Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Nhất Linh - Cha Tôi

"Lần đầu tiên, độc giả trong nước được tiếp cận một tác phẩm đầy đủ, khá tín về những tháng năm đầy uẩn khúc của nhà văn Nhất Linh - Linh hồn của Tự Lực Văn Đoàn - và là chính trị gia thất chí Nguyễn Tường Tam trong những năm cuối đời. Những hồi ức chân thực, tao nhã và đầy khắc khoải viết về Nhất Linh và những người cùng thời được viết bởi người con út của Nhất Linh" – Nhà văn Nguyễn Tường Thiết

Cuốn sách là một cuộc hành hương về cố quận tìm lại bức chân dung người cha bên dưới những xáo động thời cuộc. Ông lật tìm từng mảng ký ức tuổi thơ, những mảnh ghép về Nhất Linh trong ký ức của những người thân cận, bạn văn nghệ.

Nhất Linh là linh hồn của nhóm văn chương Tự lực văn đoàn, một nhà văn lớn với những tác phẩm nổi tiếng còn đến ngày nay. Cũng chính Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam đương thời còn là một nhà làm chính trị có tiếng. Bởi thế, cuộc đời phức tạp của Nhất Linh luôn là đề tài được nhiều người quan tâm.

Nhất Linh, cha tôi - cuốn sách đầu tay của người con út Nguyễn Tường Thiết được văn giới quan tâm cũng bởi lần đầu, những tư liệu, câu chuyện tương quan Nhất Linh với giới văn chương, chính khách, gia đình được kể chân thực, chi tiết và hấp dẫn.

***

Buông từ trên tít cao rơi lửng ở ngang chừng, những dây rễ con đan kết vào nhau bện thành từng chùm thả xuống như tấm rèm thưa vây che thân cây si già sần sùi, cổ kính: Hà Nội trong mắt tôi cũng đan kết dính quyện với nhau như thế. Trong cái nhìn của tôi không thể nào tròn vẹn là một Hà Nội những năm đầu của thiên kỷ mới mà luôn có lẫn cái nhìn cũ kỹ của chính tôi thời thơ ấu, có vương cái hồn những người cật ruột của tôi phơi bầy qua những dòng văn lãng mạn nổi tiếng một thời.

Đêm Hà Nội có lễ hội. Tết Trung Thu năm nay lại rơi đúng vào tối thứ Bẩy. Tôi bước xuống từ lầu nhà Thủy Tạ thấy mình rơi vào dòng người tấp nập ngược xuôi xung quanh Bờ Hồ. Phố Lê Thái Tổ ôm sát nửa vòng hồ chứa cả một khối lượng không biết cơ man nào xe máy, tưởng như tất cả các chiếc xe của thành phố bỗng từ trăm ngả cùng lúc tuôn ra đi "thưởng trăng" nơi hồ Hoàn Kiếm. Trên những chiếc xe máy là cả một đàn thê tử: chồng thì gò lưng lách lạng, vợ ngồi sau ôm cứng bầy con; có xe ôi chao kẹp những ba đứa, những đứa bé nghếch mặt tay giơ cao chiếc que đèn lồng hay kéo sợi giây căng có buộc chùm bong bóng đủ màu.

Đêm này, năm mươi năm trước, đứa bé đó là tôi tay xách đèn lồng đi tung tăng trong khu phố cổ, ngụp lặn trong thế giới của đồ chơi tháng Tám những phố Mã Mây, Hàng Bông, Hàng Hòm, Hàng Quạt, Hàng Bồ… Thằng bé đi qua phố Hàng Thiếc ngây người đứng xem những cái tàu thủy bằng thiếc chạy xịch xịch trong thau nước, con bướm sắt đẩy đi trên hè kêu leng keng chiếc cánh gập lên hạ xuống, tạt vào Hàng Mã nhìn những con giống bằng bột hình con thạch sùng, con kỳ lân, con phượng… màu sắc lòe loẹt, sặc sỡ. Nó hoa mắt nhìn những cỗ đèn Trung Thu đủ màu đủ kiểu ở phố Hàng Gai: đèn xếp, đèn quả trám, đèn con thỏ, đèn kéo quân, đèn ông sao… trong khi đâu đó từ hướng Hàng Trống đưa lại tiếng trống ầm ầm, xùng xoèng múa sư tử.

Dưới ánh đèn xe chớp loạn, lẫn với tiếng người kêu gọi ồn ào là tiếng xe máy gầm rú, tiếng ô-tô bóp còi tin tin liên hồi. Qua mặt Hồ Gươm lặng chìm bóng tối mà khoảng sáng độc nhất sững lên ở cuối hồ là cái tháp rùa được thắp sáng màu trắng phớt xanh, hàng hàng ánh đèn xe chớp lóe làm thành những vệt sáng dài ngoằng ngắt hiện loáng thoáng qua hàng trăm thân cây sấu quanh hồ. Tôi thả người theo dòng xô đẩy về phía Tràng Thi. Đi cùng dòng với tôi là một đám chục người ngoại quốc chắc cũng vừa rời nhà Thủy Tạ, những anh chị ba-lô tây đầm cao to, họ bước đi nhìn thẳng làm ngơ trước những bàn tay chìa ra của đám con nít bán postcards bu quanh. Trên vỉa hè rộng lát gạch đỏ dòng người đi bộ đập vướng tránh né các hàng quà bánh bầy la liệt; thoảng trong gió đưa từ mạn hồ có mùi mực nướng thơm nồng, tiếng rao hàng mời mọc, những khoảng sáng của gian hàng quảng cáo chụp ảnh lấy liền với ánh điện quang giả pháo bông chớp lóe. Dưới chân ánh sáng cột đèn là từng đám ngồi chồm hỗm châu quanh bàn cờ tướng. Mấy anh công an trẻ măng mặc áo xanh ve đang xua đi mấy chị hàng rong. Phía sát ven hồ, dưới tàng cây liễu rủ, kín mít phủ lên bãi cỏ san sát những manh chiếu, những mảnh vải rộng, là đùm đề gia đình hóng mát. Tất cả vào đêm Trung Thu, cả cái khối người đông như bể kiến ấy, tôi tưởng như không có một ai buồn ngước mặt nhìn trăng; vả lại nếu có ngước nhìn cũng khó thấy, trên đầu những cây sấu, cây lim, cây si, cây điệp, cây liễu, cây bàng vấn vít giao nhau cành lá. Giọng ca Hồng Nhung đâu đây từ một cassette theo gió hồ đưa lời nhạc Trịnh Công Sơn: Hà Nội mùa Thu cây cơm nguội vàng… Cây bàng lá đỏ… Nằm kề bên nhau… Phố xưa nhà cổ… Mái ngói thâm nâu…

Tôi đứng dừng lại trước đầu đường Hàng Trống. Phía bên kia đường là một dẫy nhà hàng, khách sạn; tôi giương mắt nhìn không thấy đâu dấu tích rạp chớp bóng Lửa Hồng nơi tôi đã xem những phim Tarzan thời thơ ấu. Ngay cái góc xéo đường Hàng Trống đâm ra bờ hồ là một tòa lầu kiến trúc cổ quét vôi vàng, trụ sở mang tên Trung tâm Nghiệp vụ Văn hóa Thông tin. Một lần ngồi uống cà-phê nơi cái quán cóc Highland’s Coffee giữa tàng cây sấu bên bờ hồ, ông bố vợ tôi, người mà từ hơn tám mươi năm nay không hề rời khỏi làng Hoàng Mai Hà Nội, chỉ vào cái trụ sở ấy nói: Con biết không xưa kia nó là trụ sở hội Khai trí Tiến đức đấy!

Một lát sau, trên khoảng đất ven hồ người đứng đông quá, hai thiếu nữ thấy khó lòng tiến lên được. Giữa lúc ấy có tiếng reo ầm ỹ từ phía Hội quán "Khai trí Tiến đức" đưa lại. Rồi phố Hàng Trống rẽ sang một cái ô-tô kết bông trắng thành hình cái thuyền trên có tám cô thủy binh… Trong làn không khí mờ bụi, ồn ào đầy tiếng cười và tiếng vỗ tay, những hoa giấy, những vòng giấy ngũ sắc ném tung lên dầu, lên người bọn lính thủy xinh xắn và như cố lôi giựt các cô xuống đất. Những chiếc ô-tô với hàm răng trắng lướt qua, những sợi dây hồng, dây tím rơi đầy đường: ( Xe trường nào thế? ( Trường taxi girls! Đáp lại câu trả lời ngộ nghĩnh, tiếng cười phá lên vang động (Thoát ly ( Khái Hưng).

Tôi bỗng lặng đi. Những ký ức đóng băng từ một thời quá vãng chợt như rã ra hòa với thực tại và cái cảnh trí tôi hiện thấy trước mắt bỗng lướt qua êm như một ảo giác, mơ màng như không có thực. Tôi vừa rời đi từ một thành phố miền Tây Bắc nước Mỹ nơi tôi đã sống gần nửa đời mình, nơi cả rừng xe trên xa lộ chạy êm êm không một tiếng bóp còi. Dường như cái ồn ào hoảng loạn mà tôi không quen làm tôi nôn nao. Hình như hai chai bia Hà Nội làm tôi ngầy ngật. Tôi quay nhìn phía Hồ Gươm nơi tháp rùa sáng lên lung linh qua tàng cây liễu. Rồi tôi bỗng có cảm giác như mình đang đứng ở điểm giữa của một cái đèn kéo quân khổng lồ, những vệt đèn làm đường viền sáng quanh hồ như chênh lên và chiếc đèn kéo quân rập rình như muốn quay đi…

*

Chiếc xe buýt của hãng du lịch Café Sinh cuối cùng rồi cũng rời khách sạn Prince đường Lương Ngọc Quyến chạy kềnh càng qua những con đường rất hẹp của khu phố cổ. Mã Mây. Hàng Bạc. Hàng Bè. Cầu Gỗ. Từ trên tầm cao của xe những căn nhà cũ như thấp hẳn xuống. Hai bên con phố trên vỉa hè hẹp cây bàng, cây dâu da xoan đâm chìa cành lá lát sát chạm vào thành xe. Đến cuối phố Cầu Gỗ chiếc buýt làm một vòng qua bồn phun nước, nơi năm con phố cổ chụm đầu đâm vào Hồ Gươm. Phía bên kia đường Đinh Tiên Hoàng trông sang Đền Ngọc Sơn, thoáng qua hàng cây bờ hồ, một tòa nhà nhô cái tháp cao phô hàng chữ Múa rối nước Thăng Long. Chiếc xe đi vào lườn của Hồ Gươm, khung cảnh khu hồ quang đãng êm dịu của một buổi sáng vào thu, khác hẳn khung cảnh đêm Trung Thu hôm trước

Bọn tôi năm người. Ba anh chị tôi và tôi được gọi là “Việt kiều”. Còn hai người kia là dân tại chỗ, một cô em họ và một người bạn của anh tôi. Ngay từ đầu chuyến du ngoạn mà hầu hết là ngoại kiều đã gặp chuyện lộn xộn phải khởi hành rất muộn. Chẳng phải do lỗi chúng tôi mà xe đi trễ. Chung quy chỉ vì chú tài xế, anh hướng dẫn và cô thâu ngân của hãng xe ham tiền. Nhưng những người ngoại quốc trên xe lại không biết thế: khi năm chúng tôi bước lên xe tôi đọc ở ánh mắt họ cái nhìn tức tối và ác cảm.

Thời gian ở Hà Nội của anh em chúng tôi eo hẹp nên hôm trước chúng tôi có hỏi dò mấy hãng du lịch xem có tour nào đi chơi xa mà lại có thể đi về nội trong ngày. Trên tấm phích quảng cáo chuyến đi Ninh Bình Tam Cốc xem ra hấp dẫn vì thắng cảnh được tả một cách mỹ miều là một “Vịnh Hạ Long trên cánh đồng lúa”. Giá cho mỗi người là 17 đôn. Nếu thêm 5 đôn nữa thì lại được đi thăm Phát Diệm. Chị tôi và tôi quyết bắt cái tua Ninh Bình “ Phát Diệm chỉ vì muốn nhìn lại cái nhà thờ Phát Diệm mà hơn năm mươi năm trước chúng tôi tản cư về sống ở ngay bên cạnh. Khi lấy vé thì được biết cái tua ấy bị hủy. Chú bán vé giải thích: “Chúng cháu mở cái dịch vụ này chủ yếu là nhắm vào người nước ngoài, thế mà cái tỉnh Phát Diệm thì chỉ có độc một cái nhà thờ là đáng xem, nhà thờ thì ở bên Tây thiếu giống gì!”. Sau cùng thấy chị tôi cứ muốn đi Phát Diệm bằng được, chú ta chỉ sang phía bên kia đường: “Cô thử sang hỏi hãng bên kia. Họ đi nhiều chuyến, có thể có tua đi Phát Diệm”. Sau khi mua được vé, anh tôi dặn dò: “Ngày mai đón chúng tôi ở khách sạn Prince, nếu xe không đi Phát Diệm thì chúng tôi sẽ không đi đâu và lấy lại tiền vé” n “Chú cứ yên trí đi. Chúng em làm ăn đứng đắn!”.

Hôm sau lúc chiếc buýt màu trắng đỗ trước khách sạn thì trên xe đã đầy người. Chúng tôi hẳn phải là khách rước sau cùng. Toàn khuôn mặt tây đầm nhô lên trong khung kính. Trước khi lên xe, chị tôi cẩn thận hỏi lại là xe có đi Phát Diệm không. Chú tài xế nói không. Anh tôi lúc đó đã bước hẳn trên xe vội quầy quả bước xuống, ngăn chúng tôi lên xe và đòi trả lại tiền. Anh hướng dẫn tour chạy vội lại, nhăn nhó: “Cô chú cảm phiền. Tối qua họ điện cho biết đường vào Phát Diệm bị mưa ngập lụt xe không đi được. Mời cô chú cứ lên xe đi Ninh Bình. Cháu sẽ hoàn lại tiền sai biệt cho cô chú.” “Hôm qua tôi đã nói là nếu xe không đi Phát Diệm thì chúng tôi không đi. Anh trả lại tiền cho chúng tôi và không nói lôi thôi gì nữa!”. Lằng nhằng một hồi thì sau cùng cô thu ngân cũng phải mở cặp đếm đủ 110 đôn trả cho anh tôi. Mặt cô ta ngẩn ngơ như thể chính cô ta vừa mất số tiền to tát ấy.

Trở lại khách sạn chúng tôi lên gác vào buồng bàn tính với nhau về chương trình thay thế chuyến du ngoạn hụt. Khoảng gần nửa giờ sau, khi tôi đinh ninh là chiếc buýt ấy đã rời khỏi Hà Nội từ lâu, thì (hỡi trời!) chiếc xe ấy với tất cả đám khách trên xe vẫn chưa nhúc nhích, vẫn còn đỗ ngay trước khách sạn! Có tiếng gõ cửa phòng và cái đầu của cô thâu ngân thò vào. Cô ta cười cười: “Mời cô chú lên xe! Chúng cháu đã thương lượng xong với khách trên xe và xe sẽ đi thêm Phát Diệm như là cô chú muốn. Chúng cháu phải đi lỗ vì không bắt họ trả thêm tiền” “Nhưng chúng tôi lại đổi ý không đi nữa rồi…” Anh tôi nói. “Vả lại đường đi Phát Diệm ngập lụt thế kia…” Cô thu ngân chắc vì không nghe câu nói láo của anh “tua gai” đương ngẩn mặt ra thì anh tôi nói tiếp: “Thôi, chúng tôi đồng ý đi. Nhưng cô đừng có lấy tiền đi Phát Diệm nhé! Chả lẽ cô cho họ đi miễn phí mà cô lại lấy tiền của chúng tôi…”.

Xe bắt đầu chuyển bánh. Chúng tôi được xếp ngồi băng sau cùng. Thấy không khí trên xe căng thẳng tôi ngoắc anh hướng dẫn, lúc đó đang vịn thành cửa kính và là người duy nhất còn đứng trên xe: “Này chú, chuyện gì xẩy ra vậy? Xem ra chuyến đi chơi này tốn tiền mà không thấy ai vui vẻ hết, chuyện gì vậy?” “Thật cháu không hiểu được mấy con mẹ tây này! Ai đời cho đi chơi Phát Diệm không lấy tiền mà còn xưng xỉa. Lại còn một cặp giận dỗi không đi đòi lại tiền nữa chứ. May mà còn có cô chú đi nếu không chuyến này lỗ chổng gọng! Lại còn cái con bé này…”. Anh ta hất hàm về phía cô tây ba-lô ngồi trước tôi hai hàng ghế: “Bực mình đéo chịu được! Cháu chỉ muốn táng cho một cái! Mình có bắt nó đi đâu, xuống xe thì không chịu xuống, trả lại tiền thì không lấy, mặt cứ chầm hầm, cứ nói bua xùa cả lên là có cái hẹn tối nay ở Hà Nội nếu đi thêm Phát Diệm thì sợ về không kịp. Cháu đã bảo đảm về kịp mà…”. Tôi ngắt lời anh ta: “Này chú, tôi ở nước ngoài lâu năm tôi hiểu họ. Họ bực mình là phải. Lỗi ở các chú cả. Thứ nhất bắt họ ngồi chờ trong xe nửa tiếng đã là chuyện đáng tức. Hai nữa họ đi du lịch qua đây thời giờ rất giới hạn, làm cái gì cũng phải tính trước chương trình giờ giấc, các chú làm trật đường rầy của họ hết trơn, tức là phải!". Anh ta lặng yên không nói gì, ngoảnh mặt nhìn ra phố. Tôi nhìn theo và như một thói quen, tôi dướn người hướng về căn nhà xưa của mình khi chiếc xe lướt qua phố Hàng Bè.

Mời các bạn đón đọc Nhất Linh - Cha Tôi của tác giả Nguyễn Tường Thiết.