TỔNG LUẬN VỀ THẦN THOẠI
NGUỒN GỐC THẦN THOẠI
Con người sở dĩ không ngừng mở rộng chân trời tri thức chính là vì đã biết luôn luôn nhìn vạn vật quanh mình bằng con mắt mở lớn ngạc nhiên, tra hỏi. Thần thoại là hình thức văn nghệ sớm nhất của ấu thời nhân loại, thời mà óc tưởng tượng bắt đầu bị kích thích, trí suy tưởng bắt đầu nẩy nở, tình cảm bắt đầu phát triển. Vào thời này, con người thấy mình sống ngợp giữa những huyền bí của vũ trụ: cái gì làm các vì tinh tú vận chuyển trên trời, cái gì làm bốn mùa đổi thay cùng với mưa nắng, gió bão, sấm sét ? … Và con người bập bẹ giải thích, tin tưởng vạn vật đều có linh hồn. Dĩ chí những dụng cụ do chính họ tạo tác cũng có linh hồn và đời sống riêng tư (tỉ như con chó đá chôn ở trước cửa). Thật là thú vị khi chúng ta thấy rằng sau khi sáng tạo ra các vị thần đầy đủ cả về hình thức lẫn quyền uy rồi con người sinh lòng sùng bái những linh phẩm do chính mình tạo tác đó, uỷ cho nào những nhiệm vụ khuyến thiện trừng gian an bài xã hội … Tóm lại thần linh mang hình ảnh của con người, phản ảnh nếp sống cùng nguyện vọng của con người.
SỰ TIẾN TRIỂN CỦA THẦN THOẠI – PHÂN BIỆT THẦN THOẠI VỚI TRUYỀN THUYẾT *
Thần thoại không chỉ ngừng lại ở chỗ cắt nghĩa vũ trụ muôn vật, cắt nghĩa nguồn gốc của giống nòi mình, mà vào giai đoạn chót của sự tiến triển còn là cách thức nhân hoá các vị thần và thần hoá các vị anh hùng dũng sĩ trong lịch sử.
Chỉ riêng ở Hy Lạp, thần thoại tách rời với lịch sử thành hai dòng riêng biệt, còn hầu hết thần thoại của các dân tộc trên thế giới đều pha lẫn với lịch sử buổi đầu. Tuy nhiên căn cứ vào bản chất, chúng ta vẫn có thể phân biệt được đâu là thần thoại, đâu là truyền thuyết. Thần thoại là một hình thức của truyền thuyết, song những nhân vật đều là thần và thời gian trong câu truyện hoàn toàn do tưởng tượng mà ra, còn truyền thuyết kể những sự việc cùng nhân vật có dính líu tới lịch sử tục truyền. Truyền thuyết có khi là thần thoại được sửa lại thành phần lịch sử hoang đường để phân biệt với phần lịch sử thật sự.
(*)
Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn Học Toàn Thư I, Thần Thoại, Quốc Hoa, Saigon 1959, chương “Nguồn Gốc”.
SỰ GIAO LƯU CỦA THẦN THOẠI GIỮA CÁC NƯỚC*
Thần thoại cũng như cổ tích của các dân tộc chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Khi gặp gỡ nhau tại các ngã như vậy, chủ đề thần thoại vẫn y nguyên, song tình tiết có thể thêm bớt cho thích hợp với những quan niệm, những cảm nghĩ mộc mạc cá biệt của mỗi dân tộc, thích hợp với triết lý đặc thù của mỗi dân tộc do hoàn cảnh địa lý, lịch sử tiến triển trong thời gian, không gian tạo thành.
Người ta nhận thấy nạn Hồng Thuỷ kể trong Kinh Thánh Hy Bá Lai cũng có ở trong thần thoại của các sắc dân trên dãy Trường Sơn và thượng du Bắc Việt. Nhiều khi hai dân tộc ở xa nhau hẳn mà trong thần thoại lại có nhiều truyện giống nhau. Các nhà tôn giáo căn cứ vào đó để đưa ra thuyết nói rằng nhân loại vốn cùng một gốc do Thượng Đế sinh ra, các nhà nghiên cứu khoa học thần thoại thì nói rằng đó là do ảnh hưởng giao lưu văn hoá giữa các dân tộc.
Ấn Độ là xứ ghi dấu vết đầu tiên về thần thoại chữ viết trên thế giới. Những thần thoại được chép trong kinh Phệ Đà của Ấn Độ có từ khoảng 4.500 năm trước công nguyên. Vì vậy thần thoại Ấn Độ thường được coi là nguồn gốc chung của thần thoại các dân tộc trên thế giới.
TÁC DỤNG CỦA THẦN THOẠI
- Ý nghĩa khoa học, tôn giáo, đạo đức :
Mặc dầu thần thoại nhuộm tính chất hoang đường song không bao giờ là không bắt nguồn tự những khát vọng, tự những tình cảm có thực. Bởi vậy, như trên đã nói, nếu đem đối chiếu với những sự kiện lịch sử, địa lý, nhân chủng, ngôn ngữ, chúng ta có thể thấy những hình thái tượng trưng của thần thoại nói trên phần nào tài liệu về nguồn gốc, tín ngưỡng, triết lý của mỗi dân tộc.
- Thần thoại với thi ca, nghệ thuật
“Những hình ảnh đầu tiên trong hang đá của tổ tiên loài người là những phát hoạ các thần tượng bắt đầu tạo thành trong ý thức con người. Rồi về sau, người ta mới biểu hiện hoàn mỹ hơn thành những hình ảnh thần thánh của các dân tộc. Thần thoại Hy Lạp đã phát sinh ra nghệ thuật Hy Lạp. Nghệ thuật điêu khắc Chiêm Thành, Khmer, cũng bắt nguồn từ thần thoại của họ. Nền văn nghệ Phục Hưng của Tây Phương được rực rỡ là nhờ ở hai nguồn thần thoại Hy Bá Lai và thần thoại Hy Lạp. Những chạm trổ Việt Nam cũng do ảnh hưởng xâu xa trong thần thoại dân tộc.
Thần thoại là nguồn gốc tươi thắm của nền nhân bản thực sự. Thần thoại là sử thi, tiểu thuyết lịch sử, ngụ ngôn của mỗi dân tộc” **
- Thần thoại với các em thiếu nhi:
Như chúng ta đã biết, thần thoại là cái nhìn của con người cổ sơ thần hoá một cách chất phác hiện tượng thiên nhiên. Có thể nói các em thảnh thơi đi vào thế giới thần thoại thật đắc ý như cá gặp nước, như mây gặp rồng. Các em vốn đương ở tuổi trí tưởng tượng nở rộng như mây gió, nhìn vào cái gì cũng thấy sống động. Thế giới đồ chơi của các em (búp bê, bàn, ghế, giường, tủ …) có cả một đời sống riêng tư mà các em hàng ngày tham dự. Như vậy hỏi làm chi mà các em chẳng dễ dàng thích ứng với thế giới thần linh của buổi ban đầu nhân loại?
(*) Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn Học Toàn Thư I, Thần Thoại, Quốc Hoa, Saigon 1959, chương “Nguồn Gốc”.
(**)Hoàng Trọng Miên, sđd tr. 45
LỜI CẢM TẠ
Khởi đầu là thần thoại Ấn Độ, thần thoại lâu đời nhất của nhân loại. Chúng tôi chân thành cảm tạ giáo sư Lê Xuân Khoa đã cho phép chúng tôi tham khảo, và đúc kết những điều giáo sư viết về lịch sử, tôn giáo, thần thoại, triết học Ấn Độ trong tác phẩm Nhập Môn Triết Học Ấn Độ của giáo sư (Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản, 1965). Vì đây là một “Tuyển tập Văn Chương Nhi Đồng” nên phần kể chuyện ở trên, chúng tôi cố gắng giữ cho đơn giản, nhưng phần chú thích, phần bổ túc để người lớn đọc, chúng tôi cố gắng ghi chú cho đầy đủ nhiều chừng nào hay chừng ấy.
THẦN THOẠI ẤN ĐỘ
Vì thần thoại Ấn Độ liên lạc mật thiết tới lịch sử Ấn, thánh kinh Vê Đa cùng nền triết lý ẩn ngụ trong đó, nên hãy xin tuần tự giới thiệu ngắn gọn những vấn đề trên trước khi đi vào thần thoại Ấn Độ thật sự.
Mời các bạn đón đọc Thần Thoại Quyển 3A: Ấn Độ của tác giả Doãn Quốc Sỹ.