Lời bạt của Đoàn Cầm Thi:
Bạn muốn viết văn ?
Nếu viết tình yêu, tựa đề nhất định phải bắt đầu bằng “Chuyện tình kể” như hai nhà văn đương thời danh tiếng nhất Việt Nam. Đừng nên coi thường chữ “kể”, nó cho người ta dốc bầu tâm sự như dốc nước khỏi chai. Kỷ niệm ơi kỷ niệm, có người Việt nào không tôn thờ kỷ niệm ? Ngay trong cái tựa đó, tùy thẩm mỹ mà sẽ thêm “trong nắng chiều” “lúc mưa khuya” mộng mơ Tự lực văn đoàn, hoặc “trước bình minh” “buổi ban mai” hồn nhiên hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sau đó, bạn sẽ chia nhân vật thành hai tuyến thiện và ác, đương nhiên nhân vật tốt phải là tấm gương cho độc giả soi vào. Còn nếu muốn tỏ ra sắc sảo hơn, bạn có thể làm như nhà văn nam danh tiếng : ác tí ti thiện tí ti. Hãy để cho nhân vật nữ bị em chồng hiếp, bố chồng nhìn trộm khi tắm, đừng kể lể gì về những khoái cảm hay giận dữ của cô ta, mà cho cô thốt lên lời đức hạnh : “Khổ chứ. Nhục lắm. Nhưng thương lắm”. Sẽ có nhà phê bình ví cô với Đức mẹ đồng trinh cho mà xem ! Cho đến năm 2001, mọi cuộc tranh luận sôi nổi nhất của văn học Việt, chính thống hay không chính thống, đều luẩn quẩn ở cái Tâm : cả người đọc lẫn người viết ai cũng lo nó không cạnh tranh nổi môn luân lý học. Cuộc bút chiến Trí thức/Phản trí thức vượt trùng dương, sau một hồi náo nhiệt, cũng bị cái Tâm cho xí xóa hòa cả làng.
Về câu chữ, chỗ nào cần thương cảm ắt phải có nước mắt, lá mà rơi thì đương nhiên phải xào xạc. Nhịp điệu thì lúc nhặt lúc khoan, lên xuống tuỳ cảm hứng. Đôi lúc nên xen kẽ vài đoạn thơ, gọi nôm na là “tiếng nói vô thức”. Bạn cũng cần có vài xen kiếm hiệp cho thêm ly kỳ, kiểu cưỡi ngựa bắn súng hay công an đuổi bắt tù vượt ngục, hay cả hai. Nếu có chút ngoại lai nữa thì tuyệt : Tây bắc này, Cali này, hứng lên có thể cho cô gái Mèo khóc ở Ba lê hoa lệ. Cuối cùng xin đừng quên những câu giầu tính suy tư như “Tình yêu đấy là một hung thần” hay “Về bản chất đàn bà đứng về phía trật tự… Không có trật tự nào dung được tình yêu to lớn”. Bí quyết là làm thế nào cho người đọc phải cảm thấy ở tận cùng văn bạn là nỗi cô đơn, sự trải đời, khả năng yêu thương và đau đớn, là con người viết hoa ! Họ phải sờ được cả nếp nhàu trên mặt bạn ! Họ phải nhìn bạn như tín đồ thiên chúa giáo nhìn Giê-su chịu nạn ấy chứ !
Cứ viết như thế đi, nếu không thành công, bạn sẽ chẳng thất bại.
Nhưng nếu bạn lại bảo : “Rằng hay thì thật là hay…” ?
Viết một tiểu thuyết không kết không mở không cao trào-xung đột-mâu thuẫn, không thắt nút-mở nút, một tiểu thuyết không chương đoạn, không dấu xuống hàng, ý này vắt sang ý kia, tiết kiệm chấm phẩy và các mỹ từ, thán từ cùng các câu trau chuốt. Tạo cho tiểu thuyết một nhịp điệu gồ ghề. Tránh cho người đọc các đoạn tả cảnh tả tình, phân tích tâm lý nhân vật vừa dông dài vừa vô nghĩa. Tha cho họ những xúc động, ngợi ca. Viết tình yêu mà không cần phải trữ tình. Kể một Việt Nam đương đại mà không nhất thiết phải lôi ra các vết thương chiến tranh, chế độ toàn trị, quan liêu tham nhũng, đói nghèo hay suy đồi đạo đức.
Made in Vietnam của Thuận là một thử nghiệm như thế.
Nó sẵn sàng lặp lại, từ hai lần trả lời không khác nhau một dấu chấm dấu phẩy của giám đốc Nguyễn Đức Lương, từ hai mươi người bạn trai cùng tên Khánh của nhân vật nữ chính, từ các buồng tắm giống nhau như những giọt nước của người dân thủ đô thời mở cửa, từ cái phải làm phải ăn phải mặc, người phải gặp trong bảy ngày tết Nguyên đán. Made in Vietnam là cái nhàn nhạt của xã hội Việt Nam hôm nay, ở đó thời gian cứ trôi đi mà chẳng ai nói “Tại sao thế ?”, chẳng ai hỏi “Phải chăng ta đang yêu cái mà tám mươi triệu người khác đang yêu, sống cuộc sống mà tám mươi triệu người khác đang sống ?”.
Và trước hết, nó cùng người đọc kiếm tìm một thẩm mỹ mới, một nhận thức mới về văn học.
***
Cuối cùng Hà Nội cũng đến được năm 2000. Đêm mồng một tháng một một phụ nữ trẻ Hà Nội tên là Trần Minh Phượng lên giường ngủ từ chín giờ
tối, sớm hơn thói quen đúng một tiếng, để chuẩn bị cho buổi đi làm lần đầu tiên trong đời vào sáng hôm sau, để trở thành một cán bộ công nhân viên nhà nước. Kĩ sư canh nông Nguyễn Thanh Bình, chồng của Phượng, không thể xem vô tuyến trong lúc vợ ngủ đã ngồi đánh xi cả năm đôi giầy màu đen cỡ bốn mươi ba. Đêm hôm ấy, giám đốc Nguyễn Đức Lương hoà giải với vợ bằng cách quay lại phòng riêng của hai vợ chồng sau ba đêm ngủ trên đi-văng phòng làm việc. Cũng đêm hôm ấy, nhiều người Việt Nam nhớ lại bài trả lời phỏng vấn các nhà báo Mỹ của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, hai mươi năm trước, về tương lai của chủ nghĩa xã hội có khẳng định câu trả lời sẽ là năm 2000. Hai mươi năm đã qua, Hà Nội không còn là thành phố của thế hệ những người nói tiếng Pháp còn nhanh hơn tiếng Việt. Hai mươi năm đã qua, Hà Nội cũng không bỡ ngỡ nhiều khi bước vào năm cuối của thiên niên kỉ. Bởi vì thực ra năm 2000 của Hà Nội đã bắt đầu từ hai mươi năm trước, từ một nụ cười chiến thắng đại diện cho ba triệu nụ cười của thủ đô, cho sáu mươi triệu người dân Việt. Năm 2000 Hà Nội đếm được hai mươi nghìn khoảng không gian khép kín, khoảng nào cũng nép dưới gậm cầu thang, cũng giới thiệu giải pháp tối ưu biến nhà kho thành văn phòng. Hai mươi nghìn gậm cầu thang là hai mươi nghìn chuyện cơm bữa của thành phố nơi dân cư rất ư giản dị, coi trang trí nội thất là điều xa xỉ. Giữa khu phố cổ hay vùng mới mở rộng, đâu đâu cũng bắt gặp những diện tích mười mét vuông sáng bán phở, ngày cho thuê băng hình, tối cà phê giải khát. Hà Nội năm 2000 của năm triệu sinh mạng sùng sục sống vứt qua một bên những gì không thuộc nhu cầu ăn, uống, ngủ, nghỉ sau hai mươi năm phấn đấu cho năm triệu con người mới xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy mười mét vuông phòng làm việc của Tâm Sự Bạn Gái trực thuộc tòa soạn báo Phụ Nữ
đến năm 2000 càng thấy không cần dấu đi gốc gác nhà kho của mình. Đổi mới trên nguyên tắc tôn trọng hoàn toàn cái đã có. Chiếc cửa sổ xanh duy
nhất nhện nhởn nhơ chăng mạng, hai cánh cửa chỉ còn lại một ô kính, mấy tờ giấy báo dán trên khung gỗ cũng đã ngả màu xanh, mỗi khi gặp gió hớn hở vẫy đám vữa túm năm tụm ba trên trần nhà, rồi cả bọn quay ra cùng lớp bụi trong phòng làm đủ hai mươi vòng khiêu vũ. Trên tường, năm chục cô gái trong áo may ô đỏ, quần đùi đỏ, ngắn hơn quần đùi đàn ông, đi guốc đỏ, nở năm mươi nụ cười, tạo nên một cuộc thi hoa hậu được tổ chức kiểu Hà Nội. Người ngồi, kẻ đứng, người nghiêng phải, kẻ nghiêng trái, động tác duy nhất được tập luyện trước là hếch mông, góc bốn mươi lăm độ làm chuẩn. Đấng nam nhi nào trông thấy cảnh này mà chẳng thốt lên vài tiếng thở dài. Đi về đâu hỡi em, mọi trò thi cử đều phù du, sao không nhìn gương các hoa hậu đi trước. Các ứng cử viên phái nữ phớt lờ. Cả năm chục cô chẳng ai bảo ai cứ cong người mãi, chúm chím mãi chẳng hướng về ai mà hướng về đống bàn ghế, thư từ, sách báo ba ngày một lần được xếp lại trong một trật tự hết sức mất lịch sự. Tâm Sự Bạn Gái chắc phải rất ý tứ mới có thể tâm sự được trong một không gian như vậy. Bốn giờ chiều, căn phòng tanh bành như sau phiên chợ. Bốn giờ chiều, chiếc bóng đèn sáu mươi oát tự động bật sáng rồi khép nép đứng trong một góc, thành thử ánh sáng chỉ
rón rén đến hai phần ba căn phòng là dừng lại, giống y hệt lần nguyệt thực lâu nhất trong lịch sử Hà Nội. Phần không được chiếu sáng âm thầm giấu đi những thành quả của nền kinh tế kế hoạch sẽ được nhà nước tổng kết tháng 5 năm 2000: bộ máy vi tính, chiếc quạt điện, cái siêu đun nước cùng phích và bộ ấm chén uống chè. Cứ thế từ bao lâu không rõ, Tâm Sự Bạn Gái, người và đồ vật, chen chúc trong phòng làm việc cựu nhà kho, chiều cao chỉ
cao hơn người Hà Nội bảy xăng-ti-mét. Chiếc cửa sổ để thông thống hai mươi tư giờ một ngày cũng không đủ khả năng tắm rửa lũ không khí lúc nào cũng nặng mùi giấy mốc nhưng không biết chạy đi đâu, trong phòng thì ngột ngạt còn bên ngoài là hai quán bia hơi, hàng ngày cho vào lò thiêu hoàn vũ vài chục xác động vật từ thú rừng đến gia súc, không con nào rõ thời điểm qua đời. Đầu năm một nghìn chín trăm tám mươi có một phụ nữ
tên là Trần Thị Lan đến tòa soạn xin việc. Sau mười chín năm ngồi lại trong phòng Tâm Sự Bạn Gái, cô đã trở thành người đàn bà kín đáo nhất tòa soạn, quyến rũ nhất làng báo, lộng lẫy như trên sân khấu. Một hôm cô đến phòng tổ chức tự nguyện xin thôi việc để vào Sài Gòn. Ngày làm việc cuối cùng cô đến tòa soạn, giấu mình trong chiếc áo măng tô mùa đông màu cà phê.
Vào đến căn phòng quen thuộc cô mới trút bỏ áo khoác để lộ chiếc may ô đỏ, chiếc quần đùi đỏ và đôi guốc cao gót đỏ, giống hệt như năm mươi cô
gái đang dự thi hoa hậu trên tường. Cả ngày hôm ấy cô không đi ra khỏi phòng cũng không ai vào phòng cô, mà nói chung đã từ lâu không ai vào phòng cô cả. Ngày cuối cùng cô đã ngồi lại tâm sự đủ tám tiếng với Tâm Sự
Bạn Gái không một lỗi văn phạm, không một lần tẩy xóa, rồi ra đi không một lời từ biệt. Không một ai nghe nói về cô nữa. Tâm Sự Bạn Gái phải đóng cửa chín tháng trời. Cho đến một ngày cuối năm một nghìn chín trăm chín mươi chín, có một phụ nữ trẻ đến tòa soạn xin việc. Cô chính là Phượng, ba mươi hai tuổi, đã có gia đình, đã có một con. Cô nghĩ tâm sự
với bạn gái còn hơn ngồi tâm sự một mình nên rất vui vẻ nhận việc, lại còn cho rằng cô may mắn. Ngày thứ hai năm 2000 cô bắt đầu đến làm việc trong căn phòng ẩm ướt, cả sàn nhà cả bốn bức tường méo mó, cả năm mươi cô gái, năm mươi nụ cười đều sũng nước. Cô đành phải chọn một chiếc ghế đẩu nguyên vẹn để cho cả hai chân lên, còn cổ và đầu co vào cái khăn quàng cổ to xụ. Cô để cửa mở cho hơi nước bay bớt ra ngoài, ai đi qua cũng vô tình nhìn vào tận bên trong, nhìn vào tận cuộc thi hoa hậu đã từ lâu nổi tiếng trong tòa soạn. Ba ngày sau khuôn mặt và cơ thể cô chia các đồng nghiệp thành ba nhóm ý kiến khác nhau. Nhóm thứ nhất bảo cô tầm thường vô vị. Nhóm thứ hai cho là cô cực kì hấp dẫn vì cô luôn giấu mình dưới một vài thứ gì đó, ví dụ như hơi nước, ví dụ như chiếc khăn len to quá cỡ, chiếc áo choàng quá dài. Nhóm thứ ba gồm những người thích phụ nữ tươi trẻ thì không ưa cô, lại còn ví cô với con gà trúng mưa. Sáng sớm ngày thứ ba trưởng phòng biên tập gọi điện giục Tâm Sự Bạn Gái gấp rút bài vở cho báo Tết. Phượng trả lời tết năm nay hay tết năm sau. Cả một núi thư cao hơn đầu cô cái nọ dính vào cái kia vì ẩm, cái nào cũng dài hai trang. Tổng biên tập thuộc về nhóm ý kiến thứ hai nên đề nghị cô đi ăn trưa cùng ở quán cơm bụi Trần Hưng Đạo, nhưng nói thêm chỉ được ăn trong năm phút thôi.
Không khí chạy sô của toàn xã hội đã bẩy tung cả những kẻ ù lì nhất.
Những ai còn đủ hai chân đều thấy nên sử dụng chúng một cách triệt để, như thể bao nhiêu may mắn, tài lộc nằm cả ở cung di. Năm phút ăn trưa cùng tổng biên tập đủ để Phượng hiểu là các đồng nghiệp của cô cũng lao đi các cơ sở, nào ai nỡ câu nệ chuyên môn. Năm phút ăn trưa tổng biên tập cũng gợi ý cho cô mỗi nghề có một phép màu nhiệm riêng, ví dụ như cô có thể vừa tâm sự bạn gái, vừa là nhà báo đa năng. Báo chí ngày nay như cơm bình dân, mỗi nhà báo là một đầu bếp trái nghề, bí quyết giữ khách duy nhất là giá rẻ và nêm nhạt ai ăn cũng được, nếu cần mặn có thể xin thêm chén nước mắm. Mỗi bài báo là một món nẫu sẵn đã có công thức khỏi tính toán canh chừng, hôm trước còn thừa hôm sau có thể cho vào đun lại, còn bốc nổi hơi tức là còn xơi được. Phương châm chung là càng tiết kiệm, càng đỡ mất công, càng lợi.
Mời các bạn đón đọc Made in Vietnam của tác giả Thuận.