Người viết tự đặt câu hỏi và xin trả lời : Ngày 17-9-1968, vì đọc một bài báo tố « Tham Nhũng » của « Chính Luận », bỗng nhiên nhớ ngược lại dòng thời gian 40 năm trở về trước, suy ngẫm từ cái xã hội quan lại hủ lậu, thối nát của ngày đó… đến ngày nay.
Do đó mới có những trang sau đây : Xin nói rõ, người ghi hồi ký, không có xu hướng Chính-trị, Đảng phái, cũng không phải là nhà Văn, nhà Báo.
Nhớ sao ghi vậy, xin các bạn trong thế hệ tuổi 60 có đọc đến, thông cảm mà tha-thứ trước cho, nhất là rất mong những bạn có liên quan đến phong trào Tây du và Tập đoàn Hoàng-tích-Chu cũng nên rộng lượng về những điều sai lầm thiếu sót, bởi sự việc đã lâu năm rồi, khó mà nhớ lại cho đúng hẳn.
Là người ngoại cuộc, chúng tôi cố gắng viết với cây bút khách quan, thực tình cảm mến những người có tâm huyết muốn duy tân, xây-dựng đất nước.
TRÚC SƠN
***
Trong 40 năm khói lửa, xã hội Việt-Nam đã tiến đến đâu và đi về đâu ?
Không dám so sánh với Nhật-Bản, một nước toàn thánh nhân với siêu nhân, chỉ trong 30 năm duy tân (Meiji 1866) và sau ngày thất trận (1945) có 20 năm xây-dựng, đã đưa nước Nhật trở nên hùng cường hơn xưa và hiện đứng vào hạng thứ ba trong những cường quốc trên thế-giới.
Trong thời gian ấy, Việt-Nam vẫn chậm tiến, vẫn chia rẽ trầm-trọng, vẫn tham nhũng !…
Ai cũng rõ : người Nhật đã sửa soạn tổ-chức cho nếp sống quốc-gia năm 2000 từ mấy năm nay rồi.
Thế hệ ngày nay : thế hệ hợp tác quốc tế, thế hệ liên hành tinh của thời-đại nguyên-tử. Vậy mà Việt-Nam hình như cứ đi ngược lại, thành ra đã chậm tiến lại chậm tiến thêm ! Không tiến tức là lùi, để ngày nay, 1968, phải chịu nhục « Quốc Sỉ ».
Những luận điệu : nắm chủ quyền hay mất chủ quyền, được nêu lên trong khi Việt-Nam cầu cứu viện trợ kinh tế, quân sự của các nước đồng minh bạn… rất chính đáng, hợp tình, hợp cảnh, hợp lý, ngán thay, lại được mang ra mị dân, che đậy những ẩn ý riêng tư :
« Vụ nhà Đèn với những bê bối mọi mặt của nó, đã làm dư luận sôi nổi và phẫn nộ. Chứng cớ cụ thể là hồi 15 giờ ngày 15-9-1968, phân bộ Điện Lực đã hội thảo và tố sát ván ông Nhà Đèn và đòi giải tán Saigon Điện Lực, do 7 ông lớn đứng tên với tư cách cá nhân. Đây là một thái-độ của những kẻ có quyền… ngồi trên luật pháp, mưu toan thôn-tính một phần tài-sản của Điện-Lực Việt-Nam, và định để chìa tay ra nhận số tiền viện-trợ khổng lồ 32 triệu Mỹ-kim mà chính-phủ Mỹ đã dự định viện-trợ cho Việt-Nam để cung-cấp điện cho dân-chúng ».(Chính Luận 17-6-68).
Cũng may việc bị lộ đúng lúc, nên mưu-đồ không đạt được. Chậm một chút, một số Mỹ-kim trong số 32 triệu viện-trợ rất có thể đã thành « những Vô Danh Cổ Phiếu »để ở Thụy-Sĩ hay do những công-ty quốc-tế chuyên-môn việc mua bán và xử lý những cổ-phiếu vô danh có đại-diện ở khắp nơi trên thế giới.
Mỗi khi có những việc tương-tự như vậy, các ông có tài hùng-biện, chính-trị cao (!), hành-chánh giỏi (!) dùng những tiểu-xảo ra bênh-vực lập-trường, nêu cao quyền-lợi quốc-gia để che đậy âm-mưu đen tối. Các cố-vấn Mỹ phải chịu thua vì người Mỹ trọng Nhân-quyền và Chủ-quyền. Các cố-vấn Mỹ còn có bổn-phận tận-dụng số viện-trợ của niên-khóa, nên thường giao ngay cho xong chuyện, cho khỏi bị thượng-cấp khiển-trách. Mưu-đồ chia tiền, nấp dưới lời tuyên-bố « ái-quốc, ái-quần », vỗ ngực bênh-vực chủ-quyền Việt-Nam chính đáng như vậy, thì hỏi : người Mỹ làm sao biết được chỗ ma ăn cỗ ?
Cũng gần đây, lời phê-bình của báo chí đã làm cho chúng tôi suy ngẫm rất nhiều :
- Một cây bút trẻ viết : « … T hực chất các cụ đại trí-thức khoa bảng không thể lãnh-đạo Việt-Nam độc-lập được… »
- Cây bút trẻ khác viết : « …Các cụ như núi cao, các cụ cao quá, xa dân quá… »
Đại ý như vậy.
Phần riêng chúng tôi nhận thấy, nếu không lầm, hai cây bút trẻ cho rằng : các cụ có thừa học-thức, thừa tài-năng để phục-vụ trong thời-kỳ Pháp-thuộc, nay trong hoàn-cảnh khác « Việt-Nam độc-lập », các cụ lại thiếu khả-năng lãnh-đạo, bởi các cụ cao như núi, xa dân như núi xa mặt đất…
Từ đó đến nay, trên mặt báo, chúng tôi chưa nghe tiếng chuông nào khác có thể làm dịu phần nào ý-nghĩa sâu-sắc của hai cây bút trẻ.
Quyết Tiến, ngày 11-11-1968 của nữ phóng-viên Bích-Phượng Thụy-Linh :
« …Các ngài trùm mền trong những căn phòng có máy lạnh đắt giá, tha hồ xổ tưới hạt sen và đả-kích lung tung hết Mỹ tới Nga, hết Nga tới Tầu, hết Tầu tới hành-pháp, hết hành-pháp tới lập-pháp. Toàn là chê bai và chửi đổng. Trúng cũng chửi, trật cũng chửi. Tưởng như các ngài có tài kinh bang tế-thế, giá đưa các ngài vào thế chỗ ở các vị-trí đó là có ngay hòa-bình, chẳng cần tốn hao một viên đạn. Các cụ làm như các cụ nằm ngay trong bộ Tổng Tham-Mưu của quân-lực Hoa-Kỳ kế cạnh Tổng Dôn… Hằng ngày dân Đà-Nẵng thường thấy các cụ lấp ló ở cổng Trung-tâm Nhập ngũ số 1, đường Đống-Đa, để chạy chọt vận-động hoãn dịch cho các cậu ấm nhà, hoặc lái xe hơi phom phom đến các sở Kinh-Tế của Mẽo, rù rì rủ rỉ, nhỏ to trù-tính những chuyện làm ăn không được thơm tho sạch sẽ cho lắm… »
*
Thiểu số « trùm mền » thường đặt câu hỏi : Ai có thể nói chuyện được với Hồ-chí-Minh, Võ-nguyên-Giáp ? Đặt câu hỏi ấy có nghĩa là « chỉ có các ông ấy mới đủ tài đủ sức, thích-đáng để đấu tố với C.S. », nhưng rất tiếc là quý ông lại trùm mền… làm cao.
Dường như quý ông có mặc cảm non kém tội-lỗi trước C.S. và Thực-dân (complexe d’infériorité, de culpabilité) các ông trốn trách-nhiệm, trùm mền lên đầu. Nhưng các ông lại có thừa thông-minh để hiểu rằng : Trong lúc này tiêu-cực, vô trách-nhiệm là hèn nhát, nên các ông gỡ-gạc, phát-biểu ý-kiến nửa kín, nửa hở : khen C.S., bênh thực-dân, công-kích chính-quyền hiện hữu… để tỏ ra : có ta đây ! Các ông còn thừa hiểu rằng nếu sống dưới chế-độ C.S. thì cái quyền này cũng không có nữa…
Mời các bạn đón đọc Mấy Chàng Trai Thế Hệ Trước của tác giả Dương Thiệu Thanh.