…Đọc Ngọc Giao thấy ông không vục sâu vào những kiếp sống "dưới đáy" như Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng; nhưng cũng không thấy ông thi vị hóa đời sống trưởng giả và gợi nên các ảo tưởng ngây thơ về cải cách xã hội như Hoàng Đạo, Khái Hưng. Đứng ở chỗ giao nhau, hoặc nơi giáp ranh giữa lãng mạn và hiện thực, thế giới tác phẩm của Ngọc Giao dường như có phần được nới rộng ra cả hai phía trong một cảm quan có màu sắc u buồn về hiện thực mà ông không muốn tìm đến nguyên nhân, và không tin có những thay đổi; thế nhưng đâu đó vẫn ẩn chứa khát vọng về một cuộc sống trong sạch và lương thiện cho con người, cho loài người… ( Phong Lê)
***
(5 . 5 .1911 - 8 . 7 .1997)
Phong Lê
Sinh năm 1911 - thuộc thế hệ Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng…; mất năm 1997 - thọ 86 tuổi, Ngọc Giao thuộc số người viết ít ỏi có hành trình xuyên suốt thế kỷ XX. Trước 1945, ở vị trí Thư ký tòa soạn Tiểu thuyết thứ Bảy, tờ báo có sức cạnh tranh nghiêng ngửa với Phong hoá, Ngày naycủa Tự lực văn đoàn, ông có mối giao du rộng rãi với nhiều tên tuổi hàng đầu cùng thời - ngoài nhóm Tự lực, như Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Lê Văn Trương, Thanh Châu, Tam Lang, Tchya, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, Lưu Trọng Lư, Leiba, Trần Huyền Trân, Nguyên Hồng, Thâm Tâm, Nam Cao, Nguyễn Bính, Tô Hoài… Hơn thế, còn là một cây bút lực lưỡng trên cả hai lĩnh vực truyện ngắn và tiểu thuyết - với những tên sách có chỗ đứng trong lòng công chúng nhưPhấn hương, Cô gái làng Sơn Hạ, Ðất, Quán gió, Cầu sương, Nhà quê…, Ngọc Giao xứng đáng có tên trong bộ lịch sử văn học Việt Nam trước 1945, như Vũ Ngọc Phan đã đưa ông vào bộ sách Nhà văn hiện đại. Thế nhưng nửa sau thế kỷ XX ông hoàn toàn bị quên lãng, và bỗng trở nên xa lạ với các thế hệ bạn đọc trẻ tuổi, dẫu sức viết của ông vẫn còn rất dồi dào. Ðối với người làm văn, người có một sự nghiệp văn chương thì một sự lãng quên như vậy có thể xem là một nỗi đau quá lớn. Thế mà ông vẫn phải sống và vẫn sống được. Và điều may mắn là từ cuối thập niên 80, sau khởi động công cuộc Ðổi mới, Ngọc Giao dần dần trở lại được nghiệp viết và sức bút, để trong ngót 10 năm cuối đời, khi vào tuổi 80, ông đã có thể trở lại sự hiện diện cùng độc giả. Và, vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh, sau ngày mất 14 năm, là sự tái bản lần lượt những tên sách quan trọng ông viết trước và sau 1945 như các tiểu thuyết Nhà quê, Xóm Rá, Cầu sương… và các tập truyện, ký như Cô gái làng Sơn Hạ, Hà Nội cũ nằm đây, Phấn hương, Quan báo… chọn trong số trên dưới 300 truyện ngắn ông đã viết.
Một ngắt quãng và vắng bóng khá dài, do những sự cố lớn diễn ra mà ông phải trải cùng với một số bạn bè cùng cảnh ngộ…
…..
Bây giờ nhìn lại mới có dịp thấy rõ, trước 1945, chỉ riêng ba tập truyện Một đêm vui, Phấn hương, Cô gái làng Sơn Hạ cũng đã đủ đưa Ngọc Giao vào đội ngũ những tác gia truyện ngắn thành danh như Thạch Lam với Gió đầu mùa, Nắng trong vườn; Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời; Thanh Tịnh với Quê mẹ; Hồ Dzếnh với Chân trời cũ; Bùi Hiển với Nằm vạ; Tô Hoài với O chuột, Nhà nghèo… Một thời dài, Ngọc Giao được coi là cây bút lãng mạn - và đó cũng là một trong các lý do để ông bị “quên”; nhưng sự thật thì trong ông có cả hai - hiện thực và lãng mạn, hoặc ông đứng vào nơi giáp ranh giữa hai bờ hiện thực và lãng mạn. Có nghĩa là thế giới truyện của ông cần được mở về cả hai phía. Phía thực tại nhãn tiền mà ông không hề là người quay lưng trước những xót xa, lầm lỡ, thất vọng, thất bại (cùng với nhiều cái chết) của nhiều hạng người tuy không phải là dưới đáy, nhưng cũng đã phải nếm đủ mọi thiếu thốn cơm áo, và sự tan vỡ mọi ước vọng tuổi trẻ hoặc tuổi lập thân vào đời. Trong thế giới này, Ngọc Giao có sự quan tâm đặc biệt đối với những kiếp nghệ sĩ nghèo, những đào nương và kép hát đã hết cái thời vàng son và đang phải sống nốt những ngày tàn thiểu não, cô đơn như trong Tết cô đầu, Phấn hương, Kim Dung. Cũng thuộc thế giới này là những kẻ đam mê nghiệp văn chương, thèm được gọi là thi sĩ, văn sĩ, trong một cuộc dấn thân vụng dại mà phải nhận những quả lừa, hoặc siêu lừa đắng ngắt bởi cái đám người vây quanh làm nên một cái chợ văn nhốn nháo cho đủ mọi thứ hàng họ ế ẩm như trong Quan báo, Tôi là thi sĩ… Mở rộng ra khỏi cái thế giới ấy, Ngọc Giao đã không quên chia sẻ sự cảm thông mà không hề có chút khinh rẻ hoặc miệt thị nào, đối với số phận cực nhục của các kỹ nữ và gái điếm như một số cây bút cùng thời; hoặc với những phận đời xám nhờ, không có chút sinh thú gì như anh mõ làng, người ký ga, người đưa thư, cô gái muộn chồng… mà nếu thiếu họ thì bức tranh toàn cảnh về xã hội thuộc địa sẽ thiếu đi những mảng màu đặc sắc.
Và phía thứ hai, đó là những hoài niệm về một quá khứ có quá nhiều ưu tư, nó là những “chân trời cũ” giống như Hồ Dzếnh, là “những ngày thơ ấu” giống như Nguyên Hồng, làm hiện lên một tuổi thơ cô đơn, buồn tủi, trong đó nổi lên hình ảnh một người mẹ ra đi quá sớm, trong bối cảnh những miền quê mà tuổi thơ ông đã trải. Theo tôi, đây là những trang viết rất hay, bởi nó rất phù hợp với tâm trạng của một thế hệ không thấy vui trong hiện tại nên tìm về quá khứ; nhưng mỗi lúc ngược dòng lại chỉ chạm vào những xót xa hoặc những niềm đau của đời người. Một tuổi thơ nhiều non nớt và vụng dại. Một tuổi trưởng thành không lúc nào nguôi khuây những lỗi lầm đối với các đấng sinh thành v.v… Lâu lắm rồi tôi mới được trở lại những trang hay và cảm động như thế về mẹ, về cha, về những người thân thuộc; bởi dường như nó bỗng nhiên quá hiếm trong văn học hôm nay.
Một ý hướng đạo lý cùng với sự chừng mực, và cẩn trọng trong văn phong để không gây nên những cú sốc, thái quá hoặc bất ngờ, vẫn là cái làm nên chất giọng Ngọc Giao. Viết rất nhiều về tình yêu, trong say đắm hoặc trong đau khổ của những cuộc tình dang dở, bi kịch, nhưng không lúc nào Ngọc Giao tìm đến các yếu tố “sex” như nhiều người cùng thời. Một văn phong nghiêng về hoài cảm, trữ tình - đó là cái làm ông xích lại gần với Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh, Thạch Lam… Nhưng có lúc những nghịch cảnh gây nên cả khóc và cười mà ông không thể tránh lại gợi nhớ Nguyễn Công Hoan, Nam Cao…
Ðạo lý - đó cũng là điều cần lưu ý nơi văn Ngọc Giao. Trong sự phô bày các tình huống phi đạo lý ở đời qua nhiều truyện ngắn và một số tiểu thuyết, người đọc có dịp nhận rõ một cố gắng gìn giữ đạo lý ở Ngọc Giao - con người, thậm chí dường như còn là bảo thủ mang nền nếp Nho phong trong các quan niệm về gia đình và tình yêu, trách nhiệm và nghĩa vụ…
…..
Ðọc Ngọc Giao, dẫu chỉ với bốn tập truyện mới in lại gần đây, cùng tiểu thuyết Nhà quê, Xóm Rá, Cầu sương vừa được xuất bản, ta vẫn có thể yên tâm khi xếp ông vào đội ngũ những tác gia quen thuộc về Hà Nội, có vị trí xứng đáng bên Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Bằng, v.v… Bởi gần như hầu hết các truyện của ông (không phải chỉ riêng mấy tập truyện này) đều gắn với các địa chỉ quen thuộc của Hà Nội, với thế giới nhân vật chính là con người của Hà Nội một thời, trong bối cảnh hình thành xã hội thuộc địa: những công chức loại thấp với cảnh sống đơn điệu, tẻ nhạt đến vô vị; những thanh niên thiếu ý chí và lý tưởng nên rơi vào hư hỏng hoặc trụy lạc; những điền chủ kiêm quan lại với lối sống nửa tỉnh nửa quê; những kiếp sống cần lao nhục nhằn, vô vọng; những bi kịch gia đình với những ông chồng vô tích sự hoặc hư hỏng; những người vợ nhẫn nhục cam chịu để mong có một hạnh phúc ảo; những cuộc ngoại tình với những cách xử lý oái oăm không đem lại hạnh phúc cho bất cứ ai; những trớ trêu hoặc bạc bẽo của số phận; những gắng gỏi giữ nếp nhà trong bao hiểm họa; những ông Tây thuộc địa trắng tay trong canh bạc đời hoặc những cô đầm (lai) phải sa vào vòng lao lý; những buồn tủi, xót xa cho cảnh xế chiều hoặc ế muộn… Ðọc Ngọc Giao thấy ông không vục sâu vào những kiếp sống “dưới đáy” như Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng; nhưng cũng không thấy ông thi vị hoá đời sống trưởng giả và gợi nên các ảo tưởng ngây thơ về cải cách xã hội như Hoàng Ðạo, Khái Hưng. Ðứng ở chỗ giao nhau, hoặc nơi giáp ranh giữa lãng mạn và hiện thực, thế giới truyện của Ngọc Giao dường như có phần được nới rộng ra cả hai phía trong một cảm quan có màu sắc u buồn về hiện thực mà ông không muốn tìm đến nguyên nhân, và không tin có những thay đổi; thế nhưng đâu đó vẫn ẩn chứa khát vọng về một cuộc sống trong sạch và lương thiện cho con người, cho loài người.
Cùng với Hà Nội cần có thêm sự bổ sung một vùng sống khác, đó là Kinh Bắc, quê sinh của Ngọc Giao. Gần như mọi hồi nhớ, hoài niệm về tuổi thơ ông đều dành cho miền đất Kinh Bắc. Ông sinh ra tại xã Nguyệt Ðức, huyện Thuận Thành, rất gần với Nhã Nam, huyện Yên Thế, Bắc Giang, quê Ðề Thám, gần ga xe lửa Lạc Ðạo, nơi đã gợi cho ông viết hai truyện ký rất hay là Ga xép và Lỗi tình. Hai tác phẩm nói cái buồn hiu hắt đến mỏi mòn trong kiếp sống của những con người nơi một cái ga xép chơ vơ giữa cánh đồng và lẫn chìm trong dăm bảy mái lều của những người nhà quê sống như cây cỏ. Những miền quê này, đặc biệt những năm 1946, 1947, 1948 vô cùng dữ dội đã để lại trong tâm hồn nhậy cảm của ông biết bao kỷ niệm và kinh nghiệm sống không thể nào quên, nó mãi in đậm trong tâm trí ông. Ðể rồi liên tiếp các năm sau đó, ông cho ra đời một loạt tiểu thuyết: Con người (1947), Ðất (1949), Quán gió (1949), Xã Bèo-người của đất(1951), Mưa thu (1953), và Cầu sương (1953), khiến tên tuổi ông có chỗ đứng vững chắc trong trái tim bạn đọc.
Với Ngọc Giao, dường như Hà Nội là hiện tại của ông, còn Kinh Bắc là quá khứ của ông - cả hai , cùng song hành và cùng hòa trộn vào nhau trong hoài niệm, cho đến cuối đời, suốt đời - như trong hai câu thơ ông viết vào mùa hè - 1991, ở tuổi chẵn 80:
Về cõi thiên hư, đành nhẽ lạy từ Kinh Bắc
Qua thời văn bút, này đây yên giấc Tây Hồ
Kinh Bắc là quê sinh của ông, Tây Hồ là quê ở. Phải sáu năm sau nữa mới là lúc tính đến chuyện “lạy từ” và “yên giấc”. Sáu năm - ông còn cho ra mắt 15 bút ký và 6 chân dung để góp vào gia tài ngót 300 truyện, ký ngắn, tính cho đến lúc này.
…..
Một sự nghiệp tiểu thuyết cũng là điều đáng nói gắn với tên Ngọc Giao. Sau tiểu thuyết Nhà quê (1944) là các tiểu thuyết Quán Gió (1949), Cầu sương (1953), Ðất (1949), Xã Bèo - người của đất (1950 - mất bản thảo) và phóng sự Xóm Rá (1957) mới khôi phục lại được bản thảo viết tay.
Vậy là trong sự nghiệp sáng tác của mình, tiểu thuyết chủ yếu được viết trong thời gian ông hồi cư về Hà Nội. Ðây là quãng đời ông phải xử lý nhiều tình huống rất khó khăn: từ Hà Nội đi kháng chiến; từ kháng chiến trở về Hà Nội; sự mưu sinh và nghề nghiệp, trong đó có nghiệp văn trong bối cảnh sự theo dõi, giám sát của chính quyền thực dân Pháp và bộ máy kiểm duyệt. Trong tư cách của “người trở về” - dinh tê, ông đã viết Ðất, Xã Bèo - người của đất, Quán Gió, Cầu sương với tâm thế của người phải đối diện với những biến đổi có mặt là éo le, không dễ thuận với thời cuộc…
Tiểu thuyết Nhà quê (1944) cùng thời với Bướm trắng của Nhất Linh, Quê người của Tô Hoài, Sống mòn của Nam Cao là một cái nhìn về nông thôn qua con mắt của mấy trí thức thành thị. Một nhà quê gần như không có gì thay đổi, trong tối tăm và hoang dã, dẫu có mối quan hệ với thành thị, bởi cái nhìn của Ngọc Giao căn bản vẫn là cái nhìn bi quan của một người không tin vào những thay đổi. Cái nhìn này sẽ càng được củng cố với Ðất và Xã Bèo - người của đất, trong bối cảnh kháng chiến chống Pháp, qua số phận của người nông dân phải bỏ làng, bỏ đất đi tản cư; rồi từ vùng tản cư, do quá khó, quá khổ trong làm ăn, nên lại phải trở về vùng địch chiếm để sống thân phận của những tề nhân - mất hết tài sản, trở lại được với đất thì không còn trâu nên vợ chồng phải thay nhau kéo cày, đúng như thân phận trâu ngựa, còn kém cả giun dế, sâu bọ. Trong những tiểu thuyết viết về nông thôn Việt Nam, Ðất của Ngọc Giao theo tôi là một khám phá sâu sắc về thân phận người nông dân thời hiện đại; một thân phận nông dân không chỉ đúng trong nửa đầu thế kỷ mà vẫn còn khá đúng cho suốt cả thế kỷ: gắn với đất mà phải rời bỏ đất; có đất mà phải sống dưới mức nghèo khổ; cực kỳ hiền lành, tốt bụng, chỉ mong được sống yên ổn với những mơ ước đơn sơ, thế mà không lúc nào được yên vì trăm nghìn hiểm họa bủa vây, rình rập.
Quán Gió, Cầu sương, qua thân phận tha phương của mấy nhân vật thành thị, Ngọc Giao gửi gắm tâm sự của mình về một cuộc sống luôn phải đối diện với những nghịch cảnh trớ trêu. Viết trong bối cảnh Hà Nội tạm chiếm ông phải xóa nhòa các đường biên cụ thể của hiện thực, khiến cho cuộc kháng chiến chỉ còn là một cái phông mờ, trên đó là sự nối dài những cuộc tình và những phận người được vắt qua một con đập lớn là cách mạng và kháng chiến. Trong nền văn xuôi mới sau 1945, hai cuốn tiểu thuyết trên của Ngọc Giao cho ta cảm nhận một giao thoa, chứ không phải là sự cắt đứt của một tiến trình vẫn còn nhiều ràng buộc nhân quả trước và sau 1945.
Trong số các tác phẩm dài hơi viết sau 1945, cần dành một vị trí riêng cho Xóm Rá. Theo lời kể của Ngọc Giao thì đó là sự ghi nhận một hiện thực đặc biệt của Sài Gòn năm 1949 mà ông đã có dịp sống trong hai tháng; hiện thực đó ông đã chọn phương thức phóng sự để thể hiện (Xóm Rá - phóng sự Sài Gòn), và viết xong tác phẩm vào năm 1957, có nghĩa là trong bối cảnh Hà Nội đã được giải phóng sau ba năm. Nhưng tác phẩm đã không thể in; và ông đành phải gửi tặng cho một người bạn tin cậy là ông Lâm café để nhờ giữ hộ. Rồi còn phải chờ tiếp cho đến hôm nay Xóm Rá mới có thể ra đời.
Một di cảo Ngọc Giao để lại sau hơn nửa thế kỷ.
Một phóng sự về thực trạng nhà chứa và gái mại dâm - có thể xem đây là sự tiếp tục một đề tài đã quen thuộc trước 1945, với các phóng sự và tiểu thuyết của hai tên tuổi Trọng Lang và Vũ Trọng Phụng.
Ðọc Xóm Rá thấy ở Ngọc Giao một bút pháp mới - bút pháp phóng sự, khảo tả chi tiết những điều mắt thấy tai nghe - nơi một vùng đất được xem là cấm, là húy kỵ đối với việc bảo vệ đạo đức và an toàn sức khỏe cho xã hội… Bởi đây là xã hội buôn ngườimà nạn nhân là phụ nữ. Và nếu phụ nữ do làm nghề này mà nhân phẩm bị hạ xuống đáy, thì người buôn, người mua lại càng là một đám thú vật, không còn mấy tính người. Một thế giới gồm hai loại người như thế - đó là Xóm Rá, mà ngay từ chương đầu, người đọc đã có thể nhận ra, qua một văn phong rất thời sự, rất “phóng sự”, sắc sảo và hài hước, đó quả là điều có gây nên ngạc nhiên và thú vị đối với tôi - là người cho đến bây giờ vẫn chỉ mới quen với Ngọc Giao như là tác giả của Phấn hương và Nhà quê, của Cầu sương và Quán Gió…
Một tiểu thuyết - phóng sự (hoặc phóng sự - tiểu thuyết) trong kết hợp và bổ sung giữa hai thể viết, trong tương ứng với chất liệu và chủ định của tác giả, ghi nhận cái mới, cái lạ trong văn Ngọc Giao vào những năm 50 - làm nên một gắn nối đầu và cuối thế kỷ XX - hai nửa thế kỷ Ngọc Giao đã sống trọn với bao cung bậc của trải nghiệm.
…..
Bây giờ vào dịp kỷ niệm chẵn 100 năm ngày sinh Ngọc Giao, khi một số truyện ngắn của ông đã được chọn in trong 4 tập; và khi ba tiểu thuyết Nhà quê, Cầu suơng và Xóm Rá vừa mới ấn hành, cùng các cuốnÐất, Quán Gió, Mưa thu (truyện vừa), Ðốt lò hương cũ (ký), Bến đò Rừng (truyện ngắn) đang chờ in, không kể những tiểu thuyết khác như Xã Bèo - người của đất, Con người, Cơn gió bấc và tập ký Chuyện thôn Kiều đang được người thân khẩn trương tìm kiếm, chúng ta có thể nhận rõ một sự nghiệp viết dẫu có bị ngắt quãng hơn 30 năm nhưng vẫn tìm được sự gắn nối để có độ dài ngót 70 năm, với số lượng có thể nói là đồ sộ để đưa Ngọc Giao vào hàng ngũ những cây bút lực lưỡng trên văn đàn thế kỷ XX. Về phần tôi, là người sớm được đọc ông, cùng lúc với đọc Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng…, phải cho đến bây giờ tôi mới có thể yên tâm đặt tên cho bài viết của mình về ông là Sự nghiệp viết của Ngọc Giao, sau bài viết đầu tiên về ông vào giữa năm 1999 - cách đây 12 năm có tên Ngọc Giao - người khỏi bị lãng quên vào cuối thế kỷ. Có nghĩa là, với ông - năm 1999 (cũng như với Vũ Bằng và Lan Khai sau đó), mới chỉ là “khỏi bị quên”, trong khi nhiều tên tuổi khác như Tản Ðà, Vũ Trọng Phụng, rồi một số thành viên của Tự lực văn đoàn và các kiện tướng trong phong trào Thơ mới đều đã được nhận lại giá trị ngay sau khi khởi động của công cuộc Ðổi mới.
Tây Hồ 15-4-2011
P.L
Mời các bạn đón đọc Mưa Thu của tác giả Ngọc Giao.