Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Rèn Luyện Tư Duy Phản Biện

Như bạn có thể thấy, chìa khóa để trở thành một người có tư duy phản biện tốt chính là sự tự nhận thức. Bạn cần phải đánh giá trung thực những điều trước đây bạn nghĩ là đúng, cũng như quá trình suy nghĩ đã dẫn bạn tới những kết luận đó. Nếu bạn không có những lý lẽ hợp lý, hoặc nếu suy nghĩ của bạn bị ảnh hưởng bởi những kinh nghiệm và cảm xúc, thì lúc đó hãy cân nhắc sử dụng tư duy phản biện! Bạn cần phải nhận ra được rằng con người, kể từ khi sinh ra, rất giỏi việc đưa ra những lý do lý giải cho những suy nghĩ khiếm khuyết của mình. Nếu bạn đang có những kết luận sai lệch này thì có một sự thật là những đức tin của bạn thường mâu thuẫn với nhau và đó thường là kết quả của thiên kiến xác nhận, nhưng nếu bạn biết điều này, thì bạn đã tiến gần hơn tới sự thật rồi!

Những người tư duy phản biện cũng biết rằng họ cần thu thập những ý tưởng và đức tin của mọi người. Tư duy phản biện không thể tự nhiên mà có.

Những người khác có thể đưa ra những góc nhìn khác mà bạn có thể chưa bao giờ nghĩ tới, và họ có thể chỉ ra những lỗ hổng trong logic của bạn mà bạn đã hoàn toàn bỏ qua. Bạn không cần phải hoàn toàn đồng ý với ý kiến của những người khác, bởi vì điều này cũng có thể dẫn tới những vấn đề liên quan đến thiên kiến, nhưng một cuộc thảo luận phản biện là một bài tập tư duy cực kỳ hiệu quả.

Việc lắng nghe những ý kiến của người khác cũng có thể giúp bạn nhận ra rằng phạm vi tri thức của bạn không phải là vô hạn. Không ai có thể biết hết tất cả mọi thứ. Nhưng với việc chia sẻ và đánh giá phê bình kiến thức, chúng ta có thể mở rộng tâm trí. Nếu điều này khiến bạn cảm thấy không thoải mái, không sao cả. Trên thực tế, bước ra ngoài vùng an toàn là một điều quan trọng để mở rộng niềm tin và suy nghĩ của bạn. Tư duy phản biện không phải là chỉ biết vài thứ, và chắc chắn không phải việc xác
nhận những điều bạn đã biết. Thay vào đó, nó xoay quanh việc tìm kiếm sự thật – và biến chúng trở thành thứ bạn biết.

***

LỜI MỞ ĐẦU

Suy nghĩ là việc chúng ta làm hằng ngày và thường là trong vô thức. Khi bạn làm bữa sáng, đánh răng hay lái xe đến chỗ làm, bạn cũng đang suy nghĩ. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ về quá trình suy nghĩ, cách mà bạn đưa ra quyết định sẽ ăn gì vào bữa trưa hoặc khi nào thì dậy đi làm chưa?

Nghĩ về quá trình suy nghĩ được gọi là siêu nhận thức (metacognition). Nhận thức được cách hình thành những suy nghĩ là bước đầu tiên trong việc phát triển các kỹ năng tư duy phản biện. Tư duy phản biện là một phương pháp bạn có thể dùng để xem xét cẩn thận những suy nghĩ và niềm tin của bạn, và từ đó có khả năng tương tác với ý tưởng của những người khác một cách cẩn thận. Điều này sẽ khiến những cuộc hội thoại hằng ngày và những quyết định của bạn dễ dàng hơn và được cân nhắc cẩn thận hơn, đồng thời giúp bạn giải quyết những vấn đề phức tạp hơn. Những người tư duy tốt nhất thế giới dùng những chiến thuật tư duy phản biện để giải quyết những vấn đề lớn như tìm cách lên Sao Hỏa, biến đổi khí hậu và xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Những thứ này có thể quá vĩ mô đối với bạn, nhưng nếu bạn nghĩ về câu hỏi ẩn sau chúng, tự nhiên chúng sẽ trở nên dễ giải quyết hơn. Điều gì gây nên biến đổi khí hậu? Ai sẽ chịu trách nhiệm đối với hậu quả? Làm thế nào để thay đổi họ? Quá trình thay đổi họ sẽ như thế nào? Điều gì khiến quy trình đó trở nên hiệu quả? Bắt đầu suy nghĩ về những câu hỏi này chính là cách những người thông minh nhất làm việc.

Bạn cũng có thể áp dụng cách tư duy này cho những vấn đề nhỏ hơn, ví dụ như nếu bạn muốn bắt đầu tập thể dục, bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Bài tập nào sẽ phù hợp với bạn? Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể chia nhỏ vấn đề: Bạn muốn khỏe mạnh hơn hay muốn chạy nhanh hơn? Bạn đang tìm kiếm lợi ích sức khỏe nào? Một bài tập thể dục nọ có thực sự tốt như bạn nghĩ? Làm thế nào để nhận biết bài tập đó có hiệu quả với bạn hay không? May mắn là, chúng ta có thể tiếp cận được nhiều thông tin hơn bao giờ hết nhờ có Internet, nhưng vấn đề là những thông tin đó không phải lúc nào cũng chính xác hoặc có giá trị đối với vấn đề của bạn. Tư duy phản biện sẽ giúp bạn lọc những thông tin này và dùng chúng hiệu quả nhất có thể.

Bộ não là một cơ quan tuyệt vời. Nó không chỉ nảy sinh ra những suy nghĩ, mà còn có thể nghĩ về cách nó nảy sinh những suy nghĩ đó. Bộ não có thể nghĩ về quá khứ, tưởng tượng về tương lai và tưởng tượng những điều chưa bao giờ xảy ra. Nhưng bộ não cũng có thể đánh lừa chúng ta. Chúng ta đều có những định kiến mà bản thân không nhận thức được, dựa trên những kinh nghiệm và kiến thức của chúng ta, thứ sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ và nó có thể đánh lừa đánh giá của chúng ta. Những cảm xúc và “bản năng” có xu hướng đưa chúng ta tới những kết luận không phải lúc nào cũng đúng.

Thay vào đó, chúng thường là những quyết định dễ dàng nhất, những quyết định chúng ta cảm thấy thoải mái dựa trên những định kiến cá nhân, bởi đây là một chiến lược sinh tồn tốt với những người nguyên thủy. Họ sống trong một thế giới mà bản năng là rất có ích, nhưng thế giới hiện đại ngày nay lại phức tạp hơn rất nhiều. Việc xem xét kỹ lưỡng những quan điểm và suy nghĩ của chúng ta, vì lợi ích của chính chúng ta và của cả nhân loại đã ngày càng trở nên tối quan trọng.

Bạn có thể nghĩ về tư duy phản biện như là một bộ chiến lược để dẫn đường giúp bạn tránh xa khỏi các quyết định thiên vị, cảm tính và hướng đến sự cân nhắc lý trí cho những hành động và đức tin của mình. Điều này sẽ giúp chúng ta trở thành những người suy nghĩ độc lập, có thể tự đưa ra lựa chọn một cách thấu đáo. Những kỹ năng mà một người tư duy phản biện cần phát triển bao gồm việc hiểu được những logic đằng sau những ý niệm và học thuyết, có thể phân tích và công thức hóa những lập luận, có thể xây dựng những giải pháp từng bước, xác định tính hợp lệ của những ý tưởng và có thể xem xét những lý do đằng sau đức tin của chính bạn. Bạn có thể đã nhận ra rằng tư duy phản biện không có nghĩa là chỉ biết nhiều kiến thức. Đó là một quá trình rất khác so với việc chỉ ghi nhớ hay tiếp nhận thông tin; giỏi ghi nhớ không khiến bạn trở thành một người có tư duy phản biện tốt! Những người có tư duy phản biện tập trung hơn vào cách họ biết hơn là cái họ biết. Điều này có nghĩa là họ có thể sử dụng thứ họ biết để dự đoán hậu quả của chuỗi hành động, giải quyết các vấn đề và quyết định sẽ dùng thông tin nào khi họ muốn học một thứ mới.1

Tư duy phản biện không có nghĩa là “phê phán gay gắt”. Thực tế thì, tư duy phản biện chủ yếu là việc giữ được một cuộc tranh luận hợp lý, bình tĩnh và trí thức. Tư duy phản biện sẽ cho phép bạn phân tích những lập luận của mọi người và cho họ thấy cái sai của họ, mà không cần phải lăng mạ hay sỉ nhục người khác. Điều này sẽ giúp chúng ta làm việc dễ dàng hơn với những người không có cùng quan điểm. Tư duy phản biện là một chiến lược tốt để sử dụng trong các dự án nhóm hoặc những việc cần sự hợp tác, chính xác là vì nó tạo ra một môi trường lý tưởng cho việc tương tác về mặt trí thức.

Quá trình tư duy trí tuệ này không nhất thiết phải cực kỳ sáng tạo. Mặc dù chúng ta thường nghĩ logic là một thứ đối lập hoàn toàn so với sự sáng tạo, bản chất của tư duy phản biện chính là làm thế nào để dùng những tư duy logic để kích thích sự sáng tạo. Sự xem xét một cách logic tất cả các ý tưởng có nghĩa là bạn nhận ra rằng ý tưởng kém phổ biến hơn lại chính là ý tưởng hợp lý nhất, hoặc rằng có một giải pháp tốt hơn cho vấn đề bạn đang cân nhắc. Sử dụng những kỹ năng tư duy phản biện có thể mở ra cho bạn cả một chân trời mà bạn chưa bao giờ nghĩ tới.

Chúng ta sinh ra không có sẵn những kỹ năng tư duy phản biện. Thay vào đó, chúng ta phải học hỏi và luyện tập thì mới có thể sử dụng tốt những kỹ năng đó. Tin tốt là, ai cũng có thể học cách tư duy phản biện! Như tất cả các quá trình tự cải thiện bản thân, học cách tư duy phản biện bắt đầu với việc nhận ra những thứ bạn cần cải thiện. Điều này có nghĩa là nhận ra được những lỗi sai trong chính cách suy nghĩ của bạn.

Những lỗi sai đó cũng có đến vài loại. Thứ đầu tiên mà bạn phải nghĩ đến là những ngụy biện logic, hay chính là lỗi sai bạn tạo ra trong quá trình hợp lý hóa suy nghĩ. Bạn cũng phải kiểm tra những lầm tưởng trước đó của bạn và xem cái nào là sai; bạn có thể không nhận ra rằng một vài thứ mà bạn vẫn “biết” thực ra lại không hoàn toàn chính xác. Bạn cũng nên tự đặt câu hỏi về trí nhớ của mình (mà không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác) và liệu những dự đoán cũng như “giác quan thứ 6” của bạn có đúng hay không. Tất cả những lỗi sai này sẽ được bàn luận chi tiết hơn trong những chương sau, nhưng hiện tại thì chắc chắn đó là những thứ bạn cần cân nhắc.

May mắn là, chúng ta có thể sửa lại những lỗi sai phổ biến đó. Đây là khi siêu nhận thức trở nên rất quan trọng – ví dụ, khi bạn phải nghĩ về việc làm thế nào để lại nhớ lại một sự kiện và từ đó có thể đánh giá liệu nó có thực sự xảy ra hay không. Bạn có thể áp dụng những quá trình như theo dõi tiến trình suy nghĩ của bạn bằng cách ghi chép, thực hiện những thay đổi nếu bạn thấy rằng có gì đó không tốt hoặc cần cải thiện, tự ý thức được những chiến lược suy nghĩ, và suy nghĩ xem những kinh nghiệm bạn rút ra có sự kết nối với nhau ra sao. Bạn có thể nghĩ về quá trình siêu nhận thức này như việc tiếp nhận một sự nghi ngờ khoa học về điều mà bạn chưa bao giờ thắc mắc trước đó. “Sự nghi ngờ khoa học” có nghĩa là nghi ngờ một cách thông minh, phân tích quá trình tư duy của bản thân và cách bạn biết những điều bạn đã biết thông qua những bằng chứng khách quan. Nghiên cứu những suy nghĩ của bạn giống như chúng là một đối tượng nghiên cứu khoa học sẽ giúp bạn tìm ra thứ khoa học vẫn luôn hướng tới: sự thật, thay vì những cái chúng ta mong muốn là sự thật.2

“Duy ý chí” có thể đặc biệt gây hại đến tư duy phản biện vì nó hướng chúng ta đến những kết luận chúng ta muốn đưa ra thay vì những kết luận chính xác. Cách tốt nhất để chống lại điều này là tập trung vào bằng chứng khách quan mà bạn thu thập được, thay vì những phỏng đoán hay những kiến thức bạn biết. Ví dụ, nếu bạn luôn cảm thấy buồn nôn và đau đầu, bạn có thể tra các triệu chứng trên Google hoặc là hỏi bạn bè của mình, hoặc là tới bác sĩ. Phương án nào sẽ cung cấp câu trả lời tốt nhất cho vấn đề của bạn? Rõ ràng là, một bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm sẽ có thể đánh giá những triệu chứng của bạn với bằng chứng khách quan và đưa ra một kết luận đáng tin cậy hơn là một trang Wiki hay là bạn của bạn. Do đó, họ sẽ thực sự nói cho bạn điều gì không ổn (nếu có) và ngăn bạn đi đến kết luận rằng bạn mắc bệnh gì đó nghiêm trọng.

Tất nhiên, bác sĩ thường đại diện cho khoa học thuần túy – một yếu tố quan trọng đối với các vấn đề khoa học, bởi ngụy khoa học cũng sẽ đưa bạn tới những kết luận không chính xác. Ví dụ, nếu bạn quyết định tới gặp những pháp sư chữa trị bằng đá khoáng, họ có thể sẽ không thành công trong việc chữa lành những triệu chứng của bạn so với bác sĩ. Lý do là vì cách họ hành nghề không hề dựa trên sự khách quan, hay bằng chứng được xem xét nghiêm ngặt. Bạn luôn có thể nhận biết điều gì có tính khoa học thuần túy thông qua phương pháp học mà nó sử dụng. Nó sẽ không đi theo một chuỗi những niềm tin không có căn cứ. Thay vào đó, nó sẽ đi theo một con đường thẩm định rất cụ thể, hợp lý và logic để đi tới kết luận. Một người tư duy phản biện có thể nhận ra điều này, và lựa chọn những điều họ tin là đúng dựa trên con đường thẩm định một cách khoa học.

Điều quan trọng tiếp theo là một người có tư duy phản biện hiểu rất rõ bản chất của kiến thức. Một trong những bằng chứng khoa học duy nhất có thể quan sát được là tự nhiên; những hiện tượng thiên nhiên mà chúng ta thấy mỗi ngày chắc hẳn sẽ có những nguyên nhân tự nhiên. Những nguyên nhân siêu nhiên đến nay vẫn chưa được chứng minh bởi những phương pháp khoa học (dù bạn muốn tin vào những thợ săn ma quỷ ra sao) bởi vì chúng không thể đo lường bằng thực nghiệm được. Những người có tư duy phản biện biết rằng những học thuyết khoa học không đồng nghĩa với sự thật; sẽ luôn luôn có những lỗi sai gây ra bởi yếu tố con người trong những quan sát thực nghiệm. Điều này có nghĩa là thông tin luôn luôn có thể được cải thiện với dữ liệu mới – và đây là một điều tốt! Chừng nào những bằng chứng thực nghiệm được sử dụng để tiến tới những kết luận và kiến thức, nó sẽ được cân nhắc cẩn thận hơn là một kết luận được đưa ra mà không có tư duy phản biện.

Nếu chúng ta sử dụng tư duy phản biện, chúng ta sẽ rất dễ bị cám dỗ bởi suy nghĩ ảo tưởng, tại đó chúng ta sẽ hoàn toàn sống trong thực tại của chính mình hay một thực tại được dựng nên bởi người khác. Những thực tại này không thể biến thành sự thật được, bởi vì chúng không dựa trên bất kỳ quan sát thực nghiệm nào. Nếu chúng ta sống dựa vào những xúc cảm và những đức tin không có căn cứ, chúng ta sẽ ngày càng xa rời bản chất của vấn đề bởi vì quan điểm của chúng ta đã bẻ cong chúng. Điều này được biết tới như là những thiên kiến xác nhận; chúng ta trở nên hứng thú với việc tìm kiếm những bằng chứng ủng hộ quan điểm của mình hơn là đưa ra những kết luận từ bằng chứng mà chúng ta nhìn thấy. Trong một thời kỳ mà chúng ta có thể truy cập vào nhiều thông tin (đúng hoặc sai lệch) hơn bao giờ hết, sử dụng tư duy phản biện để tránh bị thao túng và dắt mũi là điều rất cần thiết, cho dù đó là vấn đề liên quan đến sức khỏe, chính trị hay tiêu dùng. Áp dụng những chiến lược tư duy sẽ giúp bạn có định hướng rõ ràng giữa biển tri thức và tìm thấy những sự thật.

Bạn có thể đã biết tới một vài người có tư duy phản biện nổi tiếng. Họ thường có chung những đặc điểm sau:

• Sự tò mò về nhiều chủ đề đa dạng;

• Nhận thức rõ về những tình huống họ có thể dùng tư duy phản biện;

• Tự tin vào những lý lẽ của mình;

• Luôn muốn thu nạp thêm nhiều kiến thức mới;

• Hiểu được những quan điểm của người khác;

• Cởi mở để cải thiện đức tin;

• Có sự khách quan trong việc đánh giá lý lẽ;

• Tự nhận thức được những định kiến và những khiếm khuyết của mình;

• Đánh giá cẩn thận khi thay đổi quan điểm; và

• Sẵn sàng thay đổi một luận điểm sai khi được giải thích hợp lý.

Như bạn có thể thấy, chìa khóa để trở thành một người có tư duy phản biện tốt chính là sự tự nhận thức. Bạn cần phải đánh giá trung thực những điều trước đây bạn nghĩ là đúng, cũng như quá trình suy nghĩ đã dẫn bạn tới những kết luận đó. Nếu bạn không có những lý lẽ hợp lý, hoặc nếu suy nghĩ của bạn bị ảnh hưởng bởi những kinh nghiệm và cảm xúc, thì lúc đó hãy cân nhắc sử dụng tư duy phản biện! Bạn cần phải nhận ra được rằng con người, kể từ khi sinh ra, rất giỏi việc đưa ra những lý do lý giải cho những suy nghĩ khiếm khuyết của mình. Nếu bạn đang có những kết luận sai lệch này thì có một sự thật là những đức tin của bạn thường mâu thuẫn với nhau và đó thường là kết quả của thiên kiến xác nhận, nhưng nếu bạn biết điều này, thì bạn đã tiến gần hơn tới sự thật rồi!

Những người tư duy phản biện cũng biết rằng họ cần thu thập những ý tưởng và đức tin của mọi người. Tư duy phản biện không thể tự nhiên mà có.

Những người khác có thể đưa ra những góc nhìn khác mà bạn có thể chưa bao giờ nghĩ tới, và họ có thể chỉ ra những lỗ hổng trong logic của bạn mà bạn đã hoàn toàn bỏ qua. Bạn không cần phải hoàn toàn đồng ý với ý kiến của những người khác, bởi vì điều này cũng có thể dẫn tới những vấn đề liên quan đến thiên kiến, nhưng một cuộc thảo luận phản biện là một bài tập tư duy cực kỳ hiệu quả. Việc lắng nghe những ý kiến của người khác cũng có thể giúp bạn nhận ra rằng phạm vi tri thức của bạn không phải là vô hạn. Không ai có thể biết hết tất cả mọi thứ. Nhưng với việc chia sẻ và đánh giá phê bình kiến thức, chúng ta có thể mở rộng tâm trí. Nếu điều này khiến bạn cảm thấy không thoải mái, không sao cả. Trên thực tế, bước ra ngoài vùng an toàn là một điều quan trọng để mở rộng niềm tin và suy nghĩ của bạn. Tư duy phản biện không phải là chỉ biết vài thứ, và chắc chắn không phải việc xác nhận những điều bạn đã biết. Thay vào đó, nó xoay quanh việc tìm kiếm sự thật – và biến chúng trở thành thứ mà bạn biết.

Mời các bạn đón đọc Rèn Luyện Tư Duy Phản Biện của tác giả Albert Rutherford.