Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Người Việt - Chủ Nhân Của Kinh Dịch Và Chữ Vuông

Dịch học là một triết học xa xưa của người Á Đông. Mặc dù ra đời cách đây trên 5000 năm nhưng sức hấp dẫn của nó càng ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, không những tại những nơi nó đã từng phát triển như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bổn, Cao Li mà ngày nay nó còn hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu phương Tây. Có thể nói Dịch học như là Bản thể luận đầu tiên của nhân loại; đồng thời cũng là Hiện tượng luận hay nói theo Phật giáo là Pháp tướng luận. Chính vì điều này mà nó không những cung cấp cho người ta hiểu biết về bản chất của nhân sinh và vũ trụ mà còn cho phép con người có những dự đoán dựa trên những kết quả có tính siêu nhân quả. Vì ảnh hưởng của nó lớn lao như thế nên vấn đề nguồn gốc của nó càng làm cho những người nghiên cứu quan tâm hơn.

Tất nhiên vấn đề này đã được đề cập từ xa xưa, cách đây hàng ngàn năm nhưng ngày nay khi nhìn lại, người ta nhận ra rằng câu hỏi “Ai là tác giả Dịch học” vẫn chưa được xác định một cách khoa học. Tại Trung Hoa, các học giả chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng, dù nói đến Dịch học hầu như ai cũng nghĩ nơi đây là quê hương triết lí này.

Trong hướng đi tìm nguồn gốc của Dịch học, vài thập niên qua, ở Việt Nam có một số nhà nghiên cứu cho rằng Dịch học có nguồn gốc từ người Lạc Việt. Nhiều người đã đưa ra những chứng lí để chứng minh cho lập trường của mình, có thể nói rằng những lập luận ấy khá thuyết phục. Tuy nhiên vì là suy diễn nên chưa được chấp nhận rộng rãi, điều này cũng dễ hiểu, vì hàng ngàn năm qua Nam và Bắc cùng chia sẻ một không gian lịch sử, trong đó có sự phát triển của Dịch học mà sách vỡ viết về Dịch chủ yếu viết bằng chữ Hán.

Cùng trong hướng đó, tác giả đã đề nghị trong cuốn sách rằng: “không chỉ là suy diễn mà là những bằng chứng cho thấy rằng chính người Lạc Việt đã sáng tạo nên hệ thống Dịch lí và chữ Vuông, vì hoàn cảnh lịch sử, câu chuyện ấy đã được kể lại hoặc là mơ hồ hoặc là dưới tên của dân tộc khác. Tuy nhiên Tổ Tiên người Việt đã khéo léo cất dấu cái văn hóa huyền vĩ của mình dưới những cách thức khác nhau của ngôn ngữ dân tộc mình. Đây là một nổ lực vô cùng lớn lao và đầy trí tuệ. Bởi vì những gì mà ta nhận được từ những trống đồng, tranh dân gian hay chuyện ngụ ngôn là những thông tin có tính hệ thống, xuyên suốt, phù hợp với những gì đã lưu lại trong sách vở từ hàng ngàn năm qua về Dịch học. Từ những phát hiện như vậy, tôi xin giới thiệu với bạn đọc những gì mà Tổ Tiên người Việt đã làm, đã cất dấu để lưu lại cho hậu thế cái thông điệp rằng “Người Việt chính là tác giả của Dịch học và chữ Vuông”. Đây là những phát hiện mà tôi cho rằng quá mới nên nhất định có nhiều giới hạn, mong được sự góp ý của các thức giả.”

***

Kính dâng Thầy và Cha Mẹ

NGƯỜI VIỆT − CHỦ NHÂN ĐÍCH THỰC CỦA KINH DỊCH VÀ CHỮ VUÔNG(thay Lời giới thiệu)

Cách đây gần chục năm tôi tình cờ được một người bạn gửi qua email tặng cho bản đồ địa mạch với hình con rồng từ đỉnh Everest cao hơn 8.800m đến đáy vịnh Mindanao sâu 11.000m mà đầu và đuôi rồng chênh nhau 20 km. Nhìn vào đây, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy rằng chính thân rồng này là cột xương sống vô cùng vững chắc giữ cho Trái đất của chúng ta không bị thay đổi và biến dạng. Rằng 500 km trong số 7.000 km của thân rồng nằm trên đất Việt Nam là vô cùng quan trọng.

Tôi cũng thấy rất rõ hình chữ S của đất nước chúng ta chính là hình ảnh của âm dương trong âm dương ngũ hành rất quý giá và cần thiết. Rằng thế cân bằng, quyền biến của người Việt từ xưa đến nay giúp chúng ta không bị đồng hóa mà vẫn giữ mãi được bản sắc dân tộc.

Tôi bắt đầu đi lọ mọ tìm hiểu về Phong thủy, Dịch lí hay Thái ất Cửu cung mà các cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp… đánh giá rất cao. Càng đọc, càng nghiên cứu mới càng thấy rất hay, nhiều thứ kỳ bí và rất cần khám phá dài lâu. Ma trận được dần hé mở.

Như một thiền sinh và một nhà nghiên cứu, tôi dần dần ráng tìm tòi về cội nguồn đầu tiên của dân tộc Việt Nam liên quan đến Bách Việt. Tôi cũng nhiều lần tự đưa ra các giả thuyết về nguồn gốc của Kinh Dịch, Hà đồ, Lạc thư. Trong thâm tâm, rất mong muốn tìm lại cuốn Kinh Dịch gốc đã bị mất.

Tôi cũng xem lại trong sử sách để tìm về với nhân vật nổi tiếng mà không người Việt nào không biếtCao Biền. Ông được phái sang đất Việt tìm các huyệt quý để yểm, hòng tiêu diệt hiền tài của nước Nam. Ông ta đã tìm ra 632 huyệt chính, huyệt phát vương và 1.517 huyệt bàng, huyệt phát quan và đã cố yểm nhưng không yểm được. Cũng theo sử sách, đến đời nhà Minh, Hoàng Phúc lại được sai sang nước Việt để tiếp tục yểm bùa nhằm biến nước Nam thành quận huyện của họ, nhưng không thành.

Rồi tôi nghiên cứu lại các tài liệu của các vị thầy, các học giả đi trước và thấy rất rõ rằng đứng về mặt phong thủy thì đất nước Việt Nam là cái hình thế rất rất đặc biệt đối với phương Bắc. Càng ngẫm càng thấy rất đặc biệt và rất quan trọng. Quan trọng không chỉ với riêng Việt Nam mà cả khu vực và quốc tế.

Rồi tôi ngồi nhớ lại các vị thầy, các vị thiền sư nổi tiếng và tiền bối của nước ta như Thiền sư Định Không (730-808) cùng các học trò là Đình Hương, Thông Thiện. Rồi Thiền sư La Quý An, thiền sư Vạn Hạnh để nhớ mãi về sự ra đời của vua Lý Công Uẩn và triều đại Lý Trần hưng thịnh mãi sau này.

Cách đây vài năm, tôi gặp thầy Viên Như trong khuôn khổ Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Cung văn hóa Việt Xô tại Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi trao đổi với nhau những tâm huyết về đất nước và dân tộc, về thiền và tu tập, về Kinh Dịch và nhiều thứ khác nữa. Để rồi hai thầy trò giữ liên lạc với nhau dài lâu, thường xuyên và mãi đến bây giờ.

Trong một chuyến nghỉ mát của cả Công ty Sách Thái Hà tại Đà Lạt và Nha Trang, tôi và bạn đồng nghiệp Nguyễn Ngọc Quân – Giám đốc Trung tâm Xuất bản Thái Hà Books đã gặp thầy Viên Như và cùng xem bản thảo cuốn sách Người Việt - chủ nhân của Kinh Dịch và chữ Vuông. Tôi giật mình. Đúng những gì tôi đang nghiên cứu, tìm tòi bao năm nay. Chúng tôi quyết định xuất bản cuốn sách này ngay lập tức.

Tôi đọc đi đọc lại bản thảo này và thấy rằng thầy trò chúng tôi đang đi cùng một hướng, đang làm cùng một việc. Tôi cũng thấy ra một tương lai huy hoàng chung trên một tầm nhìn vĩ đại. Rằng đất nước Việt Nam của chúng ta vô cùng tuyệt vời và đã được chọn, thử thách mấy ngàn năm nay. Rằng chúng ta đã và đang tìm được về với cội nguồn, với hồn thiêng sông núi. Rằng sau khi bị đô hộ 1.117 năm, Việt Nam ta nay đã biết tự hào về chính mình và thức dậy như con rồng bắt đầu cất cánh bay lên. Ôi Thăng Long!

Dân tộc Việt Nam đã được thử thách trọn vẹn suốt mấy ngàn năm nay. Chúng ta sở hữu tài sản quý giá là Tình Thương và Trí Tuệ trên tinh thần bất khuất ngàn đời mà ta quên mất. Chúng ta là con rồng cháu tiên mà đâu có hay. Chúng ta sở hữu cả những tài sản vô giá của nhân loại mà mải ngủ quên trong si mê và phiền não. Ôi Thăng Long thật đây rồi!

Tôi thấy rằng đã bắt đầu cho một sự chuyển dịch lớn lao của dân tộc Việt và rằng cần một bộ máy với những con người trong bộ máy hòa cùng nhịp đập để Việt Nam cất cánh. Ôi Thăng Long!

Tôi ngồi thiền và thấy rất rõ tiếng trống đồng của các vua Hùng đang thúc giục, thấy rõ chim lạc, chim hồng đang bay cao bay thấp đâu đó quanh mỗi chúng ta. Rằng Kinh Dương Vương đang đánh thức chúng ta. Rằng kinh lạc đang có sẵn trong mỗi con người Việt. Chúng ta chỉ cần có tỉnh thức, chỉ cần thở và cười trong bình an và chánh niệm thì con rồng trong ta sẽ thức tỉnh. Chúng ta đánh thức rồng thức dậy để bay cao bay xa, vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Thân mong bạn đọc kỹ cuốn sách này và cùng tôi thấy một kỷ nguyên mới đang được vận hành. Tôi đang nói thầm và muốn bạn hô to lên cùng tôi “TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM” và “VIỆT NAM THĂNG LONG”.

Thủ đô Hà Nội, sáng ngày 8 tháng 8 năm 2014

TS. Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà

Mời các bạn đón đọc Người Việt - Chủ Nhân Của Kinh Dịch Và Chữ Vuông của tác giả Viên Như.