MÙA GẶT ĐỎ - KHO BÁU BỊ ĐÁNH MẤT.
Một tay súng đơn độc đi vào trong thị trấn.
Anh ta sẽ dọn dẹp nó dù muốn hay là không?
"Người chiến đấu với quái vật phải cẩn thận nếu không muốn trở thành một con quái vật khác".
Được xuất bản lần đầu vào năm 1929, Mùa gặt đỏ (Red Harvest) là một cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh điển của Dashiell Hammett - người được coi là "ông tổ" của thể loại trinh thám đen - hard-boiled. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim nổi tiếng, trong đó có Yojimbo (1961), A Fistful of Dollars (1964) và Blood Simple (1984)…
Truyện được mở đầu bằng việc Hãng thám tử tư Continental cử một đặc vụ tới Personville - thành phố đang chìm đắm trong bạo lực và sợ hãi dưới sự cai trị của các băng đảng tội phạm và đám quan chức tham nhũng - theo yêu cầu của Donald Willsson, chủ bút tờ báo địa phương và là người đang muốn lấy lại trật tự, công bằng cho thành phố. Nhưng khi nhân viên đặc vụ đó tới nơi thì phát hiện ra khách hàng của mình đã bị bắn chết.
Theo như thỏa thuận từ trước, Personville vẫn sẽ được "thanh tẩy", cho dù cái giả phải trả là có thể khiến nó bị nhấn chìm trong biển máu.
***
Dashiell Hammett (1894 - 1961) là một trong những tác giả tiên phong của thể loại tiểu thuyết trinh thám đen, với các tác phẩm tiêu biểu như Mùa gặt đỏ (1929), Chim ưng Malta (1930) và Chìa khóa thủy tinh (1931). Những tiểu thuyết của ông thường mang phong cách mạnh mẽ, gay cấn, lối viết ngắn gọn, không hoa mỹ, tiết tấu nhanh, hấp dẫn, đậm mùi súng đạn.
Mùa gặt đỏ, tác phẩm đầu tay của Hammett, mang đầy đủ những đặc trưng của thể loại trinh thám đen, đồng thời là hình mẫu cũng như nguồn cảm hứng cho nhiều tác giả trinh thám sau này: một bầu không khí nhớp nhúa ở phần tối của xã hội; một hình ảnh “người hùng không hoàn hảo” với quan niệm về công lý không hoàn toàn đồng nhất với pháp luật. Người thám tử vô danh ấy đến thành phố tội lỗi đó như một lãng khách độc hành thấy việc bất bình ra tay nghĩa hiệp, để rồi bắt đầu “mùa gặt”, mang lại bình yên cho thành phố…
***
Review sách Mùa Gặt Đỏ
Mùa gặt đỏ được xuất bản lần đầu vào năm 1929, Mùa gặt đỏ (Red Harvest) là một cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh điển của Dashiell Hammett - người được coi là "ông tổ" của thể loại trinh thám đen - hard-boiled. Tôi đã khá băn khoăn khi quyết định đọc hay không vì không muốn sa đà liên tục vào trinh thám. Thế nhưng vì một vài lí do, tôi vẫn đọc. Có thể vì thế mà tâm trạng đã không tốt khi tiếp cận cuốn sách.
Truyện Trinh thám về những thế lực bên rìa công lý, kiểu mafia, mở đầu bằng cái chết của thân chủ khi chưa kịp làm việc với tay thám tử mà mình mời về. Nhiều nhân vật liên quan, nhiều vấn đề nổi cộm của thế giới thu nhỏ Personville được phơi bày. Theo như thỏa thuận từ trước, Personville vẫn sẽ được "thanh tẩy", cho dù cái giả phải trả là có thể khiến nó bị nhấn chìm trong biển máu.Tiết tấu càng ngày càng nhanh với sự mưu mô, toan tính cả bằng trí tuệ và sự nhanh nhẹn trong việc siết cò với những pha hành động tương đối kịch tính. Truyện thuộc dang trinh thám đen, hành động kịch tính và mang tính giải trí.
Cơ bản có lẽ tại tôi không thích văn phong hơi khô của tác giả (hay dịch giả)??, hội thoại, lời văn ngắn gọn, súc tích. Tôi cũng không thích bìa, không thích tên gọi, chỉ an ủi được là việc biên tập đã ổn hơn khá nhiều so với những cuốn sách trước đây của PM.
Tạm gác lại, biết đâu một ngày nào đó sẽ có hứng thú đọc lại và biết đâu sẽ thích. Cho tạm 3* vì cuốn sách chưa đủ hấp dẫn khiến tôi bị cuốn hút cũng như tò mò.
Hồng Khánh
14.9.2019
***
Người phụ nữ trong bộ đồ xanh và người đàn ông trong bộ đồ xám
Lần đầu tiên tôi nghe thấy Personville được đọc lái thành Poisonville là từ một gã tóc đỏ đầu đường xó chợ tên Hickey Dewey tại khách sạn Con Tàu Lớn ở Butte. Hắn cũng phát âm shirt thành shoit. Lúc đó tôi không nghĩ ngợi gì về cách hắn đọc tên thành phố, nhưng rồi tôi thấy những người đã phát âm đúng chữ “r” nhưng vẫn đọc sai như vậy. Tôi chỉ cho rằng việc đám trộm cướp dùng từ richardsnary thay cho dictionary thật quá sức nhạt nhẽo. Vài năm sau, khi đến Personville, tôi mới hiểu rõ hơn.
Tôi gọi tới tờ Herald từ một bốt điện thoại tại ga, yêu cầu được nói chuyện với Donald Willsson và sau đó bảo anh ta rằng tôi đã tới.
“Anh có thể tới nhà tôi lúc mười giờ tối nay được không?” Anh ta nói, giọng quả quyết. “Số 2101 đại lộ Mountain. Bắt một chiếc xe điện, xuống ở chỗ đại lộ Laurel, rồi đi bộ theo hướng Tây hai dãy nhà.”
Tôi hứa sẽ có mặt. Rồi tôi tới khách sạn Great Western, vứt mấy chiếc túi xuống và ra ngoài ngắm nhìn thành phố.
Thành phố này không đẹp. Hầu hết chủ thầu xây dựng ở đây đều có gu thẩm mỹ lòe loẹt. Có thể ban đầu họ đã đạt được mục đích. Rồi những lò luyện kim mọc lên sừng sững bên một ngọn núi ảm đạm ở phía Nam đã hun mọi thứ trong lớp khói màu vàng xỉn. Thế là chúng ta có một thành phố xấu xí với bốn mươi ngàn dân, nằm trong một khe hẻm xấu xí giữa hai ngọn núi xấu xí bị ô nhiễm vì sự khai mỏ. Bao trùm lấy nó là bầu không khí ám đầy bụi, như thể vừa chui ra từ ống khói của lò luyện kim.
Người cảnh sát đầu tiên mà tôi gặp rõ ràng cần phải cạo râu. Người thứ hai có vài chiếc cúc bị đứt trên bộ đồng phục tồi tàn. Người thứ ba đứng ở giữa giao lộ chính của thành phố, giữa Broadway và phố Union, với một điếu xì gà trên miệng. Sau đó thì tôi không để ý đến họ nữa.
Vào lúc chín giờ rưỡi, tôi bắt một chiếc xe điện và đi theo hướng mà Donald Willsson đã chỉ. Nó đưa tôi tới một ngôi nhà có hàng rào bao quanh bãi cỏ.
Người giúp việc ra mở cửa bảo tôi rằng ông Willsson không có nhà. Trong khi tôi đang giải thích rằng mình có hẹn với anh ta thì một người phụ nữ tóc vàng mảnh khảnh, khoảng dưới ba mươi tuổi, bận bộ đồ vải crepe màu xanh bước tới. Ngay cả khi cười, sự lạnh nhạt vẫn ẩn hiện trong đôi mắt xanh của cô ta. Tôi giải thích lại một lần nữa.
“Chồng tôi hiện không có nhà.” Âm giọng địa phương mờ nhạt khiến phát âm của cô ta hơi nhịu. “Nhưng nếu đã có hẹn thì chắc anh ấy sẽ về sớm thôi.”
Cô ta dẫn tôi lên tầng, tới một căn phòng nhìn về hướng đại lộ Laurel. Căn phòng được sơn hai màu nâu đỏ và có rất nhiều sách. Chúng tôi ngồi xuống chiếc sofa da, nửa quay về phía người đối diện, nửa hướng về phía lò sưởi đang đỏ than, và cô ta bắt đầu tìm hiểu về chuyện giữa tôi và chồng cô ta.
“Anh sống ở Personville à?” Cô ta hỏi trước.
“Không. San Francisco.”
“Nhưng đây không phải lần đầu anh tới Personville, phải vậy không?”
“Đây là lần đầu tiên.”
“Thật ư? Anh nghĩ sao về thành phố này?”
“Tôi chưa quan sát đủ để có thể đưa ra ý kiến.” Đó là một lời nói dối. Tôi đã thấy đủ. “Tôi vừa mới tới lúc chiều.”
Sự tò mò biến mất khỏi đôi mắt lấp lánh của cô ta. Rồi cô ta nói:
“Anh sẽ thấy rằng đây là một chốn ảm đạm.” Rồi cô ta tiếp tục soi mói, “Tôi cho rằng tất cả các thành phố mỏ đều giống như thế này. Anh có tham gia vào ngành khai mỏ không?”
“Hiện tại thì không.”
Cô ta nhìn đồng hồ trên mặt lò sưởi và nói:
“Donald thật thiếu chu đáo khi hẹn anh tới rồi lại để anh ngồi đợi, giữa đêm hôm khuya khoắt thế này. Đã quá giờ làm việc lâu quá rồi.”
Tôi đáp rằng không sao.
“Có lẽ đây không phải là vấn đề công việc.” Cô ta bóng gió.
Tôi không trả lời.
Cô ta cười, tiếng cười cộc lốc và có phần chói tai.
“Thường thì tôi không tọc mạch thế này đâu”, cô ta vui vẻ nói, “nhưng anh quá kín đáo đến mức tôi không thể không tò mò. Anh không phải dân buôn rượu lậu đấy chứ? Donald đổi người rất thường xuyên.”
Tôi để cô ta tự suy diễn và nở một nụ cười.
Chuông điện thoại reo dưới tầng. Cô Willsson duỗi đôi chân đi dép lê xanh về phía lò sưởi đang đỏ than và vờ như không nghe thấy gì. Tôi không hiểu tại sao cô ta nghĩ thế là cần thiết.
Cô ta bắt đầu, “Tôi sợ rằng mình sẽ ph…”, và dừng lại, nhìn về phía cô hầu đứng bên cửa.
Người giúp việc nói rằng đầu dây bên kia muốn gặp cô Willsson. Cô ta cáo lỗi rồi ra ngoài. Cô ta không đi xuống tầng dưới mà nói qua máy điện thoại kéo dài, trong tầm nghe của tôi.
Tôi nghe được, “Tôi, Willsson nghe đây… Vâng… Xin lỗi?… Ai đấy?… Anh có thể nói to lên không?… Gì cơ?… Vâng… Vâng… Ai đó?… A lô! A lô!”
Rồi có tiếng dập máy và tiếng bước chân của cô ta vang lên trên hành lang.
Tôi châm một điếu thuốc và nhìn chằm chằm vào nó cho đến khi nghe thấy tiếng bước chân của cô ta dưới thềm. Rồi tôi tới bên cửa sổ, vén rèm lên, nhìn xuống đại lộ Laurel và thấy phía sau ngôi nhà là một nhà để xe màu trắng.
Ngay sau đó, một người phụ nữ mảnh mai đội mũ và bận áo khoác tối màu vội vã đi ra chỗ nhà để xe. Đó là cô Willsson. Cô ta lái chiếc Buick hai chỗ đi. Tôi quay lại ghế và chờ đợi.
Bốn mươi lăm phút trôi qua. Lúc mười một giờ năm phút, tiếng phanh ô tô rít lên bên ngoài. Hai phút sau, cô Willsson bước vào phòng. Cô ta cởi mũ và áo khoác ra. Mặt cô ta trắng bệch, đôi mắt ủ dột.
“Tôi vô cùng xin lỗi”, cô ta nói với khuôn miệng mím chặt chuyển động nhát gừng, “anh đã mất công ngồi đợi vô ích rồi. Tối nay chồng tôi sẽ không về nhà.”
Tôi nói rằng tôi sẽ liên lạc với anh ta tại Herald sáng mai.
Tôi đi về và tự hỏi tại sao mũi dép bên trái của cô ta lại dính thứ gì đó sẫm màu và ướt giống như máu vậy.
• • •
Tôi đi bộ đến Broadway và bắt một chiếc xe điện. Qua ba dãy nhà lớn ở phía Bắc khách sạn, tôi xuống xe để xem đám đông đang làm gì quanh lối vào Tòa thị chính.
Tầm ba, bốn mươi người đàn ông và lác đác vài phụ nữ đang đứng trên vỉa hè, nhìn vào một cánh cửa gắn biển Sở Cảnh sát. Đám đông bao gồm những người công nhân mỏ và lò nung vẫn mặc nguyên đồ bảo hộ, những anh chàng mặc đồ lòe loẹt vừa bước ra từ tiệm bi-a và vũ trường, những gã chải chuốt với khuôn mặt nhợt nhạt, những người mang vẻ ngoài trì độn của một ông chồng đứng đắn, vài người phụ nữ cũng trì độn và đứng đắn y như vậy cùng vài ả gái điếm.
Đến bên rìa đám đông, tôi dừng lại cạnh một người đàn ông nghiêm nghị mặc bộ đồ xám nhàu nhĩ. Khuôn mặt và đôi môi dày của anh ta trông cũng xám xịt, mặc dù nhìn qua anh ta không quá ba mươi tuổi. Khuôn mặt anh ta rộng, đường nét thô kệch và sáng sủa. Anh ta đeo một chiếc cà vạt đỏ thắt kiểu Windsor trên chiếc áo sơ mi bằng vải flannel màu xám.
“Chuyện gì ồn ào vậy?” Tôi hỏi anh ta.
Anh ta cẩn thận nhìn tôi trước khi trả lời, như thế muốn chắc chắn rằng thông tin sẽ được gửi đi một cách an toàn. Mắt anh ta cũng xám như bộ đồ, nhưng trông chúng không hề mềm như thế.
“Don Willsson đã đến ngồi bên tay phải của Chúa, nếu Chúa không ngại nhìn vào những vết đạn.”
“Ai đã bắn anh ta?” Tôi hỏi.
Người đàn ông gãi đầu và đáp lại:
“Một kẻ nào đó mang súng.”
Tôi muốn thông tin, chứ không phải sự hóm hỉnh. Tôi sẽ thử vận may với một người khác trong đám đông nếu gã đeo cà vạt đỏ này không khiến tôi hứng thú. Tôi bảo:
“Tôi mới đến thành phố. Cứ diễn vở Punch và Judy* với tôi đi. Người lạ thì phải chịu thôi.”
“Quý ngài Donald Willsson, chủ biên của tờ Herald Buổi sáng và Herald Buổi tối, mới được tìm thấy trên phố Hurricane, bị một kẻ vô danh nào đó bắn chết.” Anh ta nói một lèo bằng giọng đều đều. “Hết cảm thấy bị tổn thương rồi chứ?”
“Cảm ơn.” Tôi đưa tay ra và chạm vào đầu chiếc cà vạt thắt lỏng của anh ta. “Có ý nghĩa gì không? Hay chỉ đeo vậy thôi?”
“Tôi là Bill Quint.”
“Hóa ra là anh!” Tôi kêu lên, giả bộ như mình đã biết cái tên này. “Chúa ơi, tôi rất mừng được gặp anh!”
Tôi rút chiếc ví chứa danh thiếp ra và lục lọi trong đống danh thiếp mà tôi đã kiếm được bằng nhiều cách, ở nhiều nơi khác nhau. Tấm màu đỏ là cái tôi muốn tìm. Trên đó ghi tôi là Henry F. Neill, thủy thủ được đào tạo bài bản, thành viên cấp cao của Hiệp hội Công nhân Công nghiệp Thế giới*. Không một chữ nào là sự thật.
Tôi đưa tấm danh thiếp cho Bill Quint. Anh ta đọc kỹ nó, cả mặt trước lẫn mặt sau, rồi trả lại và nhìn tôi từ đầu đến chân một cách ngờ vực.
“Chẳng có gì để nhìn nữa đâu.” Anh ta nói. “Anh định đi đâu?”
“Đâu cũng được.”
Chúng tôi đi cạnh nhau, rẽ vào sau góc phố một cách bâng quơ.
“Điều gì đã đưa anh tới đây, nếu anh là một thủy thủ?” Anh ta chợt hỏi.
“Sao anh lại nghĩ vậy?”
“Có tấm danh thiếp đó.”
“Tôi còn có một cái ghi rằng mình là tiều phu nữa cơ.” Tôi nói. “Nếu anh muốn tôi trở thành thợ mỏ, tôi sẽ làm một cái ngay trong ngày mai.”
“Anh không kiếm được đâu. Tôi điều hành ở đây.”
“Thế nếu anh nhận được điện báo từ Chi* thì sao?” Tôi hỏi.
“Mặc xác Chi! Tôi điều hành ở đây.” Anh ta hất đầu về phía nhà hàng và hỏi, “Uống gì không?”
“Kiếm được không đã.*”
Chúng tôi bước vào nhà hàng, leo lên các bậc thang và bước vào một căn phòng nhỏ với một dãy bàn dài trên tầng hai. Bill Quint gật đầu và nói, “Hullo!” với vài cậu trai và cô gái, rồi đưa tôi vào một trong nhũng căn buồng có màn che màu xanh lá nằm thẳng hàng dọc bức tường đối diện quầy bar.
Chúng tôi dành hai giờ để uống rượu whiskey và nói chuyện.
Người đàn ông trong bộ đồ xám cho rằng tôi chẳng liên quan gì tới tấm danh thiếp mà tôi vừa cho anh ta xem, cũng như những danh tính khác mà tôi đã đề cập. Anh ta cũng không cho rằng tôi là một thành viên cấp cao của Hiệp hội. Với vai trò là thủ lĩnh quan trọng của IWW ở Personville, anh ta cho rằng nhiệm vụ của mình là phải tìm ra sự thật về tôi, đồng thời không để mình bị dò hỏi ngược lại trong khi đang làm việc đó.
Với tôi thế cũng chẳng sao. Tôi hứng thú với các vấn đề ở Personville. Anh ta thì không bận tâm tới chuyện đó mà chỉ tập trung vào tấm thẻ đỏ của tôi.
Và đây là những gì tôi moi được từ anh ta:
Trong vòng bốn mươi năm, Elihu Willsson - cha của người đàn ông bị giết đêm qua - đã sở hữu trái tim, linh hồn cũng như xác thịt của Personville. Lão là chủ tịch và cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Khai mỏ Personville cũng như ngân hàng First National, là chủ sở hữu của tờ Herald Buổi sáng và Herald Buổi tối, những tờ báo duy nhất của thành phố, và đồng sở hữu gần như tất cả các doanh nghiệp quan trọng khác. Cùng với khối tài sản đó, lão cũng nắm trong tay một Thượng nghị sĩ Mỹ, vài dân biểu, thống đốc bang, thị trưởng thành phố và hầu hết các cơ quan lập pháp của bang. Elihu Willsson là Personville, và gần như là toàn bộ bang.
Hồi chiến tranh, IWW - khi đó đang lan rộng về phía Tây - đã giúp đỡ Tập đoàn Khai mỏ Personville. Nói giúp đỡ là không hoàn toàn chính xác. Họ đã sử dụng sức mạnh để đòi hỏi quyền lợi. Elihu già buộc phải chấp nhận và nín nhịn chờ thời.
Chuyện xảy ra vào năm 1921. Việc kinh doanh gặp khó khăn. Elihu già không quan tâm xem liệu có phải đóng cửa tạm thời hay không. Lão xé hết những bản thỏa thuận trước đó và đá đám công nhân trở lại tình trạng khó khăn trước thời chiến.
Tất nhiên là các công nhân đã yêu cầu sự giúp đõ. Bill Quint được trụ sở chính của IWW ở Chicago cử đến để giải quyết tình hình. Anh ta phản đối bạo loạn hay đình công. Anh ta khuyên họ hãy sử dụng một mánh cũ, trở lại làm việc và phá hoại từ bên trong. Nhưng điều đó là không đủ với các công nhân của Personville. Họ muốn tên mình được biết đến, muốn tạo ra lịch sử.
Vậy là bạo loạn nổ ra.
Nó kéo dài tám tháng. Cả hai bên đều tổn thất nặng nề. Chính các thành viên của Hiệp hội cũng phải đổ máu. Elihu già đã thuê các tay súng, lực lượng chống bạo loạn, vệ binh quốc gia và thậm chí là cả quân đội để chiến đấu cho mình. Khi đám tàn quân cuối cùng bị tiêu diệt, công đoàn của Personville chỉ còn là một xác pháo nổ tan tành.
Nhưng, Bill Quint nói, Elihu già không biết gì về lịch sử nước Ý. Lão thắng, nhưng đã đánh mất quyền lực ở thành phố và tiểu bang. Để đánh bại đám thợ mỏ, lão đã để cho đám lính đánh thuê được tự do lộng hành. Khi cuộc chiến kết thúc, lão không thể loại bỏ chúng. Lão đã trao thành phố vào tay chúng và không đủ mạnh để lấy lại. Personville là một miếng mồi ngon và chúng đã chiếm lấy nó. Chúng giúp lão thắng cuộc chiến, và chiến lợi phẩm chúng yêu cầu là thành phố. Lão không thể công khai chống lại chúng. Chúng quá mạnh so với lão. Lão phải chịu trách nhiệm với những gì chúng đã làm trong cuộc bạo loạn.
Khi câu chuyện tới được đó thì cả Bill Quint và tôi đều đã chếnh choáng. Anh ta bỏ kính xuống, gạt mớ tóc lòa xòa trước mặt và đưa câu chuyện về thì hiện tại:
“Giờ kẻ mạnh nhất trong số chúng có lẽ là tay Pete Người Phần Lan. Thứ chúng ta đang uống đây cũng thuộc sở hữu của hắn. Rồi đến Lew Yard. Hắn có một tiệm cho vay trên phố Parker, chuyên thu tiền bảo lãnh và dính líu tới hầu hết các sự vụ nóng sốt của thành phố - đó là theo những gì người ta nói, và khá thân với Noonan - cảnh sát trưởng. Tay Max Thaler - biệt danh Kẻ Thầm Thì - cũng có rất nhiều bạn. Một gã da màu lươn lẹo có vấn đề ở cổ họng. Không thể nói được. Một tay cờ bạc. Ba kẻ đó, cùng với Noonan, đã giúp Elihu điều hành thành phố của lão - giúp nhiều hơn những gì lão muốn. Nhưng lão buộc phải hợp tác với chúng, hoặc là…”
“Người bị bắn tối nay - con trai của Elihu - vị trí của anh ta là ở đâu?” Tôi hỏi.
“Ông già đặt đâu thì gã ngồi đó, lúc nào cũng vậy.”
“Ý anh là lão già đã khiến anh ta…?”
“Có thể, nhưng tôi không cho là vậy. Tay Don đó chỉ vừa mới về nhà và bắt đầu điều hành tờ báo cho lão già. Lão quỷ già này, sắp xuống mồ đến nơi mà vẫn không để cho ai tóm đuôi mà không cắn lại. Nhưng lão phải cẩn trọng với đám kia. Lão đã mang con trai và người vợ quốc tịch Pháp của gã từ Paris về và sử dụng gã như một con khỉ trong rạp xiếc - một chiêu trò chết tiệt của một người cha. Don bắt đầu tiến hành cải tổ tờ báo. Dọn sạch sự tham nhũng và thối nát - đồng nghĩa với việc loại bỏ cả Pete, Lew và Kẻ Thầm Thì, đấy là nếu nó thành công. Anh hiểu rồi chứ? Nước cờ của lão già đã khiến chúng lâm vào thế bị động. Tôi đoán chúng chán chuyện đó rồi.”
“Có gì đó sai sai trong suy đoán của anh.” Tôi nói.
“Cái chốn đê tiện này còn cả đống thứ sai hơn nhiều. Uống đủ rồi chứ?”
Tôi nói đã đủ. Chúng tôi xuống phố. Bill Quint bảo rằng anh ta đang ở trong khách sạn Miners trên đường Forest. Đường về của anh ta đi qua khách sạn của tôi, vậy nên chúng tôi đi cùng nhau. Có một gã cao lớn trông giống một tay cớm mặc thường phục đứng trước khách sạn của tôi, đang nói chuyện với một gã ngồi trong chiếc Stutz du lịch.
“Trong xe là Kẻ Thầm Thì.” Bill Quint bảo tôi.
Tôi bỏ qua người đàn ông lực lưỡng và thấy khuôn mặt trông nghiêng của Thaler. Hắn còn trẻ, da sậm và nhỏ con, với gương mặt đẹp như tượng tạc.
“Hắn trông dễ thương đó.” Tôi nói.
“Ừ hứ”, người đàn ông mặc đồ xám đồng ý, “và thuốc nổ cũng thế.”
Mời các bạn đón đọc Mùa Gặt Đỏ của tác giả Dashiell Hammett & Nguyệt Minh (dịch).