Editor: Keikan (+ Ái Kỳ)
CP đại sư huynh niên thượng ~ Hay gây chuyện công X cay nghiệt thụ
Nội dung: Tiên hiệp tu chân truyền kỳ
Diễn viên: Trình Tiềm, Nghiêm Tranh Minh, cùng các diễn viên phối hợp
Trình gia có đứa con thứ trong số ba người con tên là Trình Tiềm, vốn cha mẹ không yêu thương đối xử lạnh nhạt nên dần dần hình thành trong hắn con người lạnh lùng.Hắn đã tính an phận làm Trình Nhị Lang sống qua ngày, nhưng vì cha mẹ coi trọng tiền tài nên vừa bán vừa tặng cho một vân du đạo nhân, nhân vật chính từ đó bị ép vào con đường tu chân lắm dối lừa.
Tuy nói từ xưa người tu chân đắc đạo phi thăng khó tính hết, nhưng môn phái suy tàn, sư phụ chẳng đáng tin, chúng đệ tử bất tài dốt đặc cán mai, đại sư huynh còn là chuyên gia gây chuyện, con đường tu tiên có thể nói tiền đồ mờ mịt. Cùng đón xem Trình Tiềm làm sao giấu tài, làm sao tu tiên, chấn chỉnh chúng đệ tử.
Tu chân cố sự, kể về một môn phái đang đà xuống dốc làm sao chấn hưng bởi khỉ bảnh choẹ, trùm gây chuyện, quỷ cay nghiệt, đồ ngốc và tiểu tạp mao.
***
Lời đầu tiên, đây là bộ danmei mình thích nhất của Pi đại, cho dù Sát phá lang và Đại ca đều là No.1 của những danmei được ưa thích nhất, và quả thật là bất công (và chíu khọ) khi mình cứ phải giữ mãi trong lòng những suy nghĩ về nó. Lục hào không có cái hào hùng chính khí của Sát phá lang, cũng không có cái hiện thực tàn nhẫn của Đại ca, nhưng cái không khí trầm lặng kiên định, mà đồng thời cũng mạnh mẽ uyển chuyển của nó đã chiếm trọn trái tim mình. Trong những truyện của Pi đại, Lục hào là truyện duy nhất khiến mình phải đọc đi đọc lại nhiều hơn ba lần (dĩ nhiên là không phải đọc từng chữ của từng chương, nhưng mà thiệt sự là nó rất hấp dẫn.)
Truyện xuất sắc nhất ở cách xây dựng nhân vật. Trong Lục hào, ta có thể thấy quá trình tưởng thành của từng nhân vật, qua những sự kiện, những biến cố, và cả những thay đổi về mặt tình cảm. Không có nhân vật nào trong Lục hào là đạo đức giả, nhân vật nào cũng hành xử theo những gì mình tin tưởng, theo những thứ thực sự có ý nghĩa với bản thân, và ở một góc độ nào đó, chấp nhận cuộc sống của mỉnh, chấp nhận sống thật với chính mình. Cốt truyện của Lục hào cũng vô cùng xuất sắc, với các tình huống được đặt ra vô cùng rõ ràng và theo trình tự hợp lý, không bị lê thê dài dòng, cũng không bị đứt gãy lủng cũng. Mọi tình tiết đều có nguyên do và hậu quả của nó, đồng thời tạo ra bối cảnh vô cùng tuyệt vời để thúc đẩy sự phát triển của nhân vật.
Truyện vô cùng nặng về mặt nội dung nhưng hoàn toàn không hề nhàm chán, vì nó thực sự là một câu truyện phức tạp, cuốn hút, và nặng chân tình, không phải chỉ là tình yêu, mà còn là tình huynh đệ, tình sư đồ, là tình nghĩa đối với những người mà ta gần gũi. Thêm vào đó, Lục hào còn là một câu truyện xuất sắc về hành trình học cách chấp nhận đau thương và cách trở nên kiên cường của những người bạn nhỏ, những người vốn sống trong cưng chiều nhung lụa, những người vốn vô ưu vô tư mà bị đẩy vào vòng xoáy cuộc đời. Xuyên suốt trong câu truyện là một hành trình đi tới sự trưởng thành, trải bằng nước mắt của những lần cúi đầu nhịn nhục, bằng máu của những buổi tập luyện không ngừng, và bằng tình của những người thân quen và xa lạ. Để rồi trong chuyến đi ấy, nhân vật của chúng ta học được cách nhìn thoáng hơn mà đối mặt với thử thách và bảo vệ những người thân thương để thấy yêu thêm cuộc đời. Nhưng không vì thế mà phần danmei, tức phần tình cảm công thụ trong truyện bị coi nhẹ, mà ngược lại, trong bối cảnh loạn lạc của giới tu chân, trong những màn chiến đấu long trời lở đất, trong sự tranh đấu của tiên ma hai phía, là thứ tình cảm sâu đậm giữa Nghiêm Minh Tranh và Trình Tiềm, là tình yêu của hai người đàn ông trưởng thành dám gánh vác, là tình thương giữa sư huynh sư đệ đồng môn, và là sự nhung nhớ của thứ mất đi rồi tìm lại được.
Bối cảnh của Lục hào là giới tu chân, cũng giống như giang hồ vậy, có môn phái bao gồm sư phụ sư huynh sư đệ, có bạch đạo có hắc đạo, có những người tự xưng là chính nghĩa mà bản chất chẳng ra làm sao, có những người tuy mang tiếng tà ma ngoại đạo nhưng con tim của họ lại chất chửa tình sâu tựa biển. Và những nhân vật chính của chúng ta đã gặp nhau như thế, giữa một bể loạn lạc, hội tụ nơi một môn phái nghe có vẻ gà mờ, tu luyện dưới trướng một vị sư phụ có khuôn mặt dài dài như chồn và tính tình tưng tưng như khỉ. Cả môn phái từ trên xuống dưới chẳng có vị đệ tử nào khiến người ta an tâm, có đại đệ tử Nghiêm Tranh Minh chỉ biết ăn diện rồi than vãn, có nhị đệ tử Lý Quân toàn đầu tư thời gian trong mấy trò vụn vặt, có tam đệ tử Trình Tiềm mặt nam mô bụng một bồ dao găm, rồi có tứ để tử Hàn Uyên chỉ giỏi mấy thứ ranh mãnh. Và cuối cùng là tiểu sư muội Thủy Khanh loi choi lóc chóc, người chẳng ra người yêu chẳng ra yêu, chật vật lớn lên dưới sự dằn vặt của các sư huynh tốt.
Tưởng như cuộc sống sẽ mãi suôn sẻ trôi qua như vậy, người làm điệu cứ làm điệu, ai luyện kiếm cứ luyện kiém, kẻ rong chơi cứ rong chơi, cho tới khi một loạt những biến cố xảy ra, và cả môn phái rơi vào cảnh tang tóc. Sư phụ gặp biến cố, phong lại ngọn núi đã từng được gọi là nhà, để lại đám đệ tử nheo nhóc chẳng còn lựa chọn nào khác là phải tự biến lớn biến cường, dù đôi khi phải cúi đầu, dù đôi lúc phải tranh chấp. Rồi đợi cho tới khi thứ tình cảm huynh đệ nhạt nhòa hồi trước trở nên keo sơn gắn kết, đợi cho tới khi sư huynh đệ bọn họ tưởng rằng mọi thứ cũng đã được khôi phục ít nhiều vì bọn họ còn có nhau, thì tứ sư đệ phát điên, đâm tam sư huynh của mình rồi chạy ra biến mà biến mất. Mặc cho Nghiêm Tranh Minh đau đớn khôn nguôi, mặc cho Lý Quân bàng hoàng chẳng dứt, mặc cho Thủy Khanh đơn côi ngơ ngác, từ đó, cuộc đời họ chẳng còn một Trình Tiềm cố chấp, và tên Hàn Uyên lanh chanh kia cũng đã rời đi mất rồi.
Thật khó để tưởng tượng ra Nghiêm Tranh Minh đã làm cách nào để vượt qua chừng ấy năm sau khi Trình Tiềm biến mất, khi mà trong cả trăm năm ấy, chẳng khi nào cơn mơ về Trình Tiềm buông tha y trong giấc ngủ, để rồi khi y tỉnh lại, mọi nhọc nhằn và gian khổ của chức vị trưởng môn, của những hoài bão mà y phải thay sư phụ, thay các sư đệ sư muội, và thay cả bản thân y thực hiện. Phải chăng đó là vì trách nhiệm phải chăm sóc Lý Quân và Thủy Khanh, hai cái gánh nặng khiến y tới quyền tự do tự sát cũng chẳng có? Phải chăng đó là vì y còn phải coi chừng Hàn Uyên, sư đệ mà năm đó bọn họ chân còn chưa mọc lông đã mạo hiểm đi cứu, sư đệ mà thủy chung bọn họ chẳng thể vứt bỏ? Hay đó là vì Trình Tiềm, vì sư đệ Tiểu Tiềm của y, cái động lực làm y phải khổ cực kiếm tiền, xây dựng lại môn phái, rồi lại khổ cực chờ ngày có thể đặt biển Phù Dao Phái nơi sơn trang, khổ cực chờ ngày Phù Dao Sơn lại mở?
Y cảm thấy mình đời này thủy chung ngây ngây ngơ ngơ, hứa hẹn trịnh trọng duy nhất từng có, chính là một ngày kia có thể quay về Phù Dao sơn, đón Tiểu Tiềm ủy khuất ở trên hoang đảo Đông Hải về nhà, nếu ngay cả chút việc này cũng không làm được, y thật sự không biết mình sống tiếp còn có ý nghĩa gì.
Người ta thì “khổ tận cam lai”, Nghiêm chưởng môn thì “sướng trước khổ sau”, dù sau này tiền của đầy nhà, tu vi tăng tiến, thì trong lòng vẫn đầy khổ sở, sợ mình không dẫn dắt nổi môn phái chẳng có mấy mống này, sợ mình phụ lòng sư phụ cùng cách sư huynh đệ, và sợ chính mình chẳng kiềm lòng nổi mà làm cái người quan trọng đối với mình nhất trên đời kia tổn thương. Nghiêm chưởng môn là kiếm tu, khó ngộ đạo hơn người tu những đường khác, chỉ khi nào bị áp bách tới tận cùng mới có thể đột ngột bứt phá, mà y vừa chính là bị Tiều Tiềm nhà y kích thích dữ quá, nỗi ám ảnh không bảo vệ được tiểu sư đệ ăn cứng không ăn mềm khiến y mãi day dứt ùn ùn kéo về, bức y đột phá được giới hạn, nhưng cũng tiện thể rước về cho y một tâm ma.
Lý Quân bị y đánh thức, vẻ buồn ngủ trên mặt vẫn chưa tan, hắn đã bật thốt ra: “Đại sư huynh, vào ‘xuất phong’ chi cảnh rốt cuộc có cảm giác gì?”
Nghiêm Tranh Minh trầm ngâm một lúc lâu, mới thận trọng đáp: “Trời cao đất rộng.”
Câu này hết sức qua loa, nói với không nói cũng chẳng khác mấy, chỉ có Trình Tiềm luyện qua Hải Triều kiếm nghe vậy lĩnh ngộ một chút rìa, tựa hồ có điều ngộ ra.
Nghiêm Tranh Minh liếc thấy bộ dáng đăm chiêu ấy, âm thầm hơi cười khổ, nuốt câu tiếp theo trở vào – thân hãm lao tù.
Bên ngoài trời đất bao la, mình ta hãm lao tù.
Cái vị sư huynh mà xưa kia chỉ biết ăn diện, dù có ngộ ra đạo lý trong chiêu thức cũng chẳng chịu thực hiện vì quá lười, lại chẳng dám buông xuôi mà phải cắn răng chịu đựng, chỉ vì trên y chẳng còn sư phụ, mà dưới y lại là đám sư đệ quá đỗi ngây ngô. Cái vị sư huynh mà dù bản thân đã gần hai trăm năm hãm sâu trong bể tình, lại chẳng dám để người kia vì mình mà chậm trễ tu luyện đôi chút. Cái vị sư huynh mà chỉ đứng đó thôi đã mang dáng vẻ dám đội trời dám đạp đất, cái vị sư huynh mà chẳng sóng gió nào chưa từng kinh qua, lại chẳng dám vọng động với người trong lòng dù chỉ là đôi chút, tới mức tình cảm đó biến thành tâm ma, đêm ngày hành hạ. Cái vị sư huynh mà dù tim mình cũng sắp sửa móc ra cho sư đệ xem, lại hài lòng với một câu giản đơn khẳng định tình huynh đệ, mà chẳng dám kỳ vọng dù chỉ là đôi chút vào tình cảm lứa đôi giữa hai người.
Nghiêm Tranh Minh nói: “Ngươi không nói thì thôi, ta mặc kệ ngươi vì sao mà biết… Chẳng qua là tâm ma mà thôi, kiếm tu tiến vào kiếm thần vực, xưa nay đều là một bước một tâm ma, vậy thì thế nào? Ta đã đi đến bước này, còn chưa đến mức không áp chế được, ngươi… ngươi không cần thương hại ta.”
Trình Tiềm không nói được gì, y đột nhiên rất muốn bổ cái đầu như gối thêu hoa của đại sư huynh ra, xem trong đó có phải đã bị tâm ma gặm nát như tương rồi hay không?
Nghiêm Tranh Minh thực sự, thực sự là người yêu chuẩn mực và đối vởi riêng mình, chưa có một anh công nào lại vượt qua được sự ôn nhu và si tình mà Nghiêm Tranh Minh dành cho Trình Tiềm. Y nhung nhớ Trình Tiềm tới mức phải chế tạo một phỏng linh hiện hình ảnh của Trình Tiềm (tuy hơn đanh đá chanh chua hơn bản gốc chút đỉnh) để đem theo người, tới mức phải bố trí lại ở sơn trang mới một Thanh An cư y hệt như nơi mà Trình Tiềm từng ở. Y thương Trình Tiềm tới mức bảo Lý Quân chế tạo sẵn thuốc để quên đi thất tình lục dục, nếu Trình Tiềm mà hối hận thì chỉ cần đem cho, tới mức y sẵn sàng đổi nhu tình cả đời chỉ để lấy một ánh mắt cười nơi người ấy. Y yêu Trình Tiềm tới mức sẵn sàng chịu phản phệ gấp ba để uống viên thuốc hòng đi cứu Trình Tiềm, tới mức sẵn sàng ủy khuất cả thiên hạ để đổi lấy sự hài lòng nơi sư đệ nhỏ.
Nước nóng, lòng bàn tay đại sư huynh càng nóng hơn, Trình Tiềm tức khắc thở không ra hơi, không tự chủ được giãy nhẹ vài cái, kết quả là chỉ chút động tĩnh này, Nghiêm Tranh Minh lập tức buông y ra, hơi cẩn thận mà lùi bước.
Trình Tiềm không tỉnh táo hơn bao nhiêu, như một con cá bị ném lên mặt nước, há miệng thở hổn hển, ngực râm ran đau, đối lại ánh mắt lo lắng bất an của Nghiêm Tranh Minh – hàm chứa khát khao không nói nên lời, lại không dám vượt giới hạn một bước.
Và thật sự thì Trình Tiềm không hề thua kém. Cho dù phải tu luyện cả trăm năm để mượn ngọc làm thân thể, cho dù phải chịu thiên kiếp lớn nhỏ để được sống lại làm người, cho dù ống trong băng hàn, chỉ uống nước lã, và trái tim cũng đã lành lạnh từ lâu, hắn cũng vô cùng trung thành với tình cảm của mình. Y nặng lòng với những người đối xử tốt với y, y tận lực bảo vệ sư huynh sư muội, y hết lòng dung thứ cho sư đệ đã đâm chết mình, và ngay từ lúc chưa nhận ra tình cảm của mình, thì Tiểu Tiềm cũng đã hận chẳng thể moi hết tim gan ra mà đối xử tối với Nghiêm chưởng môn rồi. Tình yêu của Trình Tiềm cũng như con người y vậy, ngay thẳng chân thật, hơi thiếu khéo léo, nhưng lại có chút thoải mái rộng lượng. Ngày thường y chẳng thèm để ý tới ai, đối với sư huynh sư đệ sư muội lại rất mực quan tâm, đối với Nghiêm Tranh Minh thì quả là lòng dạ rộng rãi, chẳng giữ lại chút nào. Lúc Nghiêm chưởng môn vì bảo vệ y mà gặp nạn, cái người mà từ nhỏ đã khinh thường quyền thế, lúc tu luyện thì liều mạng chẳng hề để đau đớn lớn nhỏ gì vào mắt, lại hoảng hốt kinh hãi.
Trình Tiềm mới thốt ra một chữ thì giọng đã lạc đi, y mù mờ luống cuống đứng tại chỗ chốc lát, tựa hồ muốn tiến lên một bước, chân lại loạng choạng như không đứng vững, ánh mắt chậm rãi dừng trên người Nghiêm Tranh Minh. Có một chớp mắt, Đường Chẩn cảm thấy vành mắt y đỏ lên – nhưng mà… một khối ngọc cũng biết khóc ư?
Ánh mắt gặp thiên kiếp chưa từng lung lay, cũng biết hoảng loạn sao?
Thế nhưng y suy sụp chẳng qua chốc lát, Đường Chẩn còn chưa kịp nói gì, ánh mắt Trình Tiềm bỗng kiên định hẳn lên, nói như đinh đóng cột: “Không, khoan nói với họ, Đường huynh, huynh học rộng hiểu nhiều, nhất định có biện pháp. Vô luận thế nào cũng được, lên trời xanh xuống suối vàng, cho dù huynh muốn ta một mạng đổi một mạng cũng không có vấn đề gì…”
“Lên trời xanh… xuống suối vàng.” Đường Chẩn bỗng nhiên khẽ lặp lại lời này một lần, kế đó, hắn nở nụ cười trầm trầm, “Tiểu hữu, thế gian sư môn tình nghĩa sâu nặng, cố nhiên là giai thoại, nhưng cũng hiếm thấy sâu nặng như các ngươi.”
Trình Tiềm thản nhiên nói: “Nơi đây tên là ‘Phù Dao sơn trang’, không tên ‘thế gian’.”
Mình cực kỳ thích câu cuối đó của Tiểu Tiềm, tại vì mình cực kỳ thích cái kiểu bao che khuyết điểm của Phù Dao phái. Đồng Như tài giỏi cả đời, nhặt về một đồ đệ cũng tài giỏi chẳng kém, mỗi tội có vẻ chẳng mê tu luyện lắm, chỉ mê ngâm rượu trồng hoa. Tới lượt mình thì Đồng Như cũng chẳng nhặt về mấy đồ đệ sáng sủa gì cho cam, bao gồm một đứa bại gia làm điệu, một đứa cợt nhả nhát gan, một đứa cố chấp cứng đầu, một đứa lầm lì khôn vặt, và một con chim. Sư tổ thả cho sư phụ chơi hoa suốt ngày, sư phụ cũng chẳng hướng dẫn đồ đệ tu luyện gì nghiêm túc, thế mà cuối cùng cả năm người ai cũng rất thành công, “nhân đinh không hưng vượng lắm, thực lực lại mạnh hơn bao giờ hết”. Mà bởi vì tuổi thơ gà bay chó sủa quá, nên có mấy mống thương nhau cực kỳ, có chuyện gì xấu thì nhất quyết muốn đóng cửa trong nhà dạy nhau, chuyện lớn chuyện nhỏ đều có thể cạnh khóe rồi tha thứ, không bao giờ để người ngoài có cơ hội phán xét. Người nhà mình thì mình phải bảo vệ, giang hồ tranh tranh đấu đấu, chỉ riêng Phù Dao phái rõ ràng rành mạch, nhìn thì cà lơ phất phơ nhưng chẳng chứa chút tạp chất. Mà quay lại với Tiều Tiềm, bao che khuyết điểm đã quen, tiến chút xíu lên tới sủng lên tận trời cũng chẳng mấy khó khăn, lúc y nhận ra mình yêu người ta, và người ta cũng đặt mình trong lòng, y chẳng cần suy nghĩ quá nhiều, vô cùng ung dung thẳng thắn mà thừa nhận và đối diện với phần tình cảm của mình, điều mà có lẽ chẳng mấy người muốn “đắc đạo” làm được.
Trình Tiềm chợt ôm lấy y từ phía sau, Nghiêm Tranh Minh cứng đờ lưng, đang toan mở miệng quát mắng.
Liền nghe Trình Tiềm nghiến răng nghiến lợi nói: “Huynh từ sáng đến tối chỉ đòi ăn ngon mặc đẹp, không phải bại gia thì là làm điệu, trời mới thương hại huynh! Ta chính là thích huynh, muốn huynh! Còn muốn ta nói thế nào đây!”
Cho dù là lúc chưa nhận ra tình cảm của mình, hay lúc lờ mờ đoán ý, hay lúc sẵn sàng đối mặt, y đều sẵn sàng lấy mạng mình ra để đổi cho mạng của Nghiêm Tranh Minh. Dù là thụ, nhưng đôi lúc người ta lại có cảm giác rằng y mới là người đang cưng chiều Nghiêm Tranh Minh, cưng chiều cái tật kiểm soát rồi dính người quá độ (do chim sợ cành cong), cái tật chảnh chọe bày đặt, cái tật ăn nói cay độc của Nghiêm Tranh Minh. Chỉ cần làm vui lòng cái người cứ suốt ngày than phiền ấy một chút, bảo y lên núi đao xuống biển lửa y cũng làm.
“Bây giờ ngươi câm miệng thì ta có thể không so đo với ngươi.” Nghiêm Tranh Minh quay người lại, đứng cách hai bước, để nửa câu sau chưa nói lên khóe mắt đuôi mày – “Mau lăn lại đây xin lỗi”.
Trình Tiềm im lặng một lát, bụng nghĩ: “Dung túng tính nết thế này, về sau phải làm sao cho được?”
Nhưng lập tức, y lại âm thầm lắc đầu: “Thôi, không phải luôn là cái nết này à?”
Thượng cùng Bích Lạc, hạ Hoàng Tuyền, đối với Nghiêm Tranh Minh, chỉ cần Nghiêm chưởng môn dám muốn, Trình Tiềm liền có thể chẳng tiếc gì mà đem cho. Trình Tiềm tức tối vì sư huynh chẳng chịu quý trọng bản thân mà chỉ chăm chăm bảo vệ y, Trình Tiềm giận dữ vì tâm ma trong lòng sư huynh chẳng biết nặng nhẹ mà cứ nhắc hoài nhắc mãi chuyện tu luyện, một chuyện mà đối với y thì bé nhỏ không thể tả so với bóng hình của sư huynh đã cứ thấp thoáng mãi trong hồn. Cái người mà đã dành hơn cả nửa đời nằm trong hầm băng uống nước lã ấy, lại thấy trái tim mình ấm hồng lên vì Nghiêm Tranh Minh, lại thầy lòng mình nóng đỏ vì hắn. Chỉ cần biết người trước mặt là sư huynh đỏm dáng của mình, chút vị khó chịu của cái hôn đầu tiên đều biến thành xao động, chút quái dị ấy đã biến thành ham muốn thân mật khác thường. Nghiêm Tranh Minh nơp nớp lo dọa sợ Tiểu Tiềm mà đâu có biết rằng người ta chỉ hận không thể đọc thêm chút sách để tiện chiếm lợi thế trước lúc “song tu”. Chẳng cần biết thế nào là hoang đường phóng túng, thế nào là đạo lý luân thường, Trình Tiềm chỉ cầu tự tại, tự tại mà yêu Nghiêm Tranh Minh.
Trình Tiềm nhìn y, nhấn từng chữ: “Sư huynh, đệ không sợ thiên kiếp, chỉ sợ huynh.”
Nghiêm Tranh Minh nghe lời này, trong lòng ầm một tiếng, nghĩ: “Thôi xong rồi, vạn kiếp bất phục rồi.”
Người ta hay nói yêu đương là vướng bận, người muốn làm được chuyện lớn thì không nên yêu đương, ngay cả nhiều nhân vật trong truyện cũng nói như vậy. Nhưng mà thực ra thì tình yêu, dù là với gia đình, bạn bè, hay với tình nhân, thì đều là một thứ sức mạnh vô hình, thúc đẩy người ta tiến về phía trước, lại giữ chặt không cho người ta vì quá ham muốn thứ phù phiếm trước mắt mà lạc lối lầm đường. Tình yêu đúng là sự ràng buộc, nhưng ràng buộc không hẳn là đã xấu, mà còn có thể là một ngọn đèn ấm áp ngọt ngào. Hứa hẹn âm thầm với Tiểu Tiềm đã khiến cho Nghiêm Tranh Minh có động lực để một lần nữa gầy dựng lại môn phái, từ Lao Tiền công tử bận tối mặt tối mũi kiếm tiền mua gia đình, một lần nữa thành Nghiêm chưởng môn cao cao tại thượng. Mà tơ tình vấn vít với kẻ bại gia làm điệu đó của Trình Tiềm đã giúp đỡ y trong những lúc hoang mang bối rối nhất, trong những khoảnh khắc tưởng như vô vọng lạc lối, soi sáng cho y một con đường. Quả rất khó mà nói được Nghiêm chưởng môn và Tiều Tiềm ai nặng tình hơn ai, Một người khẩu thị tâm phi, một người ngơ ngáo chẳng giỏi ăn nói, hai người hợp lại chắc hẳn là bối ra bối rối, cả buổi cũng không nói được câu nào ngọt ngào. Thế nhưng ai đọc truyện cũng có thể thấy sự thật rành rành ra đấy, rằng Nghiêm Tranh Minh và Trình Tiềm thương nhau vượt lên cả sự sống và cái chết, lại bao dung cho thói quen và tật xấu của nhau tới mức vô pháp vô thiên. Tình yêu của họ sâu sắc mà trầm lắng, là ngọn lửa nhỏ rực sáng trong lòng, cũng là dòng nước lớn bao dung trải đầy thiên hạ, dù có thiên ngôn vạn ngữ cũng chẳng thể nào miêu tả nổi, thấm vào tim phổi, đi vào lòng người.
***
GÓC REVIEW
Review Lục Hào - Mắt Bão
--------
Hôm nay mình muốn tâm sự một chút về tác phẩm đã đưa mình đến với Priest - “Lục hào”. Đây là một tác phẩm cực kỳ ấn tượng, đã khiến mình yêu một Priest với ngòi bút đầy tâm huyết và mỗi câu chuyện dưới ngòi bút ấy đều là một thế giới hoàn chỉnh.
"Lục hào" là câu chuyện về một môn phái tu tiên có tên Phù Dao, từ lúc nó trên đà suy tàn, tới khi lụi tàn hẳn rồi lại tái sinh từ tro tàn. Đồng thời, “Lục Hào” cũng mở ra một thế giới tu chân rộng lớn, nơi có người chính nghĩa bừng bừng, có kẻ lòng lang dạ sói, có ân oán, cũng có tình thù.
Trên dưới Phù Dao phái có một sư phụ Hàn Mộc Xuân mặt mũi như chồn, già nua lẩn thẩn và năm đệ tử chẳng đứa nào nên thân. Đại đệ tử Nghiêm Tranh Minh quý giá như quý phi nương nương không ai dám chọc, là cơm áo gạo tiền của cả Phù Dao phái đã sớm suy tàn, bởi nhà y phú giáp một phương, giàu đến nỗi chẳng ngại nuôi thêm một môn phái "gia cầm" cho y chơi đùa. Nhị đệ tử Lý Quân chỉ biết chúi mũi vào mấy thứ tà môn mà bỏ bê tập luyện. Tam đệ tử Trình Tiềm coi như chăm chỉ nhất lại từ nhỏ đã cay nghiệt, giỏi nhất là châm biếm người khác. Tứ đệ tử Hàn Uyên xuất thân ăn mày cành chẳng nên thân, suốt ngày chỉ biết chọc chó đánh mèo. Đệ tử nhỏ nhất, cũng là nữ đệ tử duy nhất vẫn còn đang quấn tã lại càng chẳng dám nói, tiểu cô nương Hàn Đàm hay nhũ danh là Thuỷ Khanh vốn là quả trứng bán yêu do yêu hậu vụng trộm cùng con người sinh ra, lại bị đám sư huynh vô ý "nhặt" về. Phù Dao phái cứ như vậy mà ngày ngày gà bay chó sủa, có thể thấy được đã suy bại đến mức nào.
Một môn phái đã suy bại được đến mức ấy, có lẽ cách ngày diệt môn cũng chẳng còn xa, thế nhưng chẳng ai ngờ được rằng, ngày Phù Dao phái thật sự lụi tàn, ngày sư phụ Hàn Mộc Xuân già nua lẩn thẩn chết đi, ép đám đệ tử còn chưa đứa nào thành niên phải sớm trưởng thành, cũng là ngày mở ra một cố sự, từ từ vén lên bức màn bí ẩn phía sau thế giới tu chân hào nhoáng.
Những tưởng rằng cái chết của sư phụ đã là tai hoạ lớn nhất, lại không ngờ rằng hoạ vô đơn chí, đám trẻ an ổn nương tựa vào nhau vài năm đã phải đón thêm một hồi tai vạ nữa, kẻ sinh ly, người tử biệt. Rồi đến trăm năm sau khi đồng môn trùng phùng, bãi bể đã hoá nương dâu, cố sự năm xưa lại lần nữa dấy lên phong ba, bí ẩn trùng trùng của Phù Dao phái đã trải qua “cực thịnh tất suy” cũng dần được hé lộ.
Priest vẫn giữ lối viết chủ thụ quen thuộc đã thành thương hiệu của mình trong “Lục Hào”, kể lại câu chuyện dưới góc nhìn của Trình Tiềm, nhưng lần này nhân vật mà Pi tốn nhiều bút lực xây dựng nhất lại là Nghiêm Tranh Minh.
Nghiêm Tranh Minh trong những chương đầu được miêu tả là một tiểu thiếu gia phấn điêu ngọc mài nhưng tính tình lại như đại tiểu thư chua ngoa đỏng đảnh. Y rõ ràng là kẻ lấy kiếm nhập đạo, lại chẳng có chút kiên định nào của một kiếm tu, suốt ngày chỉ biết chưng diện làm đỏm, cả người sực nức mùi hoa hoa cỏ cỏ, hoàn toàn chẳng ngoa với cái danh "nương nương" mà đám sư đệ đặt cho. Một Nghiêm Tranh Minh như thế, vừa trưởng thành đã phải gánh trên vai bao thứ trách nhiệm nặng nề. Là trưởng môn của một môn phái bị truy sát, thứ y gánh là ngàn năm cơ nghiệp của Phù Dao, là mối thù diệt môn, là an nguy của đám sư đệ sư muội chẳng nên thân… Trách nhiệm đè nặng đến nỗi, y có muốn chết cũng chết không xong.
Nghiêm Tranh Minh thuở thiếu thời luôn thiên vị tam sư đệ Trình Tiềm mà y gọi là Tiểu Đồng Tiền hơn hẳn những sư đệ khác, trong những năm tháng nương tựa vào nhau mà sống khi sư phụ không còn, tam sư đệ Trình Tiềm như con sói hoang luôn tự ý hành sự này cũng là mối bận tâm lớn nhất của y. Nói Nghiêm Tranh Minh yêu Trình Tiềm từ lúc nào có lẽ chính y cũng không biết, chỉ biết rằng trong trăm năm chia lìa, Trình Tiềm cứ thế mà trở thành cái gai trong ngực y, là thứ tình cảm y vừa nâng niu vừa che dấu, chỉ sợ một khi lộ ra sẽ là vạn kiếp bất phục. Nghiêm Tranh Minh yêu Trình Tiềm, nhưng đủ thứ trách nhiệm không cho phép y nói lời yêu, khiến nó trở thành thứ tâm ma lớn nhất trong lòng y. Không biết bao nhiêu lần Nghiêm Tranh Minh tự nhủ, nếu như y không phải trưởng môn Phù Dao phái, nếu như Trình Tiềm không phải là sư đệ của y, phải chăng y sẽ không ngần ngại mà tiến đến? Nhưng chung quy, thiên hạ không có hai chữ “nếu như”.
Còn Trình Tiềm thì sao? Trình Nhị Lang thuở nhỏ xuất thân cơ hàn, bởi nhà quá nghèo mà bị cha mẹ bán cho một vị ‘chân nhân’ chẳng biết thật hay giả làm đệ tử, rồi được vị sư phụ ấy đặt cho cái tên Trình Tiềm, bắt đầu con đường tu hành xa không thấy đích. Cơ cực từ nhỏ, nên y cũng cay nghiệt từ nhỏ, không ngại dùng ánh mắt ác ý nhất để nhìn mọi việc trong thế gian. Thế nhưng, những năm tháng vô lo vô nghĩ trên Phù Dao sơn cùng sư phụ và huynh đệ đồng môn, những năm tháng đồng môn nương tựa vào nhau mà sống đã biến Trình Tiềm từ một đứa bé vì khuyết thiếu tình thương mà cay nghiệt trở thành con người một lòng sống chết vì sư môn.
Trình Tiềm luyến quyến sư phụ Hàn Mộc Xuân như đứa trẻ bám cha, coi Phù Dao sơn như nhà, xem sư huynh đệ là gia đình. Có lẽ suốt thuở thiếu thời Trình Tiềm chưa từng nghĩ đến một ngày mình sẽ phát sinh tình cảm với đại sư huynh, nhưng thời điểm nhận ra tình cảm của mình, y chọn cách thẳng thắn đối mặt. Trình Tiềm khác với Nghiêm Tranh Minh, y không có gánh nặng lớn như trưởng môn sư huynh, thế nên y tự do hơn Nghiêm Tranh Minh, cũng thẳng thắn hơn đại sư huynh của mình. Bởi vậy trong phần tình cảm này Nghiêm Tranh Minh là người rung động trước, nhưng Trình Tiềm lại là người mở lời trước, cũng là người thề ước trước: “Đệ không biết đối đãi huynh làm sao mới là tốt, nhưng vô luận thế nào, đệ quyết không phụ huynh.”
Tình cảm của họ là như vậy, đến chậm rãi mà tự nhiên. Là từ ngày đầu gặp nhau, khi Nghiêm Tranh Minh cảm thấy tam sư đệ thanh tú dễ nhìn rất thuận mắt nên đặc biệt ưu ái Trình Tiềm hơn hẳn đám sư đệ khác, còn Trình Tiềm lại cảm thấy đại sư huynh của mình thật phiền phức, như con chim trĩ tinh chỉ biết xoè đuôi làm đỏm. Cho đến khi chẳng biết từ khi nào, mùi hoa lan trên người Nghiêm Tranh Minh, thứ mùi hương Trình Tiềm từng chê phiền ấy lại là thứ mùi hương y luyến quyến nhất sau trăm năm chia lìa. Và cũng trong trăm năm ấy, Nghiêm Tranh Minh lòng mang tâm ma mà hoạ mãi một bức chân dung không thành…
"Lục hào" cũng là câu chuyện về tình người, cụ thể là tình đồng môn, tình thầy trò, tình huynh đệ. Là tình cảm ngây thơ của đám đệ tử dành cho vị sư phụ thích giả hồ đồ lại một tay che mưa chắn gió cho chúng, là cái tình của những đứa trẻ nương tựa vào nhau mà lớn, cái tình cảm có thể thấy rõ qua cách mỗi người cố chấp với Phù Dao sơn. Năm xưa trải bao cơ sự, khiến cho Phù Dao sơn bị phong lại mãi không thể mở ra, những đứa bé lớn lên từ Phù Dao lại vẫn luôn cố chấp một lòng với nơi này. Trình Tiềm tới chết vẫn một lòng muốn về Phù Dao sơn, Hàn Uyên dù đã đọa ma lại vẫn luôn quanh quẩn dưới chân Phù Dao chỉ để nghe được một chút âm thanh trong quá khứ… Suy cho cùng, cái mỗi người thực sự cố chấp, thực ra cũng không nằm ngoài “tình người”, là phần tình cảm bao năm gắn bó từ thuở thiếu thời.
Priest cũng đã khắc họa một thế giới tu chân chẳng toàn vẹn trong “Lục hào”. Xuyên suốt cả câu chuyện, một câu hỏi được đặt ra khiến người ta suy ngẫm: Cái mà các tu sĩ bấy lâu nay theo đuổi là gì? Phi thăng có thật hay không? Trường sinh rốt cục là gì? Phải chăng giống như lời vị sư phụ Hàn Mộc Xuân thích giả hồ đồ đã nói "chết và phi thăng chẳng có gì khác biệt" và phải chăng đó cũng là lí do Phù Dao phái xưa nay chỉ tu "nhân đạo"?
Cá nhân mình đánh giá "Lục hào" là tác phẩm ấn tượng nhất của Pi Đại, cả về nội dung lẫn tính triết lí. Câu chuyện trong "Lục hào" rất "gọn", mỗi nhân vật xuất hiện đều có vai trò riêng mà không làm loãng mạch truyện chính, và cũng nhờ thế mà truyện thể hiện được đạo lí "nhân"-"quả" ở đời.
Lảm nhảm đủ rồi, lời cuối mình chỉ muốn nói: Cảm ơn Priest, cảm ơn chị đã viết ra một câu chuyện như vậy khiến em không thể không yêu chị. Yêu chị nhiều lắm PiPi
---------------------
Người viết: Mắt Bão
Mời các bạn đón đọc Lục Hào của tác giả Priest.