Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Bay Đêm

Ngay khi ra mắt độc giả vào năm 1931, Bay đêm - được Antoine de Saint-Exupéry viết trong những ngày lưu lại Argentina - đã được công chúng hào hứng đón nhận và giành được nhiều giải thưởng của giới phê bình ở cả Pháp và Mỹ, trong đó có Giải thưởng Fémina uy tín.

Với Saint-Exupéry, Bay đêm trên hết là một khúc tráng ca về màn đêm và những con người dũng cảm đi tiên phong trong ngành hàng không. Ở tác phẩm này, lại một lần nữa, vốn kinh nghiệm của một phi công lão luyện đã giúp ông vẽ nên những khung cảnh hùng vĩ đầy sắc màu, đầy thơ mộng nhưng cũng ẩn giấu những nguy hiểm khôn lường dưới đôi cánh bay.

Tác phẩm đã được xuất bản ở Anh và Mỹ ngay từ năm 1932 và một năm sau đó, được hãng Metro Goldwyn Mayer chuyển thể thành phim, đưa tên tuổi của Saint-Exupéry đến toàn thế giới.

“Bên dưới đôi cánh bay, những quả đồi đã rạch sâu thành đường xé nước thẫm màu trong ánh vàng ban chiều. Đồng nội rạng rỡ ánh sáng, sáng kéo dài đến bất tận: ở đất nước này đồng nội không khi nào ngừng hắt lên ánh vàng, cũng như vào lúc tàn đông, chúng không khi nào ngừng hắt lên màu trắng tuyết.

Đôi khi, sau trăm kilômét thảo nguyên còn hoang vắng hơn cả biển cả, anh bay ngang một nông trại hẻo lánh, anh chợt thấy như nó chở nặng những kiếp người lui lại phía sau, giữa những sóng cồn đồng cỏ, và thế là anh đã nghiêng cánh chào con tàu thủy ấy.”

***

BAY ĐÊM – ANTOINE DE SAINT EXUPÉRY

Thái Trung Tín

14CVH1

Là câu chuyện về một thế giới riêng tư, chỉ có những con người sống trong thế giới ấy mới cảm thấy mình được thảnh thơi và thoải mái, Bay đêm của Saint – Exupéry đại diện cho tiếng nói của thời đại vào những năm thập niên 30 của thế kỷ XX, đặc biệt là những người hoạt động trong ngành hàng không.
Cuốn sách được viết nên sau một vụ tai nạn máy bay vào năm 1923, Saint – Exupéry bị giải ngũ, ông không còn lái máy bay tại trung đoàn Không quân ở Strasbourg và Casablanca.
Bay đêm chuyên chở những giá trị về số phận của con người trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, của thời đại. Nó như một thông điệp đẹp đẽ nhất, mang trọn ý nghĩa sống mãnh liệt về sự dũng cảm kiểu mới trong thời đại công nghiệp.
Toàn bộ Bay đêm là sự tương tác “hài hòa” giữa những phi công như Fabien, những giám đốc cấp trên như Revière hay những Kiểm soát viên không lưu, những thợ máy và cả vợ của Fabien là Simone Fabien. Và hơn hết, dưới cánh bay là một chuỗi câu chuyện dài cho những số phận bi tráng, nghiệt ngã: “Đôi khi, sau trăm kilômét thảo nguyên còn hoang vắng hơn cả biển cả, anh bay ngang một nông trại hẻo lánh, anh chợt thấy như nó chở nặng những kiếp người lui lại phía sau, giữa những sóng cồn đồng cỏ, và thế là anh đã nghiêng cánh chào con tàu thủy ấy”.
Cứ ngỡ Fabien sẽ may mắn trở về bình an như những chuyến tàu chuyên chở thư tín khác, nhưng cuối cùng mọi thứ đều vùi trong sự chờ đợi mỏi mòn. Hôm ấy là lúc nửa đêm trong lúc chợp mắt với vợ mình, Fabien nhận được cuộc gọi theo lệnh của Revière sẽ đảm nhiệm chuyến bay đêm đi châu Âu, trên con tàu Patagonia. Trước những nỗi lo lắng của vợ Fabien, chàng phi công điềm tĩnh trả lời những câu hỏi từ phía vợ mình với một nụ cười mỉm: “Thành phố này… anh sẽ xa nó nhanh lắm. Ra đi vào lúc đêm thật tuyệt. Anh yêu ngôi nhà của anh. Anh có trời đẹp và đường anh đi lát đầy sao”.
Fabien đại diện cho kiểu người dũng cảm nhất trong xã hội Pháp lúc bấy giờ. Đối với anh, công việc bay đêm chưa bao giờ làm anh chán nản. Anh âm thầm vượt qua bóng tối, vượt qua những cơn dông hãi hùng, vượt qua biển đêm sâu thẳm hay chinh phục dãy núi Andes bằng đôi bàn tay vững chắc, quyết đoán. Anh chinh phục chúng bằng những kinh nghiệm của riêng anh, bằng sự tin đoán và trí tuệ của một người phi công. Fabien dường như biết được mình khó có thể quay trở về, khó có thể sống sót vì mọi thứ với Fabien đã tắt lịm, chỉ còn mình Fabien trong buồng lái và xung quanh anh là bầu trời tĩnh mịch. Anh bị tách bạch vào một thế giới mới, anh không thể nhận bất cứ nguồn thông tin nào từ các trạm điều khiển Không lưu: Trelew, Commodoro, San Antonio, Bahia Blanca, Buenos – Aires: “Đối với người phi công, đó là một đêm không bờ bến, vì nó không dẫn tới một bến đậu (dường như mọi bến cảng đều không thể tới nổi) cũng chẳng dẫn tới bình minh: trong vòng một giờ bốn mươi phút nữa sẽ hết xăng. Vì sớm hay muộn cũng bắt buộc phải đắm chìm mù mịt trong cái dày đặt này”. “Anh thấy như thể vật chất cũng nổi lên phản kháng. Mỗi lần lao xuống, động cơ lại rung mạnh khiến cho chiếc máy bay cả toàn khối rung lên như nổi giận. Fabien kiệt sức để chế ngự con tàu, đầu anh chúi sâu trong buồng lái, trước mặt là đường chân trời xoay tròn chuyển vần, vì ở bên ngoài anh không phân biệt nổi giữa khối trời và khối đất, lạc lõng trong bóng đêm hỗn độn, một bóng đêm thời hoang sơ của muôn loài”. Dù bản thân có giỏi đến đâu, đứng trước cơn phẫn nộ của thiên nhiên, con người ta đều cảm thấy mình bé nhỏ: “Anh lẽ ra có thể đấu tranh thêm nữa, cố tìm một cơ may: không có cái định mệnh bên ngoài con người. Nhưng có một cái định mệnh bên trong con người: sẽ tới cái phút giây con người thấy mình vô cùng nhỏ yếu; khi ấy các sai lầm cuốn hút ta như con choáng váng”. Và dẫu Fabien đối diện với ranh giới giữa sự sống – cái chết, anh vẫn giữ thái độ lạc quan, anh cố gắng từng phút một để tìm kiếm bầu trời của chính mình, tìm kiếm ánh sáng. Nơi đó chỉ có mình anh cảm nhận được mọi khoảnh khắc của đời người, chỉ có mình anh hiểu được niềm tin yêu cái đẹp và những hoài niệm quan trọng cỡ nào, và hơn bao giờ hết “Fabien nghĩ mình đã bay tới những xứ sở huyền hoặc lạ kỳ, vì tất cả bỗng trở nên sáng lòa, cả tay anh, quần áo anh, đôi cánh anh. Vì ánh sáng không tỏa xuống từ các thiên thể mà tỏa ra từ bên dưới anh, chung quanh anh, từ những đám dự trữ màu trắng kia”, “Anh lang thang giữa vô vàn vì sao tích tụ dày đặc như một kho báu, trong một thế giới không có gì khác, tuyệt nhiên không có gì khác đang còn sống ngoài anh”. Fabien đã chiến thắng bản thân mình, anh đã cống hiến hết khả năng của mình trong quãng thời gian được bay và còn bay được. Anh hoàn thành trách nhiệm được giao một cách xuất sắc, cho đến khi “anh lang thang giữa những đá quý lạnh cóng, giàu có đến vô cùng, nhưng cái chết đã kề”.
Revière cũng thế, dù cho ông là người phụ trách cả mạng lưới các tuyến bay, song ông vẫn có những lần bị tình cảm, cảm xúc chi phối. Ông yếu đuối ngay trong sự bản lĩnh của chính mình. Ông đã từng nghĩ rằng những người điều khiển máy bay không được phép sai sót, dù đó là những chi tiết nhỏ nhất. Ông kỉ luật những phi công bay về trễ, ông không để tâm mấy đến những chuyến bay đáp cánh trễ giờ, miễn làm sao phải đúng giờ là được. Nhưng mọi thứ với ông chỉ là bề ngoài, ông tỏ vẻ trang nghiêm bởi vì ông biết công việc của ông chẳng hề dễ dàng, chỉ lơ là một chút thì những chuyến tàu thư kia sẽ không có cơ hội trở về. Ông trân trọng thời gian và nhận ra rằng “Tưởng chừng như thật sự vào một lúc nào đó, con người sẽ có thể có thời gian, tưởng chừng như đến đầu mút cuộc đời con người có thể giành giật được cái thanh bình diễm phúc mình vẫn thường mơ tưởng. Nhưng thanh bình là điều không có. Chiến thắng cũng có thể là điều không có. Không có cái bến đậu dứt khoát của tất cả các con tàu thư”.
Không khác gì Fabien, Revière cũng có những lúc bị thiên nhiên quật ngã. Tại trạm Không lưu không nhận được tín hiệu nào, mọi máy móc hiện đại cũng trở thành những cổ máy chết hoặc sự chủ quan trong công việc đã vô tình giết chết những tay điều khiển cừ khôi: “Đó là một trận gió xoáy Thái Bình Dương, chúng ta được nhận thông báo quá muộn. Vả lại, những trận gió xoáy đó không khi nào vượt qua dãy Andes. Lúc ấy không thể đoán biết là cơn gió xoáy đó tiếp tục đi về hướng Đông”.
Reviève đầy kinh nghiệm sống, ông là mẫu đàn ông quyết đoán. Khi tiếp xúc trực tiếp với những phi công thì sẽ tỏ thái độ khác, khi trực tiếp tiếp xúc với thanh tra Robineau lại với thái độ khác “Những con người ấy hạnh phúc vì họ yêu mến điều họ làm, và họ yêu như vậy, bởi vì tôi cứng rắn”. Có thể ông đã làm cho mọi người đau khổ, nhưng cũng bằng cách đó ông đem lại cho họ những niềm vui mạnh mẽ “Phải đẩy họ tới một cuộc đời mạnh mẽ, một cuộc đời có cả đau khổ lẫn niềm vui nhưng là cuộc đời duy nhất đáng kể”.
Reviève tự trách mình tuổi đã cao trong khi công việc thì đầy rẫy ra đó “Biết bao công việc đã làm để đi đến cái bước này! Năm chục tuổi đời; năm mươi năm mình đã sống đủ đầy, đã tự đào tạo, đã đấu tranh, đã làm đổi dòng các biến cố, để bây giờ đây, đó lại là điều mình bận tâm và chất chứa và được coi là quan trọng bậc nhất trên đời… Thật là kỳ cục”.
Khuôn mặt của toàn chuyến bay thật đẹp nhưng khắc nghiệt. Nó phải bắt chúng ta phải trả giá bằng nhiều con người, và là những con người trẻ trung nhất – những con người đã từng không biết mình cao đẹp “Ta không biết điều ta làm có phải là tốt hay không. Ta không biết rõ cái giá trị đích xác của kiếp người, của công lý cũng như của nỗi phiền muộn. Ta không biết đích xác niềm vui của con người có nghĩa lý gì. Không biết cả về một bàn tay đang run rẩy. Cả tình thương, cả sự dịu dàng…”.
Cuộc sống vẫn bấp bênh chất chưởng, con người tìm mọi cách vật lộn giành giật với cuộc sống… Thế nhưng, còn việc tồn tại lâu bền, còn việc sáng tạo, còn việc đổi trao cái thần xác mềm yếu mỏng manh của mình thì lại khác, biết đâu hôm nay ta chiến thắng nhưng hôm sau ta thất bại; biết đâu hôm nay ta còn nhiệt huyết nhưng hôm sau ta dường như muốn dừng lại và buông bỏ mọi việc hay biết đâu hôm nay ta còn sống, còn cười nhưng hôm sau ta đã trở về với bầu trời, với những vì sao, mãi mãi.
Bay đêm thật ra là một câu chuyện mà Saint – Exupéry muốn chia sẻ với tất cả những đồng nghiệp làm nghề hàng không, muốn chia sẻ với những con người đang sống trong xã hội công nghiệp. Bề ngoài họ có thể hào nhoáng nhưng tận sâu trong bên trong họ là những người cần được yêu thương và đồng cảm, những con người mà chẳng hề biết mình sẽ đi về đâu. Bay đêm là tiếng nói đại diện cho đất nước Pháp, cho toàn thế giới rằng ở đâu đấy trong cuộc sống này, vẫn còn những con người hy sinh thầm lặng, họ chỉ biết yêu bầu trời và xem bầu trời chính là ngôi nhà đặc biệt của họ. Đã cất cánh rồi thì phải chiến đấu đến cùng. Bay đêm dạy cho ta biết chấp nhận những điều rủi ro mà cuộc đời luôn luôn cho phép xảy đến, đùng một cái người vợ phải co ro vì thiếu chồng, đùng một cái phải nghẹn lời chia tay với “chiến binh” – là người thân của mình. Trơ trọi. Tàn nhẫn. Lạnh tanh.
Cho đến hôm nay khi có thời gian nhìn lại, bản thân chúng ta sẽ càng biết trân trọng những con người hoạt động trong nghề hàng không. Và trên mỗi chuyến bay của cuộc đời mình, chúng ta mới thấu hiểu được rằng “Một khi đã vạch xong con đường, con người không thể nào không đi tiếp”. Lúc đó nhìn lại cuộc đời và tìm kiếm cho mình cái đam mê, sự nhiệt huyết và trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và đất nước. Thế giới đó không có quá nhiều về sự thịnh vượng của vật chất, tiền tài mà là hòa nhập vào nhịp điệu của sự chia sẻ, hoàn thiện mình từng ngày và trên hết là biết quan sát cuộc sống. Và sau tất cả những giông bão bao quanh, người ở lại phải sống thay phần của người đã khuất, sống một cuộc đời trọn vẹn hơn.
Với lối kể đứt quãng, kết cấu phân mảnh cùng giọng điệu chân thực. Bay đêm dựng nên một bức tranh nhiều màu sắc với khoảng trống khác nhau trong thời gian, không gian và khai thác chiều sâu tâm lý của con người thông qua hành động một cách đa sắc thái. Đọc từng câu chữ, ta có thể dễ dàng phát hiện ra chất điện ảnh trong Bay đêm, từ đó dựng nên bộ phim cho riêng mình – bộ phim về một chuyến Bay đêm chinh phục những chặng đường chông gai đang đón đợi.

***

[Review 2018] Bay Đêm – Antoine de Saint-Exupéry

Chất văn của Antoine de Saint-Exupéry luôn song hành hai mặt đối lập: một là cái thơ mộng, trìu mến, cái đẹp lẩn khuất trong sự vật, mặt còn lại chính là sự thực của cuộc sống vừa bình thản mà chân thật. Khi mà ta đã trót sa vào cái lớp lụa nhung kết từ chữ của Saint-Exupéry rồi mê mải tận hưởng nó thì ông lại dẫn ta vào cái mặt phẳng phũ phàng của hiện thực. Tôi không thấy cái bi lụy hay khắc nghiệt trong văn của Antoine de Saint-Exupéry, dù cho với những đoạn văn mà nhân vật cận kề sinh tử, thì câu chữ, khung cảnh ông tạo nên vẫn rất đỗi êm dịu, đẹp đẽ như cái vuốt từ ngón tay người thương, hoặc là sự chân thành, hy vọng và nghiêm cẩn đằng sau nỗi suy tư của người ở lại.

Tôi đã chẳng biết phải viết tiếp như thế nào sau mấy dòng chữ trên cho đến khi lại có một đêm mất ngủ, nằm thao thức rồi chợt nhớ tới Bay Đêm, liền ngồi dậy bật máy lên gõ thử vài dòng. Cũng xin nói, mấy câu có vẻ màu mè trên là cảm nghĩ của tôi sau khi đọc hai tác phẩm của Antoine de Saint-Exupéry mà thôi, không dám múa rìu qua mắt thợ. Còn lẽ sao bài này lại đổi đại từ nhân xưng thành “tôi”, vì tôi muốn vậy thôi.


Antoine de Saint-Exupéry ngoài việc làm nhà văn thì còn kiêm nghề phi công, nên qua Bay Đêm mà khắc họa lại cho người đọc cái niềm vui, tình yêu, khó khăn, dấu ấn của nghề phi công thuở ngành hàng không còn mới sơ khai. Nhiều người, trong đó có cả tôi đều kêu rằng Bay Đêm khó đọc quá, dù rằng nó chẳng nặng chuyên môn khó hiểu nhưng ta lại bỡ ngỡ với cách viết của Saint-Ex khi ông cứ liên tục đổi góc nhìn giữa các nhân vật với nhau mà viết. Đôi khi dịch giả Châu Diễn lại làm người đọc thêm bối rối bằng vài chỗ dịch như sau: “Như một hành trang, ông luôn luôn mang theo cái vẻ âu sầu ấy.”. Nhưng tôi xin cam đoan với bạn, nếu bạn kiên trì đọc tới trang 59 rồi lật sang số 60, trải nhiệm đọc của bạn bỗng trở nên mượt mà rất nhiều. Nếu chưa được, hãy dành cuốn sách này cho những đêm mất ngủ, bật đèn lật sách, mơ màng vượt biển ngắm sao trên cánh con tàu bay chất đầy thư gửi nơi xa.

Như tôi đã nói, cuốn truyện chừng hai trăm trang này kể về những chuyến bay vận chuyển thư tín diễn ra trong cảnh đêm và qua nhiều góc nhìn khác nhau từ những con người đã gắn mình với công việc ấy: người chỉ huy, người truyền điện tín, phi công, ông thanh tra hay người vợ trẻ của anh phi công.

Tôi thích góc nhìn của Rivière – vị thủ trưởng chỉ huy các chuyến bay đêm, một con người vừa nghiêm khắc, gan lì, không nhân nhượng nhưng cũng có lúc mềm lòng để suy tư về những con người làm việc dưới quyền chỉ huy của ông. Đọc những đoạn văn trăn trở của ông mà tôi vừa không đồng ý lẫn nể phục tinh thần quyết đoán của Rivière. Ông rèn luyện cấp dưới của mình để họ nghiêm túc với công việc, không đổ lỗi cho hoàn cảnh và dám chịu trách nhiệm với việc mình làm. Nhưng ngược lại, đôi lúc ta lại thấy Rivière quá xa cách, không biết cảm thông với những người đồng nghiệp. Dầu sao vẫn phải thừa nhận rằng Rivière đúng, trên cương vị của một người thủ lĩnh, ông phải duy trì tỉnh táo, nghiêm khắc, tránh bi lụy để đương đầu với khó khăn và duy trì nhiệm vụ. Tai nạn luôn có thể xảy ra và từ những đau khổ, ta phải rút ra bài học, cải thiện hơn nữa, như chính Rivière nhận định:

“Những thất bại tăng thêm sức mạnh cho những kẻ sung sức.”

— Rivière

Nhưng dù hành động của Rivière có phục vụ cho mục đích cấp tiến nào đi chăng nữa thì sinh mạng, sự an toàn của con người luôn là ưu tiên và phải được pháp luật bảo hộ. Trong một cuốn truyện ngắn thì thôi cũng không nên yêu cầu nhiều.

Với Rivière, màn đêm là vô tận, là trách nhiệm không ngừng nghỉ. Thì với Fabien, với những người phi công khác, mặt đất là chốn xa xôi, bầu trời bất tận mà đẹp đẽ, là nỗi chán chường, sự hào hứng, nỗi nhớ đất liền, là sự tự hào về con tàu bay.

Tôi thích cả bầu trời sao trăng giữa giông bão của Fabien, thích cả bầu trời của Fabien qua ánh mắt mến mộ của người vợ trẻ:

“Anh có trời đẹp, đường anh đi lát đầy sao.”

Nay tôi xin dừng bút, vì thực là hết chữ rồi. Có nhiều đoạn văn đẹp trong Bay Đêm tôi sẽ không trích lại, gập cuốn sách này mà phải gật đầu đồng ý với lời bạt ở bìa sách: Bay đêm đẹp, mê hoặc mà đầy nguy hiểm.

***

Rating: 5 out of 5.

Saint-Ex vẫn như thế, vẫn cái giọng văn trữ tình đẹp đẽ như thơ ấy mà ta đã mong được gặp lại kể từ Hoàng Tử Bé, dẫu rằng lần này đó là chất thơ trong đanh thép.

Trước khi được nói đến điều ta ghi dấu nhất từ cuốn sách, ta xin được cảm thán cách Saint-Ex miêu tả bầu trời đêm với sao, trăng, mây gió và giông tố. Niềm say mê, tình yêu tha thiết với ánh sáng tuyết trắng của trăng và sao trải lên sáng lóa trên dải mây ngàn là điều dễ hiểu, nhưng dường như ta còn thấy trong ông là niềm bao dung, biện hộ cho cả những cơn giông bão dữ dội nuốt chửng đồng đội của ông. Ta đọc và nghe tình yêu ấy ngấm vào mình một cách dịu dàng, từ khi nào ta thôi còn oán trách những khắc nghiệt trên đường đi nữa?

Ngày xưa khi học môn Xác suất thống kê, ngụp lặn trong vô vàn công thức tính toán, ta còn nhớ thầy giáo đã bảo rằng: “Các em có thể quên môn học này, có thể quên mớ kiến thức của nó, nhưng đừng quên nguyên tắc Số Lớn khi bước ra đời”. Khi ấy ta chỉ lờ mờ hiểu được cách vận dụng của nó trong các quyết định: Không có gì tuyệt đối cả, nếu phải chọn hãy chọn phần lớn. Nhưng đến khi ta biết đến Rivière, một hình tượng của người lãnh đạo, người mang trên mình sức nặng của Vĩ Đại và Chiến thắng, ta đã sáng rõ hơn về cái được gọi là Số Lớn.

Những thất bại, những mất mát đã xảy ra, và sẽ tiếp tục diễn ra nhưng không vì thế mà Rivière chậm trễ, ngưng trệ một chuyến tàu. Ông sẽ không vì một sinh mạng đã tan biến, một hạnh phúc đã ngừng thở mà bỏ cuộc, mà không tiếp tục đưa những con tàu vào đêm tối. Tại sao một chuyến tàu thư cho một thành phố lại quan trọng hơn mạng sống quý giá của một con người, hơn cả hạnh phúc của một gia đình êm ấm?
Tại sao cả một dân tộc điêu đứng cho một bức tường mang tên Vạn lí trường thành? Tại sao hàng vạn người chết đánh đổi cho những hòn đá xếp chồng lên nhau mang ý nghĩa Kim tự tháp? Có đáng giá không khi biết bao hạnh phúc để đánh đổi cho những sự vật như thế? Có, “Quyền lợi chung do các quyền lợi riêng hợp thành: nó không biện bạch thêm một tí gì khác.” Có một thứ gì đó còn cao quý hơn cả những mạng sống, những hạnh phúc cá nhân ấy. Đó là cái gì? Hàng vạn số phận đã mất đi là nhiều, nhưng vẫn là số ít so với nhân loại này. Còn số lớn còn lại, họ nhận được thứ được gọi là Văn Minh, là Thành tựu, là những bằng chứng cho những điều Vĩ Đại vượt trên sức mạnh nhỏ bé của con người. Nếu không có sự hi sinh của số ít thì số ít ấy sẽ được sống nốt số phận của mình, và rồi cũng sẽ biến mất đi, nhưng nhân loại sẽ trôi đi như những hạt bụi không vết tích. Rivière đã làm đúng những gì cần làm, sự cực đoan ấy tàn nhẫn ấy không phải để thỏa mãn cho cái Tôi vị kỉ ngạo mạn, ông hết lòng bảo vệ những chuyến tàu, và cũng dũng cảm dâng hiến chúng cho Chiến thắng và Số Lớn.

Ta quý trọng và nể phục những con người như Rivière, họ bước những bước vững chải qua sự yếu hèn của con người, nắm chặt trong tay niềm tin sắt đá để bước đến điều Vĩ Đại và dám chấp nhận những thất bại để đến gần với Chiến Thắng hơn. Chỉ cần có họ, nhân loại sẽ còn hi vọng về sự tiến hóa.

Và cuối cùng, ta xin được trích dẫn một câu ta nghĩ rằng Saint-Ex đã nói hộ lòng mình bấy lâu nay:
“Chúng ta không đòi hỏi sự vĩnh cửu, mà chỉ đòi hỏi không phải chứng kiến các hành động mà sự vật bỗng chốc mất hết ý nghĩa. Khi đó, cái trống rỗng bao quanh ta sẽ hiện ra…”. Khi đã chứng kiến những hành động ấy đôi lần, ta trở nên vô cùng sợ hãi cái sự thật rằng sự vật sẽ trở nên vô nghĩa trong đời sống này… Ta không biết mình sẽ thở thế nào trong sự chân-không ấy. Nhưng vẫn theo nguyên tắc Số Lớn, ta chấp nhận đánh đổi những giờ khắc trống rỗng khủng khiếp ấy để đi đến cái Chiến thắng mà niềm tin của ta xây dựng nên, như cách Saint-Ex xây dựng trong suốt đời mình.

Mời các bạn đón đọc Bay Đêm của tác giả Antoine De Saint-Exupéry.