Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên Quyển 2

PHÀM-LỆ

Bộ Sử được phân làm 4 quyển, thật ra không phải chia 4 thời kỳ, nhưng chĩ để đề-cập đến 4 địa-danh : Trấn-Biên, Biên-Hùng, Đồng-Nai và Biên-Hòa, mà mỗi danh-xưng đều có một xuất-xứ, hoặc cổ-kính hay oai-dũng, hoặc thơ-mộng hay tân-tiến, do nhiều yếu-tố dữ-kiện cấu-thành.

Các dữ-kiện ấy đều có nguyên-ủy và diễn-tiến, khó mà sắp xếp vị-thế thời-điểm cho đúng-hợp, khỏi bị song-hành, nên tôi chiếu lệ, phân-chia Xưa và Nay, cũng chỉ theo tính-cách lịch-sử mà thôi.

Do đó, có thể quý độc-giả sẽ gặp trong quyển thứ I(Trấn-Biên Cổ-Kính) một vài sự-việc đến nay nhận ra cũng còn đang diễn-biến.

Và nơi quyển thứ IV (Biên-Hòa tân-tiến) nói việc hiện-tại mà vẫn phải nhắc nguồn gốc từ xa xưa. Về Di-tích xưa, Sơn-mạch, Lâm-tuyền, Hà-giang, đã có mục riêng, nhưng chỉ kê những điểm nét chánh-yếu, còn phần chi-tiết được đề-cập đến trong nhiều bài khác.

Quyển thứ II (Biênhùng oai-dũng) được nêu lên : với Địa-khí sơn-linh, Rừng-cao bóng cả, Giang-thanh thủy tú. Với nhiều nhơn-kiệt, các bậc tiền-hiền khai-khẩn, các đại công-thần triều Nguyễn, các anh thơ liệt-nữ, anh-hùng kháng Pháp, những nhơn-vật có hành-động đầy sĩ-khí nho-phong, vài nhơn-tài xuất-chúng thời cận-đại. Hoặc với những truyện-tích lạ kết thành từ hồn thiêng sông núi.

Nơi quyển thứ III (Đồng-Nai thơ-mộng) có nói về tài-nguyên thổ-sản, cây trái, món ăn nổi tiếng từng vùng, là những đề-tài khô-khan nếu viết theo giới chuyên-môn kỹ-nghệ, trồng tỉa, gia-chánh, nhưng tôi đã nhìn sự-vật bằng nhãn-quan, tâm-hồn và hứng-cảm của nhà thơ, để thi-vị hóa từ phiến-đá, hột-cát, đến miếng gạch, cục than từ mục măng đến cọng bún…

Mỗi bài là một màn trình-diễn, hoặc trầm-lặng hay sôi-động, luôn luôn vẫn được phổ thơ và đệm nhạc, hoặc du dương hay hùng-tráng tùy bối-cảnh, để trợ hứng tinh-thần, hấp dẫn người xem không nhàm chán.

Sau cùng, có phần Phụ-lục Tân-truyện, là để, với tư-cách là một nhân-chứng thời-đại tại địa-phương, ghi lại sắc-diện nếp-sống chung của người Biên-Hùng qua nhiều lãnh-vực, với ý muốn nhắc các giai-đoạn lịch-sử trong thời cận-đại.

Về phần họa-đồ tôi phác-họa theo sử-liệu, nên lối trình-bày có thể khác hơn chuyên-viên trắc-địa. Hình ảnhđược chọn lựa lấy đối-tượng là di-tích lịch-sử hoặc có liên-hệ đến đặc-điểm của Tỉnh nhà.

Tác-giả

***

LỜI-TỰA

Tỉnh Biên-Hòa là một trong những Tỉnh đã khai lập từ ngàn xưa (sau khi Nguyễn-Chúa chiếm được đất của Chiêm-Thành và Chân-Lạp) dự phần lớn trong Quốc-Sử, trải qua những cơn hưng-vong, có một lịch-sử kiêu-hùng, đã khai-sanh ra nhiều Tỉnh mới.

Vậy nghiên cứu và viết lại lược-sử Biên-Hòa, thiển nghỉ không phải là một việc làm vô-ích.

Vì lẽ đó, từ trước, dưới thời Pháp thuộc, cũng đã có vài ba nhà biên-khảo địa-chí Biên-Hòa, nhưng phần nhiều đều viết theo tài-liệu sách-vở, mà không đến nghiên-cứu tường-tận tại chỗ, nơi mỗi địa-phương, vì thế, sử-liệu kém phần chính-xác.

Vậy, nay tôi tiếp tục con đường của những người đi trước, đầy khó-khăn, trở ngại, mà mình tự xét thấy còn thô-thiển, bỡ ngỡ, nhưng cũng cứ đi, đi với thiện-chí học-hỏi của một người dân sinh-trưởng tại Tỉnh nhà, nặng lòng yêu quê-hương Biên-Hòa, quê-hương tôi có con sông Đồng-Nai nước ngọt, có núi Châu-Thới oai nghi, có không-khí trong lành, có người hiền, cây cảnh đẹp.

Tôi không có cao-vọng theo con đường của một Ngô-Sĩ-Liên, một Phan-Huy-Chú, một Trần-Trọng-Kim, một Phạm-văn-Sơn, nhưng chỉ vì nặng tình bản-sở, mà làm kẻ lữ-hành nhỏ bé, đi từ bước một, trên đường sử-học, nhặt từng mảnh sử-liệu vụn-vặt ở mỗi nơi, ghi chép từng mẩu chuyện truyền khẩu ở mỗi vùng, dẫm chơn trên gần khắp Miền Đông, từ thành-thị đến thôn-quê, thăm hàng ngàn gia-đình, mót cọng lúa vàng trên đồng, xem hột thạch-sa dưới nước hoặc đào bới dưới đáy giếng sâu, đọc tấm bia mộ rêu-phong, viếng Đình, Chùa, Miếu-môn cổ kính, bẻ cành cổ-thụ trong rừng thiêng, nhặt hòn đá cuội trên núi thẳm, đến xem một ít di-tích xưa còn lưu tại Viện-Bảo-Tàng, trong ba mươi năm trời công-phu sưu tập, để hôm nay, hoàn-thành được bộ sử-lược này, mà tôi coi như là kết-tinh đời văn-học của tôi.

Tôi đã đọc nhiều bộ Việt-Sử, tham khảo sách-báo Đông-Tây kim-cổ, quan-sát phong-tục tập-quán tự ngàn xưa, ở từng vùng, theo dõi sự tiến-triển của khoa-học, tình-hình diễn-biến của Tỉnh nhà trên mọi mặt, mọi ngành, để rồi sắp xếp lại thành chương-mục, tiểu-đề, chi-tiết, theo một thể-tài mới, gọn-gàng, dễ hiểu, với phương-pháp của những sử-gia tân-tiến, mặc dầu đây chỉ là việc biên-soạn bộ sử-lược của Tỉnh nhà.

Về phong-tục tập-quán, về nguồn-gốc, nếp sống hàng ngày của nhân-dân, về quan, hôn, tang, tế, tôi đã tham-cứu các sách gia lễ xưa, và đồng-thời cũng đi từng nơi, khảo-sát những đặc-điểm, rồi dung-hòa để phác-họa lại những nét đại-cương, tổng-quát.

Tùy địa phương, tục-lệ mỗi nơi đều mỗi-đổi, hoặc được bãi bỏ hẳn, hoặc biến-thể ra một hình-thức khác ; vì thế, người địa-phương chỉ tìm được nơi đây một vài riêng biệt của vùng mình.

Nơi vài chương-mục, tôi có đề-cập đến nhiều sự kiện, nay tuy đã ở trên phần lãnh-thổ Tỉnh bạn, nhưng trước kia, uyên ủy nó vẫn thuộc Tỉnh nhà, thì hồn-thiêng sông-núi và tư-tưởng của người Biên-Hòa vẫn còn hướng vào nhau, giao-cảm với nhau bởi một sợi dây thân-ái vô-hình, nên nay, nếu có nhắc lại trong sự-tích Tỉnh nhà, tưởng không phải chuyện xa-vời, sai-lạc.

Hôm nay, nhân ngày kiết-nhựt, trong ánh sáng Cộng-Hòa, đầy thanh sắc Tự-Do, ngập bông-hoa Dân-Chủ, đượm mùi hương Hạnh-phúc, tôi chấm dấu cuối cùng, cảo thành bộ-sử.

Trước những di-tích lịch sử, tôi đốt nén hương lòng trở về với dĩ-vãng, tưởng-niệm anh-linh người muôn năm cũ, kính dâng sách này cho quý-vị nhân-sĩ, các văn-hữu thân-yêu, cho các bạn đồng-hương hiện còn ở giữa lòng đất Đồng-Nai Sông-Phố hay đã kiều-ngụ nơi nào, cũng như cho người phương xa có một thời-gian hưởng-ngụ nơi Phật-Địa Biên-Hoà, hẵn còn lưu nhiều kỷ-niệm.

Chỉ vì tha-thiết với đất mến yêu mà một Công-Dân biên-soạn bộ-sử của Tỉnh nhà.

Với thiện-chí ấy, tôi tin rằng, dầu sao, cũng hưởng được sự khoan-hồng dễ-dãi của quý-vị độc-giả sẽ chỉ-giáo cho những chỗ sai lầm, hay bổ sung những điều thiếu sót.

Cũng với thiện-chí ấy, kẻ sĩ hèn mọn này, trên đường học-sử, góp tài-liệu giữ nơi đây, tin rằng sau này, các bậc cao-minh sẽ kiện-toàn thành một bộ sử đầy-đủ hơn của Tỉnh nhà. Được như thế, tôi cũng mãn-nguyện lắm rồi.

Biên-Hòa, ngày giỗ tổ Hùng-Vương

mùng 10 tháng 3 năm Tân-Hợi (1971)

LƯƠNG-VĂN-LỰU

***

LỊCH-SỬ ĐẶC-DANH : BIÊN-HÙNG

Dinh Trấn-Biên, vào năm Kỷ-tỵ (1629) nguyên là Phủ Phú-Yên, cương thổ cuối cùng của Đại-Việt, giáp phía Nam là nước Chiêm-Thành.

Việt dân tiếp tục bành trướng thế lực lần xuống Nam.

Đến năm 1679, dân ta chiếm đất Đông-Phố của Thủy-chân-Lạp.

Chúa Hiền Thái-Tông Hiếu-triết Hoàng-đế Nguyễn-phước-Tần sắp đặt lại địa hạt hành chánh và chia đất Đông-Phố (Giản-Phố trại (?) Cẩm-bồ Gia) ra làm hai Dinh, trong số đó có Trấn-Biên.

Dinh là một căn cứ lãnh thổ, theo binh chế cũ, gồm lối 500 người.

Trấn-Biên có nghĩa là Trấn của Biên-cương (giáp cận Thủy-chân-Lạp quốc)

Chữ « Biên » xuất phát từ đó và được lấy đặt tên cho cương-thổ miền Đông Nam-Việt.

Đến năm 1776, có tướng Hoa-kiều là Lý-Tài, trước ở với Tây-Sơn, sau theo Nguyễn-phước-Ánh, rồi lại tạo phản, rút về chiếm vùng Chiêu-Thái (núi Châu-Thới) tự xưng hùng và truyền sửa đặt Trấn-Biên lại là Biên-Hùng trấn, với ý nghĩa Trấn-Biên bây giờ có đoàn quân hùng cứ một cõi, không hàng phục Nguyễn-Triều.

Năm 1787, trước sự tiến binh của Nguyễn-Vương Phước-Ánh, Đông-định-Vương Tây-Sơn là Nguyễn-Lữ cũng lui về tạm trú, hiên ngang trên đất Biên-Hùng nầy.

Từ năm 1806, sau khi Thế-Tổ Cao-Hoàng Gia-Long thắng Tây-Sơn, Thống-Nhất Sơn-Hà, tổ chức lại nền Hành-Chánh quốc-gia, chia thêm lãnh thổ Việt-Nam ra làm nhiều Trấn nữa (trước chỉ có hai Dinh). Nhà vua đặt lại là « Biên-Hòa » với ý nghĩa là : Trấn-Biên, sau thời binh-biến nhiễu nhương tao-loạn, được phục hồi tình trạng an-hòa thái-lạc.

Về sau, người Pháp gọi là « PORTE DE LA PAIX ».

Biên-Hòa được chính thức xưng danh kể từ đó, trên phương-diện chánh-trị và hành chánh.

Nhưng về mặt lịch-sử, người dân Biên-Hòa, mỗi khi muốn xưng địa danh, thường thích ôn lại gương nghĩa dũng của liệt-sĩ anh-hùng để tự hào mình là hậu-duệ, rồi gọi tên mảnh đất thân yêu đã sinh và nuôi dưỡng mình, là Biên-Hùng, nguyên là Trấn-Biên-dinh do Tây-Sơn sửa đặt lại.

Chữ « Hùng » có nghĩa trọn vẹn của nó :

Trang tài-tuấn có chí khí hào-hùng hiên-ngang, biết diệt Bạo trừ Gian, dám hy-sinh vì Chính-nghĩa, cho Quốc-gia Độc-Lập, cho Dân-tộc tự do.

Đất địa « Trấn-Biên Dinh » vốn un đúc bằng một khí núi oai rừng linh-thiêng, nên đã, cùng cỏ cây non nước, trổ sanh nhiều bậc tài-nhân dũng-sĩ.

- Năm 1834 : Dưỡng tử của Tả-quân Lê-văn-Duyệt là Lê-văn-Khôi, khi dấy loạn tại thành Phiên-An (Gia-Định), chống vua Minh-Mạng, có nhiều đồng đảng thuộc hạ, ngụ tại Biên-Hùng Trấn.

- Năm 1859 : Binh của Tôn-Thất-Hợp chống nhau với quân của Trung-tá Jauréguiberry tại Biên-Hùng. Binh ta thua vì chiến cụ nặng của địch, vẫn lẩn-lút ở trên đất Biên-Hùng để kiên-trì kháng chiến trong cam go.

Trong thời cận-đại, cụ Đoàn-văn-Cự ở Vĩnh-Cửu (Tam-Hiệp), cũng nổi lên chống Pháp và phong trào « Thiên địa hội Lâm trung trại » bài xích chế độ cai trị của Thực dân, cũng phát động được một thời gian tại Trấn-Biên-Hùng, đất Đồng-Nai.

Đồng-Nai còn có tiếng là « Đồng-Nai Đá Lửa » hàm ý cứng rắn, can-đảm, mạnh mẽ, không lùi bước trước kẻ thù của dân-tộc, nhưng vẫn hiền-dịu với Đạo-Đức, Nghĩa-Nhân.

Trong « Gia-Định Tam-Hùng » là ba hổ tướng : Châu-văn-Tiếp, Võ-Tánh, và Đỗ-thành-Nhân của Triều-Nguyễn, có Võ-Tánh, nguyên tổ-tiên xuất thân từ Phước An (Phước-Tuy) thuộc Trấn Biên-Hùng.

Tóm lại hùng khí đất « Trấn-Biên » vẫn không bao giờ tan rã qua các thời đại.

Danh từ « Biên-Hùng » được truyền tụng và thông dụng ngày nay, cũng do các sự tích kể trên.

*

Nay là Biên-Hòa, nhưng khi dẫn chứng lịch-sử, dân Biên-Hòa coi mình như là vẫn còn trong huyết quản hào-khí của người xưa, nên thường thích gọi, hoặc được gọi quê hương là Biên-Hùng, để được hãnh-diện với những quá trình và thành tích tranh-đấu vì Chánh-nghĩa của Tiền-nhân.

Với từ ngữ « Biên-Hùng » nầy, từ năm 1952, Tòa Hành-Chánh Tỉnh nhà có mở một ấn-quán. Một tập báo ra hàng tháng lấy tên « Biên-Hùng Nguyệt-Báo » do một nhóm văn-hữu công-chức chủ-trương biên-tập.

Một nhóm anh em ham mộ thể-thao tại Tỉnh, nặng lòng yêu quê-hương, mượn danh « Biên-Hùng » để thành lập đội bóng tròn được giới mộ điệu hoan-nghinh ủng hộ và được tiếng khen tặng của cầu-giới miền Nam.

Danh từ « Biên-Hùng » cũng được nhà kinh-doanh Lê-văn-Lộ mượn đặt cho một hí-viện đồ-sộ trên ngã Năm Ga (đường Hưng-đạo-Vương, Trịnh-hoài-Đức và Q.L. 1) làm tăng vẻ thẩm mỹ về mặt kiến-trúc tại Tỉnh lỵ và tạo sanh khí tấp nập cho thành phố.

Một ban tân-nhạc của các bạn trẻ, một xưởng đắp vỏ xe, một quán ăn tại Biên-Hòa, và nhiều cơ sở khác cũng chọn ngữ-từ « Biên-Hùng » để đặt danh-hiệu cho đoàn nhạc và công-ty kỹ-nghệ, thương-mãi.

Mời các bạn đón đọc Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên (Quyển 2) của tác giả Lương Văn Lựu.