta, Rumyantsev, người đầu tiên len lén bò đến hầm súng máy, liệng vào đấy một quả lựu đạn, và khi bọn Đức sống sót chạy thục mạng, thì anh đã hét to đến nỗi mọi người đều nghe được: “Nào, các cậu ơi! Bọn phát-xít trong tay chúng ta rồi!”

- Còn sống, – Gorbunov lặp lại, tỏ vẻ tán đồng, dường như chính điều đó là công lao chủ yếu của cá nhân trung sĩ. – Cừ lắm!

Rumyantsev thích người chỉ huy của mình. Giờ đây anh đặc biệt khoái trá thấy nét mặt trông nghiêng của trung úy với gò má cao, cái mũi to và đôi môi mỏng. Trong sự nghiệp đầy nguy hiểm lớn lao ấy mà họ cùng nhau thực hiện, đời sống của mỗi người tùy thuộc không những vào sự khéo léo hay may mắn của cá nhân, mà còn vào điều những người khác đã xử sự và hành động như thế nào. Sau trận đánh thắng lợi, Rumyantsev cảm thấy một niềm tin vô hạn đối với trung úy.

Anh cho là cái may mắn riêng của mình trong một chừng mực nào đó cũng là nhờ những hành động khéo léo của người chỉ huy.

Anh lúng túng lặng thinh, không tìm được lời diễn đạt lòng biết ơn và khâm phục của anh.

- Còn sống! – anh nhắc lại một lần nữa với giọng biết ơn.

Trung úy giao cho một người chỉ huy cấp dưới của anh theo dõi xem ở hướng tây-nam pháo hiệu đỏ có xuất hiện không. Anh bảo Rumyantsev đi theo và ra đi xem xét trường học. Bước ra cửa thì hai người gặp Masha Ryzhova.

- Chào đồng chí trung úy! – Masha nói khẽ, giọng hầu như là trẻ con. – Có gì mới không ạ?

- Không, – Gorbunov nói.

- Khó khăn lắm mới lần đến chỗ đồng chí được, – Masha nói.

- Cô ta thì dù khó khăn đến mấy đi nữa, bao giờ cũng vẫn lần đến được cả! – Rumyantsev nói to.

Cô gái thở dài, cất mũ và lắc đầu giũ làn tóc rối. Dưới ánh trăng lờ mờ, Gorbunov thấy khuôn mặt tròn trĩnh của cô với đôi mắt sâu trong bóng màu lam đẹp một cách lạ lùng. Cũng như mọi người trong đơn vị, anh tự hào về người nữ y tá của mình. Nhưng Masha là một cô gái trẻ măng, nên Gorbunov cho rằng anh có thể hỏi cô những điều mà không bao giờ anh hỏi người đàn ông.

- Thế nào, chị đi đến đây có sợ không? – anh niềm nở nói.

- Mọi người đều hỏi tôi như thế, – Masha nói. – Khoảng không quanh tôi thì rộng và nhiều, tôi chỉ chiếm một chỗ không lớn lắm ở trong đó. Thế thì vì sao đạn lại cứ phải nhất thiết trúng vào tôi?

- Viên đạn là đồ ngốc, – trung úy âu yếm nói.

- Đúng thế, – Rumyantsev bật cười.

- Tôi chỉ phải băng cho ba người, – Masha nói. – Thiệt hại chỉ có thế thôi.

- Ivanovsky thế nào? – trung úy hỏi.

- Sẽ khỏi thôi, – Masha đáp.

- Tội nghiệp, anh chàng thật không may, – Gorbunov nói.

Chính trị viên Ivanovsky bị thương lúc mới bắt đầu tấn công.

- Mệt kinh khủng, – Masha phàn nàn.

- Thế thì chị hãy nghỉ đi, – trung úy nói.

Gorbunov và Rumyantsev lần theo cầu thang bằng đá có tay vịn bị sập xuống, leo lên tầng hai. Trong gian phòng mà họ bước vào, có lẽ trước đây là thư viện của nhà trường. Sách nằm hàng đống trong góc, phủ đầy tuyết từ ngoài trời bay vào, Những tờ giấy bị xé ra nổi lên lờ mờ màu lam nhạt trên nền nhà đen thẫm. Gorbunov cúi xuống nhặt một quyển sách, Anh đọc trên trang bìa: – “Gogol. Taras Bulba”. Trung úy nhặt một quyển sách khác: “Jules Verne. Tám vạn dặm dưới nước”.

- Sách hay đấy, – anh nói với Rumyantsev, rồi lấy tay áo phủi lớp sương muối trên bìa và để sách lại chỗ cũ.

Trong khung cửa sổ hình chữ nhật tràn ngập ánh trăng, hai chiến sĩ đã đặt khẩu súng liên thanh. Chiếc bàn dài trắng xóa lạ thường vì bị phủ lớp sương muối. Gorbunov nói chuyện với các chiến sĩ, rồi đi tiếp. Trong một lớp học bên cạnh còn giữ được hai tấm các tông treo trên tường, trên đó có dán những tranh vẽ của học sinh. Trên một mẩu giấy con, có những chiếc phi cơ kỳ lạ đang bay; những bông hoa với tràng cân đối hướng về phía người xem. Những con người với những cặp chân quẹo đứng bên cạnh những ngôi nhà bé tí, đẹp đẽ, và mặt trời tua tủa những gai, hệt như một con nhím, chiếu sáng họ từ trên bầu trời quang mây. Sương muối bám trên những nếp cong của tờ giấy, trên những góc gãy của tấm các tông.

- Thật giống hệt như cháu Lena nhà tôi đấy, – Rumyantsev thốt lên. – Con gái của tôi, cũng là nữ họa sĩ cơ đấy.

- Chúng nó vẽ tuyệt thật! – Gorbunov nói tin tưởng.

Anh đã hai mươi bốn tuổi, chưa vợ. Nhưng đứng trước những tranh vẽ mà trên đó có ghi tên họ của các tác giả theo đủ mọi hướng “Vitya Pogorelov, lớp II”, “Zoya Surovtseva, lớp I”, “Dusya Pyatakova, lớp I”, “S. G. Lukashin, lớp II”, “Nina Volkova, lớp II”, trung úy cảm thấy nếu anh không phải là bố của những đứa bé ấy, thì cũng là người anh cả của chúng. Anh khâm phục chúng, với tư cách một người bà con gần gũi nhất. Và với tư cách là một người bà con, anh cảm thấy rất hài lòng với ý nghĩ là chính anh cùng với các chiến sĩ của mình đã trả lại trường học cho bé Nina Volkova. Bọn Đức đã đuổi các em đi khỏi nơi này, đã phá phách thư viện và làm bẩn các lớp học, – còn trung úy, trong khi đánh đuổi bọn Đức đi, anh đã làm một công việc thật là thiêng liêng. Anh đã làm cho chính nghĩa được thắng lợi. Ý nghĩ đó nảy ra sau trận đánh, dường như là một phần thưởng vì đã trải qua những trận thử thách đầy gian khổ. Chính ngay trong trận chiến đấu, trong tiếng nổ ầm ầm của kim loại, trong đám khói thuốc súng thơm thơm, trong hoạt động căng thẳng đến tột độ, anh cảm thấy hình như chỉ có những cái gì đang diễn ra chung quanh mới có ý nghĩa mà thôi. Khi tiếng súng tiếng đạn đã ắng lặng thì tất cả những điều gì đã bị lãng quên giờ đây lại lơ mơ hiện ra trong trí nhớ, lần lượt điều nọ nối đuôi điều kia, dường như trở lại với cuộc sống, cuộc sống một lần nữa đã giữ gìn được. Gorbunov nhớ lại rằng anh làm nghề khí tượng và tốt nghiệp trường đại học một thời gian không lâu trước chiến tranh, rằng mẹ anh, Natalia Sergeevna Gorbunova, đang ở Saratov, rằng chị anh đã lấy chồng và em anh đi bộ đội. Anh buồn nhớ những đồng chí đã hy sinh trong chiến đấu và hỏi xem quân bưu đã đưa thư đến chưa. Anh thấy đói và phái người đi hỏi xem bao giờ thì người ta sẽ đưa cơm nước đến. Ý thức về ý nghĩa cao cả và tính chất chính nghĩa của cuộc chiến đấu mà anh đang tham gia, đã đem lại cho lòng anh một niềm kiêu hãnh tràn đầy. Cũng như mọi quân nhân khác, trung úy không đánh giá cao những người đàn ông ở lại hậu phương, nhưng thỉnh thoảng anh cũng thương hại nghĩ đến họ. Những người đó thì không bao giờ được biết nỗi hân hoan mà hiện giờ Gorbunov đang cảm thấy khi nhìn vào những tấm các tông của học sinh.

Gorbunov đứng ngắm tranh vẽ trong vài giây, rồi nhanh nhẹn bước đi, dường như có một sức mạnh kỳ diệu nâng anh lên. Anh đi qua những chốn quê hương thân mến mới giành giật lại được trong tay quân cướp nước bằng một trận chiến đấu ác liệt. Anh cảm thấy mình là người bảo vệ cho những người yếu đuối – cho Gogol, Jules Verne, Nina Volkova, những người sẽ trở lại đây, theo sau các chiến sĩ của anh. Anh là một người đem lại hạnh phúc. Đi qua dãy hành lang ngổn ngang những bàn học, Gorbunov bước vào gian phòng có treo những giá trống không trên tường. Anh là người giải phóng, và ngọn gió chiến thắng đã thổi xốc anh tiến lên. Trung úy lấy chân đá mạnh vào cái ống của chiếc mặt nạ Đức đề phòng hơi độc, cái ống ấy chạm vào tường kêu loảng xoảng. Trong lớp rơm trải trên sàn, thấy lấp lánh sáng những vỏ đồ hộp. Cửa phòng bên cạnh đã đóng chặt, và trung úy mở toang cửa ra.

Gian phòng ở góc tràn ngập ánh sáng xanh lam. Ngay đối diện cửa, một người cao, có râu, mặc áo vét-tông đen, đứng áp sát tường. Đầu của người đó ngoẹo ra sau, mặt ngửa lên, và hai mắt sợ hãi sáng lên nhìn chằm chằm những người đang đi vào. Gorbunov suýt nữa thì kêu lên: “Anh làm gì ở đây thế?”, nhưng nghẹn lời và nghiến chặt quai hàm. Hai chân không giày của người đó lơ lửng trên sàn. Một cái khung ảnh bằng gỗ dán có đường chạm trổ, nằm gọn trong bàn tay duỗi nắm chặt, chắc là nó bị giật ra trong giây phút giãy giụa cuối cùng của người đó để tìm chỗ bấu víu. Một sợi dây điện mảnh choàng qua cổ, chạy thẳng lên trần nhà.

Các cửa sổ đều không có kính, và tuyết phủ lên tấm vải trải giường nhàu nát, lên bàn, lên áo của người bị xử giảo.

Gorbunov và Rumyantsev tháo dây thòng lọng cho cái thi hài nặng nề, cứng đờ như một tấm gỗ, rồi khiêng đặt lên giường.

- Chắc là thầy giáo… – Rumyantsev thốt lên.

- Vâng, – trung úy nói.

Trời bỗng sáng bật hẳn lên. Ngọn lửa xanh nhạt của chiếc đèn dù Đức chiếu sáng gian phòng. Tròng trắng lồi ra của cặp mắt đùng đục như thủy tinh trên mặt cụ già, lấp lánh lên, dường như trong giây lát sức sống đã sáng lên. Trong chiếc khung gỗ dán mà cụ giáo viên không muốn rời ra, có tấm ảnh một cô bé đeo hai chiếc nơ trên mái tóc.

- Đồ quỷ sứ! – trung sĩ cau có lầu bầu.

Hai người đi ra và lặng thinh bước xuống bậc cầu thang.

- Chắc là cháu gái của cụ, – trung sĩ phỏng đoán.

Gorbunov hình dung thấy cụ giáo viên già vùng vẫy đôi tay, quào bấu trên tường cố giữ cho thân hình không rơi vào cõi chết.

- Có thể là thế, – trung úy nói lạnh lùng.

Anh cảm thấy nghẹn lời, khó nói về cụ già bị hành hạ. Trong trận đánh gần đây, Gorbunov đã tự tay mình bắn chết một tên lính phát-xít. Nhớ lại điều đó, anh thấy nhẹ nhõm hơn trong lòng. Anh đi đến gần người quan sát đang đứng cạnh lỗ thủng ở tường. Chẳng hiểu vì sao Gorbunov cảm thấy là hình như ngay bây giờ anh sẽ ra lệnh tấn công. Anh khát khao được trả thù ngay lập tức, trả thù một cách đầy đủ.

- Báo cáo đồng chí trung úy, không có pháo hiệu đỏ, – người quan sát báo cáo.

- Anh xem kỹ rồi chứ? – Gorbunov hỏi.

Và cả hai người nhìn về hướng tây-nam, về phía dải rừng xa xăm, phủ đầy tuyết, dải rừng bí ẩn và đen sẫm, giống như một đám mây dông.

Mời các bạn đón đọc Pháo Hiệu Đỏ của tác giả Georgy Beryozko.