Khi cuốn sách này được xuất bản lần thứ ba ở Ý, nếu như tôi cho rằng, việc tiến hành chỉnh sửa và in lại nội dung đã viết trước đây là cần thiết, thì 42 năm sau – khi công bố bản thảo này, tôi cảm thấy việc xin lỗi độc giả càng là việc cần thiết hơn. Tuy động cơ thì như nhau, nhưng tiến độ công việc của cá nhân tôi và những kết luận được rút ra từ những học sinh trong trường thì đã vượt xa so với sự mong đợi tốt đẹp nhất của chúng tôi. Nếu như không sửa lại hoàn toàn bản thảo, từ hình thức đến nội dung, thì gần như không thể làm cho nội dung cuốn sách theo kịp được với thời đại. Nhưng, hoàn cảnh đã không cho phép tôi có điều kiện làm được như vậy, bởi điều này đòi hỏi chúng ta phải có trong tay một hệ thống các ấn phẩm chuyên nghiệp, đề cập đến những kinh nghiệm phong phú về mặt Giáo dục học và Tâm lí học từ khắp nơi trên thế giới. Mặc dù đã có một số sách được xuất bản, như Bí mật thời thơ ấu (The secret of childhood), Sức thẩm thấu của tâm hồn (The absorbent mind), Giáo dục trong thế giới mới (Education for a new world), Huấn luyện tiềm năng con người (To educate the human potential)… Nhưng vẫn còn có rất nhiều nội dung đang trong quá trình chuẩn bị, chưa hoàn thiện.
Trong phiên bản hiện tại, tôi chỉ cố gắng làm rõ một số vấn đề nào đó, nhất là muốn chỉ ra một thực tế như vậy: công việc của chúng tôi không chỉ đã tạo ra một phương pháp giáo dục hoàn toàn mới, mà còn có thể dùng tiêu đề mới của cuốn sách để thể hiện kết luận mà chúng tôi đã có được – Phát hiện mới về trẻ thơ. Trong mấy chương đầu, tôi đã khái quát một cách giản lược tình hình tiến triển của các nghiên cứu gần đây. Nhưng mong bạn đọc đừng quên rằng, phần lớn nội dung cuốn sách hoàn thành khi chúng tôi mới cất những bước đi đầu tiên, thường đề cập đến kinh nghiệm và lí luận khoa học phù hợp hoặc phổ biến với hoàn cảnh lúc đó. Xã hội đang có sự chuyển biến, khoa học cũng đã đạt được những tiến bộ lớn hơn, cũng như vậy, công việc của chúng tôi cũng có được những cải thiện tương đối lớn, niềm tin của chúng tôi cũng càng kiên định hơn, với niềm tin ấy, chúng tôi càng tin chắc rằng, con người sẽ tìm ra cách giải quyết khó khăn. Trong đó, điều cấp thiết nhất là vấn đề hoà bình và thống nhất, phương pháp duy nhất có thể tiến hành là hướng sự quan tâm chú ý và sức lực vào khám phá trẻ em, đồng thời việc nghiên cứu về quá trình hình thành nhân cách trẻ em cũng có tiềm năng phát triển nhiều hơn.
Chúng tôi đã trình bày một cách rõ ràng và chính xác rằng, mỗi đứa trẻ đều có nhu cầu quan sát, đều mong muốn được phản ứng với thế giới bên ngoài, đều có thể tự chủ trong học tập, đều có thể tập trung tinh thần, đều có thể biết cách sống độc lập và biết thỉnh thoảng tạm dừng mọi hoạt động để cho bản thân bình tĩnh lại. Chúng tôi có thể rất tự tin nói với mọi người một cách rõ ràng, chính xác rằng, trong một hoàn cảnh bên ngoài thích hợp để tiếp nhận sự giáo dục, việc cho phép trẻ được ở vào trạng thái nghỉ ngơi tĩnh tại là một quan niệm sai lầm. Chúng ta có trách nhiệm dẫn dắt hành động của trẻ em – trừ khi nỗ lực này làm tiêu hao năng lượng, làm mai một nhu cầu theo đuổi tri thức một cách bản năng của trẻ và trở thành một nguyên nhân thường gặp khiến cho tinh thần trở nên bấn loạn và ngăn cản trẻ phát triển. Bởi vì, cho dù là giáo dục tiến hành đối với trẻ em thì cũng không nên lấy việc chuẩn bị nhập học làm chuẩn, trái lại, việc chuẩn bị cuộc sống cho tương lai mới là mục đích thực sự của giáo dục.
Maria Montessori
Pune, 11/ 1948
***
Chúng ta cần đánh thức từ trong sâu thẳm tâm hồn những người làm công tác giáo dục lòng nhiệt tình và hứng thú của họ đối với hiện tượng tự nhiên, rồi từ đó làm cho những nhận thức ấy dẫn đến tình yêu sâu sắc đối với thiên nhiên, đồng thời cũng khiến cho nhận thức ấy đến được với khát vọng cấp thiết của một người đang chuẩn bị cho việc thực nghiệm, của một người đang chờ đợi sự xuất hiện của những số liệu mới.
Tôi không có ý định làm một bản luận văn chuyên đề về giáo dục khoa học(1) trong cuốn sách này. Những ghi chép ban đầu này đã đưa ra những kết luận phù hợp và thú vị về kinh nghiệm dạy học, rất rõ ràng, những thực nghiệm này đã mở ra một con đường đưa nguyên lí khoa học mới vào ứng dụng thực tế, tranh thủ nhiều hơn những thực nghiệm khoa học trong giáo dục mà không phải cắt bỏ đi nền tảng tự nhiên trên nguyên tắc mạo hiểm. Nhiều năm nay, vẫn luôn tồn tại hiện tượng khuếch trương phóng đại, giáo dục nên từ bỏ hoàn toàn lĩnh vực mạo hiểm thuần tuý, giới Y học đã thực hiện được điều này và đã xây dựng được hệ thống riêng của mình trên cơ sở lấy kết quả thực nghiệm làm định hướng. Từ Weber, Gustav Fechner đến Wilhelm Wundt, Pinel… Sinh lí tâm lí học hoặc Tâm lí học thực hành đã trở thành một bộ môn khoa học mới. Giống như Tâm lí học siêu hình trước đây lấy giáo dục Triết học làm cơ sở, Sinh lí tâm lí học hay Thực hành tâm lí học cũng lấy khoa học giáo dục làm nền móng. Ứng dụng vào Nhân loại học hình thái để nghiên cứu thể trạng trẻ em cũng là một nhân tố quan trọng không dễ bỏ qua trong giáo dục kiểu mới.
Dù đã có được những bước phát triển như vậy, nhưng hệ thống “giáo dục khoa học” đến nay vẫn chưa hình thành, chưa có một định nghĩa chuẩn xác nào. Những điều chúng ta bàn bạc, thảo luận chỉ là một thứ mơ hồ và không hề tồn tại thực sự.
Mấy năm trước, ở nước Ý đã xuất hiện một cái gọi là “trường học giáo dục khoa học” (School of Scientific Pedagogy), ngôi trường này do một thầy thuốc giàu kinh nghiệm sáng lập ra, mục đích là đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên những phương pháp giáo dục mới. Họ đã thu được thành công to lớn và giành được sự đồng tình hưởng ứng của đội ngũ giáo viên trên khắp nước Ý. Dù rằng trước đó, những lí luận mới mẻ này được đưa vào Ý từ nước Đức và Pháp, nhưng các nhà Nhân loại học Ý lại khá quan tâm đến những quan sát của giáo viên bản địa đối với trẻ em ở mỗi một giai đoạn trưởng thành khác nhau và ưu điểm của việc sử dụng chính xác các công cụ và thiết bị đo lường. Ví dụ như giáo sư người Ý Giuseppe Sergi, gần 50 năm qua vẫn kiên trì theo đuổi việc thông qua các quan sát khoa học để tìm ra một phương pháp mới cho hệ thống Giáo dục cách tân. Ông từng nói: “Ngày nay, việc phải có phương thức và phương pháp giáo dục cách tân đã là vấn đề cấp bách, bất cứ ai phấn đấu vì điều này đều được coi là người phấn đấu vì sự phục hưng nhân loại”.
Tác phẩm của ông đã được xuất bản với nhan đề Giáo dục và huấn luyện. Trong đó có một bản thảo bài thuyết trình của ông, đó là bài thuyết trình được ông trình bày khi tham gia một hội nghị xúc tiến cho cuộc vận động mới này. Ông tỏ rõ sự vững tin vào con đường đổi mới của mình, lấy Tâm lí học thực hành và Nhân loại học giáo dục làm tôn chỉ, tiến hành nghiên cứu một cách hệ thống đối với người được tiếp nhận phương pháp giáo dục của mình:
“Nhiều năm nay, tôi luôn cố gắng đưa ra quan niệm về Người giáo dục và Người huấn luyện, tôi suy nghĩ càng nhiều về vấn đề này thì càng thấy vững tin là nó sẽ giúp ích cho việc định hướng và giáo dục con người. Nếu như chúng ta muốn dùng phương pháp tự nhiên để tìm hiểu mục tiêu thì nhất thiết phải tiến hành quan sát chính xác, tích cực đối với con người với tư cách cá nhân, đặc biệt là trong việc quan sát trẻ em, bởi vì chúng đang ở trong thời kì xây dựng nền tảng giáo dục và văn hoá.
Quả thực, chúng ta không thể xây dựng được một hệ thống giáo dục từ việc đo những thông số như kích thước của đầu hay chiều cao thân thể của một người, nhưng phương thức này lại có thể chỉ rõ con đường đi cho chúng ta: Chỉ khi nắm vững được những thông tin trực tiếp về đối tượng nghiên cứu của mình thì chúng ta mới có thể giáo dục được trẻ em một cách hiệu quả”.
Quyền uy của giáo sư Sergi đủ để làm mọi người cảm thấy hoàn toàn tin tưởng, một khi trẻ em được hiểu rõ thông qua thực nghiệm, thì việc áp dụng phương pháp giáo dục của ông càng dễ như trở bàn tay. Nhưng, đúng như hiện tượng ta thường gặp, điều này đã dẫn đến sự hiểu nhầm của những người đi theo tư tưởng ấy, họ đã lẫn lộn khi phân biệt giữa “Tiến hành giáo dục” và “Tiến hành nghiên cứu thực nghiệm đối với trẻ em”. Dưới cách nhìn của họ, nếu tiến hành nghiên cứu thực nghiệm đối với học sinh là con đường giáo dục hợp lí thông suốt, thì giáo dục học sinh cũng nên thông qua nghiên cứu thực nghiệm để làm cho trẻ có thể phát triển tự nhiên, dường như nghiên cứu thực nghiệm hoàn toàn có thể thay thế vị trí của giáo dục. Thế là họ gọi trực tiếp Nhân loại học giáo dục là “Giáo dục học khoa học”. Sự chuyển biến của hệ thống mới dường như đại diện cho “ý đồ ghi truyền lại”, những người theo quan điểm của giáo sư Sergi cho rằng, chỉ cần làm cho “ngọn cờ bay lên được trong trường học” thì coi như đã giành được thắng lợi rồi.
Vì thế, cái gọi là “Trường giáo dục học khoa học” chỉ dạy cho các giáo viên tiến hành đo kích thước cơ thể người như thế nào, sử dụng Tâm lí học và thiết bị đo xúc giác như thế nào và phác thảo từng cá nhân, con người ra sao… Theo hướng này, chỉ cần làm được những điều ấy là một nhà giáo dục khoa học đã ra đời.
Trên thực tế, lĩnh vực này ở các nước khác cũng chưa có tiến bộ lớn hơn. Ở Pháp, Anh và đặc biệt là Mỹ đã triển khai thực nghiệm một cách rộng rãi trên cơ sở nghiên cứu Tâm lí học giáo dục và Nhân loại học, thậm chí là trong các trường tiểu học, người ta thông qua việc tiến hành trắc nghiệm tâm lí và sinh lí đối với học sinh để chứng minh trường mình đã bước vào con đường cải cách. Sau đó, xu thế như vậy cũng đã bắt đầu trở nên thịnh hành trong nghiên cứu đối với từng cá nhân con người, lấy nghiên cứu Tâm lí học Wilhelm Wundt làm tôn chỉ, tiếp theo là thực nghiệm Pinel và họ cũng đã lưu lại được những kết luận chung chung như nhau. Sau này, những thực nghiệm này không còn do các giáo viên thực hiện nữa, mà do các bác sĩ thực hiện. Những người này thực hiện không phải là do hứng thú với công việc giáo dục, mà là họ hứng thú với lĩnh vực nghiên cứu đặc thù của mình. Họ không cố hết sức tiến hành thực nghiệm để từ đó đạt được kết quả để xây dựng ngành Giáo dục học khoa học, mà họ lại thông qua thực nghiệm để làm ra những cống hiến cho Tâm lí học và Nhân loại học. Tóm lại, Tâm lí học và Nhân loại học chưa thực sự dồn sức vào nghiên cứu Giáo dục học, đội ngũ giáo viên cũng chưa đạt tới trình độ của nhà khoa học sinh lí.
Mời các bạn đón đọc Phương Pháp Giáo Dục Montessori của tác giả Maria Montessori.