John C. Maxwell là người mà tôi tự hào gọi là bạn.
Không hẳn vì ông là tác giả của hơn 50 cuốn sách về lãnh đạo và phẩm chất cá nhân, mặc dù con số này cũng khá ấn tượng. Cũng chẳng phải những lời khích lệ của ông đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người đánh giá lại các lựa chọn và ưu tiên của mình, cho dù việc đó rất quan trọng. Và cũng không phải do ông là con người của những nguyên tắc và lòng tin, cho dù đó là những đặc tính đáng ngưỡng mộ. Tôi tự hào gọi John là bạn bởi ông là người hiểu rằng trên tất cả, sống là học hỏi và sử dụng những bài học đó để trở thành người quản lý tốt hơn, nhân viên tốt hơn, cha mẹ tốt hơn, anh chị em tốt hơn, người bạn tốt hơn, người hàng xóm tốt hơn và con chiên ngoan đạo hơn.
Triết lý này trở thành nền tảng của cả đời tôi và tôi biết ơn John đã luôn cống hiến để là người nhắc nhở vĩ đại rằng chúng ta có thể học hỏi nhiều và tốt hơn thế nữa. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình là một huấn luyện viên mà tôi xem mình như một thầy giáo, còn lớp học tiểu học của tôi là sân bóng rổ. Tuy vậy tôi cũng hiểu rằng mình suốt đời vẫn là người học trò. Tôi cố gắng mỗi ngày để học hỏi điều mới, có cách nhìn khác hoặc để nắm bắt những hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới. Tư duy đó sẽ giúp đầu óc ta có được sự trẻ trung, lạc quan và vui vẻ. Cứ mỗi lần John tới gặp tôi, tập giấy nhớ màu vàng của ông đầy những câu hỏi mà ông ấy định đặt ra cho tôi. Tôi không khỏi bật cười với hình ảnh một trong những chuyên gia tư vấn hàng đầu thế giới vẫn luôn háo hức tìm hiểu các thông tin chi tiết và sẵn sàng đặt câu hỏi để có được những thông tin đó. Đây là cách ghi nhớ tuyệt vời mà tôi cũng sẽ học theo.
Xét cho cùng thì việc ta được trao bằng không có nghĩa là ta ngừng học hỏi. Trên thực tế thì đó mới là thời điểm quá trình học tập bắt đầu. Những bài học trên lớp không phải thứ ta mang theo suốt đời, chúng chỉ cung cấp cho ta công cụ cơ bản để đối mặt với thế giới thực bên ngoài bốn bức tường phòng học. Thế giới thực đó sẽ khiến bạn đau đớn. Sẽ làm tổn thương bạn. Đôi khi nó sẽ xô đẩy bạn, làm bạn bầm dập; khi khác nó lại khiến bạn choáng váng vì ngạc nhiên. Những thất bại đó tấn công bạn với mọi hình hài và kích thước, trong mọi khía cạnh của cuộc sống từ vấn đề tài chính cho tới trái tim, sức khỏe của bạn, và hơn nữa nó lại là thứ được đảm bảo. Cái không được đảm bảo chính là cách bạn phản ứng lại với những thách thức đó.
Như những gì John bàn luận trong cuốn sách này, có sự khác biệt lớn giữa những người biết học hỏi từ thất bại của bản thân với những người không làm được điều đó. Bạn có muốn tinh thần của mình sa sút, mệt mỏi đến mức chẳng còn sức lực gì nữa? Hay bạn muốn nắm lấy cơ hội được học tập, đánh giá và cân nhắc vấn đề vừa xảy ra và sử dụng tri thức đó để trang bị cho bản thân có thể ứng phó với cuộc đời?
Những nguyên tắc cần thiết cho việc học hỏi mà John nêu trong cuốn sách này là kết quả của những quan sát vô cùng sâu sắc như cách thức diễn tiến của một quá trình và ông chỉ ra một cách chính xác tính cách hay thuộc tính nào sẽ ra đời từ quy trình nào. Bằng cách phân tích “ADN của những người biết học hỏi”, mà thực tế là ông đã thực hiện rất súc tích, John dẫn dắt và giới thiệu cho ta những yếu tố cần thiết để đối phó với những kiểu thất bại khác nhau, biến những bài học đó thành vũ khí lợi hại vừa giúp ta tránh né, phòng thủ lẫn phản công những thách thức trong tương lai.
Tôi cá là bất kỳ ai vừa trải qua cảm giác thất bại, thất vọng hoặc vừa nhận tin xấu (nói chung là bất kỳ ai có mặt trên Trái đất này) sau khi đọc thông điệp của John chắc chắn sẽ tìm ra ít nhất một quan điểm có thể thay đổi mạnh mẽ những gì họ hình dung về những khoảnh khắc đen tối của cuộc đời mình.
Nếu ta làm theo lời khuyên của John và học cách xem những thất bại như cơ hội để phát triển thông qua học hỏi thì ta sẽ trở nên bất bại. Cuộc đời chứa đầy những thất bại nhưng nếu được trang bị phù hợp, ta sẽ vượt qua được những thất bại đó. Bởi khi một người rút ra được điều gì đó quý giá từ những giây phút khó khăn, họ sẽ tự giải thoát mình khỏi sự kiểm soát của hoàn cảnh đó đối với tâm trí, thân thể, trái tim và tâm hồn mình.
Những trang sách này không chỉ là cuốn cẩm nang chỉ dẫn cách thức vượt qua những giai đoạn khó khăn, nó còn trao cho ta món quà giá trị nhất: hy vọng.
***
John C. Maxwell là nhà sáng lập của Tập đoàn INJOY, một tổ chức giúp mọi người phát huy tối đa tố chất cá nhân và tiềm năng lãnh đạo. Ông là tác giả của một loạt cuốn sách nằm trong danh sách bán chạy của New York Times, cũng là sách bán chạy trên bảng xếp hạng của Business Week.
Các tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam:
***
Nhiều năm qua tôi đã có cơ hội gặp gỡ thường xuyên với John Wooden, cựu Huấn luyện viên bóng rổ của đội UCLA. Mỗi lần gặp, tôi thường dành nguyên một ngày để chuẩn bị những câu hỏi cần đặt ra. Tôi biết đây là một đặc ân hiếm hoi để học hỏi nhiều điều từ một nhà tư vấn như ông.
John vô cùng tốt bụng và sâu sắc. Lần cuối gặp nhau, ông hỏi tôi đang làm gì. Lúc đó tôi vừa mới phác thảo xong dàn ý của cuốn Học từ thất bại và vô cùng hào hứng với cuốn sách. Tôi lấy ra vài trang của cuốn sách và đưa ông xem, giải thích cặn kẽ chủ đề cuốn sách cũng như động lực giúp tôi viết nó.
“Ý tưởng này thật tuyệt vời. Anh có thể giúp mọi người bằng cuốn sách này.” Ông nói và sau đó còn khiến tôi ngạc nhiên hơn khi đề nghị “Tôi có thể viết lời giới thiệu cho cuốn sách được không?”.
Thật vinh dự! Dĩ nhiên là tôi đồng ý.
Ông đã viết lời giới thiệu như đã hứa và ông mất chỉ vài tháng sau đó. Tôi cảm thấy mình thật vinh dự khi nhận ra đó có thể là một trong những câu chữ cuối cùng ông viết.
Đó là hoàn cảnh câu chuyện John Wooden viết lời giới thiệu cho cuốn sách. Tôi rất biết ơn những quan điểm của ông. Có thể ông ra đi trước chúng ta nhưng chắc chắn ông sẽ không bao giờ bị lãng quên.