Trong rừng mù sương tồn tại một ngôi nhà lớn, tên là Hắc Miêu Quán, kiến trúc cũng không lấy gì làm kì dị lắm trừ hai điểm. Một là chong chóng trên nóc mang hình mèo chứ không phải gà như thường thấy. Hai là lại thiết kế bởi thiên tài lập dị Nakamura Seiji.
Quản gia của Hắc Miêu Quán mất trí nhớ, quên sạch sự kiện và cả tên mình sau một vụ cháy. Tha thiết tìm lại quá khứ để chết còn nhắm mắt được, quản gia đã đem Nakamura ra làm mồi nhử fan bự của ông ta đến nhà này.
Cùng với người bạn đồng hành trẻ tuổi Conan, fan bự đã đến, và đi lạc vào một thế giới hai mặt.
Hắc Miêu Quán là cuốn thứ sáu trong series trinh thám Quán của Yukito Ayatsuji, đi liền sau Thời Kế Quán.
Nếu Thời Kế Quán gây ấn tượng bởi thiết kế huy hoàng, bẫy rập tinh vi, nạn nhân đông đảo đặt trong dòng thời gian đằng đẵng pha lẫn quá nhiều kí ức khổ sở, nhân thân phức tạp cùng lời chứng nhỏ vụn đến mức dễ bỏ qua, thì Hắc Miêu Quán lại tự khẳng định bằng chất mạch lạc tối giản.
Tối giản về kiến trúc, tối giản về nhân vật, tối giản về động cơ… nhưng lại thâm thúy và khó lường ở ý tưởng xây dựng, đây cũng là mánh khóe lớn nhất mà sự khám phá thuộc độc quyền của ngài thám tử cao gầy, như cây tre miễu.
***
Thập Giác Quán (1987) là cuốn tiểu thuyết đầu tay thuộc thể loại trinh thám cổ điển của nhà văn Yukito Ayatsuji. Tác phẩm nằm trong series Quán:
***
Tác giả: Yukito Ayatsuji. Dịch giả: Hải Yến
Thể loại: Trinh thám Nhật. Mức độ yêu thích: 8.5/10
Tôi thật sự thích “Thập giác quán” dù nhiều người chê truyện đó, nên tôi đã đọc toàn bộ những cuốn Quán đã được dịch tiếng Việt + bộ Another của tác giả Yukito Ayatsuji, thậm chí còn nhớ được cái tên (hình như là bút danh) khá dài và rắc rối của ông tác giả này (tác giả là nam, không phải nữ). Giữa hai cuốn mới mua gần đây là “Thời kế quán” và “Hắc miêu quán” thì tôi chọn đọc mèo đen trước vì cuốn này mỏng và bìa ngoài xấu.
HẮC MIÊU QUÁN
Một năm trước, một nhóm bốn người bạn – trong đó có con trai chủ nhà – ghé Hắc Miêu Quán để nghỉ dưỡng (thực chất là để ăn chơi + hút cỏ). Họ nhận được sự tiếp đón miễn cưỡng của ông quản gia già. Hắc Miêu Quán là tòa nhà màu đen bí ẩn nằm trong sương mù, tường ngoài đen, tường trong xen kẽ gạch đỏ – trắng, trên mái nhà có chong chóng hình mèo, cũng được thiết kế bởi kiến trúc sư lập dị đã thiết kế các tòa “Quán” khác. Tuổi trẻ ham vui, hai trong số bốn người lái xe đi dạo và đưa về một cô gái trẻ. Trong cuộc ăn chơi thác loạn nửa đêm, án mạng đã xảy ra. Thay vì báo cảnh sát, những người trong nhà thông đồng với nhau để giấu xác, trong khi ngay chính họ cũng không biết ai là thủ phạm. ____ Bối cảnh chuyển đến một năm sau, khi một nhà văn trinh thám cùng người bạn trẻ tuổi của mình tình cờ đọc được sổ ghi chép về những chuyện đã xảy ra, được viết bởi người quản gia Hắc Miêu Quán. Do hoàn cảnh đưa đẩy, họ quyết định tìm đến địa điểm đã xảy ra án mạng để thỏa mãn trí tò mò – chứ không phải để điều tra.
Trừ cuốn “Nhân hình quán” mà tôi cho rằng kém hay nhất trong những cuốn Quán tôi từng đọc, nhìn chung thì tôi thích chất trinh thám suy luận + khả năng xây dựng cốt truyện tài tình và đầy tính đánh đố của tác giả Yukito. Hầu như cuốn nào cũng khiến tôi có chút hồi hộp trong khi đọc, thỉnh thoảng vỡ òa những chi tiết bất ngờ (tôi cũng có cảm giác tương tự như khi đọc truyện của một tác giả yêu thích khác của mình là Jeffery Deaver). “Hắc miêu quán” tuy mỏng nhỏ nhưng chứa đựng đầy đủ sự thú vị cuốn hút cần có của một quyển trinh thám, động cơ nghe cũng hợp lý, cách lý giải của (các) vụ án mạng trong cuốn này không quá ảo và khiên cưỡng như trong cuốn “Hokkaido Mê trận án”. Cách xử lý cuối truyện cũng khiến tôi tương đối hài lòng dù nghĩ kỹ lại thì tôi không nên hài lòng với kết cuộc đó!
Vốn có một sự yêu thích nhất định đối với văn hóa Nhật nói chung và trinh thám Nhật nói riêng nên tôi hoàn toàn ổn và rất kiên nhẫn với những tên người + tên địa danh dài ngoằng trong truyện Nhật, cụ thể là trong cuốn “Hắc miêu quán” này, nhưng thú thật đôi lúc những cái tên bốn chữ + họ bốn chữ (tức là tên họ ghép lại đọc đến tám âm tiết) cứ trôi tuột khỏi đầu tôi như nước đổ lá khoai, may mà tôi vẫn nắm được là đang nói đến nhân vật nào. Trong truyện có một chi tiết thú vị khiến tôi thích, đó là “Kawaminami” được gọi thành “Conan”, nếu ai có hiểu biết về Kanji của tiếng Nhật sẽ hiểu ngay vì sao một cái tên dài nhằng có thể gọi lại ngắn gọn như vậy. Bên cạnh đó, tuy tác giả đã rất tử tế vẽ sơ đồ đầy đủ của Hắc Miêu Quán (cuốn Quán nào cũng có sơ đồ tòa nhà và danh sách nhân vật đầy đủ tên tuổi nghề nghiệp) nhưng tôi vẫn loạn lên với các địa danh và phương hướng, do đó chỉ chú ý đọc xem diễn tiến truyện ra sao. Với khả năng tiếp thu chỉ 70% truyện như thế, tôi vẫn kết luận rằng mình thích cuốn “Hắc miêu quán” này, mức độ yêu thích ngang bằng với “Thủy xa quán” nhưng kém “Thập giác quán” một chút.
Từ lần đầu nhìn thấy bìa “Hắc miêu quán” thì tôi đã không thích lớp bìa ngoài vì trông nó tối tăm mù mờ và không đẹp, nhưng tôi hài lòng với bìa trong của sách. Tuy không tán đồng cách làm sách có hai lớp bìa (vì sẽ tốn tài nguyên giấy, hại môi trường) nhưng tôi thích những cuốn hai lớp bìa như rứa, nếu không thích lớp áo thì có thể lột áo để trần trụi với nhau. Cũng như những cuốn khác của IPM, “Hắc miêu quán” được dịch thuật và biên tập kỹ, trình bày đẹp, trong cuốn này tôi không phát hiện lỗi chính tả hay lỗi in ấn nào. Sách nhỏ mỏng nên với kiểu đọc thiếu tập trung thì tôi đọc xong trong hai ngày, nếu chú tâm chắc có thể đọc xong trong nửa ngày. Cuốn này đã góp phần củng cố tình cảm và sự trung thành của tôi đối với series Quán của tác giả Yukito Ayatsuji.
(Sea, 22-5-2020)
Cáo Biển Non Xanh
***
CHỦ NHẬT 8/7/1990
VÙNG HỒ AKAN, TỈNH HOKKAIDO*
Ba người đứng trước cổng, sương mù có vẻ như đã chờ đợi khoảnh khắc này từ rất lâu, dần lan ra từ cánh rừng vân sam rộng mênh mông sau lưng họ. Kawaminami Takaaki khẽ xoa lên phần cánh tay lộ ra khỏi ống sơ mi cộc tay của mình, sau đó xoay người lại.
Chiếc xe con chở họ đang đỗ phía trước khoảng vài mét, gần như chặn quá nửa con đường nhỏ hẹp dẫn vào rừng. Thân xe màu xám đã sớm hòa vào màn sương trắng xóa.
“Sương dày thật đấy.” Đứng trước Kawaminami vài bước chân, một người cao lớn mặc áo khoác xanh nõn chuối khẽ lẩm bẩm. “Ái chà. Tôi có cảm giác màn sương đuổi theo mình từ Kushiro*.”
Người này là nhà văn trinh thám Shishiya Kadomi.
Anh ta gầy trơ xương, thân hình cực kì mảnh khảnh. Shishiya đưa tay vuốt mái tóc xoăn mềm, đồng thời gỡ cặp kính đen xuống, quan sát người đàn ông đứng bên cạnh.
“Sao rồi, ông Ayuta? Ông có nhớ ra được điều gì không?”
“Hừm…” Ayuta Toma ngẩng lên nhìn cánh cổng trước mặt, im lặng hồi lâu, mãi sau mới chịu lên tiếng, “Tôi thấy rất quen.” Giọng ông ta nghe chảng có chút tự tin nào.
Ayuta là người gầy gố ốm yếu, lưng hơi gù, cùng lắm chỉ tầm sáu mươi tuổi, nhưng điệu bộ, cử chỉ trông già nua lắm rồi. Ông đội mũ không vành màu nâu để che đi cái đầu hói, mắt trái đeo chụp mắt màu trắng. Quanh chụp mắt là một vết sẹo bỏng rất lớn, lan tới tận gò má và quai hàm, khiến người ta không dám nhìn lâu.
Dõi theo ánh mắt Ayuta, Kawaminami cũng nhìn về phía cổng chính.
Cổng này rất cao. Trụ cổng bằng đá màu nâu thẫm sừng sững trông chẳng khác nào thân cây mọc lên từ đám cỏ dại. Không thấy biển số nhà, như thể ngay từ đầu đã chẳng hề có. Cánh cửa chia ô bằng đồng cũ nát khủng khiếp. Hàng rào đồng đen ở hai bên ngăn cách ngôi nhà với khu rừng xung quanh.
Màn sương dày lặng lẽ len qua các ô vuông trên cổng. Khi nãy mới xuống xe, họ còn thấy thấp thoáng đường nét ngôi nhà, nhưng giờ nó đã biến mất trong màn sương trắng xóa.
Mối chốt cổng quấn xích sắt màu đen, phía trên treo một ổ khóa, nhìn rất chắc chân. Shishiya tiến lên, bám hai tay vào khung sắt lắc thử, cánh cổng không hề nhúc nhích.
“Shishiya, anh nhìn bên kia Ida.” Kawaminami trỏ sang trái cổng, “Nhìn xem! Bên đó có cổng phụ.”
“Hả? Có thật này.”
Cổng phụ nằm ở mé bên cổng chính, phía trong là chốt cài đơn giản, chỉ cần luồn tay vào ô vuông cửa là dễ dàng mở ra. Phải nói là khá may. Nếu có mỗi Shishiya và Kawaminami, cả hai có thể trèo cổng hoặc dùng cách khác vào trong, nhưng vì còn có ông Ayuta đồng hành nên không tùy tiện như thể được.
“Vào thôi, Conan.” Shishiya mở cửa, quay đâu nhìn hai người còn lại, “Ông Ayuta, chúng ta vào thôi.”
Khoác chiếc cặp cùng màu áo khoác lên vai, Shishiya đi trước, bước qua cổng phụ chật hẹp.
Ông Ayuta lập tức nối gót, tay phải chống ba toong màu nâu. Kawaminami đi sau cùng.
Cả ba rón rén tiến vào giữa lớp sương trắng dày đặc. Bốn bề vang vọng tiếng chim rừng. Giờ đã là đâu tháng Bảy, dù đang giữa trưa nhưng trời chẳng hề ấm lên. Kawaminami thấy lạnh, lại xoa xoa lên cánh tay. Cậu hối hận vì để áo len trên xe, không mang ra ngoài.
Mặc dù tầm nhìn bị sương dày cản trở, không thể quan sát rõ ràng, nhưng sân trước có vẻ khá rộng rãi, đâu đâu cũng thấy cây cối mọc xum xuê. Kích thước và độ cao của các cây không hề giống nhau, có cây chưa tới một mét, cố cây lại cao ba, bốn mét liền.
“Conan, nhìn kìa!” Shishiya tiến lại gần một cây, quan sát cành lá rồi nói, “Đây là cây hoàng dương, trông cứ tưởng rất lâu rồi chưa được tỉa tót, nhưng nếu quan sát kĩ sẽ thấy bên trong còn lưu lại dấu vết tia cành.”
“Tia cành ư?”
“Chính là cắt tia cành định kì đế tạo dáng cho cây đấy.”
Bằng chứng đây. Cậu nhìn xem, nó có hình gì?”
“Hình…” Kawaminami nhìn chằm chằm vào cây, không nói nên lời.
Cậu chợt nhớ tới một đoạn trong sổ ghi chép: Trước đây, cây cối trồng ở sân trước được tỉa tót thành hình các con vật. Có thể do màn sương mờ huyễn hoặc, thoáng nhìn qua sẽ thấy bóng cây này giống một con mèo to. Lẽ dĩ nhiên, cái tên Hắc Miêu Quán cũng có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý cậu lúc này.
Shishiya khẽ vuốt cái cầm nhọn của mình, giẫm lên đám cỏ dại mọc cao quá bàn chân rồi xoay người lại.
Ông Ayuta đứng cạnh anh, không ngừng ngó nghiêng tứ phía. Ít nhất thì trước tháng Chín năm ngoái, ông vàn còn là quản gia của nhà này. Ông lão mất trí nhớ đang cố gắng tìm lại những mảnh vụn kí ức trong đầu mình.
Có thể màn sương phiền phức đã khiến người ta mất đi cảm giác vốn có. Vắt ngang qua khoảng sân trước rệu rã là lối đi lát gạch đỏ chừng vài trăm mét đản đến ngôi nhà trước mặt.
“Cuối cùng cũng tới.” Shishiya thốt lên, “Đây là Hắc Miêu Quán sao?”
Trên tường xám bụi bẩn là dãy cửa sổ nhỏ hình chữ nhật. Mái nhà dốc cao, tạo thành hình chóp nhọn. Thoạt nhìn, ngôi nhà nhỏ hai tầng này chẳng có gì kì lạ, nhưng chỉ riêng việc nằm ẩn mình trong khu rừng ít người qua lại ở Hokkaido cũng đủ khiến người ta cảm thấy bất thường. Hơn nữa, hai mươi năm trước, chính Nakamura Seiji đã thiết kế ngôi nhà này. Nghĩ tới việc mùa hè năm ngoái, ở đây đã xảy ra sự kiện được viết lại trong cuốn sổ ghi chép kia, Kawaminami vẫn thấy nổi hết da gà.
“Cái chong chóng mèo ở đâu nhi?” Shishiya đứng thẳng người, ngước lên nhìn mái nhà.
Kawaminami bắt chước anh, ngẩng đầu ngó quanh quất nhưng không thấy con mèo đâu.
“Kia!” Ông Ayuta giơ cánh tay đang chống gậy lên, “Ở kia kìa, đã nhìn thấy chưa?”
Theo hướng ông chỉ, mọi người nhìn về phía mé phải ngôi nhà, trên chỗ mái cao nhất là một cái bóng xám nhạt. Thông thường, trên mái nhà hay đặt chong chóng gió hình con gà, nhưng ở đây lại thay thế bằng chong chóng hình động vật khác. Tuy khó quan sát thực hư qua màn sương mù dày đặc, nhưng có thể thấy được mũi tên này không hề giống con gà.
“Là cái kia sao?”
Shishiya nhìn lên mái, hai tay khoanh trước ngực, toàn thân bất động. Bỗng nhiên, anh nghiêng nghiêng cái đầu, thấp giọng lẩm bẩm mấy câu rồi xoay người lại nói với ông Ayuta, “Chúng ta vào trong thôi.”
“Nhưng cửa bị khóa rồi.”
Kawaminami nhắc nhở, Shishiya lại khẽ nhún vai.
“Thì nghĩ cách đi. Vất vả lắm mới tới được đây, không thể ra về tay không được.”
“Tất nhiên.”
Một cơn gió lớn chợt thổi qua, cây cối trong vườn xào xạc. Lớp sương mù dày đặc cuối cùng cũng chịu tản đi, ánh nắng giữa trưa lập tức trải đầy trên mặt đất.
“Được rồi, chúng ta vào thôi!”
Shishiya gọi lớn rồi bước tới hàng hiên vừa được ánh nắng chiếu rọi của Hắc Miêu Quán. Kawaminami liếc nhìn một lần nữa cái chong chóng mèo đang liên tục đổi hướng, kêu lách cách trên mái nhà. Sau đó, cậu mới cùng ông Ayuta bước vào trong.
Mời các bạn đón đọc Hắc Miêu Quán của tác giả Yukito Ayatsuji & Hải Yến (dịch).