XIN MỜI QUÝ BẠN ĐỌC THỬ NGAY CUỐN
SÁCH NÀY ĐỂ ĐƯỢC SỐNG HAI GIỜ
TUYỆT THÚ CHƯA TỪNG CÓ, NHƯ CẦM
TRÊN TAY MỘT QUẢ BOM NỔ CHẬM
Nguyên tác “Le Provocateur” của Maurice Ellabert
Bồ Giang dịch thuật
Tác phẩm thứ 1 của
TỦ SÁCH BỒ-GIANG
In lần thứ nhất: Tháng 4-1974
Để giúp Quý Bạn thuộc mọi giới công tư chức, quân nhân, sinh viên và học sinh một vài giờ giải trí đầy những bất ngờ vừa kinh hoàng vừa lý thú, chúng tôi xin gửi đến Quý Bạn Tủ Sách Bồ Giang mà tác phẩm đâu tiên là “KẺ GÂY HẤN” của Maurice Ellabert, tác phẩm đã đoạt Giải Thưởng Tiểu Thuyết Phiêu Lưu Hay Nhất Năm 1967 tại Pháp.
Sau đó, Tủ Sách Bồ-Giang sẽ lần lượt phát hành những tác phầm lừng danh khác đã từng chiếm những giải thưởng đặc biệt trong lãnh vực văn chương trinh thám và khoa học giả tưởng trên khắp thế giới như:
♦ Giải Thưởng Edgar của Hiệp Hội Các Nhà Văn Bí Mật Mỹ Châu:
♦ Giải Thưởng Nebula và Hugo của Hiệp Hội Các Nhà Văn Khoa Học Giả Tưởng Mỹ Châu.
♦ Các Giải Thưởng Quai des Orfèvres. Tiểu Thuyết Phiêu Lưu Hay Nhất Năm, Tiểu Thuyết Trinh Tham Hay Nhất Năm,
♦ Giải Thưởng Văn Chương Trinh Thám tại Pháp
♦ Các Giải Thưởng Văn Chương Trinh Thám khác tại Anh, Bắc Âu…
Bên cạnh đó, còn có những tác phẩm kỳ tuyệt khác tuy không chiếm giải thưởng nào nhưng vẫn sôi động không kém, sẽ khiến cho độc giả mỗi khi cầm lên tay là phải đọc một hơi từ đầu đến cuối. Đó là trường hợp của TUẦN TRĂNG MẬT THẢM KHỐC của Lawrence Block, tác phẩm thứ 2 trong Tủ Sách Bồ Giang sẽ phát hành vào đầu tháng sau.
Trong giai đoạn đầu tiên, Tủ Sách Bồ Giang sẽ xuất bản mỗi tháng một cuốn. Về sau nếu hoàn cảnh thuận tiện hơn chúng tôi sẽ xuất bản mỗi tháng hai cuốn hoặc nhiều hơn. Muốn vậy, trong trường hợp Quý Bạn vừa ý với tác phẩm đầu tiên này của Tủ Sách Bồ Giang, chúng tôi ước mong Quý Bạn giúp chúng tôi một việc mọn: Giới thiệu cuốn sách này với hai người bạn thân cùng sở thích mê đọc sách, nhất là loại kinh dị.
Được như thế, Tủ Sách Bồ-Giang mới có hy vọng sống còn trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này và sẽ tiếp tục phục vụ tận tình với Quý Bạn trong những tác phẩm khác càng ngày càng thêm hấp dẩn từ hình thức đến nội dung.
Chúng tôi xin thành khẩn ghi ơn Quý Bạn.
Gia định, ngày 11-4-1974
BỒ GIANG và Nhóm Bằng Hữu
***
Người chủ khách sạn của tôi đang chăm chú làm việc tựa hồ cố tính toán để dùng số tiền dành dụm mua lại nhà hàng Ritz hoặc Crillon. Tuy nhiên ông ta vẫn ngẩng đầu lên khi tôi đi qua và cất tiếng gọi tôi:
- Ông Charmoy! Sáng nay có người đến thăm dò tôi về ông.
Tôi quay bước trở lui, có vẻ thú vị.
- Một ký giả chứ gì?
- Chắc không phải. Một người muốn biết rõ tư cách của ông.
Tôi liền bảo:
- Tôi hết lòng tin cậy ở ông. Vì thanh danh khách sạn của ông, lẽ ra ông nên nhờ một tên giết mướn thanh toán bọn nghèo đói như tôi.
- Ông ta cũng đặc biệt lưu ý đến hoạt động kịch nghệ của ông.
- Chắc ông đã hết lời khai ra rằng hiện giờ tôi vô cùng nhàn rỗi?
Viên chủ khách sạn cằn nhằn:
- Đâu có phải vì tôi mà lúc này ông không có việc làm? Người đó đã hỏi tôi hiện giờ ông có bận tập một vở kịch gì hay đang quay một cuốn phim nào không. Tôi đã ngầm nói cho ông ta hiểu rằng ông không đến nỗi bận rộn lắm.
- Như thế thì kỳ lạ thật. Không lẽ ông ta đi thăm dò để lập gánh hát?
- Ông sẽ hiểu rõ nếu người ta đề nghị với ông một giao kèo đóng phim với Brigitte Bardot.
Tôi trở về phòng và cố suy đoán nguyên do chính xác về vụ xâm phạm đời tư của tôi một cách kỳ lạ này. Giả thuyết cho rằng đây là một cuộc điều tra để tìm diễn viên sân khấu hoặc màn ảnh tôi thấy không hẳn là vô lý.
Thật tình tôi có một bản chất lạc quan và tôi sẵn sàng đón nhận những thất vọng của cuộc đời với tất cả bình tĩnh, kể từ khi ban giám khảo Trường Quốc Gia Kịch Nghệ cấp cho tôi một giấy ban khen, đúng với lời ông thầy tử vi đã tiên đoán tôi sẽ đoạt Giải Nhất về ngành hài kịch.
Tôi đã để lại hình và địa chỉ cho khá nhiều nhà sản xuất điện ảnh và các vị giám đốc đoàn ca kịch nên rất có thể một người nào đó vì không tin, vì thận trọng hoặc vì theo một thủ tục bắt buộc, đã đi thăm dò kỹ về tôi trước khi ký hợp đồng với tôi.
Tôi ngủ thiếp đi với những nhận định này. Ngày hôm sau, những tư tưởng đó bỗng trở về trong tâm trí tôi khi tôi nghe nói có ai điện thoại. Tôi vội vàng chạy xuống chiếc tủ được ngụy trang thành một buồng điện thoại.
Tôi nói vào máy bằng một giọng ung dung của kẻ không chờ một ai cả.
- Tôi là Pierre Charmoy, đang nghe đây.
- Tôi muốn nhờ ông giúp một việc.
Tôi không hy vọng lạc quan của mình thành sự thật một cách nhanh chóng như thế.
Tôi bảo:
- Mình sẽ cùng nhau bàn tính. Xin lỗi ông là ai?
Người ở đầu dây đằng kia trả lời ngay:
- Ông dù có biết cũng không lợi gì. Vì vậy xin ông cho tôi được giấu danh tánh,
Tôi chưa kip trình bày nỗi kinh ngạc của tôi thì người kia lại tiếp:
- Vì lẽ nghề nghiệp của ông là đóng những vở kịch vui, tôi muốn đem đến cho ông một vai trò đặc biệt và hết sức bất ngờ. Đây không phải là một màn trên sân khấu mà ở ngoài đường phố. Tôi xin giải thích: ông hãy đến lưu ngụ trong một đô thị nhỏ, suốt ngày hãy xuất hiện quan sát thiên hạ và giả vờ tò mò muốn tìm hiểu các hành vi và cử chỉ của họ để làm cho họ phải khó chịu, phải tức tối. Tôi hy vọng ông sẽ đóng được vai trò này.
Biết chắc mình đang bị một kẻ vô danh đùa cợt, tôi trả lời:
- Đó chỉ là trò trẻ con.
Người kia vẫn tiếp lời:
- Có lẽ ông đã hiểu vì sao tôi bày trò lừa phỉnh này?
Tôi thú thật không được hiểu rõ bao nhiêu.
Y liền trình bày rõ:
- Lý do rất đơn giản. Tôi có một mối ác cảm với dân chúng trong vùng đó. Tôi tưởng có thể làm thế cho bõ ghét, một lối trả thù mà chắc ông cũng công nhận là không lấy gì làm ác độc, nhưng không kém phần khôi hài.
Tôi tiếp:
- Như mọi soạn giả khác, ông không được khiêm tốn mấy. Và để trình diễn tác phẩm của ông, ông sẽ trả cho tôi bao nhiêu?
- Tùy theo điều kiện của ông. Ông muốn bao nhiêu cũng được.
Câu trả lời quả quyết làm cho tôi sửng sốt mất một lúc lâu mới nói đại một con số:
- Một ngàn quan mỗi tuần chưa kể mọi chi phí.
Người kia im lặng một lát. Tôi vội vàng nói tiếp:
- Đó là giá lương hiện lại của tôi. Lẽ tất nhiên vì đây là trường hợp đặc biệt tôi phải đầu cơ lên giá chút đỉnh. Nếu ông không quyết định ngay, không chừng tôi còn lên giá cao hơn nữa.
Gã đối thoại nặc danh đề nghị:
- Tổng cộng một ngàn quan. Các chi phí của ông chắc sẽ không nhiều lắm đâu. Ông đồng ý chứ?
Tôi la lớn:
- Ồ! Đâu có gấp như thế được! Ông phải cho tôi biết rõ các chi tiết đã chứ. Trước hết là thời gian trình diễn?
- Ít ra cũng một tuần. Có lẽ hai.
- Nơi nào?
- Gần Nancy…Foncourt.
Lại im lặng một lát, rồi người kia hỏi:
- Cái tên đó làm ông nhớ tới chuyện gì hay sao?
Tôi bảo:
- Thủy tinh.
- Đúng thế. Đó là xứ sở sản xuất nhiều loại thủy tinh nổi tiếng, ông có quen biết người nào ở nơi đó không?
- Không.
- Càng hay. Như vậy càng đỡ rắc rối. Tôi sẽ trả tiền trước. Ông có thể đi ngay được chứ?
Tuy đã quyết định chấp thuận mọi điều kiện về tiền thù lao và thời hạn, tôi vẫn không muốn tỏ ra mình đã chấp thuận một cách gấp rút tố cáo rằng mình đang túng tiền.
Tôi liền trả lời:
- Tôi đâu đã nói với ông rằng tôi bằng lòng. Nói trắng ra, vai trò do ông đề nghị là một trò hề! Đó không phải kịch nghệ mà chính là làm xiếc. Nói như thế vẫn còn chưa được đúng. Phải bảo là trò múa rối. Vì vậy, tôi do dự. Tôi không muốn giảm giá cũng như làm ô danh nghệ thuật…
Y cắt ngang mục khôi hài của tôi bằng một tiếng cười nhạt xấc láo:
- Với một ngàn quan mỗi tuần, ông nên dẹp quách cái luận điệu đó đi.
Tôi vẫn còn cãi bướng, viện lý do nhiều vận động quan trọng đòi hỏi sự hiện diện của tôi ở Paris và tôi lại hỏi y:
- Người đã đến đây hôm thứ bảy để hỏi thăm viên chủ khách sạn có phải là nhân viên của ông?
Y trả lời:
- Những điều thuận tiện mà tôi được biết về ông trên lãnh vực nghề nghiệp cần phải được nhiều chi tiết khác bổ khuyết cho hoàn toàn đầy đủ. Thế nào mình cùng nhau thỏa thuận chứ?
- Mình sẽ thỏa thuận khi tôi đã nhận được tiền.
- Ông sẽ nhận tiền vào ngày mai. Tôi bỏ tiền vào phong bì gửi ngay tức khắc cho ông. Ông hãy đến Foncourt dùng cơm tối và đi tới Khách Sạn Thương Mãi. Ông cứ ghi tên thật vào sổ và cho biết nghề nghiệp của ông. Phần còn lại, tôi để cho ông tùy nghi hành động.
Lúc này, tôi không còn nghi ngờ thiện ý của kẻ đã điện thoại với tôi và sự việc y muốn giữ kín danh tánh đã xác nhận điều tôi suy nghĩ. Y lại còn nhấn mạnh sự kiện tôi không được tiết lộ lý do thái độ của tôi khi đã đến Foncourt và cũng không được cho bất cứ một ai trong đám bạn bè thân thuộc hay biết sứ mạng dị thường này. Rồi y xác định với tôi một cuộc điện đàm tại chỗ cũ, vào ngày thứ ha tuần tới; đúng mười hai giờ trưa, và y gác máy.
Tối đến, ở tiệm ăn, tôi không bỏ qua một chi tiết nào trong lúc kể lại cho Sylvie nghe vụ đề nghị không mấy bình thường đó.
Nàng quả quyết bảo:
- Gã đó phải tồi tệ lắm mới nghĩ ra một cách trả thù như thế này. Nếu mang lòng thù hận với tất cả người dân trong thành phố thì chắc bởi vì y đã bị xã hội bạc đãi, vừa là một con người giàu tưởng tượng và thâm hiểm.
Tôi đáp:
- Dù tên tồi tệ này có những lý đo gì đi nữa, cuộc phiêu lưu vẫn khiến anh thích thú. Anh sẽ khuấy động cả một vùng đã có một không khí buồn chán từ nhiều thế kỷ nay.
Sylvie đầy vẻ nghi ngờ.
- Anh nhớ không được lạm dụng đó. Anh chịu hứa với em anh sẽ không dối gạt em chứ?
Tôi làm mặt giận:
- Em tin anh theo cái kiểu đó à? Em dám mở miệng nói với anh như thế, sau khi anh vừa tỏ hết lòng tin cậy em bằng cách kể hết câu chuyện cho em nghe, bất chấp những chỉ thị minh bạch của gã đó?
Nàng vừa trả lời vừa đưa tay qua mặt bàn siết nhẹ lấy tay tôi:
- Chà, sung sướng cho cho em quá! Anh không có nói gì với má anh hay sao?
- Ồ! Không. Bà cụ đâu còn đủ đầu óc khôi hài để thưởng thức vụ đùa dai cỡ này. Anh sẽ tối tăm mặt mũi với những lời căn dặn phải lưu ý đề phòng và những lời trách móc về cái tính thích phiêu lưu của anh.
Tôi đã giới thiệu Sylvie với má tôi. Bà có cảm tình đặc biệt với nàng, nhưng nhất thiết không chịu thừa nhận rằng một kịch sĩ - dù là kịch sĩ sáng giá đến mấy đi nữa, và tôi lại còn chưa đạt tới mức đó - có thể kết hôn với một người con gái sắp sửa thi ra trường y-khoa và có dự định mở phòng mạch ở tỉnh nhỏ. Sylvie và tôi thì trái hẳn lại, có những tư tưởng lành mạnh và hết sức thành thực: tương lai về sự phối hợp giữa đôi lứa chúng tôi không vượt qua cái bằng bác sĩ của nàng.
Lúc ra tới ngưỡng cửa tiệm ăn, tôi hỏi nàng:
- Em cùng về với anh?
- Tối nay không được, anh à. Suốt tuần vừa qua em đã không về ngủ ở nhà trọ lấy cớ phải đi trực đêm ở bệnh viện. Anh đừng có quên bà chủ nhà của em vẫn thường báo cáo tất cả cho gia đình em hay. Em khó lòng tìm cách chạy tội.
Tôi vẫn còn cố thuyết phục:
- Anh sắp sửa phải xa em suốt bảy tám ngày…
Sylvie chận lời:
- Mình sẽ thừa thời giờ sắp đặt mọi việc cần thiết khi ngày đi của anh đã được xác định. Dù sao vẫn còn một điều chưa rõ rệt và chính điều đó quyết định việc đi hay không.
Tôi chắc lưỡi.
- Vấn đề tiền! Anh tin chắc ngày mai sẽ có.
Tôi nói đúng. Người đưa thư sáng hôm sau đã mang đến nhà tôi một chiếc phong bì màu xám, gửi từ Nancy, bên ngoài kẻ mấy hàng chữ in rất ngay ngắn đều đặn, rõ ràng được viết bằng dụng cụ vẽ. Chiếc phong bì đựng hai tờ giấy bạc năm trăm quan.
Tôi đến tìm Sylvie tại bệnh viện Cochin và chúng tôi cùng đi ăn trưa, không ngừng bàn bạc nêu ra đủ mọi giả thuyết về nhân cách và những âm mưu thực sự của người bí mật vừa gửi tiền cho tôi.
Tôi đã định sẽ đóng vai trò của mình một cách trọn vẹn để chiếm được lòng tin của kẻ quái dị đang mướn tôi và kéo dài giao kèo thêm một tuần lễ thứ hai. Tôi hứa với Sylvie sẽ điện thoại về cho nàng mỗi ngày, nhưng tôi nghĩ không cần phải báo tin việc tôi đi vắng trong một thời gian ngắn cho má tôi hay.
Trong phòng riêng của tôi, tôi đã cẩn thận sắp đặt các thứ hành lý trước khi đi ăn trưa. Quả nhiên ngay khi cửa vừa khóa, Sylvie đã mở cuộc tấn công "những việc cần thiết" mà nàng muốn có một bảo đảm đầu tiên cho sự trung thành của tôi trong những ngày sắp tới.
Khi tôi bước lên chiếc Triumph của tôi, trễ mất hai tiếng đồng hồ so với thời khắc biểu mà tôi đã định trước trong trí, cả hai ống chân của tôi đều mềm nhũn như đã hóa thành bông gòn, và đôi mí mắt chỉ muốn sụp xuống để ngủ một giấc mê say. Tình trạng này quả thật không thích hợp với công việc lái một chiếc xe hơi kiểu thể thao.
Sylvie khuyên tôi nên ngừng xe ở dọc đường để uống cà phê và mở máy thâu thanh thật lớn.
Mời các bạn đón đọc Kẻ Gây Hấn của tác giả Maurice Ellabert.