Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Muôn Dặm Không Mây

Giống như những tác phẩm thành công khác,"Muôn dặm không mây" là một tác phẩm đa tầng mức, đa góc độ. Đây là bộ du ký ghi lại cuộc hành trình gian nan khiến người đọc hồi hộp, miêu tả ngài Huyền Trang một cách sinh động cũng như những nguy hiểm gian khổ trong hành trình theo gót chân ngài của chính tác giả

"Muôn dặm không mây" đầy ắp những câu chuyện lôi cuốn, khiến ta phải kinh ngạc…

Cũng là một tuyệt phẩm về nhân văn, địa lí, lịch sử, văn hóa rất sâu sắc, là bức tranh sinh động về nền giao lưu văn hóa Đông Tây.

"Muôn dặm không mây" khiến người đọc cảm động, khó quên…

…Đây là một tác phẩm hay, không thể không đọc. Amartya Sen - Nobel Kinh tế học

***

Lời giới thiệu

Huyền Trang là một nhân vật lịch sử lỗi lạc của lịch sử Phật giáo Trung Quốc, đặc biệt hành trình một mình đi Ấn Độ thỉnh kinh của ngài, với bao nhiêu gian khổ và hiểm nguy, sau này đã gợi hứng cho người Trung Quốc viết nên bộ tiểu thuyết nổi tiếng Tây Du Ký. Và từ đó không chỉ người Trung Quốc mà cả thế giới biết đến nhân vật lịch sử Tam Tạng Huyền Trang qua hình ảnh hư cấu Đường Tăng. Trong thực tế, quả đã tồn tại một nhân vật lịch sử như thế. Và trong những năm vừa qua, có một số người đã muốn tái tạo hành trình thỉnh kinh của ngài. Cô Tôn Thư Vân, là một trong những người đó, đã ghi lại hành trình của mình cùng những cảm xúc trong tác phẩm Muôn Dặm Không Mây. Nay cô Tâm Hiếu phát tâm dịch những ghi chép này của Tôn Thư Vân ra tiếng việt, để cho không chỉ những người con Phật chúng ta đọc mà còn để cho mọi người biết hành trình gian khổ ngài Huyền Trang đã trải qua bằng những ghi chép của chính người hôm nay.

Tôi viết mấy lời này để xin giới thiệu cùng bạn đọc Việt Nam về cuốn sách đầy hứng thú này.

Đầu xuân năm Bính Tuất 2006

Thượng tọa Thích Trí Siêu

(Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát)

***

Lời dịch giả

Vào năm 646, ngài Huyền Trang, vị cao tăng đời Đường, đã căn cứ theo lộ trình Tây du của mình, viết nên quyển Đại Đường Tây Vực ký…, đến đời Minh, Ngô Thừa Ân đã chuyển thể từ Đại Đường Tây Vực ký thành Tây Du ký. Từ đó, những câu chuyện liên quan về Đường Tăng được lưu truyền rộng rãi ở nhân gian. Thời gian cứ thế trôi qua, đến nay cũng hơn 1.000 năm, một nữ sĩ Trung Quốc đã độc hành lại con đường của ngài Huyền Trang, đồng thời đem những điều trải qua viết nên quyển Ten thousand Miles without a cloud (Muôn dặm không mây) bằng tiếng Anh. Mùa hè năm 2004, tác giả đã chuyển dịch thành tác phẩm “Vạn lý vô vân” và xuất bản tại Trung Quốc.

Tác giả tên thật là Tôn Thư Vân, sinh năm 1963 tại tỉnh Hà Bắc. Năm 1982, cô thi đậu khoa ngoại ngữ trường đại học Bắc Kinh, sau đó du học nghiên cứu sinh ngành lịch sử cận đại tại đại học Oxford ở Anh. Trong thời gian học tập ở Oxford, cô có dịp giao lưu với các học giả Ấn Độ. Các học giả này đánh giá cao về ngài Huyền Trang, xem Ngài như một anh hùng, trong khi đó cô là người sinh trưởng và được giáo dục tại Trung Quốc, nhưng nhận thức về lịch sử nước nhà, cũng như sự hiểu biết về ngài Huyền Trang rất ít, cô cảm thấy hổ thẹn, bèn quyết tâm tây hành theo dấu chân của ngài Huyền Trang khi xưa, thể nghiệm tất cả mọi nguy hiểm và gian khổ trên đường cầu pháp của Ngài, tái hiện nhận thức văn hóa Phật giáo và cuộc sống của Ngài trong thời kỳ thịnh Đường.

Ngài Huyền Trang đến Ấn Độ cầu học Phật pháp khoảng 19 năm; sau khi về nước, ngài dốc toàn lực cho sự nghiệp phiên dịch, hoằng pháp. Hơn 1300 năm trở lại đây, kinh văn đọc tụng đa phần do Ngài phiên dịch. Ngài không chỉ là một vị cao tăng, mà còn là sứ giả văn hóa, nhà du hành vĩ đại. Lỗ Tấn, tác giả nổi tiếng của Trung Quốc đầu thế kỷ XX, xưng tụng Ngài là “Bậc đống lương của dân tộc”…, Lương Khải Siêu cũng tôn Ngài là “Thiên cổ nhất nhân”, từ đó có thể thấy địa vị quan trọng của Ngài trong lịch sử Trung Quốc.

Bản thảo của tác phẩm Ten thousand miles without a cloudmới viết được một chương, lập tức được công ty Harper Collins thuộc tập đoàn Murdock nổi tiếng ở Anh Quốc mua ngay bản quyền. Ấn bản tiếng Anh, với bìa thiết kế mang đậm nét thiền, sau khi xuất bản ở London vào tháng 7 -2003 đã gây sóng gió trong giới độc giả Anh Quốc và nhận được vô số lời đánh giá cao. Ngoài nước Anh và vùng lân cận, tác phẩm Ten thousand miles without a cloud được dịch ra rất nhiều thứ tiếng như Pháp, Ý, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Một phụ nữ Trung Quốc, cô thân vạn lý tìm hiểu hành trình của bậc cao tăng cách nay hơn 1000 năm. Quyển sách đã làm chấn động giới học giả năm châu, đây cũng là đề tài gây chú ý cho các nhà xuất bản tại Trung Quốc.

Tiến sĩ Amartya Sen - người từng được giải thưởng Nobel về kinh tế học, trong lời đề tựa cho bản dịch Trung Quốc của mình nói: “Đây là quyển sách đa tầng mức, đa góc độ, cũng là một tuyệt phẩm bao hàm văn hóa, lịch sử, địa lý và nhân văn…”

Đây là bộ sách dùng tâm để thể nghiệm. Tác giả đã dùng lối diễn đạt chân thật, sinh động, tư tưởng sâu sắc, kết hợp với rất nhiều hình ảnh đẹp trong lộ trình của mình, nhận thức nền văn minh tiên tiến và cổ xưa, nâng cao vị trí văn hóa Trung Quốc trong con mắt của mọi người trên thế giới, thẳng tiến vào thế giới tinh thần uyên bác của ngài Huyền Trang, lãnh ngộ được chân đế Phật giáo.

Cảm nhận được giá trị của tác phẩm, tuy bận học nhưng chúng tôi vẫn tranh thủ thời gian dịch sang tiếng Việt. Vì bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, thêm vào người dịch theo sát bản văn nên không tránh khỏi những khiếm khuyết, kính mong quý vị góp ý. Hy vọng quyển sách này sẽ mang nhiều lợi ích đến các độc giả nước nhà.

Phúc Châu, ngày 20/12/2005

Tâm Hiếu

***

Muôn dặm không mây

Mọi người đều biết nhân vật Đường Tăng trong Tây Du ký là một người có bản tính yếu đuối, lương thiện, kiền thành, nhưng lại độc đoán, không phân rõ phải trái. Dưới sự bảo hộ của Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, Trư Bát Giới biếng nhác và Sa Tăng bộc trực, Đường Tăng trải qua 81 nạn, cuối cùng thì hoàn thành chuyến Tây Thiên thỉnh kinh.

Đường Tăng thật ra là nhân vật lịch sử Huyền Trang đời nhà Đường. Tây Du ký là bộ tiểu thuyết thần thoại diễn dịch lại hành trình sang Ấn Độ cầu pháp của ngài Huyền Trang. Tác phẩm văn học ưu tú này dựa vào sự tưởng tượng phong phú, qua sự phán đoán về tinh thần của thế giới hiện thực đã tạo nên hình tượng nhân vật đầy cá tính, trở thành tác phẩm văn học sử có sức lôi cuốn. Chính vì thế trong cuộc Cách mạng Văn hóa bài trừ tất cả văn hóa truyền thống do Mao Trạch Đông đề xướng, Tôn Ngộ Không trở thành thần tượng của phái tạo phản, và Tây Du kýcũng không bị xem là văn hóa đồi trụy. Tập truyện tranh đầu tiên của tôi chính là Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh.

Nhưng Đường Tăng trong tiểu thuyết và ngài Huyền Trang trong lịch sử thì hoàn toàn khác biệt.

Thời gian học tập tại Oxford, người bạn Ấn Độ đã kể cho tôi nghe ngài Huyền Trang rất được dân Ấn tôn sùng, anh ta nói nếu như không có Đại Đường Tây Vực ký của ngài Huyền Trang, lịch sử Ấn Độ cổ đại vẫn còn là một màn đen, thậm chí họ không biết đức Phật là người Ấn Độ. Tôi vô cùng kinh ngạc. Trong sách giáo khoa thời trung học tôi có đọc và biết ngài Huyền Trang biên soạn Đại Đường Tây Vực ký, nhưng tôi không biết nhiều về nội dung; tôi chỉ biết về ngài hạn hẹp qua nhân vật yếu đuối trong Tây Du ký. Ngày thứ hai tôi đến thư Viện trường Oxford tìm được quyển Đại Đường Tây Vực ký và truyện ký về ngài. Liên tục ba ngày tôi đọc sách, một nghi vấn luôn luẩn quẩn trong đầu: Tại sao với một nhân vật mà Lỗ Tấn xưng là “Bậc đống lương của dân tộc Trung Hoa” này mà tôi lại không biết?

Cũng như những người dân Trung Quốc, từ Tây Du ký tôi biết Đường Tăng theo lệnh của Đường Thái Tông sang tây thiên thỉnh kinh cầu cho đại Đường luôn bình an. Cầm trong tay chiếu thư của hoàng đế, ông rời khỏi Trường An, Đường Thái Tông đưa tiễn mười dặm. Trên thực tế, ngài Huyền Trang kháng lệnh triều đình, trong đêm trốn khỏi thành Trường An, đi đến đâu cũng đều bị lệnh truy bắt. Ngài một mình đi hơn năm vạn dặm trong 19 năm. Để thuyết phục vua Cao Xương cho phép tiếp tục tây hành, ngài đã tuyệt thực, trên ngọn Thiên San băng giá ngài suýt mất mạng, bị cường đạo bắt làm vật tế thần sông… nhưng ngài xem tất cả những gian khổ hay công danh lợi lộc chỉ là quá trình tu đạo của mình.

Tôi không hề biết hiện tại người Trung Quốc đang tụng những kinh điển hằng ngày phần lớn là do ngài dịch. Sau khi từ Ấn Độ trở về, ngài Huyền Trang dốc lòng dịch kinh, hoằng pháp, số lượng kinh điển phiên dịch rất nhiều, ngài đã để lại cho văn hóa Phật giáo Trung Quốc một tài sản vô cùng quý báu. Văn hóa Phật giáo đã có ảnh hưởng lớn đối với triết học, luân lý, logic, văn học, ngôn ngữ, âm nhạc, vũ điệu, kiến trúc, y học, thậm chí những tập tục và sinh hoạt đời thường của Trung Quốc, và đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Một triết gia đã nói không hiểu Phật giáo thì sẽ không hiểu văn hóa Trung Quốc. Với những thanh niên Trung Quốc sinh vào thập niên 1960 như tôi, Phật giáo mà ngài Huyền Trang tín ngưỡng chính là đại danh từ mê tín phong kiến. Tôi biết rằng tín ngưỡng Phật giáo của ngoại là đối tượng cuộc cách mạng của chúng tôi. Tôi không hiểu việc thắp nhang, lễ Phật làm sao đem lại niềm an ủi cho con người, cũng như không hiểu làm thế nào mà nó có thể đồng hành trong suốt cuộc đời đau khổ của ngoại, lại càng không hiểu đối tượng của cuộc cách mạng này sao lại là một bộ phận quan trọng hình thành nên truyền thống và lịch sử của chúng tôi.

Người xưa nói: “Đọc vạn quyển sách như đi vạn dặm đường.” Lần theo vết tích ngài Huyền Trang, dựa vào những ghi chép trong Đại Đường Tây Vực ký, cách nay hơn 1300 năm, vào thời gian giao thoa giữa lịch sử và hiện thực, tôi đã tự thân đi để thể nghiệm những gì mà ngài Huyền Trang đã trải qua, mong tiến sâu vào thế giới tinh thần của ngài, tìm hiểu sự giao lưu văn hóa của các nước đã ảnh hưởng đến Trung Quốc. Trên bước tây hành diệu vợi, tôi một mình đi gần một năm, trải qua những hiểm nguy, những phiền phức, những cơ cực bần cùng cũng như bạo lực tại thánh địa Phật giáo, nhưng tôi vẫn kiên trì, và cuối cùng đã tìm được quá khứ.

Mời các bạn đón đọc Muôn Dặm Không Mây của tác giả Tôn Thư Vân.