Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Định Mệnh Chiến Tranh - Mỹ Và Trung Quốc Có Thể Thoát Bẫy Thucydides?

"Đây không phải là một cuốn sách về Trung Quốc. Mà là một cuốn sách về tác động của một Trung Quốc đang trỗi dậy đối với Mỹ và trật tự toàn cầu. Khi một cường quốc đang trỗi dậy đe dọa thế chỗ một cường quốc đang thống trị, hệ quả có khả năng xảy ra nhất chính là chiến tranh.

Đề cập tới Chiến tranh Peloponnese từng tàn phá Hy Lạp cổ đại, sử gia Thucydides đã giải thích rằng: “Chính sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ hãi mà nó gây ra ở Sparta đã khiến chiến tranh trở thành điều tất yếu.” Tình trạng tương tự đã xảy ra 16 lần trong suốt 500 năm qua. Và 12 lần đã kết thúc trong bạo lực.

Trong lần thứ 17, sự trỗi dậy khôn cưỡng của Trung Quốc đang đi tới chỗ va chạm với một nước Mỹ đang giậm chân tại chỗ. Cả Tập Cận Bình và Donald Trump đều cam kết “khôi phục sự vĩ đại” cho nước mình. Nhưng nếu Trung Quốc không sẵn sàng tiết chế các tham vọng của mình, hoặc Washington không chịu chia sẻ vị thế đứng đầu ở Thái Bình Dương, một cuộc xung đột thương mại, một vụ tấn công mạng, hay một tai nạn trên biển cũng có thể khơi mào cho một cuộc chiến tranh lớn.

Trong cuốn sách này, Allison giải thích tại sao Bẫy Thucydides lại là lăng kính tốt nhất để hiểu rõ sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Liệu Washington và Bắc Kinh có thể chèo lái con thuyền quốc gia của họ vượt qua những bãi cạn nguy hiểm?

+ ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA:

""Bẫy Thucydides đã xác định một thách thức chính yếu đối với trật tự thế giới: xung đột lợi ích. Tôi chỉ có thể hy vọng mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ trở thành trường hợp thứ 5 có thể được giải quyết trong hòa bình, thay vì trở thành trường hợp thứ 13 nổ ra chiến tranh."" - Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ.

“Trung Quốc và Mỹ sẽ tạo ra một trật tự quốc tế mới, dựa trên sự thừa nhận rằng cường quốc mới đang trỗi dậy sẽ được trao một vai trò phù hợp trong việc hình thành các quy tắc và thể chế toàn cầu… Trong thế kỷ XXI, Bẫy Thucydides sẽ nuốt chửng không chỉ Mỹ và Trung Quốc, mà cả toàn thế giới.” - Nouriel Roubini, giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York và Chủ tịch của Roubini Global Economics

“Cuốn sách được xây dựng từ những nghiên cứu chuyên sâu trong dự án ‘Bẫy Thucydides’ mà Graham Allison đã dày công xây dựng nên có sức thuyết phục cao, với các lập luận và dẫn chứng có tính thuyết phục. Cuốn sách có cách diễn giải mạch lạc và lôi cuốn. Việc Graham Allison để mở mà không đưa ra khuyến nghị chính sách như thường thấy trong các nghiên cứu của các học giả Mỹ, gợi mở cho mỗi người đọc những suy nghĩ và ý kiến khác nhau. Cuốn sách chắc chắn sẽ gây tiếng vang lớn trong giới học giả và công chúng. Rất nhiều học giả và chính trị gia trên thế giới đã có những đánh giá tích cực về cuốn sách. Hy vọng rằng, như Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đánh giá ‘các bài học trong sách có thể cứu hàng triệu mạng người’.” - Đỗ Mạnh Hoàng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao"

***

LỜI GIỚI THIỆU

Giữa lúc cả thế giới đang chú mục vào diễn biến ngày càng gay cấn và nhiều kịch tính của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì công trình nghiên cứu của Graham Allison, một học giả chính trị quốc phòng hàng đầu của Mỹ được xuất bản tại Việt Nam - cuốn sách Định mệnh chiến tranh: Mỹ và Trung Quốc có thể thoát Bẫy Thucydides?.

Với một chủ đề mang tính thời sự bậc nhất, có tầm bao quát rộng, được phân tích, mổ xẻ sâu sắc trên quan điểm so sánh - lịch sử, cho dù không đề cập nhiều đến “tọa độ” được coi là nóng bỏng nhất hiện nay - chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cuốn sách ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người đọc trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là giới học giả, các nhà phân tích chiến lược và các chuyên gia hoạch định chính sách quốc gia.

Định mệnh chiến tranh không phải là cuốn sách bàn về lịch sử chiến tranh. Đây là cuốn sách phân tích lịch sử chiến tranh, nhưng chỉ các cuộc chiến tranh gắn với việc tranh chấp quyền lực giữa một quốc gia “đương kim thống trị” với một quốc gia mới trỗi dậy nhưng muốn tranh đoạt ngôi vị đó. Tuyệt đại đa số người đọc - nếu không phải là tất cả - có cơ hội mở mang đầu óc, làm sâu sắc thêm sự hiểu biết về thực chất của chiến tranh - động cơ, các điều kiện thúc đẩy và cả tính ngẫu nhiên đáng sợ của các nguyên nhân, nguyên cớ dẫn tới thảm họa.

Tuy vậy, mục tiêu của cuốn sách không chủ yếu ở khía cạnh nhận thức luận - cung cấp tri thức về lịch sử chiến tranh, cho dù ai đọc cuốn sách này đều được hưởng lợi rất lớn về điểm này. Trên căn bản tri thức đó, đích hướng của cuốn sách là dự báo khả năng bùng nổ cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới hiện nay.

Đó là cuộc chiến được dẫn dắt và thúc đẩy bởi những yếu tố mang tính “định mệnh”, hầu như không thể tránh khỏi. “Phục hưng Trung Hoa” đối đầu với “Khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ”.

Nhưng cũng tại tựa đề cuốn sách, Allison còn đặt một dấu chấm hỏi (?) nặng trịch. Dấu chấm hỏi hàm ý về một khả năng “cứu rỗi”, qua đó, G. Allison muốn nêu ra một khả năng tích cực: hai cường quốc có thể tránh được cuộc chiến tranh hủy diệt đó, định mệnh vẫn có thể “cải sửa” miễn là… lịch sử chiến tranh được bàn luận trong cuốn sách này giúp thắp lên ngọn lửa hy vọng đó, dù là khá mong manh.

Sự cộng hưởng của tri thức, trí tuệ và trách nhiệm xã hội đã giúp Allison nêu ra các luận cứ, với sức thuyết phục cao nhất có thể, cho một lời kêu gọi hành động: loài người cần biết suy xét thấu đáo và bình tĩnh, để có thái độ và hành động đúng đắn khi đối mặt với thảm họa tiềm tàng của chính mình.

“Bẫy Thucydides” là khái niệm xuyên suốt cuốn sách. Khái niệm này bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử thời Hy Lạp cổ đại, đó là cuộc chiến tranh Peloponnese giữa một bên là thành bang Athens mới “trỗi dậy”, một bên là thành bang Sparta đang “thống trị”. Hai thành bang từ chỗ là hai thế lực trong cùng một liên minh quân sự - chính trị đã nảy sinh xung đột. Thay vì một sự kiềm chế, vì những động cơ, thực lực và điều kiện hành động cụ thể của mỗi bên, cuộc chiến giữa Athens và Sparta đã bùng nổ - như một định mệnh, không thể cưỡng được, nghĩa là cả hai rơi vào chiếc “bẫy Thucydides”. Điều có thể tránh được trở nên không thể tránh. Kết cục là sự tan rã của cả hai thành bang hùng mạnh, và sự sụp đổ của nền Văn minh Hy Lạp Cổ đại huy hoàng.

Căn cứ vào logic “chiến tranh không thể cưỡng lại” đó, trong Định mệnh chiến tranh, G. Allison phân tích 16 tình huống có khả năng rơi vào bẫy Thucydides diễn ra trên thế giới trong vòng 500 năm trở lại đây. Kinh nghiệm lịch sử cung cấp một xác suất đáng lo ngại: trong số 16 tình huống đó, đã xảy ra 12 cuộc chiến tranh (75%); trong khi thế giới chỉ tránh được chiến tranh ở 4 tình huống (25%).

Từ sự phân tích tương quan tỉ lệ đáng lo ngại đó, Allison đặt câu hỏi trọng tâm cho cuốn sách: Liệu xung đột Mỹ - Trung lần này có dẫn tới chiến tranh (xác suất đa số) hay không (xác suất thiểu số), khi mà động cơ, tình thế và các động thái của nó về căn bản giống như 16 trường hợp đã được phân tích so sánh.

Sự phân tích kinh nghiệm, thể hiện tầm khái quát rộng lẫn tri thức chuyên môn sâu sắc, giúp Allison xác lập cơ sở diễn dịch kinh nghiệm và suy lý tương lai, để hiểu và phán đoán cách ứng xử của Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đấu đang diễn ra. Đây cũng là một trong những căn cứ quan trọng bậc nhất để nhận diện khả năng, tính hiện thực của cuộc xung đột Mỹ - Trung hiện nay.

Nhưng rõ ràng chỉ sự phân tích kinh nghiệm, dù với cách tiếp cận “nghiên cứu so sánh” hiệu quả bậc nhất, cũng sẽ không thể đưa ra những nhận định và dự báo đầy đủ sức thuyết phục cho một biến cố mang tầm lịch sử của thời hiện đại. Loài người đã chuyển sang một thời đại mới, khác căn bản về chất. Còn hai đấu thủ - Mỹ và Trung Quốc - là những thế lực mới hoàn toàn, trên mọi phương diện, không phải là bất cứ cặp đấu nào trong số 16 cuộc đấu mà loài người từng chứng kiến.

Đó là căn cứ giải thích tại sao Allison lại dành phần lớn hơn của cuốn sách (ít nhất là 5 chương) để mổ xẻ tình thế của Mỹ và Trung Quốc hiện tại, làm rõ động cơ, thực lực, các điều kiện quy định (ví dụ như văn hóa, ý thức hệ,…), sự toan tính chiến lược của mỗi bên (so với chỉ 3 chương bàn về lịch sử). Thậm chí, cuốn sách còn dành nhiều đoạn đặc biệt hấp dẫn đề cập đến những phẩm chất và năng lực nổi bật của hai cá nhân đang “cầm trịch” cuộc chơi - Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Allison hiểu rõ rằng trong “sự trớ trêu của lịch sử”, nhiều khi, những phẩm chất và năng lực cá nhân chính là những yếu tố tạo nên cái ngẫu nhiên - định mệnh của các quốc gia - dân tộc.

Như một tuyến quan trọng bậc nhất của mạch phân tích, cuốn sách cố gắng làm rõ thêm lịch sử Trung Quốc vốn đầy bí ẩn. Trung Quốc có nền văn minh lâu đời bậc nhất nhân loại, có nền văn hóa đặc sắc và rực rỡ. Thế nhưng vận mệnh Trung Quốc có nhiều thăng trầm. Trung Quốc đã từng là quốc gia sản xuất nhiều GDP nhất, có nhiều phát minh khoa học công nghệ lớn nhất thế giới. Trung Quốc có Nho giáo định hình văn hóa phương Đông; có triết lý “cờ vây” định hướng chiến lược khác thường cho các trò chơi lớn. Nhưng Trung Quốc lại từng bị các “tộc man di” cai trị*, phải chịu dựng “một thế kỷ ô nhục” gần đầy*.

Với lịch sử huy hoàng đầy thăng trầm đó, từ một nước rất nghèo, ít được tôn trọng, giờ đây, Trung Quốc đang trỗi dậy phi thường, đang chiếm giữ nhiều kỷ lục thế giới về sức mạnh quốc gia, hơn cả Mỹ - như G. Allison đã kể ra khá chi tiết trong chương 1 của cuốn sách. Nhưng Trung Quốc sẽ ứng xử thế nào với cuộc chiến “định mệnh” này.

Không sa vào mổ xẻ các cấu phần chi tiết hay các yếu tố ngắn hạn của cuộc chiến tiềm năng - mặc dù đây là nội dung chứa đầy sự hấp dẫn - như diễn tiến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra chứng tỏ, cuốn sách của Allison tiến hành phân tích so sánh nghệ thuật chiến tranh của phương Đông và phương Tây, coi như một thứ kết tinh văn hóa. Hàm ý của ông là rất rõ: Để dự báo khả năng chiến tranh cũng như kết cục của nó, nhất là đối với những cuộc chiến có khả năng làm thay đổi vận mệnh nhân loại, cần phải mổ xẻ ở những tầng rất sâu của lịch sử, của các cấu trúc văn minh, các giá trị văn hóa - là những thứ mà Jozeph Nye gọi là “sức mạnh mềm”. Việc phân tích triết lý và nghệ thuật đánh cờ của mỗi phương - cờ vây của phương Đông và cờ vua của phương Tây - mà Allison chỉ ra trong cuốn sách cho thấy tính triệt để nghiêm túc và của công việc nghiên cứu, cũng có nghĩa là sự bảo đảm về độ tin cậy và tính trách nhiệm của các luận cứ và nhận định được nêu.

Graham Allison dành không ít trang để gợi ý các khả năng và điều kiện cần có để giải quyết vấn đề theo hướng để chiến tranh không trở thành định mệnh. Có thể có nhiều điểm cần tranh luận về các gợi ý này. Mà chắc chắn sẽ là như vậy. Vì tất cả đều đang ở thế “khả năng” - có thể xảy ra, mà cũng có thể không xảy ra. Miễn là…

Miễn là có thêm nỗ lực của mọi người. Nỗ lực có trách nhiệm. Đặc biệt là của những người đang nắm giữ “trọng trách” quốc gia và nhân loại.

Tất cả những điều nói trên, chắc chưa thể là đầy đủ để đánh giá đúng mức và đúng tầm cuốn Định mệnh chiến tranh của Graham Allison. Dĩ nhiên, không thể kỳ vọng cuốn sách trả lời cho mọi thứ. Nhưng vẫn có đủ cơ sở để nói Định mệnh chiến tranh là một cuốn sách đáng đọc đối với những ai quan tâm đến tình hình quốc tế và đặc biệt đối với người Việt Nam hiện nay.

Với tâm thế đó, xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này tới bạn đọc.

Hà Nội, 9/9/2019
Phó Giáo sư - Tiến sĩ
Trần Đình Thiên

Mời các bạn đón đọc Định Mệnh Chiến Tranh - Mỹ Và Trung Quốc Có Thể Thoát Bẫy Thucydides? của tác giả Graham Allison.