Đối tượng nghiên cứu của khoa văn học sử là quá trình xuất hiện, hình thành và phát triển của đời sống văn học ở một xã hội nhất định. Mục đích của khoa văn học sử là khám phá những quy luật của quá trình ấy. Yêu cầu của phương pháp văn học sử là khôi phục lại được toàn diện quá trình sinh động này qua những hiện tượng văn học và do đó làm nổi bật được những quy luật khách quan chi phối nó.
Muốn có một quan niệm đúng về văn học sử, điều cần thiết trước tiên là phải giới thuyết một cách chính xác khái niệm văn học. Giới thuyết này bao gồm ba phương diện của khái niệm :
- Văn học tương quan với toàn bộ sinh hoạt xã hội.
- Nội dung của đời sống văn học.
- Tính loại biệt của văn học.
Trên cơ sở một giới thuyết khoa học như vậy mới có thể xác lập được nội dung và phương pháp của khoa phê bình văn học và của khoa lịch sử văn học. Chủ nghĩa Marx-Lénine đã cung cấp cho chúng ta những điều kiện tốt nhất – thuyết tương quan giữa hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc, thuyết phản ánh, thuyết đặc tính của quy luật sáng tác văn học – để nhận thức đúng đắn về văn học, phê bình văn học và văn học sử.
***
Theo Marx, bất cứ một xã hội nào cũng có một hạ tầng cơ sở – cơ cấu kinh tế – gồm :
« T oàn bộ những quan hệ sản xuất phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của sức sản xuất vật chất »và « trên cơ cấu kinh tế ấy, một thượng tầng kiến trúc pháp lý và chính trị cùng những hình thái ý thức xã hội nhất định tương đương với nó ».
Engels cũng nói :
« Cơ cấu kinh tế của xã hội ở mỗi thời đại nhất định tạo nên cơ sở thực tế cho phép chúng ta giải thích, xét đến cùng, toàn bộ thượng tầng kiến trúc gồm các cơ quan pháp lý và chính trị cùng với những quan điểm tôn giáo, triết học , v.v… của mỗi thời kỳ lịch sử nhất định ».
Lénine gọi những quan hệ kinh tế là quan hệ vật chất và những quan hệ ở thượng tầng kiến trúc là quan hệ tư tưởng. Lénine viết :
« Các quan hệ xã hội gồm có quan hệ vật chất và quan hệ tư tưởng. Quan hệ tư tưởng chỉ là thượng tầng kiến trúc nằm trên quan hệ vật chất, mà mối quan hệ vật chất là hình thành ngoài ý chí và ý thức con người ».
Vậy thượng tầng kiến trúc gồm có những gì ?
« Nó bao gồm các quan hệ chính trị, pháp trị, tôn giáo, đạo đức, đẻ ra từ chế độ kinh tế. Trước khi xuất hiện, các quan hệ này đều thông qua ý thức con người. Cho nên Lénine gọi các quan hệ đó là quan hệ tư tưởng, khác với quan hệ kinh tế, vật chất. Do đó, tất cả tư tưởng của xã hội, tư tưởng triết học, chính trị học, pháp lý, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật và các cơ quan phù hợp với các tư tưởng đó : nhà nước, pháp quyền, các tổ chức chính trị, cơ quan văn hóa, giáo dục , v.v… (trường học, cơ quan khoa học, nghệ thuật, báo chí , v.v…) cũng thuộc về thượng tầng kiến trúc của xã hội ». 1
Văn học là một bộ phận của thượng tầng kiến trúc « nằm trên quan hệ vật chất », bị hạ tầng cơ sở quyết định « xét đến cùng ». Không thể nào giải thích được văn học nếu không đặt nó vào thượng tầng kiến trúc của xã hội « đẻ ra từ chế độ kinh tế ». Cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, văn học thuộc về phạm trù hình thái ý thức xã hội. Mà, như Marx đã nói : « K hông phải ý thức quyết định sinh tồn ; chính sinh tồn quyết định ý thức ». Đây là ý tưởng trụ cột của học thuyết duy vật mác xít, của duy vật lịch sử.
Về điểm lý luận cơ bản này, Marx và Engels đã viết :
« Sự thực hiển nhiên là : những cá nhân nhất định sản xuất theo một phương thức nhất định có những quan hệ xã hội và chính trị nhất định với nhau. Ở mỗi trường hợp riêng lẻ, sự quan sát kinh nghiệm phải vạch ra, một cách kinh nghiệm chủ nghĩa, không được suy lý và huyền hoặc, cái giây liên lạc nối cơ cấu xã hội và chính trị vào sự sản xuất. Cơ cấu xã hội và Nhà nước bao giờ cũng là kết quả của quá trình sinh hoạt của những cá nhân nhất định, nhưng không phải những cá nhân tự hình dung mình thế này hay thế khác trước mắt mình hay trong mắt người khác, mà là những cá nhân nguyên hình trong thực tại, nghĩa là những cá nhân thực tế hoạt động là sản xuất, vậy là những cá nhân đang tác động đến những cơ sở vật chất nhất định trong những điều kiện và giới hạn vật chất nhất định không thuộc ý chí chủ quan của họ.
« Sự sản xuất ra những ý tưởng, những biểu tượng và ý thức, trước hết, bị gắn liền trực tiếp và mật thiết với sự hoạt động vật chất và sự giao dịch vật chất của những con người. Nó là ngôn ngữ của đời sống thực tế. Những biểu tượng, tư tưởng, sự giao dịch về tinh thần giữa người với người, rõ ràng là xuất hiện như trực tiếp tiết ra ở đời sống vật chất của họ… Chính những con người sản xuất ra những biểu tượng, ý tưởng , v.v… của mình ; nhưng đó là những con người thực, hoạt động, bị quy định bởi trình độ phát triển nhất định của sức sản xuất và của những liên hệ tương đương, kể cả những hình thức rộng nhất có thể đạt tới của sức sản xuất và của những liên hệ ấy…
« …Ngược lại với triết học Đức đi từ trên trời xuống đất, chúng ta phải đi từ dưới đất lên trời. Nói một cách khác, không phải khởi điểm từ chỗ những con người phát ngôn, tưởng tượng, tự hình dung mình, hoặc từ chỗ những con người hiện ra qua ngôn từ, qua tư tưởng, qua trí tưởng tượng của họ hay qua sự hình dung của người khác, để tìm đến những con người bằng xương bằng thịt ; không ; phải khởi điểm từ những con người hoạt động thực tế, từ quá trình sinh hoạt thực tế của họ ; rồi từ đấy mới hình dung được sự phát triển của những phản ánh và những âm hưởng ý thức của quá trình sống ấy. Ngay cả đến những hư ảnh nẩy ra trong đầu óc con người cũng là những sản phẩm cao thượng hóa kết quả tất yếu của quá trình sinh hoạt thực tế của họ, quá trình này dựa trên những cơ sở vật chất mà chúng ta có thể nhận thức được bằng cả những ý thức hệ khác cùng những hình thái ý thức tương đương… không còn có vẻ gì là tự lập cả. Những cái ấy không có lịch sử, không có phát triển ; trái lại, chỉ có những con người trong khi phát triển sự sản xuất vật chất và những liên hệ vật chất của mình đã biến cái thực tại ấy, đồng thời biến cải cả tư tưởng và và những sản phẩm của tư tưởng mình. Không phải ý thức quyết định sinh tồn, chính sinh tồn quyết định ý thức ». 2
Bởi thượng tầng kiến trúc bị hạ tầng cơ sở quyết định chặt chẽ như thế, cho nên :
« K hi hạ tầng kinh tế biến đổi thì tất cả thượng tầng kiến trúc, hoặc mau hoặc chậm, cũng bị đảo lộn theo. Khi ta nghiên cứu sự biến đổi này, phải luôn luôn phân biệt tình trạng đảo lộn vật chất của những điều kiện sản xuất kinh tế – tình trạng này, ta có thể nhận định một cách thật khoa học, thật chính xác – và những hình thái pháp lý, chính trị, tôn giáo, nghệ thuật hay triết học, tóm lại, những hình thái ý thức hệ qua đó con người thức nhận cuộc xung đột ấy và đẩy nó đến điểm tận cùng. Cũng như không ai phán đoán một người bằng vào ý kiến của người ấy về mình, không ai lại phán đoán một thời đại đảo lộn như vậy bằng vào ý thức của thời đại ấy về mình ; mà phải cắt nghĩa ý thức này bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột giữa sức sản xuất xã hội và quan hệ sản xuất ». 3
Lý luận mác xít trên đây yêu cầu các nhà nghiên cứu văn học sử phải tìm hiểu hoàn cảnh xã hội cụ thể trong đó những sự kiện văn học xuất hiện và biến hóa. Không xét những sự kiện này tương quan với cơ cấu kinh tế của xã hội và bị cơ cấu ấy quyết định thì không thể giải thích được đúng đắn mọi quá trình văn học.
*
Tuy vậy, mối quan hệ giữa cơ cấu kinh tế và đời sống văn học của một xã hội không phải chỉ đơn giản như đã trình bầy ở trên. Muốn hiểu mối quan hệ ấy đúng với tinh thần của chủ nghĩa Marx-Lénine, cần phải đặc biệt chú ý đến mấy điểm dưới đây.
Mời các bạn đón đọc Mấy Vấn Đề Văn Học Sử Việt-Nam của tác giả Trương Tửu.