Trăng tròn ngày rằm và khuyết ngày thường, nhưng đó chỉ là hình ảnh phản chiếu vào mắt chúng ta. Còn thực tế, trăng vẫn là một khối tròn vành vạnh, bất kể ngày hay đêm, đầu hay cuối tháng. Ando và Inukai là hai nhân vật đứng ở hai góc nhìn về “mặt trăng” mang tên “Dự án thành phố mới”. Đối với Inukai, dự án này là ngọn nguồn đầu độc sự mục ruỗng của thành phố Nekota, và anh cố làm mọi cách để ngăn cản nó. Nhưng trong quá trình đem cái tốt đẩy lùi cái xấu, Inukai đã không còn nhận ra đâu là đúng, đâu là sai. Anh dần lún sâu vào niềm tin mình có thể thay đổi thế giới, và khi đó, Ando xuất hiện với hai vai trò vô cùng quan trọng: vừa là thuốc thử để Inukai định hướng đúng-sai cho hành động của mình, vừa là phanh hãm cho niềm tin vượt tầm kiểm soát của Inukai. Cuộc chiến ban đầu được xây dựng trên sự đối đầu giữa Ando và Inukai, nhưng thực chất là cuộc chiến trong nội tại của chính Inukai để tìm ra chân lý, khi mà quyền lực và tài năng cùng song hành mà không có chốt hãm. Liệu Inukai có tìm ra lời giải đáp cho tất cả? Hay chính anh sẽ khởi đầu cho một loạt bão lũ kéo về tràn ngập thành phố Nekota?
***
Maoh: Juvenile Remix là một loạt truyện tranh Nhật Bản dựa trên tiểu thuyết của Kōtarō Isaka và được minh họa bởi Megumi Ōsuga. Bộ truyện kể về một chàng trai trẻ đã khám phá ra sức mạnh của mình và khám phá ra bí mật của một thủ lĩnh đang lên để thống trị thành phố Nekota.
***
Ando từ bé đã ” ảo tưởng ” rằng mình là siêu năng lực gia, cậu nghĩ rằng cậu có thể điều khiển người khác nói lời mình muốn. Vì cái suy nghĩ lập dị đấy nên tuổi thơ cậu bị bạn bè xa lánh, lên cấp 3 thì cũng có bạn nhưng cậu vẫn luôn lo sợ họ nghĩ mình tự kỷ. Vì thế nên cậu sống rất dè dặt, cẩn thận từng bước đi của mình và tránh làm những việc không cần làm để có thể hoà nhập với xã hội. Cho đến khi một ngày cậu gặp Inukai thủ lĩnh hội ” Grass Hopper “, một tổ chức bề ngoài là bênh vực kẻ yếu, hướng đến sự tốt đẹp cho mọi người nhưng thực ra họ cũng chỉ là một nhóm độc tài với lối suy nghĩ trừ khử kẻ trái ý. Ando vì nghe câu nói của Inukai ” Cho dù là không tưởng, chỉ cần tự tin quyết chiến, nhất định sẽ thay đổi thế giới” mà cậu quyết định thay đổi cách sống và đồng thời thức tỉnh được năng lực mà cậu ảo tưởng. Ando cũng bất ngờ tìm ra được hội Grass Hopper không tốt đẹp như mình nghĩ, cậu bắt đầu hành trình chống lại Inukai đang dần dần nắm quyền kiểm soát thành phố.
Tình tiết truyện rất hay và hướng đi đột phá táo bạo. Nhân vật xây dựng rất hay, đều đối lập với nhau tạo nên sự cuốn hút riêng, không kể ngoài main và Inukai sau này còn xuất hiện phe sát thủ.
Cao trào cực nghệ thuật, những pha main đối đầu với kẻ xấu đều khiến người đọc hồi hộp và không biết trước cái kết. Tình tiết có vài pha ám ảnh nhẹ( không phải máu me mà theo hướng tâm lý ).Đặc biệt của bộ truyện là những phát ngôn hack não đến từ mọi nhân vật tạo thêm sự huyền bí cho bộ truyện.
Vì plot bộ này mà nói thêm thì sẽ spoil cực mạnh, vậy nên các bạn hãy tự đọc và thưởng thức của bộ truyện siêu phẩm này.
Nét vẽ đơn giản, tỉ lệ khuôn mặt thỉnh thoảng hơi cồng kềnh. Nhưng tổng quan nét vẽ không gọi là khó nhìn, vẫn nuốt được.
Truyện này rất thích hợp cho những ai cần được truyền cảm hứng, cần một cú khích lệ tinh thần.
Trên đây là bài review về manga Maoh : Juvenile Remix – Ma vương.
***
Nhận xét: (Spoiler CỰC MẠNH, nói vậy chứ chắc nhiều người đã đọc bộ này rồi.)
* Những điều đáng khen:
- Tình tiết đắt giá, có tính sáng tạo; hướng đi đột phá và táo bạo:
Lúc mới đọc truyện mình cứ thắc mắc, bộ này gắn một cái tag action, vậy mà siêu năng lực của main lại là thuật truyền ngôn? Ủa đánh nhau người ta cần sức mạnh, võ thuật, vũ khí khủng hay siêu năng lực phun ra lửa/phóng tơ nhện/hóa khổng lồ/làm đông cứng không khí… thì hợp lý chứ thuật truyền ngôn thì có tác dụng gì? Nhầm hàng rồi chăng? Nhưng tác giả đã trả lời ngon ơ. Bằng cách cho main ăn hành ngập mặt.
Thật, main ăn hành theo cả hai khía cạnh thể chất (bị đánh, bị đuổi giết, bị tác dụng phụ do dùng siêu năng lực) lẫn tinh thần (bị chửi mắng, bị bảo là tự kỷ ám thị, phải đấu tranh tâm lý liên tục). Lúc cậu bị đánh hay cảnh cáo thì mình chưa lo lắm, nhưng khi anh Ve - một sát thủ chuyên nghiệp - xuất hiện thì, mình kiểu, thôi xác định rồi. Nhưng mà không, giữa những hoàn cảnh nguy hiểm, cái chết cận kề trong gang tấc, main, một con người thể chất có phần ốm yếu, sở hữu siêu năng lực dường như không liên quan gì đến chuyện đánh nhau/chiến đấu, lại có thể tận dụng nó để thoát chết. Tại sao à? Vì “Cho dù là không tưởng, chỉ cần tự tin quyết chiến, nhất định sẽ thay đổi được thế giới.”. Cậu vì muốn sống cho ra sống, vì mục tiêu của mình mà tự khám phá giới hạn của bản thân, hiểu được siêu năng lực của kẻ địch, hiểu con đường Inukai đi, thậm chí biết cách điều khiển đám đông đang phát cuồng, bất chấp hiểm nguy xông vào cứu người nhà thầy của Anderson khỏi đám cháy. Sau trận chiến với ông chủ quán Duce, mình đã tin rằng với ý chí và bộ óc đó, sẽ không gì ngăn cản được main. Rồi cậu chết.
Mặc dù tác giả đã có nhiều gợi ý trước về cái chết của main - qua giấc mơ của em trai cậu (Junya), qua những lần chảy máu mũi, đau đớn vì dùng siêu năng lực quá liều, Junya còn bảo rằng: “Anh hai đừng bỏ em. Em rất sợ một ngày anh hai đột nhiên biến mất.” - nhưng đến tận lúc main kiệt sức và nằm xuống, mình vẫn nghĩ, cậu chỉ ngủ một lát thôi. Vì là main mà, sao có thể?
Nhưng, main của chúng ta đã thật sự ra đi. Tác giả đúng troll, khi người ta lo lắng thì nhân vật vẫn sống, đến lúc người ta nể phục, tin tưởng nó thì…
Mà main chết thì truyện sẽ ra sao đây? Thì thằng em lên sàn, tiếp nối con đường của anh trai nhưng theo một cách hoàn toàn khác. Ông anh điềm tĩnh bao nhiêu thì thằng em lại quay cuồng lên như thằng điên, hành động ào ào đúng trẻ trâu . (Nhưng mà mình thích thằng trẻ trâu này hơn.)
- Xây dựng cao trào đầy tính nghệ thuật, gợi được sự đồng cảm cao (và gây ám ảnh).
+ Tác giả hay dùng kiểu đan xen hai cảnh hành động vào nhau giống như trong phim, bên này đánh nhau và hack não thì bên kia cũng đang vật lộn và đấu tranh tâm lý. Trong đó có hai cảnh mình thích nhất của anh Ve (tiện thể, mình thích anh Ve nhất truyện, ảnh có 1 manga riêng tên Waltz cũng do hai tác giả này làm cùng nhau). Giới thiệu một chút, Ve là sát thủ chuyên xài dao găm, tóc dài, thường mặc quả quần sọc ngang và khoác áo kiểu giống hoodie có mũ tai dài, nói chung là hao hao con ve. Anh có ông người yêu, nhầm, ông sếp khá dị, lúc nói chuyện thường trích dẫn những câu nói so deep của ca sỹ Jack Crispin (ca sỹ có thật ngoài đời, có track tên là “Don't wanna live like the dead”), ví dụ: “Jack Crispin có nói: 'Giữ được thời gian, giữ được mình.'“, “Jack Crispin có nói: 'Đời người chỉ nên nhượng bộ một lần.'“. Ve không như những sát thủ tầm thường giết người chỉ vì tiền, cũng không phải người tốt (toàn đi xiên người ta mà tốt gì), nhưng anh yêu nghề, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ dù cho có phải chết.
Cảnh mình thích nhất truyện là khi Ve gặp ông Cưỡng Bức Tự Sát - sát thủ giết người bằng cách ép họ nhìn vào con mắt bị bịt của ổng, xong họ sẽ tự cảm thấy tội lỗi và tự sát. Vì ông này giết mất lão thị trưởng - người thuê Ve bảo vệ, thành ra nhiệm vụ của anh thất bại, Ve điên lên quay ra xiên ông CBTS nhưng bị ổng xài skill ép nhìn vào mắt. Thông thường, nếu đã giết nhiều người, ảo giác tội lỗi sẽ là các nạn nhân hiện hồn về đòi mạng, nhưng trong trường hợp của Ve thì không. (Có phải vì anh đã chấp nhận mặt trái của nghề sát thủ rồi nên không hề day dứt, hối hận?) Cái làm anh thấy sợ và thúc đẩy tự sát ở đây là: nhiệm vụ bất thành, sếp không cần anh nữa. Điều này được thể hiện khá ám ảnh qua chi tiết chuông điện thoại cứ réo mãi (sếp gọi), đã tắt nguồn rồi vẫn kêu. Ve không dám bắt máy vì không biết phải nói gì với sếp và sợ bị đá ra đường. Cảnh anh ngồi cạnh chiếc di động, ôm đầu lẩm bẩm “điện thoại cứ réo liên tục… liên tục không dứt”, “đã tắt nguồn rồi mà”, “ồn ào quá” khá là ám ảnh. Đùa chứ cái này bạn nào từng đi trốn nợ hoặc làm ngành chăm sóc khách hàng hay có chút tình cảm với công ty mình đang làm và sợ bị sếp đá ra đường thì sẽ thấm thía hơn, cảm giác không muốn nghe mà điện thoại cứ réo mãi ấy, liên tục không dứt, tắt nguồn rồi vẫn có cảm giác nó đang kêu. Tác giả chắc đang nhớ đến cảnh bị hối thúc bản thảo khi viết/vẽ cái này .
+ Kiểu thứ hai tác giả chuộng là bẫy trong bẫy, người đi săn lại trở thành kẻ bị săn. Cảnh mình thích nhì truyện là khi Junya (thằng em main) bị bà chị tay sai của nhà Fraulein lừa nhốt vào trong cái phòng khách sạn bỏ hoang để 3 thằng đệ biến thái tra tấn. Junya đột nhiên hỏi: “Đoán xem người sắp xuất hiện đằng sau cánh cửa kia là nam hay nữ?”. Sau đó là tiếng bước chân “kít kít” ngày càng gần nghe rợn như phim kinh dị (mà tiếp theo tất nhiên sẽ có máu đổ).
- Kích thích người đọc lạc vào những suy nghĩ so deep, truyền cảm hứng sống cực mạnh:
+ Thông minh, tài giỏi, sức mạnh, skill bá đạo, … đều không bằng may mắn?
Nếu đã xem phim Deadpool 2, hẳn bạn cũng hiểu mình muốn nói gì. Bất chấp dàn trai chất lừ của team X Force vừa ra trận đã tèo teo teo hết (Deadpool nhây không tính), cô ả có siêu năng lực may mắn cân cả team. Quay trở lại manga, sau khi ông anh mất thì thằng em có siêu năng lực là may mắn, nhờ đó mà đi đánh đề kiếm một đống tiền rồi thuê sát thủ giết hết nhà Fraulein. May mắn đã giải quyết hết mọi thứ?
+ Tại sao cùng là “tự tin quyết chiến” như nhau, mà main lại chết còn cậu em thì thành công?
Chẳng ai bảo con đường Ando đi là sai, nhưng cậu đã thiếu sót điều gì để phải gục xuống chết trước khi làm được điều mình muốn? Có lẽ là 3 thứ: sự trẻ trâu, “thủ đoạn” và sự giúp đỡ từ những người khác. Thủ đoạn thì Junya đã có nói trong truyện rồi, sự giúp đỡ của những người khác hẳn bạn đọc cũng đã rõ - dàn sát thủ hoành tráng cậu ta thuê ấy mà, dưới đây mình muốn phân tích một chút về sự trẻ trâu.
Bảo “sự trẻ trâu” là cho vui thôi, thật ra cái Junya có mà Ando không có đủ là động lực, nghe chẳng vui vẻ hay vinh quang gì, nhưng vì mất anh hai, Junya mới phát điên lên và tìm cách trả thù cho anh, bất chấp mọi thứ. Mình còn nhớ trong series phim Vượt ngục, Mr. Kim có bảo rằng, người của tổ chức làm việc kém hiệu quả là vì chưa có đủ động lực, do đó hắn phải đi đe dọa/gây tổn thương cho người thân của những thành viên trong tổ chức để tạo động lực. Ở đây cũng tương tự như vậy, hai anh em Ando và Junya mất cha mất mẹ, dựa vào nhau mà sống, Ando là người thân duy nhất còn lại trên cõi đời, mất anh rồi Junya phải bất chấp tất cả thôi. Cái cảnh cậu vác cây gậy bóng chày đi giết ông chủ quán Duce - người hại chết anh cậu, mình phải thốt lên: “Really?”. Vũ khí thì trẻ trâu, lại còn chẳng biết đối phương lợi hại ra sao mà đi xử họ như đúng rồi. Nhưng xem cảnh này mình chợt nhớ đến manga Kiseijuu, main trong đó cũng gần như vậy: thuận tay phải mà tay đó cụt rồi, trước đây đa phần nhờ cậu bạn kí sinh trùng Migi mới thắng trong các trận chiến, giờ mất Migi vẫn dứt khoát xách con dao (vừa cùn vừa rét, thậm chí làm cho người thuận tay phải dùng) đi đánh nhau với con kí sinh thú được xem là mạnh vô đối. Bài học rút ra ở đây: trong cuộc sống nhiều khi cần phải liều lĩnh, điên cuồng. (Không có nghĩa là mình ủng hộ chuyện “cần đủ động lực” nhé, mất đi người thân là chuyện không bao giờ nên trải qua.)
+ “Chúng ta sẽ sửa lại váy cho Claretta.”
Đây là tin nhắn cuối cùng Ando để lại cho em trai. Vậy điều cậu ta thật sự mong muốn là gì? Giết Inukai? Không. Xử lý nhà Fraulein? Cũng không. Claretta Petacci, theo như lời sát thủ Đẩy Trộm, là tên của người tình của Duce (sở dĩ Ando liên hệ đến Claretta là vì cái quán tên Duce và truyện có lồng ghép chính trị vào). Duce tức Mussolini, là trùm phát xít Ý, trong Thế chiến 2 có hợp tác với Hitler (trùm phát xít Đức, ông này thì nổi tiếng quá rồi), về sau thua trận thì Mussolini và người tình là Claretta bị xử bắn và treo ngược lên trước quảng trường. Claretta lúc đó không mặc underwear, váy của cô bị tốc ngược và đám đông lấy đó làm trò cười, khi ấy thì có một vị cha xứ nhân từ (charitable priest) đã lên cài lại cái váy bằng một cái chốt an toàn, sau đó buộc lại cho kín bằng dây thừng (thông tin từ cuốn sách “Claretta - Mussolini's last lover” của R.J.B Bosworth). Vị cha xứ này có thể bị đám đông căm phẫn giết chết nhưng đã dũng cảm làm điều mình nghĩ là nên làm. Vậy, “sửa lại váy cho Claretta” là cách nói ẩn dụ của Ando: dù cho đám đông có thế nào cũng đừng bị cuốn theo, mà hãy dùng đầu của mình để tự biết nên làm gì; ngay cả khi chúng ta có một vị lãnh đạo tài giỏi, tốt đẹp như Inukai cũng không được tin tưởng hoàn toàn và mù quáng. Điều này giải thích cho hành động của Junya cuối truyện.
+ “Don't wanna live like the dead” - tên soundtrack của Jack Crispin giống như cuộc đời của Ando trong truyện vậy.
+ Ông Cưỡng Bức Tự Sát có cuốn sách yêu thích là “Tội ác và trừng phạt”.
+ Ông sát thủ Đẩy Trộm, sát thủ được xem là mạnh nhất có 2 câu nói rất hay: “Đáng sợ nhất là sức mạnh của tự nhiên.” và “Những kẻ nghĩ rằng chỉ có mình đặc biệt là những kẻ nông cạn.”
- Nét vẽ mượt mà, tạo hình nhân vật dị nhưng bắt mắt, biểu cảm có hồn.
Truyện có một Ando hiền lành, tốt bụng và có gì đó thật dịu dàng, kiểu tóc toát lên nét tự kỷ (!), trong khi Junya thì từ tóc tai đến thần thái đầy vẻ trẻ trâu, về sau có những khoảnh khắc biểu cảm của thằng bé nhìn vừa bệnh hoạn vừa đáng thương. Trong khi anh Ve bao đẹp và ngầu, ông sếp thì vừa dị vừa trí thức.
* Điều chưa hài lòng:
- Con ong trong truyện gây ức chế, chuyển từ địch thủ sang sùng bái Inukai khá là nhanh và kém duyên.
- Thằng con trai cưng của ông trùm nhà Fraulein và mấy thằng đồng bọn khá đặc sắc nhưng chưa được khai thác hết, cảm giác hơi hụt hẫng.
Chê vậy thôi chứ mình thích truyện này lắm, đánh giá nó rất đáng đọc. Có một thời gian khó khăn mình luôn tự nhủ “Cho dù là không tưởng, chỉ cần tự tin quyết chiến, nhất định sẽ thay đổi được thế giới.” và nhờ đó có tinh thần làm những việc cần làm.
Mời các bạn đón đọc Ma Vương Maoh của tác giả Kōtarō Isaka & Megumi Ōsuga.