Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Thanh Long Đồ Đằng

Thể loại: Đam mỹ, sư đồ niên hạ, cung đình hầu tước quyền mưu, giang hồ ân oán.
Độ dài: 110 chương
Editor: Sentancuoithu

Truyện này không có văn án, mọi người muốn biết diễn biến câu chuyện thì mời nhảy hố. Tuy nhiên, mỗ đảm bảo không thua kém Đoạ Tiên chút nào, còn có chút lôi cuốn hơn!

Nguyên tắc của mỗ: Đam mỹ cổ trang, mỹ nam tử, chung tình 1×1, không phụ tử/huynh đệ, không nhược thụ, không cao H (nếu H cũng phải thanh thủy văn), không luyến đồng, quan trọng nhất là HE, người có tình thân sẽ thành quyến thuộc. Con tym mỗ vốn mong manh dễ vỡ a!

***

[Review] Thanh Long đồ đằng
ON 13 THÁNG TƯ, 2021 BỞI BERYLTRONG REVIEW ĐAM MỸ

Tác giả: Hoài Thượng

Editor: Sentancuoithu

Bản quyền: Đã có sách, kịch truyền thanh, ký kết game, phim truyền hình, phim hoạt hình

Thể loại: cổ đại, cung đấu, giang hồ, hơi huyền huyễn, cường cường, niên hạ

Couple: Đan Siêu x Tạ Vân (song khiết)

Trung khuyển tướng quân công x Nữ vương tà mị mỹ nhân thống lĩnh cấm quân thụ

Truyện không có lôi gì cả, công yêu từ bé, thụ đoạn đầu cứ tưởng có gì đó ám muội với mấy nhân vật khác nhưng sau được giải thích rõ, chả có gì cả, mối tình đầu là công, khiết, có một nhân vật phụ tự bổ não, tức ghê, không phải lôi, editor cũng có giải thích, hãy đọc kỹ

Niên hạ: thụ là sư phụ của công, hơn nhau khoảng 7-8 tuổi (truyện không nói rõ, tui chỉ đoán xấp xỉ thôi)

Vậy là vào một ngày chủ nhật đẹp trời tui đã hoàn thành tác phẩm đồ sộ này.

Truyện khá là hay, có điểm tui thích và có những điểm tui không thích. Vì tác giả miêu tả nội tâm nhân vật không nhiều (nhất là Tạ Vân) nên tui sẽ có một đoạn tâm lý nhân vật bên dưới (quan điểm cá nhân, đúng hay không chỉ có thể hỏi mẹ đẻ)

Điểm mà tui thích:

Hoài Thượng viết rất là chắc tay, rất thích nội dung truyện, cách dẫn dắt của tác giả. Có khá nhiều cách để gây hấp dẫn, trong truyện này là đảo lộn timeline, quá khứ hiện tại đan xen trong sự mơ hồ về ký ức của công.

Hoài Thượng thích viết chủ công mà, gu của chị có vẻ như là thụ đứng trên cao, một người rất khó với tới, công thì từng bước cố gắng để sánh vai với thụ nên tâm lý Đan Siêu sẽ được miêu tả rõ nét hơn.

Tuy nhiên cổ đại có vẻ như không phải sở trường của chị (chỉ có 2 bộ tính đến hiện tại) nên phong cách viết khá là khác với mấy bộ hiện đại. Truyện mang hơi hướng cổ phong, có một cái gì đó rất buồn, như một thư tịch phủ bụi, lối văn chủ yếu là tự sự thôi cho nên nội tâm nhân vật hơi ít, độc giả chỉ có thể hình dung qua những hành động của nhân vật (hack não độc giả ghê, lại là phong cách đào hố để đấy của các đại thần). Vì vậy, cảm nhận của tui về nhân vật cũng không quá gần gũi, đọc truyện cứ như một bộ cung đình bí sử chi tiết vậy, cảm giác giống xem phim hơn.

CÓ SPOIL:

Nói về thụ trước đi, Tạ Vân, sinh ra là Ẩn Thiên Thanh (Thanh Long ấn không thuần chủng). Tương truyền có 4 dòng tộc Bạch Hổ, Huyền Vũ, Thanh Long, Phượng Hoàng mang trong mình sức mạnh cường đại, dấu ấn phân biệt chính là hình xăm hiện trên cơ thể khi khai ấn. Cũng tương truyền rằng, người muốn đi lên ngôi cửu ngũ chí tôn cần có Thanh Long phò trợ (Tạ Vân phò trợ chính là Đan Siêu). Nhưng 4 tộc này từ xa xưa đã luôn mâu thuẫn nên gần như biến mất, số lượng tộc nhân còn lại rất ít.

Tạ Vân
Tuy nhiên, trong cuộc đời Thanh Long (3 tộc khác cũng thế), số lần khai ấn có hạn, cố vượt hạn mức thì sẽ chết. Tương truyền, có loại cây Phược long thảo có thể ép buộc Thanh Long khai ấn, vậy muốn kháng cự khai ấn thì làm thế nào? Có rất nhiều biện pháp nhưng hữu hiệu nhất chính là chịch, và từ đó chúng ta đã có màn H lần 2 của cặp đôi chính.

Ok, thôi giải thích thân thế vậy thôi. Tạ Vân từ nhỏ mất mẹ (mẹ cũng là Thanh Long tộc nhân), được Doãn Khai Dương – chưởng môn Ám môn thu dưỡng, rèn luyện khổ cực phục vụ cho Ám môn. Ám môn có thể hiểu là một tổ chức mật thám chuyên phò trợ hoàng đế hoặc người được chọn làm hoàng đế.

Trong lần suýt chết khi đang làm nhiệm vụ của Ám môn (khỏng 8 tuổi), Tạ Vân gặp Võ Tắc Thiên (chưa lên làm hoàng hậu) ở Cảm Nghiệp tự (chùa), Võ thị cho y nước, thức ăn, cứu y 1 mạng, Tạ Vân ghi nhớ suốt đời, nguyện trung thành tận tâm với Võ thị. (Võ thị cũng coi y như con vậy)

Trong một lần cung đấu, Tạ Vân (17-18 tuổi) phải chịu tội đi đày ở Mạc Bắc, tại đây y gặp Đan Siêu – một thiếu niên nô lệ rất khổ cực. Tạ Vân cứu cậu một mạng, thu dưỡng cậu làm đồ đệ, dạy viết chữ, võ công. 2 người cùng sống những năm yên bình nơi Mạc Bắc.

Đan Siêu thật ra chính là con của Võ hậu và Tiến đế Thái tông, vì lý do khắc thân nhân mà bị vứt đến Mạc Bắc, sống cuộc đời nô lệ khổ cực, cho đến lúc gặp Tạ Vân mới biết cái gì là hạnh phúc, yên bình và tình yêu. (Tạ Vân lúc này cũng biết Đan Siêu yêu mình nha)

Nhưng tất nhiên yên bình cũng không lâu. Trong một lần cung biến, Võ hậu phát hiện ra điềm báo Đan Siêu có thể là người ngăn chặn mình bước lên ngôi Hoàng đế, bèn hạ lệnh cho Tạ Vân giết. Và chúng ta đã có một câu chuyện quá khứ ngược luyến tình thâm. Tạ Vân do dự giữa giết và lợi dụng Đan Siêu sau này làm đường lui cho mình, và y chọn cái sau. Y phong ấn ký ức của Đan Siêu (lúc đó khoảng 17-18), một đường trốn thoát về thành Trường An, gửi hắn trong một ngôi chùa (quên tên òi) mong hắn sống cuộc đời tu tâm dưỡng tính yên bình.

Và đây, cuối cùng cũng đến timeline đầu truyện, trong một lần cung đấu, Đan Siêu rất có khả năng thành đối tượng bị vu oan giá họa mất mạng, Tạ Vân bèn giúp Đan Siêu thoát chết, từ đây 2 người dây dưa không dứt.

Thế thôi nhé, muốn biết timeline hiện tại thì nhảy hố thôi, tui chỉ nói về thân thế 2 người thôi. Quyển 1 sẽ đưa độc giả đến giang hồ võ lâm, quyển 2 và 3 chính là cung đấu.

Phong cách của Hoài Thượng vẫn không thay đổi, vẫn là 2 nhân vật chính tự ngược nhau, vẫn là những tình tiết gây ức chế đầu truyện và càng đọc về sau càng hay.

Có một câu trong truyện mà tui rất tâm đắc về tình cảm của 2 nhân vật chính (về cuối mới thể hiện rõ):

“Hắn một đời này tu qua Phật pháp, cũng cầm binh đánh giặc, từng làm nô lệ, cũng làm Đại tướng quân. Vạn dặm hoang mạc tái ngoại cùng Trường An cửu ngũ chí tôn đều đã trải qua. Bất luận hắn ở nơi nào, là thân phận gì, Tạ Vân đều vẫn luôn ở bên hắn, sau khi chết cũng thế.”

Đánh giá về tổng thể truyện rất hay, tui rất thích nội dung và cách xây dựng truyện, nhân vật của tác giả. Nếu như không có mấy điểm mà tui không thích sau thì chắc chắn đây sẽ là một bộ truyện tui tâm đắc mà đọc lại lần nữa.

Điểm tui không thích:

Tại sao tác giả cứ phải cho mấy thằng nam phụ vào vậy, khó hiểu vcl.

Mặc dù phế vật nam phụ (Cảnh Linh) chưa chấm mút được cái éo gì nhưng nó cứ tự bổ não cảnh chịch của nó với thụ (kiểu nó chịch thằng khác xong nó cố nghĩ thằng khác đấy là thụ để dục vọng nó high á), điên tiết vãi, cứu, nếu bỏ mấy tình tiết đấy đi thì truyện đọc sảng khoái hơn nhiều.

Mà sao phế vật họ Cảnh đấy sống dai thế không biết, mấy lần đánh nhau với thụ, miêu tả kiểu kinh mạch đứt đoạn, máu chảy ròng ròng, cứ như éo là người nữa mà một thời gian sau vẫn sống nhăn răng vậy ??? Còn hạ xuân dược thụ nữa chứ. ĐM thứ hạ đẳng.

Mà đoạn này rất là OOC nhân vật phụ nhá, tâm lý của nó thiên về ngưỡng mộ cùng ganh tỵ muốn vượt qua nhiều hơn là tình cảm mà, cho nên đoạn nó hạ xuân dược thụ cảm thấy thật ba chấm, chắc tác giả cố tình đẩy vào để chúng ta được thấy màn H đầu tiên của 2 nhân vật chính một cách không quá miễn cưỡng đây mà.

Dành cho những bạn đã đọc, cảm nhận tâm lý Tạ Vân:

Trước tiên là màn giết đi giết lại Đan Siêu nơi Mạc Bắc đi, như tui đã nói, đó là sự do dự của y giữa giết và lợi dụng (chắc có cả tình cảm xen lẫn nữa) và cuối cùng y chọn cái sau.

Tiếp theo là màn giả gái của Tạ Vân, chắc là che giấu thân phận tiện thể bẻ thẳng công, nhưng không, công nó éo thẳng lại được nữa rồi, nó chả có cảm xúc gì với một cô nương xinh đẹp tuyệt trần như vậy cả.

Tiếp theo là màn cho thuộc hạ quyến rũ công và dẫn công đi thanh lâu. Có thể đây cũng là Tạ Vân thử thách tình cảm của công và cũng thử thách chính mình. Vì để bước lên ngôi Hoàng đế thì không thể có dù chỉ là thứ tình cảm nam nữ chứ đừng nói là đoạn tụ. Tất nhiên là cũng chả có đoạn chấm mút nào rồi, Đan Siêu thì vẫn rung động bởi Tạ Vân. Tạ Vân cũng chỉ đành mặc kệ thứ tính cảm trái luân thường đạo lý này.

Ok thế là hết mấy đoạn tui ức chế rồi. Bài review khá là dài tại truyền nhiều hố quá mà.

Artist: 张壮壮士 Eary果果 icearuze1997 霜白黧黑

VUI LÒNG KHÔNG MANG ĐI NƠI KHÁC

25.10.2020

Beryl - berylss.wordpress.com

***

Tác giả: Hoài Thượng. Editor: sentancuoithu
Thể loại: Đam mỹ cổ đại, lịch sử, hư cấu, cung đấu, cường cường, chung tình, HE
Đánh giá: Hay ngang bằng Ma Đạo Tổ Sư! (Điểm: 13/10)
Nguồn: lilian357.wordpress.com

Gần đây Biển học được 1 từ mới: lọt hố, nghĩa là sa vào việc đọc mê mẩn 1 bộ truyện nào đó. Nghĩ cũng đúng, đọc thử vài trang / vài chương rồi bị lọt hố 1 cách tự nguyện vui vẻ luôn. Hôm trước vừa viết review lần 2 cho Ma Đạo Tổ Sư, cứ nghĩ rằng đó sẽ là bộ đam mỹ / bộ truyện hay nhất 2018 Biển từng đọc, nhưng chưa đầy 2 ngày sau thì phát hiện ra bộ Thanh Long Đồ Đằng, còn muốn hay hơn MĐTS, và hay hơn nhiều so với Đế Vương Công Lược.

Tổng quan nội dung: Thanh Long Đồ Đằng là câu chuyện về mối duyên giữa Thống lĩnh cấm quân Tạ Vân và nam tử Đan Siêu, đặt trong bối cảnh ba đời Hoàng đế Đại Đường. Mối duyên (không biết là lương duyên hay nghiệt duyên) kéo dài từ lúc Đan Siêu còn là tiểu tử yếu ớt bị bán làm nô lệ nơi hoang mạc ngàn dặm cát vàng phía Bắc, được thanh niên Tạ Vân chuộc về nuôi nấng dạy dỗ. Công ơn như núi, Đan Siêu đối với Tạ Vân sớm nảy sinh lòng kính ngưỡng xen lẫn chân tình trong trẻo của tuổi trẻ. Nhưng đến một ngày, Tạ Vân cầm Thất tinh Long Uyên kiếm một mực muốn giết Đan Siêu đang vết thương đầy người quỳ trên cát vàng… Hai năm sau, Đan Siêu ký ức bị phong bế, thanh tịnh làm một đại sư trong Từ Ân tự, một buổi tối tình cờ gặp kiệu của Thống lĩnh cấm quân đi ngang, màn kiệu vén lên, để lộ một gương mặt vốn đã khắc sâu trong tâm tư của hắn suốt cả thời thơ ấu.

Tạ Vân: y __ Đan Siêu: hắn (thống nhất xưng hô cho dễ nhớ)

TẠ VÂN: Nhân vật thụ này cường đến mức ban đầu Biển cứ nghĩ y là công. Tác giả miêu tả vẻ đẹp của Tạ Vân tà mị cứ như hồ ly tinh, phong cách làm việc quyết đoán, ra tay tàn độc, thành thạo mưu ma chước quỷ trong triều đình. Cả bộ chính văn 110 chương + 2 phiên ngoại, Tạ Vân không lần nào nói yêu Đan Siêu, trong khi người kia từ lúc rất nhỏ đã đem lòng mê luyến y, nhưng ngẫm kỹ lại thì suốt cả đời Đan Siêu luôn có Tạ Vân đồng hành, nhiều lần cứu tính mệnh của nhau. Tạ Vân từ nhỏ đã chịu ơn Võ Hậu, thân bất do kỷ, trước mặt Đan Siêu suốt ngày cứ lấy lý do “tại ta ích kỷ, tham quyền lực vinh hoa phú quý” để giải thích cho những hành động của mình, nhưng theo cảm nhận của Biển thì y là một người trung thành tận tâm và không thiếu lòng nhân ái, chỉ vì thời cuộc đưa đẩy, y lại hiểu rõ chỉ kẻ mạnh mới có thể tồn tại, nên đành cắn răng bỏ mặc những sinh mệnh yếu đuối lâm vào tuyệt diệt. Rất nhiều lần, những hành động của Tạ Vân khiến Biển tức tối hoặc đau lòng thay cho Đan Siêu, nhưng đã sống trong loạn thế, chỉ cần mềm lòng hoặc sơ sẩy một ly thì sẽ lập tức rơi vào cảnh vạn kiếp bất phục, nên Biển cũng cố gắng thông cảm cho Tạ Vân!

ĐAN SIÊU: Truyện này có vẻ hơi ngược công, từ đầu đến cuối toàn thấy Đan Siêu bị Tạ Vân ăn hiếp (tuy thật sự thì Tạ Vân mới là người bị “ăn + hiếp”). Cũng giống như với bộ Ma Đạo Tổ Sư, trong bộ Thanh Long Đồ Đằng thì Biển thích thụ hơn công, dù Tạ Vân khá ác liệt chứ không ngoan hiền dễ thương như Ngụy Vô Tiện (cái tên ma đạo tổ sư đó mà ngoan hiền dễ thương???). Tuy thích thụ hơn công nhưng Biển vẫn công nhận hình tượng Đan Siêu trong truyện này phải nói là được xây dựng hoàn hảo. Hắn từ lúc còn bọc trong tã lót bị song thân sai người ngàn dặm vứt ra chốn hoang mạc, trở thành nô lệ bị trói bị đánh, lúc tưởng sắp mất mạng thì được sư phụ cứu, đem về nuôi dưỡng dạy dỗ, ở nơi đại mạc cây cỏ không mọc nổi mà sư phụ còn dạy được hắn đọc sách viết chữ. Đan Siêu ôm mối chân tình suốt 20 năm, trải qua núi đao biển lửa cùng địa ngục nhân gian, từ từ bồi dưỡng chính mình trở thành nam nhân trưởng thành mang sức mạnh cường đại, anh tuấn khí phách. Điều Biển thích nhất ở nam nhân này là hắn không hề ngốc, từ một hài tử nô lệ nơi hoang mạc trở thành đại sư trong chùa, rồi thành đại tướng quân chinh chiến sa trường, lúc nào hắn cũng dùng những kiến thức sư phụ dạy kết hợp với tư chất thiên phú của bản thân để đối nhân xử thế, biết người biết ta. Điều thứ hai Biển thích ở Đan Siêu là hắn chung tình, tình cảm cả đời đều dành cho duy nhất một người. Biết rằng chỉ là nhân vật trong sách, nhưng nữ nhân mơ mộng như Biển đương nhiên là đọc cũng không tránh khỏi mộng mơ một chút.
“Hồi bẩm Thánh thượng, là thần trước kia khi lưu lạc nơi Đại Mạc định ra hôn ước, hiện giờ đã có hơn mười năm. Tuy rằng bởi vì đủ loại nguyên nhân vẫn chưa cưới qua cửa, nhưng bất luận thương hải tang điền, thế sự biến thiên, thần trong lòng thủy chung chỉ ái niệm một người đó. Hy vọng một ngày có thể quang minh chánh đại mà tiến đến nghênh thú. Nguyện vọng này đến chết cũng không thay đổi”.

Cả hai nhân vật chính đều được xây dựng hình tượng đặc sắc, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Võ Tắc Thiên trong truyện này tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng được tác giả khắc họa sinh động, lột tả được bản chất gian hùng của một vị nữ nhân chính khách lưu danh kim cổ. Một điều nữa Biển thích trong Thanh Long Đồ Đằng là các nữ phụ không quá đáng thương. Không có nữ phụ nào ôm mối tình vô vọng với hai nam chính, cũng không có cảnh khóc lóc nhõng nhẽo rợn người =)). Khoảnh khắc rơi lệ duy nhất và thấm thía nhất trong truyện là khi Đan Siêu khóc vì Tạ Vân. Đừng vội thất vọng hoặc chán nản khi nghe nói công rơi lệ, hãy đọc để biết công rơi lệ trong tình huống nào, sau đó sẽ càng rung động mãnh liệt trước độ hay của câu truyện này.

Vì truyện có yếu tố huyền huyễn nên dĩ nhiên cũng có những cảnh miêu tả nội lực thâm hậu, đánh nhau toàn dùng khinh công, tốc độ mắt người không nhìn kịp, Thanh Long Huyền Vũ hiện nguyên hình đại chiến… nhưng đọc vẫn có cảm giác rất chân thực, không ảo ảo như các bộ của Nhĩ Nhã. Trước giờ Biển ghét đọc truyện / xem phim có yếu tố cung đấu, nhưng khi lọt hố bộ Thanh Long Đồ Đằng thì Biển thản nhiên bình tĩnh “đi” hết 112 chương truyện cung đấu mà không bỏ lỡ đoạn nào. Đọc mới thấy chỗ nào có nhân tâm thì chỗ đó có thị phi, phàm là người địa vị càng cao mà càng thiếu nhân đức + tư cách thì chỉ khổ cho con dân hèn mọn. Kẻ làm vua có thể vì quyền lực của mình mà chiếm đoạt bao nhiêu nữ nhân cũng được, sau đó lại vì quyền lực mà coi rẻ sinh mệnh của cả con ruột, đuổi tận giết tuyệt cả nhi tuổi nhỏ tuổi. Càng đọc thì Biển càng nghĩ đến một vấn đề: Giang sơn càng rộng lớn thì cần đến cả bộ máy lãnh đạo chứ không thể dựa vào sức một người mà cai trị, nhưng từ xưa đến nay chưa thấy bộ máy lãnh đạo nào đồng lòng vì giang sơn, mỗi kẻ đều vì bản năng mà vun vén cho chính mình, tranh đoạt danh lợi cho bản thân, phải chăng vì vậy mà thế gian này từ quá khứ đến hiện tại đến tương lai chẳng bao giờ trở thành thiên đường nơi người người tương thân tương ái với nhau được?

Tuy biết sẽ có nhiều ý kiến phản đối khi Biển đem các bộ kiếm hiệp đam mỹ của các tác giả hậu bối ra so sánh với tác phẩm kiếm hiệp kinh điển của các vị tiền bối, nhưng những bộ đam mỹ mà Biển đã kiên nhẫn đọc hết quả thật rất xuất sắc. Truyện kiếm hiệp của các tiền bối thường hay phong kiến quá mức, trọng nam khinh nữ, hoặc xây dựng hình tượng các nhân vật nữ nếu không chảnh cún, xin lỗi, chảnh mèo thì cũng ngu ngốc mít ướt hoặc lụy tình quá mức, ngoài khóc lóc đi tu hoặc mặt lạnh đi giết người vì tình thì chả nghĩ ra cách nào khác để tiếp tục sống. ____ Trong khi, những bộ kiếm hiệp đam mỹ của các tác giả hậu bối mà Biển từng đọc đều có cốt truyện và lối kể truyện mới mẻ, không đi vào lối mòn chỉ toàn H văn (cảnh hot) như một số truyện đam mỹ tầm thường khác. Có lẽ vì các tác giả cũng còn trẻ hoặc chỉ chớm trung niên nên hiểu rõ xu hướng và sở thích đọc của người trẻ. Đọc các bộ truyện Ma Đạo Tổ Sư, Thanh Long Đồ Đằng và Đế Vương Công Lược, Biển thường xuyên tự hỏi tác giả là bậc cao nhân như thế nào mà viết được những áng văn khiến nhân gian phải kinh ngạc ngưỡng mộ như vậy.

Ban đầu Biển đọc thử Thanh Long Đồ Đằng là vì tựa truyện, có những tựa sách và bìa sách chỉ cần nhìn vào thì có cảm giác truyện sẽ hay (ừ thì thỉnh thoảng cũng gặp tình huống ngược lại), thêm một lý do kiên nhẫn đọc tiếp là vì Nguyên Tắc Edit của dịch giả sentancuoithu “Đam mỹ cổ trang, mỹ nam tử, chung tình 1x1, không phụ tử / huynh đệ, không nhược thụ, không cao H (tức là không có cảnh nóng khẩu vị nặng), không luyến đồng, quan trọng nhất là HE, người có tình thân sẽ thành quyến thuộc”. Chỉ cần đọc phần Nguyên Tắc Edit này thì Biển đã yên tâm mà nhảy hố. Quả thật không thất vọng, Thanh Long Đồ Đằng là một bộ tiểu thuyết đam mỹ cổ đại lịch sử vừa hùng hậu vừa thâm tình, lại không thiếu phần hài hước, rõ ràng đọc cảm thấy rất ngược, máu chảy đầu rơi, người vô tội chết oan vô số, lời lẽ của thụ dành cho công rất tàn nhẫn nhưng không hiểu sao Biển cứ liên tục bật cười, chả lẽ đầu óc có vấn đề =))

Phần lịch sử trong Thanh Long Đồ Đằng được lồng ghép, bẻ cong, hư cấu đến mức thượng thừa. Biển đọc xong đã chăm chỉ tra cứu wikipedia và biết được hai nhân vật chính không hề có thật trong lịch sử, lại được tác giả sáng tạo ra và đặt vào bối cảnh vô cùng thân thiết với Võ Tắc Thiên. Một số yếu tố lịch sử về các trận đánh, các sự kiện binh biến cũng được hư cấu nhưng bút pháp lưu loát thành thục, đọc không có chút gượng ép nào. Cuối truyện có nói đến Địch Nhân Kiệt, hình tượng Địch Công bị hạ thấp đáng thương, thay vì anh minh thần võ như trong truyện của Robert Van Gulik thì lại là một lão quan suốt ngày lo lắng đến chuyện lập hậu của đế vương *haha*

Tác giả cũng rất am hiểu nhân tâm, từng phản ứng – lời nói – hành động của các nhân vật trong truyện đều hợp lý đồng thời cũng đủ bứt phá để thích hợp với bối cảnh tiểu thuyết, không nhạt nhẽo tầm thường. Có nhiều đoạn về mưu mô cung đình hoặc triết lý cuộc sống được viết rất hay, rất đáng lưu ý..
“Mẫu thân thì lại làm sao? Trên đời này ngay cả thân sinh phụ mẫu cũng có nhiều kẻ hại chết hài tử, người biết không?! Có kẻ lòng dạ tàn nhẫn dùng đánh chửi hại chết thân tử, có lẻ ngu muội dùng cưng chìu hại chết thân tử, lại còn có kẻ ngoan độc không thông lại quyết giữ ý mình, dùng độc dược mang tên mỹ miều là tình thương của mẫu thân đem mọi người xung quanh hài tử - ngoại trừ chính nàng – mà hại chết, khiến cho hài tử hít thở không thông, sống trong cô độc cùng tuyệt vọng, so với cái chết còn đáng sợ hơn, ngươi không biết sao?!”
>> đọc đoạn này mà giật mình..

Hoặc ““Thế nhân phần lớn hô hào rùm beng trung nghĩa, nhưng trên thực tế mỗi người đều sẽ lựa chọn con đường có lợi nhất cho mình, cùng đúng sai không có quan hệ gì”.

H văn trong Thanh Long Đồ Đằng không quá kịch liệt (chỉ mãnh liệt thôi) nhưng khiến Biển thật sự động tâm, cảm thấy rất hay và cảm động. Đọc nhiều truyện đam mỹ mới biết viết (và dịch) H văn là cả một nghệ thuật, phải làm sao để giảm tối thiểu phần thô thiển mà vẫn đủ đầy phần ân ái đam mê. H văn trong Thanh Long Đồ Đằng và Đế Vương Công Lược là dạng thanh thủy văn, còn H văn trong Ma Đạo Tổ Sư thực kinh khủng nha, cần chuẩn bị tinh thần trước khi đọc ;) Trích đoạn một chút H văn trong Thanh Long nè
“Linh hồn Đan Siêu giống như bị xé rách thành hai nửa, một nửa hận không thể quỳ gối xuống đất, đem toàn bộ thân tâm phụng hiến, cầu xin được một khắc rủ lòng thương; một nửa khác lại điên cuồng kêu gào dục vọng tội ác, giống như từ sâu trong lòng vươn ra ma trảo, giờ phút này muốn đem người dưới thân nuốt vào trong bụng, từ nay về sau triệt để của riêng mình mình”.

Tuy Thanh Long Đồ Đằng là truyện HE nhưng cái kết sau cùng vẫn làm Biển bùi ngùi chớm rơi lệ. Trong lúc đọc Ma Đạo Tổ Sư thì khóc một lần, đọc Thanh Long Đồ Đằng thì khóc hai lần. Đọc hết một bộ truyện tuyệt vời cũng giống như phải tạm biệt một người rất thú vị để ai về nhà nấy, tuy vẫn có thể gặp lại nhưng vẫn thấy luyến tiếc, chỉ muốn được giữ luôn bên cạnh để bất cứ khi nào cũng có thể nhìn ngắm nói cười, đây phải chăng là tâm lý chiếm hữu quen thuộc của con người đối với những gì mình yêu thích?

Biển vừa đọc vừa lưu lại thành file Word hơn 1000 trang size chữ 13, đọc trong vòng 4 ngày, chắc không thể tính là đọc nhanh. Nay đã gặp được hai bộ truyện hay và hoành tráng ngang nhau nên không dám nói bộ nào là hay nhất từng đọc trong năm 2018 nữa, lòng chỉ có thể ẩn tàng vui sướng vì trong quãng đời đọc sách vô tình bắt gặp những áng văn tuyệt bút như thế. Biển cũng xin gửi lời cảm ơn và tán thưởng đến editor sentancuoithu vì đã cất công dịch một bộ truyện hay và dài như vậy, chuyển ngữ rất lưu loát mượt mà, tuy chỉ đăng trên mạng nhưng hoàn toàn không có lỗi chính tả, những từ ngữ Hán Việt đọc khá dễ hiểu, thơ phú trong truyện được dịch nghĩa chính xác, các sự kiện lịch sử được chú thích rõ ràng, Biển hy vọng nếu sau này Thanh Long Đồ Đằng được xuất bản sách giấy thì editor sẽ được trả công xứng đáng. Ngoài ra cũng hy vọng bộ truyện này cũng sẽ được chuyển thể truyện tranh, hoạt hình, phim người thật đóng để con dân có thể mãn nhãn thưởng thức.

Cảm ơn những ai đã đọc hết review này ^^

(Sea, 10-11-2018) - godylevol.blogspot.com

Mời các bạn đón đọc Thanh Long Đồ Đằng của tác giả Hoài Thượng.