Triết gia Đức Friedrich Nietzsche (1844-1900) là nhân vật mà tên tuổi vẫn được những người theo các quan điểm đa dạng và trái ngược nhất viện đến để tìm cách biện minh cho mình, những người tìm được nguồn cảm hứng từ các tác phẩm của ông, những người vô chính phủ, những nhà nữ quyền, những kẻ quốc xã, những người sùng bái tôn giáo, những người ăn chay, những nghệ sĩ tiền phong, những tín đồ của văn minh vật chất, những người bảo thủ và nổi loạn trong chính trị và triết học… nhưng danh sách này chắc chắn không dừng lại ở đó. Hầu như không có một nhân vật văn hóa hay nghệ thuật nào ở Đức và nói chung toàn bộ thế giới phương Tây trong chín mươi năm qua lại không thừa nhận đã chịu ảnh hưởng từ ông, kể từ Thomas Mann cho đến Jung và Heidegger.
Trong Dẫn Luận Về Nietzsche, Michael Tanner đã trình bày một bức chân dung của triết gia lừng lẫy này với nhiều mảng sáng tối tương phản và gợi mở nhiều suy nghĩ về hành trạng con người ở thế kỷ của Nietzsche cũng như trong hiện tại.
***
Câu chuyện trong ‘Anglosaxony’, sử dụng thuật ngữ ở tiêu đề của một cuốn sách viết về ông, lần theo dấu vết ảnh hưởng của ông trong thế giới phương Tây nói tiếng Anh (Bridgwater, 1972), cũng không khác gì ở nước Đức. Những làn sóng của chủ nghĩa Nietzsche, lớp sau nối lớp trước, lan khắp thế giới phương Tây, cho dù có những giai đoạn bị đình hoãn, khi ông bị coi là người truyền cảm hứng cho chủ nghĩa quân phiệt Đức, và vì vậy bị phỉ báng tại các nước Đồng minh. Trong những năm đầu của thế kỷ 20, Nietzsche được dịch rất nhiều (và rất không chính xác) sang tiếng Anh, hay đúng hơn là một thứ ngôn ngữ xa lạ có liên hệ với nó. Tất cả cũng vì cái lối bắt chước cổ văn kì cục của nó, hoặc một phần là vì thế, mà đó là bản dịch duy nhất nhiều tác phẩm của Nietzsche trong gần năm mươi năm.
Thế rồi, khi tiếng tăm của Nietzsche ở Anh và Mỹ đã xuống đến mức thấp nhất thì Walter Kaufmann, một giáo sư triết học di cư tại Đại học Princeton, bắt đầu dịch lại nhiều tác phẩm quan trọng của ông. Kaufmann mở đầu công việc khó khăn này bằng một cuốn sách, mà trong nhiều năm kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1950, đã có ảnh hưởng quyết định đối với cách nhìn nhận về Nietzsche (Kaufmann, 1974). Kaufmann giới thiệu một triết gia là nhà tư tưởng theo kiểu truyền thống hơn là người truyền cảm hứng cho những kẻ vô chính phủ hay những người ăn chay… Công chúng ngạc nhiên, và không kém phần tán thành, Nietzsche hóa ra là một người hiểu lý lẽ, thậm chí còn là một nhà duy lý. Kaufmann tìm cách xác minh triệt để sự xa lạ của Nietzsche với những kẻ quốc xã, với tất cả những phong trào phản duy lý đã tuyên bố ông là nguồn cội của họ, và với chủ nghĩa lãng mạn trong nghệ thuật. Với bản dịch mới này, thật khó thấy tất cả những ồn ào đó là về cái gì. Vậy là bắt đầu việc nghiên cứu học thuật về Nietzsche, một triết gia trong số những triết gia khác, để so sánh và đối chiếu ông với Spinoza, Kant, Hegel, và những tên tuổi hàng đầu khác trong truyền thống triết học phương Tây. Được bảo chứng bởi sự uyên bác của Kaufmann, các triết gia Mỹ, và sau đó ngày càng nhiều các triết gia nói tiếng Anh, đã lấy ông làm điểm khởi đầu cho những nghiên cứu về Nietzsche của họ, về tính khách quan, bản chất của chân lý, mối quan hệ của Nietzsche với tư tưởng Hy Lạp, bản chất của tự ngã, và nhiều chủ đề khác, ở mọi mức độ như được xử lý trong các cuốn sách và bài báo của họ.
Trong khi đó, tại châu Âu, nơi ông chưa bao giờ bị ghét bỏ, từ sau Thế chiến II, Nietzsche tiếp tục trở thành đối tượng nghiên cứu và chiếm hữu với các nhà hiện sinh, các nhà hiện tượng học, và sau đó, vào những năm 1960 và 1970, ngày càng trở thành trung tâm chú ý cho các nhà lý luận phê bình, các nhà hậu cấu trúc và giải cấu trúc. Khi hai phong trào sau lần đầu tiên đặt chân vào Mỹ, rồi bao trùm cả đất nước này, Nietzsche một lần nữa lại được công nhận là nguồn cảm hứng chính của họ. Một số triết gia phân tích cũng thấy ông không quá xa cách với những quan tâm của họ như họ vẫn tưởng, và theo cung cách có đi có lại đặc trưng cho cuộc sống học thuật, họ ca ngợi ông vì đã có, dưới dạng phôi thai, một số thấu thị của họ, đồng thời tự thuyết phục mình về những thấu thị này bằng cách cầu viện đến uy quyền của ông. Hiện ngành kinh doanh Nietzsche đang có chiều hướng phát đạt, và hầu như chắc chắn mỗi năm sách về ông xuất hiện nhiều hơn bất cứ một nhà tư tưởng nào khác, nhờ vào sức lôi cuốn của ông với quá nhiều trường phái tư tưởng và phản tư tưởng khác nhau.
Chẳng ích gì để cho rằng Nietzsche sẽ không hài lòng chút nào với hiện tượng này. Trong suốt cuộc đời mình (và trừ khi được nói rõ, còn không tôi sẽ luôn có ý nói đến đoạn đời đã đột ngột kết thúc khi ông phát điên vào năm 1889, mười một năm trước khi qua đời), Nietzsche gần như hoàn toàn bị người đời làm ngơ. Và mặc dù chuyện đó cũng chẳng làm cho ông cay đắng thêm, vì hầu như không có gì làm được điều này, nhưng nó vẫn khiến ông đau đớn vì ông tin rằng mình có những chân lý sống còn để truyền đạt cho những người đương thời mà họ đã bỏ qua với cái giá khủng khiếp - một trong những lời tiên tri chính xác nhất của ông. Tuy nhiên, ông có thể khinh miệt nhìn vào hầu như tất cả mọi thứ được viết hoặc được làm dưới cái ô che chắn của ông, và việc tiếp quản thành công của thế giới học thuật, mặc dù không thể so sánh được về mức độ kinh dị với một số sự chiếm đoạt khác mà ông phải chịu đựng, với ông nó có vẻ rất giống với một thất bại chung cuộc, bởi vì bằng mọi giá ông không muốn bị đồng hóa với thế giới học thuật, nơi tất cả mọi thứ đều trở thành vấn đề để bàn cãi mà không có gì để hành động.
Trước khi chuyển sang giải thích về những quan điểm của Nietzsche, cũng đáng cho chúng ta dừng lại một chút để tìm hiểu xem tác phẩm của ông có cái gì mà hấp dẫn đến thế với đủ loại phong trào và trường phái đa dạng. Chỉ sau này một câu trả lời rõ ràng hơn mới xuất hiện. Nhưng sơ bộ xem xét thì có vẻ như chính khí chất đặc biệt trong bút pháp là thứ đầu tiên làm người ta thấy thích thú. Những cuốn sách của ông sau các cuốn đầu tay Sự ra đời của bi kịch (The Birth of Tragedy) (1872) và Những suy ngẫm không đúng thời (Untimely Meditations) (1873-6), thường gồm các bài luận ngắn, thường dài không quá một trang và viết theo thể cách ngôn, mặc dù, như ta sẽ thấy, có sự khác biệt quan trọng với cách ngôn về cách chúng được sáng tác và đánh giá theo lối thông thường: tức là, những đoạn tóm lược gói gọn trong một hai dòng về bản chất của kinh nghiệm con người, buộc phải chấp nhận qua sự tin chắc như tạc bằng đá của chúng. Số lượng các chủ đề được thảo luận rất rộng lớn, bao gồm nhiều chủ đề mà thật đáng ngạc nhiên khi chúng được đề cập bởi một triết gia - những vấn đề như khí hậu, chế độ ăn uống, tập thể dục, và Venice. Và thường suy tư của ông không theo một trật tự đặc biệt nào. Điều đó có nghĩa là người ta có thể đọc lướt qua dễ dàng hơn nhiều so với hầu hết các triết gia khác, và sự ghét bỏ các hệ thống được ông thể hiện thường xuyên có nghĩa là người ta cũng có quyền làm như thế với ông mà không cảm thấy áy náy. Nhiều trong những thứ gần như cách ngôn của ông rất cấp tiến về mặt nội dung, và mặc dù người ta có lẽ chỉ có một ấn tượng mơ hồ về những gì ông ưu ái bênh vực, nhưng chắc chắn sẽ tìm ra rất nhiều điều ông không thích, hầu hết được thể hiện bằng lời lẽ vừa dí dỏm vừa cực đoan. Những gì ông dường như không thích là mọi khía cạnh của nền văn minh đương thời, đặc biệt nhất là văn minh của người Đức, và vì lớp độc giả bám lấy nó. Quan điểm cơ bản của ông là nếu không thực hiện một khởi đầu mới quyết liệt thì chúng ta sẽ diệt vong, vì chúng ta đang sống trong đống đổ nát của những ý tưởng cơ bản là sai lầm về hầu hết mọi thứ quan trọng trong hơn hai ngàn năm qua - trong sự suy đồi của những thứ bất luận thế nào cũng gây chết người - cung cấp tấm giấy khống chỉ (carte blanche) cho những ai ưa thích ý tưởng về một sự đoạn tuyệt hoàn toàn với toàn bộ di sản văn hóa thừa kế của họ. Nietzsche không hề ảo tưởng về tính chất bất khả thi của một sự đoạn tuyệt như thế.
Mặc dù vậy, sự đa dạng trong những diễn giải về các tác phẩm của ông cần được giải thích thêm. Những diễn giải này thay vì ít dần đi sau vài thập kỷ, dường như lại được nhân lên, cho dù ít mang hình thức khải huyền hơn trước. Những người không chuyên môn có lẽ sẽ cho rằng Nietzsche phải đặc biệt mơ hồ, và có lẽ mâu thuẫn nữa. Ở đây có chút gì đó thuộc cả hai loại. Nhưng chúng có vẻ ấn tượng hơn và đáng chỉ trích hơn nếu như người ta không nhận ra và không lúc nào quên rằng, trong suốt mười sáu năm viết những tác phẩm trưởng thành, từ BT trở đi, ông đã phát triển quan điểm của mình với một tốc độ không ai sánh bằng, và rằng ông ít khi bận tâm đến việc chỉ ra sự thay đổi trong tư tưởng của ông.
Điều ông thường làm hơn là cố gắng xem xét các tác phẩm trước đây của mình dưới một ánh sáng mới, khảo sát văn nghiệp của mình theo cách cho thấy ông từng nghĩ rằng không thể hiểu những tác phẩm sau này nếu không biết gì về những tác phẩm trước đây, để thấy ông đã thay đổi như thế nào; và do đó lấy chính mình làm hình mẫu về con người hiện đại, bị giam hãm trong văn hóa mục nát của thế kỷ 19, có thể chuyển từ phục tùng nó sang nổi loạn chống lại nó và gợi ý cho một sự chuyển đổi triệt để. Đặc biệt là vào năm 1886, khi ông đang tiến sát đến giai đoạn sáng tạo cuối cùng, mặc dù không biết điều đó, ông đã đổ rất nhiều công sức cho những cuốn sách đã viết trước đây, viết những lời giới thiệu mới cho chúng - đôi khi phê phán gay gắt - và trong trường hợp cuốn Hiểu biết vui vẻ (The Gay Science),ông còn viết mới thêm cả một phần cuối dài. Không nghi ngờ gì, đây là một phần trong dự định của ông để cho thấy rằng chẳng có gì trong quá khứ của người ta mà phải hối tiếc, rằng không có gì là phí phạm, nhưng nhiều nhà bình luận bị lạc lối vì ngạo mạn cho rằng điều đó cho phép họ xử lý tất cả các tác phẩm của ông như thể chúng được viết ra cùng một lúc.
Một yếu tố khác dẫn đến những hiểu lầm và bóp méo là hậu quả của một thực tế rằng ngay từ năm 1872, có thể còn trước đó nữa, Nietzsche đã phải dành hầu hết thời gian để viết. Chỉ cần kiểm số đầu sách được xuất bản là đủ ấn tượng. Tuy nhiên, những ghi chép của ông ít nhất cũng nhiều như những gì được ông biên soạn thành các cuốn sách, và không may là nhiều trong số những văn bản chưa được công bố này (Nachlass) đã sống sót. Sẽ may mắn hơn nếu có một nguyên tắc phương pháp luận được chấp nhận phổ biến là những gì ông đã không xuất bản thì trong mọi trường hợp nên được phân ranh giới rõ ràng với những gì ông đã công bố, nhưng hầu như không ai tuân thủ cái nguyên tắc sơ đẳng đó cả. Ngay cả những người tuyên bố sẽ tuân thủ nguyên tắc đó cũng thường sa vào việc trích dẫn không ghi rõ nguồn lấy từ khối Nachlass khổng lồ ấy, khi chúng củng cố cho mạch tư tưởng mà họ đang nói về ông. Điều khiến cho nó là một cách làm việc đặc biệt nguy hiểm là ở chỗ với một số khái niệm trung tâm, trong đó Ý chí Quyền lực và Quy hồi Vĩnh cửu có lẽ là những khái niệm quan trọng nhất, thì tư tưởng của ông vẫn còn rất sơ khai. Nietzsche vẫn thường tin chắc là đã đào đúng mạch vàng triết học đến mức ông ghi lại rất nhiều suy nghĩ, nhưng để chúng dưới dạng chưa được triển khai. Điều này cung cấp cho nhà bình luận khả năng theo đuổi những ý tưởng được gán cho Nietzsche mà không bị cản trở bởi những phát biểu rõ ràng của ông. Một số người thậm chí còn đưa ra quan điểm cho rằng Nietzsche ‘thật sự’ phải được tìm trong các ghi chép, còn những công trình được xuất bản chỉ là một hình thức che giấu tinh vi. Thái độ vô lý đó được Heidegger thực hiện, và do đó ông ta có thể rao giảng triết lý riêng của mình như là được rút ra từ Nietzsche và cũng là sự phê phán triết học của Nietzsche.
Cũng như tất cả các nhà bình luận khác về Nietzsche, thỉnh thoảng tôi cũng sẽ trích dẫn từ Nachlass, nhưng sẽ nói rõ khi làm điều đó. Nietzsche đã bỏ nhiều công sức cho hình thức hoàn thiện của những gì ông xuất bản, và ông là người cuối cùng nghĩ rằng phong cách chỉ là một lựa chọn phụ thêm. Vì ông là người chú trọng văn phong theo bản tính, những đoạn ghi nhanh của ông còn tao nhã hơn cả những tác phẩm đã hoàn thiện của hầu hết các triết gia. Nhưng một khi so sánh những tư tưởng được xuất bản của ông với phiên bản dự thảo về chúng, sự khác biệt là đủ ấn tượng để khiến cho bất cứ ai cũng phải thận trọng khi coi chúng như là những gì tương đương, như nhiều người có thể đã nghĩ. Tôi nhấn mạnh điểm này bởi vì, như ta sẽ thấy, chính việc nhào nặn những gì Nietzsche đã viết là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra huyền thoại về ông.
Không có gì trong số này giải thích một cách thỏa đáng làm thế nào mà Nietzsche lại có thể được miêu tả như Người Sầu Bi, hoặc trong nhiều vỏ bọc khác. Vì tất cả sự mơ hồ và thiếu cẩn thận của ông trong việc xác định một tư tưởng, người ta có thể nghĩ là có những giới hạn đối với mức độ xuyên tạc có thể xảy ra. Tất cả những gì tôi có thể nói một cách cẩn trọng là ở đây hiển nhiên không thấy có một giới hạn nào cả. Nếu một ai đó có được một danh tiếng rộng rãi như danh tiếng mà ông nhanh chóng có được, một khi ông không còn có thể làm bất cứ điều gì về nó nữa, thì có vẻ như ông sẽ bị lợi dụng không ngần ngại để cung cấp chứng chỉ cho bất kỳ phong trào cần đến một biểu tượng. Ở đây, cũng như trong một số vấn đề khác, ông đã, với sự mỉa mai lạ lùng, trở nên giống như nhân vật đối lập hoàn toàn của mình, ‘một kẻ bị đóng đinh câu rút’. Hầu như những lời cuối cùng ông viết là, ‘Tôi có bổn phận chống lại cái là thói quen của tôi, thậm chí còn hơn niềm tự hào về bản năng, sự nổi loạn tận cùng: Hãy lắng nghe tôi! Vì tôi là thế đấy. Và trên hết, đừng lầm tôi với những gì không phải tôi! (EH, Lời nói đầu, 1). Trong suốt một thế kỷ kể từ khi ông viết những lời này, ít ai trong số những độc giả của ông, và những người đã nghe nói về ông thì còn ít hơn nữa, đã làm bất cứ điều gì khác.
Mời các bạn đón đọc Dẫn Luận về Nietzsche của tác giả Michael Tanner.