Kinh Kim cương là kinh cốt tủy của thiền tập từ xưa đến nay. Người tụng kinh Kim Cương thì rất nhiều, nhưng số người áp dụng được kinh trong đời sống hằng ngày lại rất ít. Vì vậy trong khi học, đọc, tụng, ta phải quán chiếu, tìm cho ra phương pháp để áp dụng được tinh thần của kinh vào trong mỗi phút giây của sự sống: trong lúc ngồi thiền, lúc đi, lúc làm việc, lúc lo âu, vui buồn, hờn giận…
Tụng, đọc kinh Kim Cương cũng như tưới tẩm những hạt giống tuệ giác nằm sâu trong lòng đất tâm của chúng ta. Tụng kinh là tưới nước. Tưới một lần không bao giờ là đủ, phải tưới tẩm thường xuyên thì hạt giống tuệ giác mới nảy mầm và đâm chồi. Có những câu nói mà người ta cần lập đi lập lại trọn đời. Có những bài hát càng hát càng thấm. Kinh Kim Cương cũng vậy.
"Này gươm trí tuệ mài đây
Bao nhiêu phiền não chặt ngay cho rồi"
***
Kệ tán:
Làm sao vượt sinh tử
Đạt được thân Kim Cương
Tu tập như thế nào
Quét được muôn huyễn tướng
Xin Bụt đem lòng thương
Mở bày kho bí tạng
Vì tất cả chúng con
Đem pháp mầu diễn xướng!
Đây là những điều tôi được nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Kỳ Thọ Cấp Cô Độc gần thành Xá Vệ, với đại chúng khất sĩ gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Hôm ấy vào giờ khất thực, Bụt mặc áo và ôm bát đi vào thành Xá Vệ. Trong thành, Người theo phép tuần tự ghé từng nhà để khất thực. Khất thực xong, Người về lại tu viện thọ trai. Thọ trai xong, Người xếp y bát, rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi.
Lúc ấy, từ chỗ ngồi của mình trong đại chúng, thượng tọa Tu Bồ Đề đứng dậy, trịch vai áo bên phải ra, quỳ chân trái xuống, chắp tay cung kính bạch với Bụt rằng: “Thế Tôn, Người thật là bậc hiếm có! Thế Tôn thường đặc biệt hộ niệm và giao phó sự nghiệp cho các vị Bồ Tát. Thế Tôn, những người con trai hiền và những người con gái hiền nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên nương tựa vào đâu và làm sao mà điều phục tâm của mình?”
Bụt bảo: “Hay lắm, thầy Tu Bồ Đề! Thầy nói thật đúng, Như Lai thường đặc biệt hộ niệm và giao phó sự nghiệp cho các vị Bồ Tát. Này, thầy hãy lắng nghe cho kỹ, Như Lai sẽ vì thầy mà trả lời. Những người con trai hiền hay những người con gái hiền nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì phải nương tựa và phải điều phục tâm của họ như thế này.”
Thầy Tu Bồ Đề nói: “Bạch Thế Tôn, chúng con rất mong được nghe Người chỉ dạy”.
Bụt bảo Tu Bồ Đề: “Các bậc Bồ Tát đại nhân nên hàng phục tâm mình như sau: Có cả thảy bao nhiêu loại chúng sinh, hoặc sinh từ trứng, hoặc sinh từ thai, hoặc sinh từ sự ẩm ướt, hoặc từ sự biến hóa, hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tri giác, hoặc không có tri giác, hoặc không phải có tri giác cũng không phải không có tri giác, ta đều phải đưa tất cả các loài ấy vào Niết Bàn tuyệt đối để được giải thoát. Giải thoát cho vô số, vô lượng, vô biên chúng sinh như thế, mà kỳ thực ta không thấy có chúng sinh nào được giải thoát. Vì sao? Này Tu Bồ Đề, nếu một vị Bồ Tát mà còn có khái niệm về Ngã, về Nhân, về Chúng Sinh và về Thọ Giả thì vị ấy không phải là một vị Bồ Tát đích thực.
“Này nữa, thầy Tu Bồ Đề, vị Bồ Tát thực hiện phép bố thí nhưng không dựa vào bất cứ một thứ gì, nghĩa là không dựa vào sắc để bố thí, cũng không dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp để bố thí. Tu Bồ Đề, Bồ Tát nên bố thí theo tinh thần ấy, không dựa vào tướng. Tại sao? Nếu Bồ Tát bố thí mà không dựa vào tướng thì phước đức sẽ không thể nghĩ bàn. Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Không gian về phía Đông có thể nghĩ và lường được không?”
- Bạch đức Thế Tôn, không.
- Này thầy Tu Bồ Đề, không gian về phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Trên và phương Dưới có thể nghĩ và lường được hay không?
- Bạch đức Thế Tôn, không.
- Này thầy Tu Bồ Đề, nếu Bồ Tát không nương vào đâu cả để thực hiện phép bố thí thì phước đức cũng nhiều như hư không vậy, không thể nghĩ được, không thể lường được. Này Tu Bồ Đề, các vị Bồ Tát nên trú tâm theo những lời chỉ dẫn vừa đưa ra.
Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Có thể nhận diện Như Lai qua thân tướng hay không?
- Bạch đức Thế Tôn, không. Cái mà Như Lai nói là thân tướng vốn không phải là thân tướng.
Bụt bảo thầy Tu Bồ Đề: “Nơi nào có tướng là nơi đó còn có sự lường gạt. Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng tức là thấy được Như Lai”.
Thầy Tu Bồ Đề thưa với Bụt rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, trong tương lai, khi nghe những câu nói như thế người ta có thể phát sinh được lòng tin chân thật hay không?”
Bụt bảo: “Thầy đừng nói vậy. Năm trăm năm sau khi Như Lai diệt độ, vẫn sẽ có những người biết giữ giới và tu phước và những người ấy khi nghe được những lời như trên cũng sẽ có thể phát sinh lòng tin và nhận ra đó là sự thật. Ta nên biết rằng những người ấy đã gieo trồng những hạt giống tốt không phải ở nơi một vị Bụt, hai vị Bụt, ba, bốn, năm vị Bụt, mà thật sự đã gieo trồng những hạt giống lành ở nơi vô lượng ngàn muôn vị Bụt. Người nào chỉ trong một giây phút thôi, phát sinh được niềm tin thanh tịnh khi nghe những lời và những câu ấy, thì Như Lai tất nhiên BIẾT được người ấy, THẤY được người ấy và người ấy sẽ đạt được vô lượng phước đức như thế. Vì sao? Vì những người như thế không còn kẹt vào những khái niệm về Ngã, về Nhân, về Chúng Sinh, về Thọ Giả, về Pháp, về Không Phải Pháp, về Tướng và về Không Phải Tướng. Vì sao? Nếu còn chấp vào ý niệm Pháp thì vẫn còn kẹt vào tướng Ngã, Nhân, Chúng Sinh và Thọ Giả và nếu còn chấp vào ý niệm Không Phải Pháp, thì cũng vẫn còn kẹt vào tướng Ngã, Nhân, Chúng Sinh và Thọ Giả như thường. Thế cho nên, đã không nên chấp vào Pháp mà cũng không nên chấp vào Không Phải Pháp. Vì vậy mà Như Lai đã mật ý nói: Này các vị khất sĩ, nên biết rằng Pháp tôi nói được ví như chiếc bè, Pháp còn nên bỏ, huống là Không Phải Pháp”.
- Thầy Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao, Như Lai có đắc pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác không? Như Lai có pháp gì để tuyên thuyết hay không?
Thầy Tu Bồ Đề thưa: “Theo con hiểu điều Bụt dạy thì chẳng có một pháp gì riêng biệt được gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng không có một pháp nào riêng biệt được Như Lai tuyên thuyết. Vì sao? Vì những pháp mà Như Lai đã chứng và đã nói thì không thể nắm bắt được, cũng không thể diễn tả được. Đó không phải là pháp, cũng không phải là không pháp. Vì sao? Vì tất cả các bậc hiền thánh đều do pháp vô vi mà trở nên khác người”.
Mời các bạn đón đọc Kinh Kim cương của tác giả Thích Nhất Hạnh.