Thể loại: Hiện đại, Thanh xuân
Tuổi trẻ mang theo nỗi buồn.
Đôi mắt mang theo giận dữ.
Sao tuổi trẻ lại buồn vậy?
Như bàn ghế không bầy.
Thôi hãy đứng dậy đi em.
Người bán hàng đã ngủ bên quầy.
Anh mang em đi trốn.
Những dày vò ngày mai.
***
Với mình, Nhất thụ nhân sinh không chỉ về tình yêu, mà còn về tình cảm bạn bè, gia đình, sự ấm áp tình người, cưu mang lúc khó khăn của người với người, yêu thương đùm bọc nhau, cũng là sự phấn đấu cố gắng không ngừng nghỉ, nghị lực sống kiên cường mạnh mẽ của nhân vật chính là Tạ Nhất. Sự cô độc trong truyện của cậu, sự lạc lõng khi một mình lặng lẽ giữa thành phố ồn ào náo nhiệt xa hoa khiến mình có một sự đồng cảm vô cùng. Đó là cảm giác lạc lõng đến thiêu đốt cõi lòng, nhớ khôn nguôi về quê nhà, đứng trong đám đông mà thấy mình vẫn lạc, không nhìn thấy phương hướng, chỉ thấy lòng một mảnh lặng câm.
Tuy truyện nhiều khi rất buồn, bi kịch và tưởng như nỗi đau chồng chất tới bế tắc, nhưng không hề đẩy nhân vật đến cùng đường tuyệt lộ, đều có ánh sáng hy vọng, dù le lói nhưng vẫn có, và thứ ánh sáng ấy, cũng một phần được tạo nên bởi sức sống mạnh mẽ của các nhân vật trong tryện. Phải nói, từng nhân vật trong truyện tuy yếu đuối có yếu đuối nhưng khi cần mạnh mẽ lại mạnh mẽ hơn ai hết. Mỗi nhân vật đều có sức sống vô cùng dữ dội, bản năng sống và sức chịu đựng kiên cường, nhẫn nại làm cho người đọc dù mệt mỏi đau lòng nhưng vẫn cảm thấy có hy vọng, chỉ cần vượt qua hết khó khăn chông gai này sẽ thấy thành công trước mắt. Nó là cả 1 quá trình cố gắng bền bỉ, khổ tận cam lai, có nhân có quả, chỉ cần nhẫn nại kiên trì thì sẽ đạt được thành quả. Hơn nữa, ở từng nhân vật, đều có cách sống và lý tưởng sống riêng, nhưng trên hết, dù sớm hay muộn, họ cũng cố gắng phấn đấu, để đạt được cái “tự do” cho bản thân, để là chính mình. Đó chính là điều mình rất thích ở truyện này.
Từng nhân vật được khắc họa vô cùng rõ nét và có cá tính rất riêng, và nhất quán cho đến cuối truyện. Một Tạ Nhất trầm lặng tưởng như yếu đuối nhút nhát mà lạnh lùng kiên quyết, tưởng như yếu mềm mà đôi khi lại mạnh mẽ dữ dội đến không ngờ. Một Thụ Dân tưởng như không sợ thứ gì cũng có lúc chùn bước, cũng có lúc lo lắng, phóng khoáng tự tại đầu đội trời chân đạp đất cũng có lúc trốn chạy né tránh. Từng nhân vật được miêu tả rất thật, không phải dạng “anh tuấn tiêu sái”, “vạn nhân mê” hay “làm gì được nấy”, điều đó khiến cho các nhân vật vô cùng gần gũi cũng như sinh động hơn rất nhiều.
Tình tiết truyện không quá nhiều, cũng không có những chi tiết gây kịch như tay ba tay tư, anh anh em em mưu mô chồng chất hay gì cả, rất dịu dàng bình thản, chỉ xoáy quanh cuộc sống thường ngày, những tâm sự giản đơn của cuộc đời nhưng lại khiến cho mình cảm thấy vô cùng xúc động, bởi nó làm cho mình cảm thấy đồng cảm, bắt gặp được mình trong đó.
Truyện đề cập đến sự vượt qua chính bản thân mình của Thụ Dân, sự căm ghét bản thân mình của Tạ Nhất, cũng chính là cảm xúc của rất nhiều người khi bước vào tình yêu đồng tính hoặc nhận ra mình đang yêu một người cùng giới tính với mình, những cảm xúc như sợ hãi, lo lắng, ghê sợ chính mình, không chấp nhận nổi bản thân là hoàn toàn có thể hiểu được, rất thực tế nhưng cũng rất tàn nhẫn.
Nói tóm lại, Nhất thụ nhân sinh với mình là một bộ đam mỹ rất đáng đọc, hay nói chính xác là cảm thấy may mắn khi bắt gặp mà đọc được. Tuy rằng, mình cảm thấy phần kết có hơi vội vàng, giá như quá trình theo đuổi của Thụ Dân dài hơn một chút, quá trình biến đổi tâm lý của Tạ Nhất từ không dám tin, không dám hy vọng đến đón nhận và chấp nhận của Tạ Nhất được viết nhiều hơn một chút, sâu hơn một chút thì có lẽ nó hoàn hảo với mình, nhưng dù sao, đây cũng là bộ đam mỹ mình vô cùng vô cùng yêu thích.
Về người biên dịch, Lâm Hiên, không còn gì để nói về câu từ cẩn thận, trau chuốt, tỉ mẩn nữa cả. Bản dịch quá hoàn hảo, văn phong đẹp đẽ, hành văn trôi chảy, lỗi type gần như không có. Nhiều đoạn thơ rất hay rất hay được xen vào vô cùng hợp lý, khiến cho truyện tăng thêm chiều sâu và “tình” hơn rất nhiều. Quả thực, ở bản dịch của Hiên Hiên, mình luôn cảm thấy có gì đó rất thơ, mang một chút gì đó mỹ miều hoa lệ, nhưng khi đọc không hề cảm thấy xa cách mà lại vô cùng gần gũi. Nói chung là vô cùng khó nói :))
À, bên cạnh đó truyện của Priest khá nhiều và được vote rất cao trong những bảng xếp hạng đam mỹ gần đây nhưng ngoài Nhất thụ nhân sinh mình chưa đọc tử tế được bộ nào khác của bả cả :)) Bạn nào có đề cử thì đề cử cho mình vài bộ với nhé. Mình đang đọc “Qua cửa”, cũng thanh xuân hiện đại nhưng lười quá nên chưa đọc hết nữa huhu T_T
***
[GÓC REVIEW]
Nhất Thụ Nhân Sinh.
.
Tôi nhớ trước đây từng có một cuộc khảo sát về các truyện bạn yêu thích của Pi, lúc đấy tôi khá ngạc nhiên khi biết là hầu như 27 truyện đều có người thích. Có khi truyện bạn này đọc không nổi lại là truyện bạn kia yêu nhất. Lúc đấy cảm thấy muôn người muôn vẻ, cũng cảm thấy truyện Pi đa màu đa sắc.
Giống như Nhất Thụ Nhân Sinh vậy. Đây hẳn là truyện nằm trong danh sách đen của nhiều bạn nhưng cũng là truyện nằm trong list các truyện tôi thích nhất, hẳn nhiên là với vài bạn khác cũng vậy. Tôi đọc truyện này vào khoảng 5 – 6 năm trước, vẫn nhớ hôm đấy mẹ không có ở nhà, bố thì chẳng bao giờ đi kiểm tra phòng hết, thế là tha hồ trùm chăn đọc truyện đến hơn 3 giờ sáng. Tôi khóc tức tưởi luôn…
Với tôi, Nhất Thụ Nhân Sinh là câu chuyện kể về những mảnh đời thường tình, bản thân công và thụ trong truyện cũng là những người rất bình thường – bình thường nhất trong các truyện của Pi tôi từng đọc.
Hai đứa nhỏ lớn lên bên nhau, trải qua đủ chuyện cùng nhau, cũng có những suy nghĩ riêng giữ mãi trong lòng. Một người thông minh và nhạy cảm, một người thì chính xác là cái chày gỗ ngờ nghệch nhưng rất ấm áp. Công trong truyện – Vương Thụ Dân – là thằng ranh con quậy phá có tiếng, dốt học nhưng được cái giỏi ăn đòn nên chẳng sợ trời sợ đất gì cả. Thằng ranh con hư đốn ấy lỡ làm một chuyện không thể tha thứ, gián tiếp gây nên chuỗi bi kịch cho một người, lúc bấy giờ mới bàng hoàng nhận ra mình lầm lỗi biết bao, thằng ranh con năm đấy mới 8 tuổi. Nó ra sức bù đắp lỗi lầm của mình, dù có đụng phải tường nam cũng không quay đầu, hết lần này đến lần khác quan tâm người kia, chờ một ngày làm lành trong vô vọng. Một trong những điều hiếm hoi tôi thích ở thằng oắt này chính là biết nhận sai, biết hối hận và biết sửa lỗi của mình, cứ mỗi lần nó cáu vì bị thờ ơ thì nó lại nhớ đến cái lỗi ngày trước, thế là tiu nghỉu đi tò tò theo người ta.
Còn thụ của truyện – Tạ Nhất – từ nhỏ đã được khen là thông minh sáng suốt, học giỏi hơn người, thằng bé chưa từng chủ quan, luôn cố gắng hết mực. Trước năm 8 tuổi, tiểu Tạ luôn theo sau Thụ Dân; từ năm 8 tuổi trở đi, tiểu Tạ không hề muốn nhìn mặt ranh con đấy nữa. Rồi ngày qua ngày, đứa trẻ 8 tuổi ngày ấy lớn lên thành một thiếu niên thanh tú, loay hoay xoay sở giữa học và làm hòng kiếm tiền đóng học phí. Cho đến khi cậu gặp bọn xấu muốn cướp tiền giữa ban ngày, và rồi có một ánh mặt trời xông thẳng vào tầm mắt của cậu bé, đổ máu vì cậu. Lúc đấy tiểu Tạ mới nhận ra: À, đây là lần đầu tiên cậu thật sự nhìn Vương Thụ Dân trong suốt ngần ấy năm.
Tạ Nhất là bảo vật mà Vương Thụ Dân dốc lòng bảo vệ suốt thời niên thiếu, còn Vương Thụ Dân là mặt trời trong lòng Tạ Nhất lúc thiếu niên.
“Vương Thụ Dân thì giống với thứ gì nhất?
Vương Thụ Dân như là mặt trời, không có thì khiến cuộc sống tối tăm buồn bã,
còn bằng đến gần thì lại đau đớn tổn thương.”
Mặc dù Tạ Nhất được khen là thông minh giỏi giang đấy, nhưng trong mắt tôi thì cậu cũng là người bình thường thôi. Là người bình thường trong vô số những người bình thường. Tạ Nhất đậu vào một trường cấp 3 top đầu như ý, vào rồi mới nhận ra có rất nhiều người xuất sắc hơn mình. Đứa nhỏ từ bé đến lớn luôn đứng đầu lớp ấy thế mà tuột xuống hạng 31 trong kì thi đầu tiên của trường mới, khi mà cả lớp chỉ có bốn mươi hai người. Thế nên cậu bé bình thường không đọ lại ai ấy ngồi lại trong lớp, dò chỉnh lại toàn bộ đáp án sai trên bài thi, cậu bé quyết định từ bỏ đợt nghỉ đông, ở trường ôn bài.
Tôi thương Tạ Nhất, thương vô cùng. Con người chẳng giỏi gì hơn ai, chỉ có chút sáng dạ, lại phải bù rất nhiều rất rất nhiều cần cù để theo kịp người khác.
Tôi thương cốt cách của Tạ Nhất, khi cậu đắm chìm trong việc lấy nỗi đau cơ thể để làm dịu đi khổ sở tinh thần nhưng lớn dần thì từ bỏ, hoặc khi cậu bắt đầu hút thuốc nhưng một thời gian sau lại cai, không phải vì cái gì hết, chỉ đơn giản là không ai thương mình thì tự mình thương mình thôi – không ai bảo cậu cai thuốc, thì tự cậu cai thuốc thôi. Tôi thương cách mà Tạ Nhất chống lại cuộc đời mình, thương sự nỗ lực của cậu suốt từ bé đến lớn. Không chấp nhận được người cha tệ bạc, Tạ Nhất vừa nhận tin đậu đại học ở Thượng Hải đã một mình đến nơi đất khách, sẵn sàng bảo lưu một năm để tự mình kiếm tiền đóng học phí. Cậu sống trong một phòng trọ ọp ẹp, một ngày làm rất nhiều việc: sáng phụ hồ, chiều làm ở MC Donald, tối khuya thì đi dọn quán karaoke. Cậu trai có đôi vai gầy ấy, luôn thẳng lưng đối đầu với vận mệnh của mình.
Tôi thương cả cách cậu yêu Vương Thụ Dân… Khi phát hiện mình yêu người bạn thân nối khố, Tạ Nhất dằn vặt nhường nào. Priest miêu tả cảm giác đó của cậu là “Song mỗi lần nhớ đến chỉ thấy tức ngực ngạt thở, hai bên huyệt Thái dương cũng nảy lên đau, tựa như có cây kim vô hình mọc trong lòng, đâm đau cả tim gan da thịt.”
Làm sao chấp nhận được đây? Đứa trẻ thôn quê từ nhỏ đã lớn lên cùng những định kiến, làm sao chấp nhận được mình yêu đàn ông đây?
“Tạ Nhất, mày là tên biến thái. Ba mày uống rượu đánh vợ hành con, là phường lưu manh vô lại, còn mày là hạng biến thái, chẳng biết xấu hổ.”
Cậu một mình ôm nỗi tủi nhục và dằn vặt đó trưởng thành, đơn phương làm cảm giác đau đớn trong bất lực thế nào. Chờ mong một điều phi lí trong vô vọng, trong vô vọng ấy vẫn chờ mong…
“Vì cô đơn nên nhung nhớ, lại vì nhung nhớ lại càng thêm cô đơn.”
Có lẽ Tạ Nhất đã luôn hy vọng, luôn khao khát một ngày tình cảm mình sẽ được Vương Thụ Dân đáp trả. Tiếc thay cậu đợi, đợi đến hoa cũng tàn. Nếu Vương Thụ Dân không nguyện ý, Tạ Nhất chắc chắn sẽ không theo đuổi, cậu không có lý do lôi kéo người khác đi lên con đường khác biệt này, huống hồ người đó còn là con trai của mẹ nuôi. Thế nên cậu chỉ lặng lẽ đợi trong một góc, lặng lẽ đến mức bản thân cũng không ý thức được là đang chờ ngày cảm tình trong lòng héo tàn theo năm tháng hay đang chờ một tia nắng ấm áp rọi lên mảnh đất khô cằn của mình.
Tôi thật sự ngưỡng mộ những người cầm được buông được một cách dứt khoát, lại càng thương những ai không thể buông nổi một mối tình, thương đến xót xa. Con người đều là muôn hình vạn trạng, vẫn luôn có chỗ yếu đuối tự bản thân biết. Đối với Tạ Nhất, có lẽ chỗ yếu đuối ấy chính là sức đề kháng với hơi ấm của Vương Thụ Dân.
Tôi thích Nhất Thụ Nhân Sinh ở chỗ đây là một câu chuyện rất bình thường, với hai con người bình thường không chịu nổi định kiến cuộc đời. Họ không có cốt cách tướng quân anh dũng nơi sa trường, không có một tấm lòng rộng rãi bao la, không có tài năng cốt cán gì hơn người, họ chỉ có nỗ lực của riêng mình và một tình yêu đủ nhiều để vượt lên hết thảy những cái “luân thường” ấy.
Giống như kẻ tầm thường Vương Thụ Dân. Một ông trời con sống trong gia đình bình thường, lớn lên trong yêu thương và ấm áp, anh đã có thể vĩnh viễn sống dưới mái ấm như thế, cả đời vẫn là đứa trẻ được cha thương mẹ yêu. Thế nhưng năm 16 tuổi, anh xin phép đi bộ đội. Vương Thụ Dân luôn nhìn nhận rất rõ bản thân mình, quyết đoán chọn đúng con đường anh nên đi, theo một cách nào đó, mình cảm thấy anh là một người rất đáng tin tưởng.
Tiếc thay con người đáng tin ấy bị đần.
Tôi không rõ rốt cuộc Vương Thụ Dân thích Tạ Nhất từ lúc nào, nhưng tôi nghĩ có thể trước nụ hôn trong cơn say chếnh choáng ấy thì anh đã yêu rồi. Đã yêu rồi nên mới nhớ nhung, mới sợ hãi được mất, mới không ngại bôn ba đường xa đến thăm người thương nhớ. Đối với Vương Thụ Dân, Tạ Nhất có lẽ là một bảo vật cần được bảo vệ, là một điều quý giá đến mức anh không nỡ nghĩ đến một ngày cậu sẽ có gia đình. Ấy chẳng phải là yêu sao? Thế nhưng định kiến bám vào xương tủy con người tầm thường này, lần đầu nhận ra gió thổi cỏ lay, anh bỏ trốn; lần hai muốn vươn tay giữ lấy người nọ, anh ngại ngần – Vương Thụ Dân không dám – không dám thoát khỏi xiềng xích luân thường này, không dám bước lên một con đường mờ mịt tương lai.
“Trên đất liền này, có rất nhiều sợi tơ giăng ngang chằng chịt, cuốn lấy mỗi người. Sợi tơ ấy có tên khuôn phép.”
Một Tạ Nhất luôn tự dằn vặt mình trong suốt quá trình trưởng thành vì tình yêu đồng giới, một Vương Thụ Dân bị xiềng xích luân thường quấn chặt xương tủy, chẳng mảy may dám bứt phá để tiến lên. Bọn họ tầm thường đến nỗi không chống lại được định kiến ấy.
“…từ hàng ngàn năm trước, những luân thường đạo lý đã sớm ăn vào xương. Chúng ta là dân tộc linh hoạt biến đổi nhất, đồng thời cũng là dân tộc cố chấp nhất.”
Chính Priest đã thở dài não nề như thế trong câu chuyện buồn thương này.
Thế nhưng may mắn thay, Tạ Nhất trưởng thành dần chấp nhận tình cảm của mình, Vương Thụ Dân trưởng thành muộn hơn cũng tìm cách để mình có thể thẳng lưng làm một người đàn ông. Vương Thụ Dân rời khỏi ngôi nhà ấm cúng của mình, bôn ba khắp chốn xa lạ, mong một ngày đủ mạnh mẽ, đủ mạnh mẽ…
“…tôi phải đi. Tôi phải rời khỏi nơi khiến tôi không thể trưởng thành nổi. Phải một lần được nhìn trời ngắm đất, được thỏa lòng ngao du, và cũng có thêm dũng cảm nói ra câu nói thật tâm luôn chôn giấu suốt gần ấy năm…"
Đủ mạnh mẽ để thoát khỏi tơ giăng chằng chịt mang tên khuôn phép, để nắm tay người thương và nói lên câu thật lòng.
Vương Thụ Dân yêu Tạ Nhất, đủ yêu để sẵn lòng chạy về phía cậu dẫu thấy hoa đã tàn, dẫu người kia e rằng không còn cảm tình nữa, dẫu… dẫu chẳng có hy vọng. Những màn xun xoe lấy lòng Tạ Nhất của Vương Thụ Dân làm tôi thấy thật buồn cười, may mà Tạ Nhất vẫn yêu anh – vẫn yêu nên không nỡ từ chối nỗ lực của anh, vì dù sao thì đây là bạn công ngay từ đầu đã không có hình tượng nhất nhà Pi tôi từng biết. Vương Thụ Dân không phải tổng tài bá đạo hay thông minh hơn người để có thể làm được những chuyện hoành tráng hoặc vô cùng lãng mạn với người thương, anh chỉ là một người đàn ông tầm thường, ngoại trừ cố gắng bù đắp cho người kia bằng những việc bình thường nhất thì chẳng thể làm gì cả.
“đồng chí Vương Thụ Dân làm việc hết sức năng suất, ngoại trừ công việc ra thì chẳng có lấy chút thú vui hay trò tiêu khiển nào, rảnh rỗi lại liên tục gọi cho một số nào đó.
Từ cuối xuân gọi đến giữa hè, qua hết một mùa lá rụng lại đến gió lạnh tuyết rơi, gọi mải đến gần cả cuối năm…”
“Vương Thụ Dân gắp cho cậu một miếng thịt, nhỏ nhẹ nói, "Biết cậu không thích ăn cay nên tôi không bỏ ớt."
Tạ Nhất thình lình rùng mình một cái, ngước đầu nhìn Vương Thụ Dân, vô cùng không quen mà đáp, "Umm… cảm ơn." “
Lần đầu tiên đọc Nhất Thụ Nhân Sinh, cứ nghĩ hoài vì sao Tạ Nhất lại yêu dai dẳng một người như Vương Thụ Dân? Nhưng đọc lại mới thấy, quả thật Vương Thụ Dân rất ấm áp, dù cho khờ khạo trì trệ chuyện tình cảm, lại vẫn là một người hết lòng với những người mình yêu. Một Vương Thụ Dân chân thành và ấm áp như vậy có lẽ là tia nắng dịu dàng Tạ Nhất cất vào lòng, dẫu có lúc đau thấu tim gan vì tia nắng ấy.
Thế nên, “đợi cậu đợi đến hoa cũng tàn”. Hoa tàn mất rồi thì cậu mới đến. Cậu đến rồi lại cùng chờ hoa nở rộ thôi.
Tạ Nhất yêu Vương Thụ Dân, không cần đến những suy nghĩ mỉa mai trong lòng, chỉ cần nhìn những cử chỉ của cậu thì tôi biết cậu luôn yêu Vương Thụ Dân. Từ nhỏ đến lớn, khi trưởng thành, khi đã là một người đàn ông cứng cáp, Tạ Nhất vẫn hoài khao khát hơi ấm của người kia, chỉ một người duy nhất. Tựa như Vương Thụ Dân thừa nhận rằng trái tim anh chỉ đủ chỗ cho một người vậy.
Thế nên thật may, trải qua nhiều lỡ làng, trải qua nhiều chần chừ bởi khúc mắc, cả hai đã về với nhau.
Ngoài chuyện tình của nhân vật chính, tôi còn thấy tình thương cha mẹ luôn bàng bạc trong truyện. Hai hôm trước có đọc lại Nhất Thụ, chủ yếu là muốn xem lại vài chi tiết để viết được bài cảm nhận tình cảm của hai bạn công thụ, thế nhưng đọc đến một đoạn của mẹ Vương Thụ Dân đồng thời là mẹ nuôi Tạ Nhất – Giả Quế Phương, tôi lại muốn dành vài lời để nói về vợ chồng nhà Vương.
“Hôm trước coi TV… chương trình gì bà? Chiếu một ông lão già rồi, bị mù lại còn lưu lạc ăn xin, làm mẹ nuôi con khóc quá trời. Bả chỉ lo con một thân một mình sống bên ngoài ăn không no mặc không ấm, lại chẳng có nơi ở lẫn tiền bạc…"
"Con đừng có lừa mẹ nuôi! Mẹ nuôi sống từng này tuổi, có gì chưa thấy đâu? Mẹ từng thấy người ta ban ngày vất vả đi làm, ban đêm chui vào trong cái lều rách mà ngủ… Nghe đâu chỗ của con mùa đông không lắp hệ thống sưởi hơi… Trời lại lạnh như vậy… Mỗi ngày mẹ đều xem dự báo thời tiết, Thượng Hải hổm rầy toàn dưới 0 độ, sao mà sống nổi hả con?"
Sao mà sống nổi hả con?
Tôi ứa nước mắt chỉ vì câu hỏi tu từ này. Bỗng dưng cảm thấy mình như Tạ Nhất, bao nhiêu tủi hờn cứ trỗi lên trong lòng, chỉ muốn chạy về ôm mẹ khóc òa mà thôi. Cả cuộc đời này, người lo lắng, yêu thương mình nhất chỉ có đôi ông bà đấy, luôn xem mình là con nít, luôn nghĩ đủ điều đến mức phiền hà. Thế nhưng chỉ có tình cảm của họ là ấm áp chân thật nhất mà thôi.
Ngoài ra, Nhất Thụ Nhân Sinh là câu chuyện đậm ý thơ nhất của Priest mà tôi biết. Có lẽ một phần là vì Lâm Hiên edit truyện này.
“Nhĩ xanh tôi hái, hái hoài
Giỏ tre nghiêng nắng rớt ngoài bên hiên
Nhớ anh tôi nhớ trường miên
Giỏ kia bỏ lỡ giữa viền chiêm bao.”
Có lẽ được đọc Nhất Thụ bởi Lâm Hiên edit cũng là một cái duyên, cảm giác không khí của câu chuyện này rất hợp với văn Lâm Hiên, một nỗi buồn man mác lại bàng bạc ý thơ, câu chữ bộc bạch đẹp đến nhói lòng.
Tóm lại, với tôi, Nhất Thụ Nhân Sinh là một câu chuyện đáng đọc. Dù cho còn nhiều lỗi, dù cho lời văn bộc bạch vẫn chưa cứng cháp thuần thục, nhưng Nhất Thụ chính xác là câu chuyện quý tôi may mắn được đọc lúc thiếu niên, để được thấy cuộc sống, tình yêu, tình thương và sự nỗ lực không ngừng của những con người vô cùng bình thường.
Nhất Thụ Nhân Sinh, mỗi người chúng ta cũng chỉ có một cây cuộc đời mà thôi.
Quản bao nước thẳm non xa
Để ta tìm kiếm cho ra bạn lòng.
(Ly Tao/Khuất Nguyên/ Nhượng Tống dịch)
Mời các bạn đón đọc Nhất Thụ Nhân Sinh của tác giả Priest.