Natalia Alecsandrovna sinh ra ở Leningrad (hiện giờ là Saint Peterburg). Tốt nghiệp đại học kĩ thuật điện Leningrad. Bà đã từng là kĩ sư, lập trình viên, nhà báo của đài phát thanh Saint Peterburg và làm ở bộ phận tiếng Nga đài BBC.
Là tác giả của một loạt các truyện trinh thám, được xuất bản ở nhà xuất bản “Eksmo” trong seri “những tác phẩm Nga bán chạy nhất”, đồng thời là tác giả của những truyện trinh thám hiện thực ăn khách nằm trong tuyển tập các truyện trinh thám của nhà xuất bản “Olma-Press” và nhà xuất bản “Nheva”. Số lượng bản in các tác phẩm của bà ước tính khoảng ba triệu bản.
Natalia Alecsandrovna có một khả năng kiếm có trong việc nhận biết những điều bất thường trong cuộc sống hằng ngày. Văn phong đặc biệt giản dị và phong cách luôn thay đổi đã cuốn hút những nhà phê bình văn học hiện đại. Các mẩu truyện trinh thám của bà luôn kì dị và nhiều màu sắc, những người anh hùng hết sức giản dị và dễ gần, tình tiết cuốn hút và bất ngờ. Tư liệu cho các câu truyện đó được lấy từ những chuyến tham quan nước ngoài của bà và chồng. Sức tưởng tượng và khả năng làm việc của nữ văn sĩ gần như không có giới hạn, bà đã cho ra đời không dưới sáu mươi tiểu thuyết các thể loại.
Câu chuyện dưới đây với tựa đề là “Bí mật bức “Tuần tra đêm” là tác phẩm thứ hai trong bộ hai tác phẩm đã viết của bà. Cuốn thứ nhất với tựa đề “Code de Vinci” kể về cuộc tìm kiếm bức tranh “Madonna Litta” của Starugin và nữ cộng sự - một nữ nhà báo trẻ tuổi. Câu chuyện thứ hai kể về cuộc phiêu lưu của Starugin xung quanh những bí ẩn của bức tranh “Tuần tra đêm”…
Dương An
***
Lời nhà xuất bản
Một âm mưu táo bạo muốn phá hủy kiệt tác của thiên tài Rembrandt- bức tranh “Tuần tra đêm”.
Một vụ tự tử không giải thích nổi của hung thủ, kẻ có những hiểu biết về những điều huyền bí…
Bí mật gì ẩn giấu sau những lá bài Taro cổ?
Bí ẩn gì phía sau những phép màu trong tấm vải tranh kiệt tác của danh họa Hà Lan vĩ đại…
Để tìm kiếm đáp án, nhà phục chế nổi tiếng Starugin đã đến Praha. Thành phố huyền bí, trung tâm của những truyền thuyết Trung Cổ và của sự mê hoặc, dường như không chịu tiết lộ những bí mật của nó. Ai và vì cái gì đã giết những bản sao của các nhân vật chính trong bức tranh của Rembrandt. Bí ẩn gì trong tâm hồn người phụ nữ đã giúp đỡ Starugin trong chuyến đi đầy hiểm nguy của anh? Liệu có phải dòng máu phù thủy đang chảy trong người cô ta…
Một cuốn truyện trinh thám huyền bí đầy lôi cuốn!
Lidia Alecsandrovna nhắm mắt trong giây lát.
Tất nhiên, điều này là không được phép, nhưng sự chuyển động không ngừng của đám đông phía trước khiến cô cảm thấy chóng mặt.
Hôm nay ở bảo tàng Hermitage (*) đã có một sự ồn ào không thể tưởng tượng nổi, đặc biệt là ở đây, nơi cô đang trực – phòng Nhicolaiskii.
(* Hermitage: Bảo tàng quốc gia Nga Hermitage là một trong những triển lãm nghệ thuật và bảo tàng lớn nhất, lâu đời nhất, quan trọng nhất và nổi tiếng nhất trong lịch sử văn hóa nhân loại thế giới. Những bộ sưu tập đồ sộ của Hermitage được trưng bày trong sáu tòa nhà lớn, mà tòa nhà lớn nhất là Cung điện mùa đông, thời trước cách mạng tháng Mười là nơi ở chính thức của Sa hoàng Nga.
Những điểm nổi bật của bảo tàng Hermitage là những tác phẩm nghệ thuật của Michelangelo, Leonardo da Vinci, Rubens, Van Dyck, Rembrandt, Poussin, Claude Lorrain, Watteau, Tiepolo, Canaletto, Canova, Rodin, Monet, Pissarro, Renoir, Cezanne, Van Gogh, Gauguin, Picasso, Matisse,… Ngoài ra còn rất nhiều tác phẩm nổi tiếng khác, bao gồm những đồ dùng trong hoàng cung, một loạt các đồ kim hoàn của Faberge – một nhà kim hoàn Nga nổi tiếng thế giới, và vô số các đồ kim hoàn cổ từ Đông Âu và Bắc Á.)
Điều đó thật dễ hiểu, hôm nay người ta đã mở triển lãm một bức tranh- một bức tranh đặc biệt. Nó nổi tiếng không chỉ khắp châu Âu, kiệt tác “Tuần tra đêm” của danh họa Rembrandt.
(Về Rembrandt : http://en.wikipedia.org/wiki/Rembrandt_Harmenszoon_van_Rijn )
Đúng là một sự kiện gây ấn tượng mạnh mẽ.
“Tuần tra đêm”, bức tranh vốn chưa từng rời khỏi bảo tàng ở Amsterdam, đã thực hiện một chuyến chu du đầy bất ngờ qua một loạt thành phố châu Âu. Người ta muốn kỉ niệm sự kiện tác giả của bức tranh – Rembrandt van Rijn tròn bốn trăm tuổi. Madrid, Florences, Praha, và cuối cùng là Saint Petersburg…
Dễ dàng đoán được, ngày hôm nay, buổi trưng bày đầu tiên, bảo tàng đông đến không thể chen nổi.
Lidia Alecsandrovna mở mắt ra.
Đám đông phía trước đã dày đặc đến không thể chịu nổi.
Giọng nói đều đều của cô hướng dẫn viên át đi tiếng xì xào của đám đông:
- Cái tên “Tuần tra đêm” được đặt bởi Rembrandt chỉ bởi vì trong rất nhiều năm, bức tranh đã bị phủ một lớp bồ hóng từ lò sưởi than trong phòng họp của Đại đội dân quân Amsterdam. Thực sự mọi chuyện trong tranh diễn ra vào ban ngày, và ban đầu bức tranh mang tên: “ Sự khởi hành cùa đội cảnh binh dưới sự chỉ huy của Đại úy Frans Banning Cocq và Trung úy Willem van Ruytenburg”. Chỉ sau khi phục chế vào năm 1889 mới hiện ra lớp sơn ban đầu của bức tranh, và lúc đó người ta mới hiểu được ý tưởng của Rembrandt…
(*Dân quân - những người khỏe mạnh đủ tiêu chuẩn để khi cần có thể được gọi để bảo vệ thành phố hay dập tắt bạo loạn*)
Cô nhân viên day day ngón tay lên thái dương. Cô cảm thấy khó thở, không khí trong gian phòng đã ngột ngạt như ở vũng lầy.
Trong góc phòng, một chàng trai bảo vệ đang đứng nhìn đám đông một cách lười biếng, chốc chốc lại nói gì đó vào chiếc máy bộ đàm màu đen.
Lidia Alecsandrovna cố gắng khích lệ bản thân giữ trấn tĩnh.
Một cậu bé tám tuổi tiến đến rất gần bức tranh, và cô nghiêm khắc nhắc nhở cậu bé lùi lại.
Cô vẫn chưa hết khó chịu, giờ lại có thêm dự cảm bất thường, tuồng như có chuyện gì đó sắp xảy ra.
Cô chưa từng bao giờ có linh cảm. Được giáo dục một cách kĩ lưỡng theo chủ nghĩa duy vật, cô hoàn toàn phản đối những gì thuộc về thần bí, và lúc này cô đang cố gắng loại bỏ cảm giác tồi tệ này.
Để trụ được, cô lấy từ trong túi một lọ thuốc, đổ ra lòng bàn tay một viên nhỏ màu trắng và cho vào miệng.
Và đúng vào giây phút đó đã xảy ra chuyện mà cô sợ hãi nhất, việc mà thỉnh thoảng cô vẫn thấy trong những cơn ác mộng.
Từ dòng người vô tận, một người nổi bật lên – một khuôn mặt trắng toát như thể đang đeo mặt nạ thạch cao, đôi mắt to đen và sâu hoắm, giống như hai cửa sổ trong bóng đêm.
Lidia Aleksanđrovna không nhận ngay ra được đó là một bộ mặt phụ nữ.
Cô chỉ cảm thấy rằng, linh cảm khó chịu lúc này đang trở thành hiện thực.
Cần phải làm gì đó để có thể ngăn điều khủng khiếp sắp diễn ra, nhưng cô bỗng thấy toàn thân nặng như chì. Cô không thể nhúc nhích được, thậm chí không thể rời mắt khỏi bộ mặt trắng vô cảm kia…
Ác mộng khủng khiếp của Lidia sắp trở thành hiện thực…
Cô thường nghe các đồng nghiệp già kể rằng, vào khoảng hai mươi năm trước, tức vào năm 1985, một kẻ điên rồ đã mang theo một lọ axit và dao găm vào gian triển lãm tranh Rembrandt. Hắn hỏi nhân viên ở đó xem bức tranh nào giá trị nhất, và những người phụ nữ khi đó đã không nghi ngờ gì chỉ cho hắn bức “Danaju”.
Tên điên khùng tiến đến gần bức tranh, hắt axit lên đó và như một con thú điên cuồng dùng dao đâm không ngừng lên bức tranh.
Lidia đã có lúc cố thử hình dung cảm giác của những đồng nghiệp đó, khi mà tận mắt chứng kiến thảm kịch xảy ra, tưởng tượng rằng, họ đã phải trải qua cảm giác, dường như trước mặt họ là cái chết của một thiên tài thế giới…
Và bây giờ chuyện đó đang xảy ra với cô!
Người phụ nữ với bộ mặt trắng bệch vô cảm đang cố tách ra khỏi đám đông và từng bước tiến dần đến bức tranh.
Viên thuốc trong miệng cô bắt đầu phát huy tác dụng. Lidia thở hắt ra, dường như đã xua hết những cảm giác khó chịu. Cô hô toáng lên và bắt đầu lao đến chỗ kẻ điên khùng.
Trong tay kẻ lạ mặt là một thứ gì đó nhọn và sáng lấp loáng.
Tiếng hô của cô được hơn mười người hưởng ứng, nhưng những vị khách tham quan hoảng hốt đã giạt sang hai bên, mở rộng lối đi cho kẻ điên rồ. Chỉ còn mình Ladia đang lao đến chỗ cô ả.
Từ góc phòng, chàng trai bảo vệ mặc complê đen lao tới, nhưng anh ta còn ở rất xa.
Lidia bị vấp, nhưng cô gượng đứng lên.
Kẻ điên rồ bị vướng vào cô, ả cố gắng đẩy cô ra xa, đồng thời vươn tay cầm dao về phía bức tranh, cố gắng đâm thẳng xuống mặt vải…
Cùng lúc đó, một người bảo vệ chạy tới nơi, anh ta nhanh chóng bẻ quặt tay cô ả ra sau và hét thất thanh vào máy bộ đàm…
Mời các bạn đón đọc Bí Mật Bức "Tuần Tra Đêm" của tác giả Natalia Aleksandrovna.