Chuyện kể về nghĩa quân Đội Cấn và khởi nghĩa Thái Nguyên vào những năm đầu thế kỉ 20.
Đội Cấn, hay Ông Đội Cấn (1881 - 11 tháng 1 năm 1918) là biệt danh của Trịnh Văn Cấn, một thủ lĩnh trong cuộc binh biến chống chính quyền thực dân Pháp tại Thái Nguyên năm 1917. Ông tên thật là Trịnh Văn Đạt, sinh năm 1881, người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà nghèo, năm 1910, ông đăng lính khố xanh thay cho anh trai với cái tên là Trịnh Văn Cấn, sau thăng dần lên chức đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp đóng ở Thái Nguyên, vì thế ông được gọi là Đội Cấn.
Đội Cấn và các chiến hữu đã làm chủ Thái Nguyên được 5 ngày. Sáng ngày 5 tháng 9 năm 1917, nhà cầm quyền Pháp điều 2 ngàn quân lên Thái Nguyên đàn áp. Ngay từ trong những phút đầu Lương Ngọc Quyến bị tử thương do bị trúng mảnh đạn pháo vào đầu (có tài liệu chép ông tự sát vì bị giam giữ quá lâu nên không thể vận động và không muốn ảnh hưởng đến việc rút quân). Do lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân đành phải rút quân ra ngoài thị xã trong đêm đó, rút về vùng núi Tam Đảo, giáp Vĩnh Yên, xây dựng căn cứ chống giữ.
Đội Cấn và nghĩa quân cầm cự được hơn 5 tháng. Ngày 11 tháng 1 năm 1918, trong một cuộc phản kích quân Pháp tấn công lên căn cứ tại núi Pháo, nay thuộc huyện Đại Từ, nghĩa quân bị tổn thất nặng nề, bản thân Đội Cấn bị thương nặng. Để không rơi vào quân Pháp, ông đã tự bắn vào bụng tự sát.
***
Tháng chín năm Bính Thìn (1916), một buổi chiều chợ Trại Cờ đã vắng người. Trên con đường từ huyện Đức Thắng (Bắc Giang) đến Đồn Ấp (thuộc tỉnh Thái Nguyên) lác đác còn dăm ba gánh gạo đang rảo bước đi.
Nắng thu đã nhạt. Heo may sào sạc trên ngọn cây để nhẹ rơi vài chiếc lá vàng. Hoàng hôn đổ xuống: cảnh vật chìm dần vào trong màu tím xẫm.
Ở Chợ Trại Cờ các nhà đã lục tục đóng cửa. Những cánh liếp buông xuống che hết cả ánh đèn, làm cho người đường tối om.
Vài tiếng chó sủa vang lên một hồi rồi lại im bặt. Một con chim vụt bay từ bụi cây lên không trung, lượn mấy vòng rồi buông vào cảnh tịch liêu của đồng ruộng vài tiếng kêu buồn rầu, ảo não.
Mọi người đang sửa soạn sắp đi ngủ, bỗng phía cuối phố vang lên mấy câu chửi rủa tục tằn, tiếp theo là những tiếng đập phá ầm ầm.
Người ta vội mở cửa, đổ xô cả ra người đường, túm năm tụm ba, xì xào bàn tán. Một chàng thanh niên ngơ ngác nhìn về phía có tiếng kêu, rồi gật gù nói:
- Không khéo lại vợ chồng bác ba Lập.
Có tiếng đáp lại:
- Phải đấy! Vợ chồng nó hay cãi nhau lắm cơ!
Tiếng đập phá ngớt, nhưng lại nghe thấy tiếng khóc của đàn bà.
- Đích thị rồi. Lại chuyện tiền đấy mà.
Có lẽ mọi người cũng nhận là đúng, nên không bàn tán nữa, lảng vảng ra về. Tiếng cửa quay rít, tiếng cánh liếp đổ xập xuống một vài câu nói khàn khàn ngái ngủ trao đổi trong bóng tối, cộc lốc, nửa như gắt gỏng, rồi im. Đêm lại tĩnh mịch.
Được một lúc, thì tiếng kêu thét lại vang lên, dồn dập và dữ dội vô cùng.
Dân phố lại vùng dậy, mở cửa, chạy ra người đường. Họ đổ xô cả ra phía nhà bác Ba Lập, chân người chạy thình thịch, tiếng gọi nhau ấm ới, tưởng chừng như ở nơi này vừa xảy ra một tai nạn rùng rợn, gớm ghê.
- Ới làng nước ơi! Ới trời ơi! Nó đánh chết tôi.
- Này kêu! này già mồm!
- Nó đánh chết tôi.. Ai cứu tôi!
Bác Lâm làm Trưởng phố, tay cầm chiếc tay thước rẽ làn sóng người hấp tấp đi, theo sau là hai bác phu tuần vác mã tấu. Hắn vừa tới ngã ba cây gạo, còn cách nhà bác ba Lập độ vài chục thước, thì bỗng lù lù ở phía trước năm người lính đồn đeo súng vừa đến.
Một tiếng thét làm hắn dừng bước lại:
- Ách cha la chi biu (Halte là: qui vive)
Trưởng Lâm thở hổn hến đáp:
- Bẩm! trưởng phố đây!
Một người đi đầu, vận bộ quân phục màu xám, trịnh trọng hỏi:
- Trưởng Lâm phỏng?
- Bẩm vâng ạ.
Ánh đèn pin loé lên rọi vào mặt Trưởng Lâm rồi tiếp sau mấy câu nói rất thân mật:
- Chào ông Trưởng, tôi là Đội Giá đây!
Lâm cũng tươi cười:
- Gớm thầy Đội! làm em bẩy vía chỉ còn ba.
Đội Giá khà khà cười:
- Tuần phòng phải thế chứ!
Đoạn vỗ vai Lâm hỏi:
- Huynh đi đâu mà tất tưởi thế?
Trưởng Lâm mân mê chiếc tay thước:
- Đến nhà ba Lập xem vợ chồng nó làm gì mà nhộn như vậy.
- Thì mặc kệ vợ chồng người ta, bác cũng hay vẽ sự lắm.
- Khốn nạn, giời rét như thế này, tội gì mà lóc cóc đi cho khổ thân, nhưng không đến sợ chúng nó quá tay thành ra án mạng thì nguy to.
- Nếu có án mạng thì lập biên bản trình, việc quái gì mà sợ.
Trưởng Lâm tủm tỉm cười:
- Gớm, quan bác làm như trò đùa ấy. Thôi xin chào bác, em lại một tí, rồi về kẻo khuya.
Đội Giá bắt tay bạn:
- Vâng mời bác đi.
Hai người chào nhau, vừa đi được mấy bước Đội Giá gọi giật lại:
- Này ông Trưởng!
Trưởng Lâm ngoái cổ lại hỏi:
- Cái gì! Thầy Đội?
Đội Giá vừa cười vừa nói:
- Hôm nào cho sơi cái khoản ấy nhé!
- Khoản gì?
- Khoản… cẩu ấy mà. Bác mà nấu thì phải biết.
Trưởng Lâm cũng phì cười:
- Được rồi, mời bác cứ lại chơi.
Đoạn hấp tấp đi về phía nhà ba Lập. Vừa đến nơi, hắn thấy người ta đứng xúm đen, xúm đỏ quanh cái cửa hàng nhỏ xíu, Hai cánh liếp nằm ngả nghiêng dưới đất, chiếc chõng tre hất đổ tung mâm bát còn vướng cả vào nan lẫn cả với bã chè.
Trưởng Lâm rẽ đám người bước vào thì được mục kích một cảnh tượng buồn cười nôn ruột: dưới ánh sáng đèn dầu tây tù mù, vợ Ba Lập nằm lăn ở dưới đất, sống áo sộc sà sộc sệch, tóc sõa che kín cả mặt, hai gót chân đập thình thịch xuống mặt đất như giã giò, mồm kêu la ầm ĩ, tay vẫn ôm đứa bé lúc bấy giờ đang nằm soài trên bụng mẹ mà bú. Còn anh chồng thì mặt như nhuộm phẩm hồng, đứng trên thềm, chỉ chỏ, miệng nói liến thoắng phân bua với mọi người:
- Các ông, các bà xem vợ con như thế này có nhục không? Tôi đã nhịn, nó lại làm già. Tôi đánh cho nó biết tay, để lần sau đừng có hỗn nữa.
Một câu nói trong đám đông đưa lên:
- Rượu vào phải biết!
Mọi người đều cười ầm lên, Trưởng Lâm bước lên thềm, chiếc tay thước giơ cao ngang mặt Ba Lập:
- Sự tình làm sao, nói ngay?
Ba Lập tái mặt, vội cúi gập người xuống, hai tay chắp vái:
- Lạy ông! Vợ con nó tệ quá, con chót dại.
Trưởng Lâm quắc mắt tống luôn chiếc tay thước vào ngực Ba Lập đánh “hự” một cái bằng trời giáng.
- Mày làm náo động hàng phố lúc đêm khuya, ông thì bỏ tù mày nghe chưa?
- Con lạy ông. Con chót dại.
Một cái đạp nửa trúng giữa bụng ba Lập làm hắn ngã ngồi xệp xuống.
- Chót dại này! Chót dại này!
Chị vợ dang bù lu bù loa thấy anh chồng bị đòn, nghe chừng cũng hả giận, ngồi phắt ngay dậy, vừa quấn tóc vừa mếu máo:
- Bẩm ông Trưởng, nó bắt nạt con, nó say rượu đánh con gần chết. Xin ông xét cho.
Trưởng Lâm cười gằn:
- Phải rồi! Tao biết vợ chồng mày rồi. Lên đây tao hỏi:
Chị ba vội bế lấy con, rụt rè bước lên thềm.
- Để đứa bé xuống.
Chị biết ngay là sẽ bị nếm vài chiếc tay thước, nên cứ ôm chặt lấy đứa bé, ngồi thụp xuống, khóc sướt mướt như cha chết. Chị tưởng rằng làm như thế, Trưởng Lâm sẽ thương hại tha cho, nhưng ngờ đâu một tiếng quát rùng rợn tiếp ngay đến:
- Buông nó ra, không ông đánh cả hai mẹ con.
Tay chị vừa rời đứa bé ra, thì chiếc tay thước đã vụt vào giữa sống lưng, làm cho chị lăn lộn kêu van ầm ĩ. Đứa bé run lập cập khóc thét lên như tiếng còi.
- Đã chừa đánh nhau chưa?
Chiếc tay thước vừa vung lên, chị giơ cả hai tay lên toan đỡ thì nó quay ngoắt lại, nện vào đúng mạng sườn. Chị ôm bụng vật vã:
- Con chừa rồi. Ông tha cho con.
Thị uy xong, Trưởng Lâm bây giờ mới gọi hai vợ chồng ba Lập lại gần hỏi:
- Vì đâu, chúng mày đánh nhau? Phải khai cho thực, để tao làm biên bản trình huyện.
Thấy nói đến làm biên bản, ba Lập run lập cập, lạy như tế sao:
- Con cắn cỏ lạy ông, con chết mất.
Trưởng Lâm nheo cặp mắt, gật gù:
- Mày chết! mặc kệ mày. Khai đi, khuya lắm rồi.
Chị Ba vừa lau mặt vừa sụt sùi:
- Thưa ông, mấy hôm nay hàng họ ế ẩm, ăn vào vốn…
Trưởng Lâm ngắt lời:
- Biết mà! Lại chuyện tiền.
- Thưa không. Dù có ăn lạm vào vốn, nhưng rồi còn mong gỡ hòa sau này, ai ngờ…
- Ngờ gì?
Chị Ba đưa mắt nhìn chồng, ngập ngừng một lát rồi tiếp:
- Ai ngờ, chồng con đã không biết thế, lại cứ khách khứa suốt ngày, thành ra đã lỗ vốn, lại lỗ vốn thêm.
- Khách nào?
Ba Lập vội nói chặn:
- Bẩm, có khách khứa nào đâu! Mấy hôm nay chú cháu ở nhà quê ra chơi.
Trưởng Lâm giang thẳng cánh, tát vào mặt ba Lập đánh “bốp” một cái:
- Im, ai hỏi mày!
Ba Lập loạng choạng suýt ngã. Chị vợ xoen xoét nói luôn:
- Nếu phải là họ hàng hang hốc thì khi nào con kêu ca. Chả biết nó là thằng cha căng chú kiết nào, mà cứ ở ăn vạ mấy hôm nay, hết rượu lại chè, hết chè lại bánh, con phải hầu hạ như bố già mà cũng không xong.
Trưởng Lâm hất đầu bảo hai tên phu tuần đứng gần đấy:
- Vào lôi nó ra dây.
Chị vợ le te chạy vào trước, chỉ tay vào chiếc giường tre kê sát vách:
- Đây, rượu say rồi nằm khoèo ra ngủ.
Một tên phu tuần nắm lấy cánh tay người khách lôi phăng dậy:
- Ra mau.
Không biết người khách ngủ thực hay ngủ giả mà tên phu tuần lay gọi mãi người ấy chỉ ấm ớ, nửa như tỉnh, nửa như say, thỉnh thoảng lại gãi sồn sột như cạo lông lợn.
Một tên khác tức mình đấm luôn mấy cái vào lưng hắn.
- Dậy mau.
Đoạn hai tên thò tay luồn vào sau lưng hắn, nâng dậy kéo tuột ra ngoài. Người khách rẫy rụa, cúi đầu ho sù sụ một hồi, rồi loạng choạng chân nam đá chân chiêu, bước đi. Gần tới cửa hàng người ấy ngã gục xuống cạnh chiếc bục gỗ, cái búi tó sổ tung ra, che kín cả hai vai.
Trưởng Lâm cười mỉa mai:
- Chà! con cháu Lưu Linh có khác.
Hắn tiến lại gần, cầm tóc người khách dật dật mấy cái:
- Thẻ đâu?
Mãi không thấy trả lời. Trưởng Lâm tống luôn chiếc tay thước vào ngực người khách:
- Này say! Này say!
Chị Ba cong cớn nói:
- Nó vờ đấy, lúc con bị đòn nó còn can khéo, mấy câu cơ mà.
Như lửa tưới thêm dầu, Trưởng Lâm thích luôn mấy cái nữa thật mạnh, làm người khách đau quá, ôm ngực kêu:
- Chết tôi mất.
Trưởng Lâm khì khì cười.
- Mày còn vờ mãi. Thẻ đâu?
Rồi không đợi trả lời, hắn hất đầu ra hiệu. Hai tên tuần nhanh nhẹn vật ngửa người khách ra lục soát khắp mình. Dân chúng hiếu kỳ sán lại quây tròn chung quanh để xem. Một tên vớ được mảnh giấy đá nát nhầu, đưa cho Trưởng Lâm. Dưới ánh đèn tù mù, Trưởng Lâm dán mắt vào tờ giấy đọc đi đọc lại mãi mà vẫn không ra chữ gì.
Nhưng đến cuối trang, Hắn bỗng thốt lên một tiếng kêu nghe rất sợ sệt, vì ba chữ “Trần Cao Vân” ký ở dưới. Hắn chỉ đống thịt nằm khoèo ở mặt đất, đang phì phò thở.
Mời các bạn đón đọc Đội Cấn Khởi Nghĩa của tác giả Nguyễn Quỳnh.