Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Phê Phán Lý Tính Thuần Túy

"… Trong tất cả những tác phẩm của Bacon, Descartes, Hobbes, sau đó của Pascal, Leibniz, Locke, Hume, Rousseau, các tác phẩm của Fichte, Hegel, Nietzsche và tiếp theo đó của Frege, Russell, Heidegger và Wittgenstein, không có tác phẩm nào đã làm thay đổi và gây ảnh hưởng sâu đậm lên triết học cận và hiện đại Tây phương hơn "Phê phán lý tính thuần túy" (…) Mọi người đều cùng một nhận xét: kẻ nào nghiên cứu "Phê phán lý tính thuần túy", kẻ đó đã đến tận gốc rễ của triết học…" (Thái Kim Lan, Dẫn luận).

Nhận xét về Immanuel Kant (1724-1804), triết gia J. Hirschberger đã viết như sau: "Kant được xem là triết gia Đức lớn nhất, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời cận đại (Neuzeit), là triết gia của nền văn hóa tân thời (moderne Kultur) và của nhiều lĩnh vực khác nữa. Dù người ta có đánh giá Kant gì đi nữa, điều không thể chối cãi là ít nhất Kant đã nâng triết học Đức tiến lên một giai đoạn mới. Danh tiếng của ông đẩy lùi tất cả những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên những gì đi sau." Trong tòa nhà triết học của Kant, cuốn Phê phán lý tính thuần túy này được xem là tác phẩm chính yếu, đồng thời cũng là tác phẩm nền tảng của triết học cổ điển Đức, danh tác bất hủ của văn hóa Tây phương và thế giới - lần đầu tiên được nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn dịch đầy đủ sang tiếng Việt và được chú giải công phu nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất (1804-2004) và 280 năm ngày sinh (1724-2004) của triết gia.

Phê phán lý tính thuần túy là chỗ kết tinh những nhận định có tính phê phán đối với nhiều trào lưu triết học trước đó (từ Platon cho tới Christian Wolff), đồng thời là điểm xuất phát và điểm quy chiếu của triết học cổ điển (duy tâm) Đức (Fichte, Schelling, Hegel) và có ảnh hưởng sâu đậm đến sự phát triển của triết học và khoa học Tây phương cho đến ngày nay. Tác động của nó vượt ra khỏi lãnh vực chuyên môn của triết học. "Hai đặc điểm nổi bật của tác phẩm là: một mặt, việc phê phán Siêu hình học cổ truyền đã làm rung chuyển cơ sở siêu hình học-thần học của thế giới quan truyền thống và do đó, là diễn đàn của "lý tính con người" buộc mọi thứ phải phục tùng sự "kiểm tra và phê phán tự do và công khai". Mặt khác, tác phẩm phát triển những tiền đề cơ bản để nhận chân quyền tự do và tự trị của con người với tư cách là sinh vật có lý tính, tạo cơ sở cho sự tự-nhận thức về mặt đạo đức và pháp quyền của xã hội hiện đại."

Phê phán lý tính thuần túy khảo sát toàn bộ nhận thức của con người, không chỉ trong phạm vi lý thuyết của tư duy mà cả trong phạm vi thực hành của hành vi con người. Với Phê phán lý tính thuần túy,Kant muốn bàn về: tri thức con người thuộc loại tri thức nào? Con người có thể biết những gì và không thể biết những gì? Kant viết Phê phán lý tính thuần túy để vạch giới hạn cho lý trí con người, với mục đích chứng tỏ cho con người biết không thể dùng tri thức khoa học là sản phẩm của kinh nghiệm để đạt tới những đối tượng của Siêu hình học.

***

Phê phán lý tính thuần túy là tác phẩm chính yếu của I. Kant, đồng thời cũng là tác phẩm nền tảng của triết học cổ điển Đức, danh tác bất hủ của văn hóa Tây phương và thế giới – lần đầu tiên được dịch đầy đủ sang tiếng Việt và được chú giải công phu nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất và 280 năm ngày sinh của triết gia.

Mấy lưu ý của người dịch:

1) “Phê phán lý tính thuần túy” của Immanuel Kant được mọi người thừa nhận là tác phẩm nền tảng của triết học cổ điển Đức. Nó là chỗ kết tinh những nhận định có tính phê phán đối với nhiều trào lưu triết học trước đó (từ Platon cho tới Christian Wolff), đồng thời là điểm xuất phát và điểm quy chiếu của triết học cổ điển (duy tâm) Đức (Fichte, Schelling, Hegel) và có ảnh hưởng sâu đậm đến sự phát triển của triết học và khoa học Tây phương cho đến ngày nay.

Song, “Phê phán lý tính thuần túy” không chỉ là một tác phẩm “bắt buộc phải đọc” của những ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu triết học mà còn là một danh tác bất hủ của văn hóa Tây phương và của thế giới. Tác động của nó vượt ra khỏi lãnh vực chuyên môn của triết học. Hai đặc điểm nổi bật của tác phẩm là: một mặt, việc phê phán Siêu hình học cổ truyền đã làm rung chuyển cơ sở siêu hình học-thần học của thế giới quan truyền thống và do đó, là diễn đàn của “lý tính con người” buộc mọi thứ phải phục tùng sự “kiểm tra và phê phán tự do và công khai”. Mặt khác, tác phẩm phát triển những tiền đề cơ bản để nhận chân quyền tự do và tự trị của con người với tư cách là sinh vật có lý tính, tạo cơ sở cho sự tự-nhận thức về mặt đạo đức và pháp quyền của xã hội hiện đại.

Trong ba quyển “Phê phán” nổi tiếng của Immanuel KANT (Phê phán lý tính thuần túy; Phê phán lý tính thực hành và Phê phán năng lực pháp đoán), tác phẩm này có vị trí đặc biệt. Nó ra đời trước (1781), có nội dung rất phong phú, ngoài ra cũng dày và phức tạp nhất!. Xét về bản thân hệ thống, ta đều biết - và chính Kant xác nhận -, hai quyển sau mới bộc lộ phần tinh túy của triết học Kant, tuy nhiên, “Phê phán lý tính thuần túy” vẫn thường được xem là tác phẩm chính yếu gắn liền với tên tuổi Kant và là tiền đề để thực sự hiểu được hai tác phẩm sau. Nếu “Phê phán lý tính thực hành” (1788) (và gắn liền với nó là tác phẩm khá ngắn nhưng quan trọng: “Đặt cơ sở cho Siêu hình học về đức lý” (Grundlegung zur Metaphysik der Sitten, 1785) khẳng định tính “thứ nhất” (das Primat) của lý tính thuần túy thực hành và sinh hoạt đạo đức so với lý tính thuần túy lý thuyết để trả lời câu hỏi “Tôi phải làm gì?”; và “Phê phán năng lực phán đoán” (1790) - trong đó Kant bàn về Mỹ học và Mục đích luận - là “viên đá cuối cùng” (Schlussstein) để hoàn tất mái vòm của cả tòa nhà triết học (Tôi có thể hy vọng gì?), thì “Phê phán lý tính thuần túy” này (Tôi có thể biết gì?) là hòn đá tảng tạo nên cơ sở lý luận cho triết học Kant. Vì lý do đó, tôi chọn dịch và giới thiệu tác phẩm này trước. (Tác phẩm này đã được dịch - và chú giải - trong hầu hết các ngôn ngữ quan trọng trên thế giới. Ở Châu Á, riêng Nhật Bản đã có từ lâu hai bản dịch “Toàn tập Kant” và nhiều bản dịch khác nhau về các tác phẩm chính của Kant).

2) Bên cạnh vị trí then chốt của tác phẩm này trong triết học Kant, vị trí và ý nghĩa lịch sử của quyển “Phê phán lý tính thuần túy” càng nổi bật hơn khi được đặt trong toàn cảnh sự phát triển của triết học cận đại Tây phương. Từ thời cổ đại, triết học Tây phương không chỉ được hiểu như là “yêu thích sự minh triết” (philo-sophia), nhất là với Socrate (470-399 t.T.L) và Platon (427-347 t.T.L) mà còn là tri thức hay khoa học, nhất là từ Aristote (384-322 t.T.L). Không chỉ hướng đến cuộc sống thiện lương và hạnh phúc, triết học còn được quan niệm như sự thấu hiểu (episteme), qua đó câu hỏi về thế đứng của nó như là khoa học (scientia) và học thuyết (doctrina) đã sớm được đặt ra. Nhưng chỉ đến thời cận đại với sự ra đời của khoa học tự nhiên, câu hỏi về tính khoa học của triết học mới có tính thời sự cấp thiết. Các triết gia phải đáp ứng yêu cầu mang lại một “tri thức” nào đó, dù dưới hình thức này hay hình thức khác, bằng cách thiết lập nền móng mới mẻ cho triết học. Nhưng đồng thời, triết học vẫn muốn giữ vững yêu sách cố hữu của mình là một “scientia universalis” (“khoa học phổ quát”), tức không muốn và không thể trở thành một khoa học riêng lẻ bên cạnh những ngành khoa học khác mà cố gắng trở thành “khoa học của mọi ngành khoa học”. Từ bối cảnh ấy nảy sinh nhiều con đường khác nhau để tạo nên diện mạo mới cho triết học. Các con đường này đang xen nhau, khó tách bạch nhưng tựu trung có ba dạng:

- hoặc triết học tự vừa lòng với việc tập hợp những thành quả của các khoa học riêng lẻ, rồi tổng hợp chúng lại theo một trật tự nào đó. Con đường này ít được ưa chuộng, hoặc nếu có, chỉ là thứ yếu hoặc bị che đậy.

- hoặc triết học với tư cách là nhận thức luận hay khoa học luận có tính phản tư (reflexiv) nỗ lực rút ra các nguyên tắc của nhận thức (khoa học) theo kiểu nhận thức ở cấp độ cao hơn – gọi là nhận thức siêu-kinh nghiệm (transempirisch) hay siêu-hiện tượng (metaphänomenal), tức là nhận thức về nhận thức – nhằm lý giải các nguyên tắc của nhận thức nói chung. Con đường này là đặc trưng của triết học Anh.

- hoặc triết học với tư cách là một khoa học “đi trước” hay “khoa học nền tảng” (Fundamentalwissenschaft), dựa vào các nguyên tắc có giá trị phổ quát và hiển nhiên để đặt một nền móng vững chắc cho các khoa học thường nghiệm và toán học vốn chỉ có tính giả thuyết và trong chừng mực đó, đưa chúng vào một hệ thống. Đây là con đường của triết học Châu Âu lục địa.

Hai con đường sau đánh dấu sự ra đời một mặt của các lý luận về nhận thức và mặt khác, của các hệ thống siêu hình học đầu tiên của thời cận đại. Tuy về căn bản, cả hai con đường đều muốn vượt lên trên các khoa học riêng lẻ bằng một nền triết học dựa trên các nguyên tắc (có tính phản tư hoặc đặt nền tảng) nhưng đều không dẫn đến kết quả thực sự thuyết phục vì trong mỗi con đường đều tồn tại hay nảy sinh những vấn đề khó khăn không giải quyết được.

Sau Francis Bacon (1561-1626), John Locke (1632-1704) là người đầu tiên đề ra một môn nhận thức luận toàn diện, quy mọi ý niệm (ideas) của ta (kể cả những ý niệm về toán học và luân lý) vào tri giác cảm tính, mang lại một bước ngoặt nhân loại học và tâm lý học còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngày nay của triết học Anh. George Berkeley (1685-1753) và David Hume (1711-1776) tiếp tục phát triển luận điểm của Locke theo hướng “duy hiện tượng” và “thực chứng”, một mặt nhấn mạnh đến tính không thể chứng minh được về lý thuyết đối với mối quan hệ giữa những biểu tượng của ta với thực tại khách quan, mặt khác, đến sự tất yếu về thực hành phải giả định sự tồn tại của thực tại khách quan. Trong khi nhận thức luận duy nghiệm của Anh ngay từ rất sớm đã mang tính hoài nghi thì siêu hình học duy lý (có định hướng toán học) thống trị ở Châu Âu lục địa vẫn hoàn toàn vững tin vào những nhận thức “hiển nhiên” mang đậm tính giáo điều. René Descartes (1596-1650) tin rằng có thể xây dựng triết học thành một môn khoa học nền tảng, phổ quát, tức một hệ thống gồm những nguyên tắc hiển nhiên được rút ra từ lý tính thuần túy, hay nói khác đi, từ điều hiển nhiên duy nhất là sự tự-xác tín của Tự-ý thức, do đó Descartes còn được gọi là cha đẻ của Siêu hình học cận đại trong hình thức của triết học về chủ thể hay triết học về ý thức. Nhưng trong hàng ngũ của Siêu hình học duy lý cũng có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các mô hình khác nhau. Khác với “cái Tôi” của Descartes, Baruch Spinoza (1632-1677) xem Thượng đế hay Tự nhiên là Bản thể duy nhất và tuyệt đối, còn mọi thực tại khác đều là những thuộc tính và cách thái (Modi) của Bản thể này. Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716) lại giả định một số lượng vô tận của những bản thể đơn giản (“những đơn tử”/Monaden) chứa đựng toàn bộ thế giới như là hiện tượng trong những “tri giác” của chúng. Descartes và cả Spinoza, Leibniz đều cho rằng giả định của mình là hiển nhiên và Siêu hình học do mình lập ra mới là khoa học nền tảng đích thực. Nói khái quát, vào giữa thế kỷ 18, triết học Tây phương chứng kiến sự đối lập giữa hai “lề lối suy tư”: nhận thức luận duy nghiệm, hoài nghi kiểu Anh và Siêu hình học duy lý, giáo điều kiểu Châu Âu lục địa. Trong tình hình đó, Immanuel Kant (1724-1804) thấy bức thiết phải đặt lại câu hỏi về khả thể của Siêu hình học như là khoa học. Ông xem triết học của mình như là con đường thứ ba giữa thuyết giáo điều và thuyết hoài nghi, giữa thuyết duy lý và thuyết duy nghiệm. Quyển Phê phán lý tính thuần túy lý giải và khẳng định khả thể của khoa học thường nghiệm, đồng thời bác bỏ khả thể trở thành khoa học của Siêu hình học duy lý. Chỉ trong kinh nghiệm về cái “Phải làm”, tức trong lãnh vực đạo đức và nhân sinh của lý tính thực hành, ta mới có được sự tiếp cận nào đó với cái Tuyệt đối, qua đó cái Tuyệt đối (Thượng đế, tự do, linh hồn bất tử…) của tôn giáo cũng được quy về cho Đạo đức học. Mặt khác, với Kant, dù lý tưởng của triết học vẫn là tri thức có tính nguyên tắc và tính hệ thống, thậm chí là tri thức tổng hợp-tiên nghiệm, nhưng về cơ bản, triết học đã trở thành sự phê phán và tự phê phán toàn diện.

Ngay khi Kant còn sống, sự giải phóng về tôn giáo và chính trị nhờ vào phong trào Khai sáng và Đại Cách mạng Pháp đã tạo ra những kích thích mới mẻ về tinh thần và xã hội. Tư tưởng cộng hòa cách mạng lan tràn khắp nơi đòi hỏi thế hệ kế tiếp ngay sau Kant tiếp tục đi tìm một sự xác tín đầu tiên và tuyệt đối, một nhận thức “cao hơn” bằng cách quay trở lại với loại nhận thức tuyệt đối, tức một nền Siêu hình học tư biện mới mẻ với Johann Gottlieb Fichte (1762-1814), Friedrich W. Joseph Schelling (1785-1854) và Georg W. Friedrich Hegel (1770-1831). Dù một số luận điểm cơ bản của Kant bị các thuyết duy tâm tuyệt đối này phản bác và cải biến (nhất là đối với khái niệm “vật tự thân” vừa không thể nhận thức được, vừa vẫn tất yếu phải được suy tưởng), nhưng luôn lấy Kant làm điểm xuất phát và quy chiếu, nhất là vẫn giữ vững tinh thần phê phán của Kant. Và cũng chính tinh thần phê phán này của Kant sẽ thâm nhập vào tâm thức của các thế hệ triết gia sau đó, dẫn đến sự “sụp đổ” của hệ thống duy tâm tuyệt đối này vào nửa đầu thế kỷ 19 với sự ra đời mạnh mẽ của triết học hiện đại, khởi đầu với các tên tuổi lớn như Arthur Schopenhauer (1788-1860), Ludwig Feuerbach (1804-1872), Karl Marx (1818-1883), Sưren Kierkegaard (1813-1855) và Friedrich Nietzsche (1844-1900)… Có thể nói, “Phê phán lý tính thuần túy” với hạt nhân là tinh thần phê phán của nó đã khép lại một giai đoạn, mở ra một thời kỳ và tiếp tục gây ảnh hưởng sâu đậm đến tương lai. Tác phẩm có vị trí đặc biệt này, do đó, đáng được quan tâm một cách đặc biệt.

3) “Phê phán lý tính thuần túy” có hai ấn bản chính: ấn bản lần thứ nhất năm 1781 (thường gọi là bản A) và ấn bản lần thứ hai năm 1787 (thường gọi là bản B, Kant gọi là “ấn bản được chữa đi chữa lại nhiều lần”). Nhờ tác giả “chữa đi chữa lại”, bản B thường được dùng phổ biến làm căn cứ để nghiên cứu và trích dẫn. Trong bản B, Kant viết lại hoặc bổ sung thêm một số phần vốn khó hiểu hoặc quá vắn tắt trong bản A: viết Lời tựa mới, mở rộng Lời dẫn nhập, viết lại phần “Diễn dịch siêu nghiệm các khái niệm thuần túy của giác tính” (B130-B169), bổ sung chương “Về cơ sở phân biệt mọi đối tượng nói chung ra làm Phänomena [những hiện tượng] và Noumena [những vật tự thân” (B295-B315), viết lại phần “Võng luận của lý tính thuần túy” (B407-B431).

Bản dịch này căn cứ vào nguyên bản B (NXB FELIX MEINER VERLAG, HAMBURG, 1998). Các phần dị biệt còn lại trong bản A như vừa kể trên đều được dịch đầy đủ vì xét thấy chúng có tầm quan trọng riêng biệt. Như vậy, bản dịch này bao gồm trọn vẹn cả bản A lẫn bản B.

Để việc tra cứu và trích dẫn được thống nhất và thuận tiện theo thói quen của những nhà nghiên cứu về Kant, trên lề trái của mỗi trang đều có đánh số trang theo nguyên bản (Vd: B100 = trang 100 trong nguyên bản B xuất bản năm 1787, hoặc A100 = trang 100 trong nguyên bản A xuất bản năm 1781). Những chỗ không có khác biệt giữa bản A và bản B, chỉ được đánh số trang theo bản B để đỡ rườm.

4) Chú thích cuối trang: số Á Rập: (1); (2)… là chú thích của tác giả; dấu sao (*) là của người dịch (viết tắt: N.D). Phần chú thích của người dịch ở ngay cuối trang thường là để giải thích ngắn gọn các chữ khó giúp bạn đọc đỡ mất công tra cứu và đọc tiếp dễ dàng. Về nội dung chi tiết các thuật ngữ, bạn đọc có thể tìm thêm trong “Mục lục vấn đề và nội dung thuật ngữ” ở cuối sách. Dấu [ ] là phần nói thêm của người dịch để ý câu văn được rõ hơn, và do đó, không có trong nguyên bản. Để đỡ nhàm chán, tôi tự cho phép mình nhấn mạnh bằng cách in nghiêng hoặc in đậm một số từ và một số câu xét thấy quan trọng. Dịch thuật ngữ bao giờ cũng là công việc khó khăn nhất. Tôi cố tránh dùng các thuật ngữ quá mới lạ hay cầu kỳ và sau các thuật ngữ do tôi đề nghị dịch ra tiếng Việt thường có ghi thêm thuật ngữ trong nguyên tác tiếng Đức để người đọc tiện so sánh hoặc có thể đề nghị cách dịch khác tốt hơn.

5) Đọc và hiểu triết học cổ điển Đức trong nguyên bản là việc khá vất vả, thậm chí là một “khổ hình” như nhiều người thừa nhận. Tuy nhiên, công bình mà nói, văn Kant tuy nặng nề, phức tạp, nhưng rất mạch lạc và sáng sủa, có khi lại rất ý vị và duyên dáng (nhất là ở phần II: Học thuyết siêu nghiệm về phương pháp), chứ không đến nỗi vừa nặng nề vừa tối tăm, kỳ ảo như văn Hegel sau này. Trong khi dịch, tôi cố gắng tăng cường tính mạch lạc và sáng sủa đồng thời giảm bớt phần nặng nề. Nhằm mục đích đó, ở nhiều chỗ, tôi buộc phải chấm câu lại cho gãy gọn (câu văn ông thường rất dài, có khi hơn nữa trang giấy!) được đánh dấu | (ở những nơi đó, Kant viết liền một mạch hoặc dùng dấu (,) hay (;)), mặc dù cố theo sát, không bỏ sót điều gì cũng như không tùy tiện thay đổi trật tự câu văn. Về phần người dịch, dù sao, đây chỉ là cố gắng của một cá nhân nên thành thật mong các bậc cao minh chỉ giáo những chỗ sai sót không thể tránh khỏi trong khi chờ đợi sự ra đời của các bản dịch khác tốt hơn trong tương lai. Tuy biết là việc làm quá sức mình nhưng dịch và chú giải Kant thực ra chính là dịp để được tự học lại Kant phần nào mà thôi.

6) Kant thuộc số không nhiều lắm những đại triết gia đã lưu lại dấu ấn và ảnh hưởng lâu dài và sâu đậm trong lịch sử triết học. Do đó, tìm hiểu Kant về nội dung là rất cần thiết để hiểu triết học cận và hiện đại. Nhưng đồng thời, về phong cách diễn đạt, tính mạch lạc, chặt chẽ và có hệ thống trong các lập luận của Kant cũng là mẫu mực giúp ta làm quen với lối suy tư Tây phương - Âu Châu. Đọc Kant ngay trong nguyên bản là cách tốt nhất để tiếp cận trực tiếp với thuật ngữ và tản văn triết học.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đưa thêm phần Dẫn luận (giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm) ở đầu sách do THÁI KIM LAN viết và phần Chú giải dẫn nhập đi sâu hơn vào chi tiết do tôi soạn đặt ở cuối mỗi chương với mục đích khiêm tốn: giúp các bạn đọc mới lần đầu tiếp xúc với Kant đỡ phần nào bỡ ngỡ và lúng túng, mặc dù có thể không cần thiết với người đọc đã thành thạo. Phần Chú giải dẫn nhập sẽ tóm tắt những ý chính trong chương, giải thích các chỗ khó hiểu, sắp xếp lại những bước lập luận của tác giả cho dễ theo dõi, và trong chừng mực cho phép, có đề cập qua những cách lý giải khác nhau cũng như tình hình thảo luận hiện nay liên quan đến nội dung vấn đề đang tìm hiểu. Chú giải dẫn nhập - đúng với tên gọi - chỉ là phần trợ giúp cho người đọc, không có tham vọng tát cạn vấn đề, càng không nhằm đưa ra những nhận định, đánh giá vốn là công việc dành cho người đọc và của những công trình nghiên cứu chuyên sâu khác. Tuy nhiên, với những bạn đọc có ít thời gian, phần Chú giải dẫn nhập cũng có thể giúp có một cái nhìn khái quát và tương đối ngắn gọn về toàn bộ tác phẩm quá dài và khô khan này[1].

Đúng như nhiều người đã nhận định: đọc tiểu sử của Kant (ở cuối sách), ta có thể thấy buồn cười hoặc thú vị trước lối sống quá đơn điệu và âm thầm của ông, nhưng nụ cười ấy sẽ tắt dần khi đi vào đọc ông, vì để theo dõi được tư tưởng của Kant, nhiều lúc ta cảm thấy nghi ngờ về khả năng trí tuệ của chính mình!. Nhưng khi đã phần nào theo dõi được ông, quả thật ta bắt đầu thụ hưởng điều mà cổ nhân gọi là sự hỷ lạc về tinh thần!.

Là người đọc từ phương Đông, chúng ta đặc biệt cảm nhận niềm “hỷ lạc” ấy về cả hai mặt: cuộc đời và phong cách suy tưởng của Kant. Đó là một cuộc đời an nhiên và cao nhã của một bậc hiền triết sống nhất quán với tư tưởng và niềm tin của mình (trước khi mất vào tuổi 80, ông chỉ nói một câu: “Thế là tốt!” giống như thi hào Nguyễn Du của chúng ta). Về tư tưởng, ông nêu những vấn đề rất to tát nhưng với giọng điệu thân mật, ôn tồn, “tuần tuần thiện dụ” giúp ta đỡ “sợ”, để rồi lần lượt đề nghị giải quyết những câu hỏi lớn lao ấy một cách sâu sắc nhưng giản dị, khiêm tốn, cận nhân tình khiến ta không khỏi liên tưởng đến tinh thần “đạo bất viễn nhân” khá gần gũi của đức Khổng: “… Triết học chỉ làm sáng tỏ điều mà trước đây ta chưa thấy hết, đó là: đối với những vấn đề liên quan thiết thân đến mọi người, Tự nhiên không bao giờ thiên vị và sẵn sàng phân phối quà tặng cho mọi người chúng ta một cách công bằng, không phân biệt. Và đối với các cứu cánh cơ bản và tối hậu của con người, không có nền triết học cao siêu nào có thể hướng dẫn cho ta bằng sự hướng dẫn mà Tự nhiên đã phú bẩm cho lương năng bình thường nhất (Phê phán lý tính thuần túy, B859).

Mặt khác, chỗ mới mẻ đã nâng vị trí của Kant thành một trong số ít người đã tiên phong mở đường cho nên văn hóa hiện đại - cũng như cho công cuộc hiện đại hóa văn hóa - là ở năng lực tự phê phán toàn diện của con người[2] để: “Con đường triết học phải đi là con đường của sự minh triết, đồng thời cũng là con đường của khoa học, mà một khi đã được khai phá sẽ không bao giờ để cho bị vùi lấp lại và làm ta lạc hướng” (B878). “Sự đào luyện lý tính con người” (B879) là mục đích của Kant và cũng là lời mời gọi nhiều thế hệ người đọc thử tìm hiểu con đường ông đã khai phá ấy.

Bản dịch này được ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất (1804) và 280 năm ngày sinh (1724) của Kant là nhờ sự khuyến khích và giúp đỡ của nhiều người mà tôi xin phép được tỏ lòng biết ơn chung ở đây. Đặc biệt, xin cảm ơn: - chị Thái Kim Lan đã gợi ý việc dịch và tham gia tài trợ cùng với Ts. W. Bưhne (Trung tâm giao lưu Đức-Á) và Viện Văn hóa Goethe (Goethe-Institut) để ấn hành tập sách này; - ông bạn thân Trương Văn Hùng (Strassbourg, Pháp) đã góp nhiều ý kiến quý báu về việc dịch triết học Đức sang tiếng Việt và xem lại một phần bản dịch (tất nhiên, mọi sai sót là hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của người dịch); - Ông Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Nhà Xuất Bản Văn Học và Ông Lê Nguyên Đại, Giám đốc Công ty Văn Hóa Thời Đại đã khuyến khích và tận tình hỗ trợ việc xuất bản; - cử nhân Nguyễn Hiền đã giúp đỡ về kỹ thuật vi tính.


[1] Khi soạn Chú giải dẫn nhập, tôi có cố gắng tham khảo khá nhiều tư liệu để chọn cách lý giải nào xét thấy sát hợp nhất với tác giả, đồng thời sáng sủa, dễ hiểu cho người mới đọc lần đầu. Trong số này, tôi chủ yếu dựa vào bốn quyển từ dễ đến khó sau đây: - Ralf Ludwig: “Kant für Anfänger: Die Kritik der reinen Vernunft. Eine Lese-Einführung”/“Kant cho người mới bắt đầu: Phê phán lý tính thuần túy. Dẫn nhập vào việc đọc Kant”; Deutscher Taschenbuch Verlag (DTV 30135), Müchen, 1995. – Otfried Höffe: “Immanuel Kant”, trong loạt sách “Große Denker”/Các nhà tư tưởng lớn, C.H. Beck, München, 1983. – Georg Mohr và Marcus Willaschek (chủ biên, gồm nhiều tác giả): “Kritik der reinen Vernunft – Klassiker Auslegen, Band 17/18”/“PPLTTT” trong bộ “Lý giải các nhà kinh điển”, tập 17/18, Akademieverlag, Berlin, 1998. – Martin Heidegger: “Kant und das Problem der Metaphysik”/“Kant và vấn đề Siêu hình học”, Frankfurt/M 1973 (ấn bản lần 1, Tübingen 1929).

Vì Chú giải dẫn nhập không phải là một công trình nghiên cứu mà chỉ là phần trợ giúp cho người đọc, nên trừ những chỗ thật quan trọng, không dẫn chi tiết nguồn tham khảo vì e quá rườm. Xin nêu chung nguồn tham khảo chính như trên để bạn đọc được biết và, nếu cần, tự mình tìm đọc thêm.

[2] Nền văn hóa hiện đại (và “hiện đại hóa” văn hóa) có hai đặc trưng lớn: sự phi tập trung (thừa nhận các nền văn hóa khác và trong bản thân mỗi nền văn hóa cũng không còn một “trung tâm” duy nhất làm nhiệm vụ ban phát) và tính tự phê phán. Kant đã góp phần quyết định vào đặc trưng thứ hai này. (Xem thêm phần Chú giải và Herbert Schnädelbach: “Philosophie in der modernen Kultur” (Triết học trong nền văn hóa hiện đại). Frankfurt/M. 2000). (N.D).

Mời các bạn đón đọc Phê Phán Lý Tính Thuần Túy của tác giả Immanuel Kant.