Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Cuộc Đời Tranh Đấu Của Gandhi

Mohandas Karamchand Gandhi sinh trong một gia đình Ấn Độ giáo thuộc cộng đồng Modh (một nhóm thương gia ở Gujarat), tại Porbandar, bang Gujarat, Ấn Độ vào năm 1869.[4] Ông là con của Karamchand Gandhi, một người giữ chức "diwan" (có thể gọi là "Tổng bộ trưởng") của Porbandar, và bà Putlibai, người vợ thứ tư của Karamchand, theo Ấn Độ giáo phái thờ thần Tì-thấp-nô (sa. vaiṣṇava). Nữ thủ tướng Ấn Độ sau này, Indira Gandhi, và con trai của bà, Rajiv Gandhi, không có họ hàng với Gandhi.

***

CHƯƠNG 1 : MỘT LINH-HỒN XA CÕI TỤC

HÔM ấy là ngày thứ sáu, 30 tháng giêng năm 1948.

Hồi 4 giờ rưỡi chiều, tại biệt thự Birla House ở Tân Đề-ly, sau khi dự bữa cơm thanh đạm thường nhật do bà Abha dâng lên, Thánh tiếp ông Patel, phó Thủ-tướng chính-phủ nước Tân Ấn-Độ. Cuộc hội đàm hình như quan trọng vì kéo dài đã quá giờ. Thánh phải ra dự buổi lễ cầu kinh. Mãi tới khi bà Abha kín đáo nhắc Thánh là đã tới giờ, Thánh mới giã từ khách mà chậm rãi đi tới nơi cầu nguyện. Qua vườn, Thánh còn nói, hai tay vin vào vai hai bà cháu gái : « Đây là hai cây gậy trúc chống già của tôi đây ! »

Lúc Thánh bước lên đàn tràng thì có sự nhốn nháo trong đám tín đồ đang đợi sẵn. Kẻ thì tiến lại gần Thánh để lạy chào, người thì rẽ đám đông để lấy chỗ Thánh đi, nhiều tín đồ phủ phục trước chân người. Thánh rời tay khỏi vai hai bà cháu gái, chắp lên ngực để đáp lễ mọi người. Ngay lúc đó, một người từ đám đông tiến ra chắn ngang đường Thánh đi, hình như muốn chờ để phủ phục lạy chào. Sợ trễ giờ cầu nguyện, bà Manou, cháu Thánh, vội đẩy người đó ra bên, thì bị y xô ngã liền. Rồi tiến đến cách Thánh hai bước, y rút súng sáu đã thủ sẵn trong áo nhằm Thánh bắn liền ba phát.

Phát thứ nhất thì Thánh đang đi bỗng dưng lảo đảo mà đứng lại. Phát thứ hai thì máu đào đã loang trên áo Thánh. Bàn tay Thánh đang chắp trước ngực bỗng buông thõng ven mình. Tiếng nổ thứ ba vừa dứt, thì cái cái thân hình gầy guộc của Thánh quỵ xuống. Đôi mắt kính văng ra một bên. Một chiếc dép da của Thánh tụt khỏi chân, rơi ra nẻo khác.

Hai bà cháu gái khẽ nâng đầu Thánh lên và gượng nhẹ khiêng người vào tẩm thất. Mắt ngài khi ấy nhắm nghiền. Phó Thủ-tướng Patel nâng tay người chẩn mạch hình như còn thấy dấu hiệu mong manh của sự sống. Có tiếng lách cách của người nào bới lộn chai lọ trong hộp thuốc để tìm một ống thuốc hồi dương. Nhưng mười phút sau, bác sĩ Bhargava tới thì Thánh vừa tắt thở.

Các thanh-niên nam nữ tín đồ kêu khóc như điên. Thủ tướng Nehru, đồ-đệ yêu dấu của Người, tất tả chạy đến, vành khăn còn quấn dở. Thủ-tướng phủ phục cạnh linh sàng, gục đầu vào nếp áo đẫm máu của Thánh mà khóc than thảm thiết. Rồi đến lượt Devadas, con út Thánh, cùng các nhân viên Chính-phủ mà phần lớn là đồ-đệ người, đến nhìn mặt Thánh. Trong các số các nhân vật ngoại-giao đến viếng tang, nhiều người mủi lòng rơi lệ.

Bên ngoài biệt-thự, dân chúng tụ họp kêu gào đòi được chiêm ngưỡng dung nhan Thánh lần cuối. Người ta phải đặt di-hài Thánh lên nóc nhà, chiếu đèn vào cho tỏ. Quần chúng đang hỗn loạn bỗng im lặng như tờ. Hàng vạn người nối nhau sắp hàng đi diễu trước thi hài. Lẫn với tiếng chân rầm rập trong đêm thâu, vẳng lên những tiếng nức nở của nỗi lòng khôn nén. Đến nửa đêm thì thi hài được hạ xuống để rước vào linh sàng. Suốt đêm, những người thân của Thánh canh gác bên người, và thay phiên nhau cầu kinh đến sáng.

Đến sáng sớm hôm sau, các vị đồ đệ tắm rửa thi hài bằng nước hương thang rồi theo đúng tục lệ quàng qua cổ Thánh một vòng hoa bằng bông và bằng lúa tết. Cỗ vải liệm trắng tinh bọc quanh mình Thánh, chỉ để hở bộ ngực thanh tao tinh sạch mà Ngài có thói quen để trần khi còn sống. Những cánh hồng tươi rắc khắp linh sàng và trên vải liệm. Cạnh di hài, nghi ngút một đỉnh trầm hương.

Gần trưa, theo lời yêu cầu của quần chúng, di hài Thánh lại phải đặt lên nóc tòa nhà Birla lần nữa.

Đến trưa thì con thứ ba của Thánh là ông Ramdas đáp phi cơ về tới Tân Đề-Ly. Người ta chỉ còn chờ ông để cất đám, vì kính trọng những thói sống giản-dị và nhún nhường của Thánh lúc sinh thời, thiếu-lang Devadas và ông Pyarélal Nayyar, người cộng sự thân mật nhất của Thánh, đã quyết định không ướp xác giữ gìn, mà làm lễ thiêu hóa ngay để linh-hồn người quá-cố chóng về nơi cực-lạc.

Lễ nhập quan giản dị và cảm động. Một vòng hoa quấn trên đầu Thánh. Gương mặt người thư-thái, song dường như đượm một nét buồn vô hạn, tưởng chừng Thánh còn phiền muộn về chuyện xâu-xé của hai dân tộc Ấn-Hồi. Ngọn cờ xanh, vàng, trắng, quốc hiệu của nước Tân Ấn-Độ, phủ kín quan tài.

Đám tang đơn giản nhưng bi tráng. Linh-cữu đặt trên một giá súng đại bác kéo bởi hai trăm binh sĩ thủy, lục và không quân. Từ Birla House đến nơi thiêu hóa trên bờ sông Youmna, con đường dài có hơn 5 dặm mà đám tang khởi hành hồi 12 giờ trưa mãi 4 giờ 20 phút buổi chiều mới tới vì có một triệu rưởi người theo sau linh cữu, và một triệu người khác đứng ở suốt dọc đường. Ven sông Youmna còn một triệu người nữa chầu chực sẵn từ tảng sáng quanh hỏa đàn. Ba chiếc phi cơ bay lượn trên đám táng, chốc chốc lại buông xuống từng trận mưa hoa.

Hỏa đàn đặt cách sông Youmna chừng vài trăm bước ; những phiến gỗ trầm hương đã chất sẵn trong lò. Di hài Thánh đặt trên hỏa đàn, đầu về hướng Bắc, chân trỏ hướng Nam. Khi xưa Đức Phật về trời, Ngài cũng nằm trong phương vị đó.

Đúng 4 giờ 3 khắc buổi chiều, thì Ramdas, người con thứ ba của Thánh, châm lò. Khi ngọn lửa đầu tiên bốc lên, thì tất cả cái bể người bỗng rung động trong một tiếng than dài. Có lúc như một làn sóng cuốn, dân chúng ùa tới hỏa tràng. Nhưng rồi muôn người như một lại trấn tĩnh được ngay và rũ xuống như dưới một sức đè nén nặng nề. Có tiếng khóc nức lên trong đám đông.

Ngọn lửa dội lên rồi tắt. Trước gió chỉ còn ít tro than và một làn khói cuộn. Cái đám đông mấy triệu người im lặng như tờ. Một tiếng chim hót đâu đây. Xa xa, nước sông rì rào chẩy.

Hai mươi bẩy giờ sau, khi những hòn than cuối cùng trên hỏa đàn đã vạc, những người thân của Thánh cử hành lễ lượm xương. Các đồ đệ của người kính cẩn thu góp những mảnh xương tàn chưa bén lửa. Than tro được vun vén vào chiếc túi nhỏ bằng vải bông do chính người nhà dệt lấy. Bới đống tro than, người ta nhặt được một viên đạn sắt, hòn đạn còn nằm trong mình Thánh. Di cốt được đựng trong một chiếc bình đồng, sau khi lau rửa bằng nước sông Youmna. Ramdas quấn một vòng hoa thơm vào cổ bình, rồi đặt vào một chiếc giỏ đầy hoa mà đem về Hồng thất.

Đến ngày 11 tháng hai thì làm lễ thủy táng hài-cốt Thánh ở hợp lưu sông Hằng-Hà, sông Youmna và sông Sarasouati. Lúc sinh thời, Thánh vốn bao giờ cũng chỉ đi xe lửa hạng ba, lẫn với đám bình dân. Vậy thì bây giờ, dẫu không có lời di huấn, người ta cũng lập một chuyến xe riêng, gồm năm toa toàn hạng cuối, để đưa hài cốt từ Tân Đề-Ly đến nơi an nghỉ cuối cùng. Bình xương tro đặt ở toa xe chính giữa, dưới một núi hoa hồng. Chung quanh, có hai bà Abha và Manon, ông Pyarélal, bà Sonchila Nayyar cùng mấy người học trò yêu củaThánh gìn giữ.

Ở Allahabad, ngày 12, một triệu rưỡi người từ mọi nơi kéo đến để cầu nguyện. Bình di-cốt đặt trên một chiếc xe phủ đầy hoa. Con cháu và các người thân của Thánh đẩy xe hộ tống. Thủ-tướng Nehru đi theo linh xa, nỗi buồn thương hiện trên nét mặt.

Đến ven sông thì bình hài-cốt được chuyển xuống một chiếc xuồng nhà binh sơn trắng để đem ra giữa dòng. Khi miệng bình nghiêng xuống làn nước đỏ cạch của sông Hằng-Hà thì một loạt súng viếng vang động trên những chòi thần công của thành lũy đồn Allahabad. Tro than bay tung trước gió. Những mảnh xương con, thì nước sông Hằng đem nhanh ra biển.

Vụ ám-sát Thánh Cam-Địa là một tang chung cho toàn cõi bán đảo Ấn-Hồi. Quốc dân hình như thấy một nỗi chán chường đè nặng trên tâm hồn. Vì con người lượng cả đức cao như Thánh, một người thương yêu cả đến những kẻ thù hiểm độc nhất của mình, một người bình sinh không bao giờ dám giết đến một loài côn trùng, ruồi muỗi, một người như Thánh mà đến nỗi bị giết dã man bởi chính tay người đồng chủng và đồng đạo của mình, thì trên cõi đất này còn đâu là công lý của Trời ?

Ngày thứ sáu 30 tháng giêng năm ấy, Thánh Cam-Địa tạ thế, trong khi sự-nghiệp của người đã đến chỗ tuyệt đích cao siêu. Vậy mà Thánh đã từ giã cuộc đời, bình dị và hồn nhiên chẳng khác khi người sống. Không riêng gì dân tộc Ấn, mà khắp thế-giới được tin Thánh từ trần cũng cảm thấy một cái gì cao cả vừa mất đi. Vì Thánh Cam-Địa tượng trưng cho Đức-độ cao cả mà loài người chúng ta thiếu sót.

Nhà chính-trị Pháp Léon Blum đã diễn tả được tư tưởng của toàn thể chúng ta khi viết rằng :

« Tôi chưa hề đặt chân lên đất nước Người, vậy mà được tin Người mất, tôi xót-xa tiếc nhớ chẳng khác trước cái chết của người ruột thịt. Khắp thế giới, đâu đâu cũng để tang bậc kỳ nhân đó ! »

Giáo sư Albert Einstein cũng nói :

« Thánh Cam-Địa đã chứng tỏ rằng người ta có thể chế-ngự được trăm triệu sinh-linh không phải bằng những lời hứa hão-huyền hoặc những mánh-khóe chính-trị xảo-quyệt, mà chỉ bằng tấm gương sáng của một đời sống thanh cao trong sạch ».

Bởi thế cho nên tin dữ ở Tân Đề-Ly vừa truyền đi, khắp thế giới sững sờ điếng lặng trong sự hãi hùng và đau đớn.

Một nguồn sáng của nhân loại vừa vụt tắt.

Ở bên kia đại dương, Mỹ-quốc rủ cờ tang.

Nhân loại cũng đeo một tang lớn trong lòng.

Nhưng cái chết của Thánh có thể như liều thuốc hồi sinh, gây ảnh hưởng diệu kỳ trong cái thế giới đang xâu xé lẫn nhau như lang sói. Những bực chính khách trong tay đang cầm vận mệnh của mấy nghìn triệu sinh linh, các vị dù có tranh đấu cho một lý-tưởng, một chủ-nghĩa nào chăng nữa, thử hỏi có ai đã dám tranh-đấu suốt đời với một lòng nhân như Thánh ?

Mời các bạn đón đọc Cuộc Đời Tranh Đấu Của Gandhi của tác giả Louis Fischer.