Tái hiện truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Câu chuyện dân gian về chàng trai nghèo Đồng Tử và cuộc gặp gỡ định mệnh trên bãi Tự Nhiên với nàng công chúa con Vua Hùng được kể lại sinh động và nhiều cảm xúc.
***
Tô Hoài (tên khai sinh: Nguyễn Sen; 27 tháng 9 năm 1920 – 6 tháng 7 năm 2014) là một nhà văn Việt Nam. Một số tác phẩm đề tài thiếu nhi của ông được dịch ra ngoại ngữ. Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật Đợt 1 (1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.
Tô Hoài sinh ra tại quê nội ở thôn Cát Động, Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ trong một gia đình thợ thủ công. Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.
Bước vào tuổi thanh niên, ông đã phải làm nhiều công việc để kiếm sống như dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn,… nhưng có những lúc thất nghiệp. Khi đến với văn chương, ông nhanh chóng được người đọc chú ý, nhất là qua truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Trong chiến tranh Đông Dương, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc.
Từ năm 1954 trở đi, ông có điều kiện tập trung vào sáng tác. Tính đến nay, sau hơn sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác. Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 2014 tại Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.
***
Chiếc độc mộc cứ trùi trũi truồi xuôi. Nhập nhoạng tối, về đến một quãng sông êm ả. Chử nằm ngủ, ghếch đầu lên mạn thuyền. Suốt đêm ấy đẫy giấc.
Đã qua những vùng lủa tủa đá lẫn với sóng. Không cần phải thấp thỏm đâm vào đá thác.
Bỗng nhiên, đương hây hẩy gió may, chuyển ra gió giật. Giữa ban ngày, nổi bão cạn. Trời tạnh mây mà đùng đùng, ù ù như sấm rền. Hai bên sông, gió hung hăng bốc bay từng mảng rừng. Dòng nước đương miên man, chợt nổi từng con sóng úp, sóng ngửa cao bằng đầu, rồi xoáy sâu xuống sâu tròn lông lốc. Thuyền quay veo veo như chiếc lá tre được gió.
Chử nhỏm dậy. Lật đật, chân chèo, chân lái, chân đốc, chân mũi. Không lại. Cái độc mộc như cây gỗ lăn xoay chong chóng. Chử đành nằm bám sạp thuyền, mà vẫn lúc lắc, điên đạo. Bụng xoắn lại, nảy đom đóm mắt.
Bão cạn ba hôm liền.
Rồi lại chui vào một vùng trời nước phẳng lặng như không. Ngày ngày ròng rã, ngẩng mặt lên, chỉ thấy xa xa một khoảng đất lở cách quãng viền cây xanh mờ. Chử đoán đất dễ thường là bến. Chử tạt độc mộc vào. Cái bến vắng chơ vơ không có cả đến một đàn le le hay lặn hụp bắt cá măng quanh thuyền quanh lưới ở những quãng thường có người lội.
Mấy nhà chài đương co ro đẩy mảng vào trong đồng xa. Chử gọi lại hỏi mới biết từ dạo vỡ nước, cả bến đã chạy vào chân núi.
Nhưng cũng hỏi thăm được.
- Đã đến bến Tự Nhiên chưa, chư ông ơi?
- Ở đây cũng chỉ mang máng nghe có người nói cứ xuôi đến hôm nào gặp vòng trăng tròn, hẵng hỏi thăm nữa. Còn xa.
Chử lại lặn lội trên dòng sông quằn quại đỏ xuộm. Có hôm thuyền va phải xoáy trôi vào vùng nước quẩn. Sóng múa lên bốn phía, đánh thuyền lật mai. Chử tuồi xuống nước, ngoi theo thuyền. Rồi tay chân quặp bụng thuyền, như ôm cây gỗ. Mặc cho sóng dìm xuống, nhồi lên. Người và con thuyền chìm nổi quanh những làn sóng bầm đỏ, dài dằng dặc. Chẳng còn thấy bờ phía nào.
Không đạp ra khỏi được lớp sóng quẩn. Không nhìn đâu ra có cái ăn. Chợt thấy lao xao, bàng bạc như cá đàn lượn qua. Rồi sóng lại oà đi. Đấy là những cánh sóng chen nhau, không phải cá. Chử buộc chão ngang lưng rồi lặn xuống. Hoạ may đáy sông tĩnh mịch, có con ốc nhồi, ốc tai voi… Nhưng cũng chỉ thấy bóng nước vàng mờ trong mắt. Cánh bãi ngập nước, những dây rợ cây hẹ nước, đám ngổ cạn, búi cói hoa mới chìm xuống, cá không vào đến đây. Mà giả thử có lạc loài bọn cá nào đến tìm ăn, thì những con lềnh đềnh to bằng chiếc thúng úp trắng bạch trên mặt nước, đôi mỏ dài như cặp đũa cả chăm chắm chúc xuống rình khua khoắng, không một nhách cá thoát nổi.
Chử lại phải ngoi lên, lật mai, bò vào lòng thuyền, ngồi thở hồng hộc. Một lúc sau mới thuần mắt, nhìn ra. Nước lên đã ngập tận chân núi trước kia. Khác hẳn trên ngược, dòng chảy rúc vào gờ đá, mất hút vào đá, ở đây chỉ thấy mênh mang. Những con nước đuổi nhau, đè lên nhau, như những đàn ngựa, đàn voi đỏ thẫm chồm dựng đứng.
Chử định thần nhìn kỹ bờ núi. Nhưng bơi vào, xa quá. Biết đâu chẳng lạc sang dòng khác. Những con nước đã tràn khắp nơi, nhoà hết các ngả sông, cửa sông rồi. Có chắc được phía nước cờn kia là triền sông Cái? Mà phải ra sông Cái, phải bám được sông Cái mới khỏi lạc. Cho đến hôm nào thấy được trăng lên.
Chử định thần nhìn kỹ bờ núi. Nhưng bơi vào, xa quá. Biết đâu chẳng lạc sang dòng khác. Những con nước đã tràn khắp nơi, nhoà hết các ngả sông, cửa sông rồi. Có chắc được phía nước cờn kia là triền sông Cái? Mà phải ra sông Cái, phải bám được sông Cái mới khỏi lạc. Cho đến hôm nào thấy được trăng lên.
Cái thuyền chỉ còn là cây gỗ trôi sông, thỉnh thoảng Chử thò tay ra đẩy tránh ngọn sóng. Đôi khi, chợt thoáng thấy một con vờ, một con cá lành canh, Chử quơ nắm lấy, đưa lên miệng nhai cho đỡ đói lòng. Chẳng còn biết kén chọn cá mú thế nào. Có lúc vớ nhầm, nuốt vội cả đám bọt rêu rễ cây sam nước.
Thình lình, một ngọn sóng ập xuống. Chiếc độc mộc ngược lên ngang lưng sông rồi đổ xuống. Nhưng Chử đã biết quấn chão quanh bụng người, bụng thuyền từ hôm xuống đợt thác đầu tiên. Độc mộc lại úp mai xuống. Sóng phá dữ quá, không lật lên được. Chử đành lại ngâm mình trong nước, toài hai chân ếch, nhào ra. Cả người và chiếc độc mộc hũm xuống, lọt thỏm vào xoáy lũ mới.
Có đến mấy ngày đêm mới trở ra được dòng cả. Sóng không lôi độc mộc trôi quanh nữa, mà người và thuyền vừa chạm vào mép sóng, đã bị nước xiết cuốn vun vút.
Nước vẫn đương lên ào ạt, chẳng trông thấy bờ bến nào hai bên. Suốt đêm, Chử bơi bám thuyền, mắt mở căng. Giữa dòng bao la, có mỗi một con người và một cây gỗ. Nếu như nước thong dong bình thường, Chử chỉ việc làm như mọi khi. Lật cái độc mộc lại, chúm tay tát nước ra, lòng thuyền đã khô ráo cho người ngồi. Nhưng con nước đương hung hăng. Chử và cái độc mộc đành úp sấp, lăn lộn trong dòng nước lớn. Người bám vào cây gỗ rỗng, như con nhái bén, lao lên lao xuống.
Trông ra trước mặt, cả sau lưng, cả hai bên mông mênh. Nhưng, như thế, Chử lại vẫn yên tâm. Dòng chảy xiết, cá sấu không thể đuổi theo. Giả thử có đánh hơi được mùi người cũng không làm gì nổi. Nhưng còn con giải, con thuồng luồng - những giống trăn nước ấy không sợ sóng, toài nhanh hơn sóng. Không thể trằm mình dưới nước mãi, để làm mồi cho giải, cho thuồng luồng. Ngồi trong độc mộc, Chử có thể rút dao lưng ra đâm thủng đầu cả thuồng luồng, cả giải. Lội trong nước thế này, vướng víu như chân tay phải trói, không đối phó được. Nhưng mà cơn nước đương triền miên lên, cũng không biết ra sao.
Chử trông quanh quất, rồi lôi độc mộc rẽ sóng tạt về một bên. Đến chỗ nước phẳng, sóng lớn chưa xô tới, Chử đội độc mộc lên rồi lật ngược, với tay té ù nước ra, nhảy vào thuyền. Mặt trời lên đóng giữa đỉnh đầu, trông thấy một vệt xanh xanh bên mép nước trước mặt. Chử khoả hai tay, cắm cúi bơi dấn về phía ấy. Nhược lắm rồi. Cứ lên bờ ẩn, đợi cho cơn nước nguôi rồi mới lại tính chuyện đi nữa được.
Mà phải kiếm ra cái ăn. Vào nơi ẩm thấp cũng dễ kiếm. Ở bùn, có ếch, có chạch, có ốc hương, có trai. Trong bụi cây niễng có rắn hổ mang, hổ lục, hổ bành - những thứ ấy đều ăn ngon. Chỉ ngại nơi đầm lầy cá sấu thường ra núp rình mồi dưới bùn, khó nhìn ra. Nhưng Chử đã có con dao vẫn giắt trên vành dây khố.
Phải, nghỉ cái đã. Hôm nào nước lặng, hẵng đi, đi cho đến hôm nào gặp trăng lên. Ồ mà quên hôm trước không hỏi kỹ người bến trên. Một vòng trăng hay mấy vòng trăng.
° ° °
Bến Tự Nhiên! Bến Tự Nhiên! Bến Tự Nhiên ở đâu?
Những ngày còn lên năm, lên bảy, bố mẹ thường kể chuyện về bến quê. Chử mơ màng tưởng cái bến Tự Nhiên ở trên khoảng trời cao xanh, chỗ bóng gốc cây đa giữa mặt trăng. Đến năm mười ba, mười lăm, trong câu chuyện về bến Tự Nhiên của bố mẹ, Chử nhìn thấy một vùng sông bãi, phía nào cũng đông đúc đêm ngày thuyền bè vào bến ra bến, trên bờ đợt đợt nhấp nhô những mô cát vàng lẫn phù sa trắng hồng. Xa nữa, xanh rờn bãi ngô, bãi khoai lang, củ từ, những bãi lúa và những bụi chuối ken khít thành rừng. Vào mùa chuối chín, chim các nơi bay về liền cánh, rợp cả trời bến. Những đàn gấu, đàn voi trong rừng sâu lũ lượt kéo ra bẻ chuối.
Rồi Chử lại nghe lời bố mẹ tha thiết:
- Con ạ, ông con vẫn ở bến Tự Nhiên dưới kia.
Chử hỏi:
- Ông ở bến quê với ai?
- Ông ở một mình.
Chử chưa bao giờ được gặp ông, lại tưởng tượng ra như đã nhìn thấy ông. Tóc ông Chử bạc xoá, lơ thơ trên hai vai lực lưỡng. Mặt ông Chử đỏ bồ quân. Ông Chử vác cỗ lưới đay. Ông Chử xách chiếc bê chèo, bước xuống thuyền. Con thuyền đánh cá rời bến, thả ra giữa trời nước lồng lộng. Gió bay, râu tóc ông Chử càng trắng phơ.
Bố Chử nói:
- Ngày trước, cả nhà ta đều ở bến dưới ấy. Đời con người trên sông nước, mặt trời mọc ở một nơi, đến lúc mặt trời lặn đã lại đổi bến khác, lại khi sớm tối chống sào đẩy thuyền đi thì sao đã đổi ánh. Nhọc nhằn thế chỉ vì cả đời đuổi theo con cá, con mú, không lúc nào ở yên, mà vẫn chưa biết đến chỗ nào cùng. Nhưng ông nói: có khó nhọc mới biết bay nhảy, thế mới là đời người, các con ạ.
Bố trò chuyện với mẹ: mới sinh ra đã đi đường nước rồi, song vẫn chưa tường dòng chảy này có bao nhiêu ngọn nguồn đổ vào nhau thành sông Cái, con sông Cái từ đâu đến đây. Ờ nhỉ, phải rồi, dẫu cho trong thế gian có nơi nước dữ nước hiền khác nhau, nhưng nơi nào cũng có cá, có tôm, chúng mình hãy đi dò xem cho biết tận gốc con nước này.
Mẹ tần ngần nhìn ra cửa bến, rồi nói: vợ chồng ta hãy đi hỏi ông.
Mời các bạn đón đọc Nhà Chử của tác giả Tô Hoài.