Stephanie có sắc đẹp cổ điển, nhưng hơn thế, nàng có một trái tim đam mê. Ham thích mạo hiểm, nàng dám lao đầu vào những cuộc tình cuồng nhiệt và cũng sẵn sàng chịu trả giá cho những mối tình của mình.
Một tính cách như vậy lại ra đời trong thời đại bão táp của nước Pháp nửa cuối thế kỷ XIX với những cuộc tranh giành quyền lực trong nước, chiến tranh ở ngoài nước, những cuộc xâm lược thuộc địa và sự phát triển nhanh chóng của các công ty liên quốc gia, ắt cuộc đời nàng phải bảy nổi ba chìm với … yêu đương.
Số phận éo le đã đẩy Stéphanie lưu lạc khắp năm châu và rơi vào đủ những mối tình hết sức khác nhau:
- Nhà kinh doanh trẻ tuổi Armand Dytteville có tài sản lớn ở Nam Thái Bình Dương.
- Chàng sĩ quan điển trai, tùy tùng của hoàng đế Napoléon III.
- Chàng quý tộc Nga hào hoa Boris tại kinh thành Saint Petersburg.
- Một thanh niên bản xứ tại miền đất hoang vu, Yann Kendelec.
- Và … văn hào Victor Hugo, cây bút vĩ đại đồng thời cũng nổi tiếng là thuộc số những đàn ông có nhu cầu tình ái mãnh liệt nhất trong lịch sử thế giới …
STEPHANIE lấy nhân vật cùng tên làm trung tâm, được viết thành 4 cuốn với tên gọi như sau:
Tất nhiên, hy vọng rằng bạn đọc sẽ gắn bó và say mê với số phận của Stéphanie để không bỏ sót một cuốn, một tập nào, như đọc giả phương Tây đã hết sức hoan nghênh STÉPHANIE khiến bộ sách được tái bản liên tục trong vòng 10 năm nay kể từ khi nó ra đời.
***
LÁ THƯ CỦA YVES KENDELEC
Stephanie giận dữ lao ra khỏi phòng khách như kẻ mất trí. Xiêm áo, đăng ten, dải lụa sột soạt theo bước chân giận dữ của nàng. Cánh cửa đóng sập lại theo cái khoát tay của nàng.
Toàn thân run lên vì uất ức, Stephanie đi thẳng đến phòng giấy, giật mạnh cánh cửa, bước vào, đóng sập lại cùng với động tác giận dữ như lúc nàng đóng cửa phòng khách. Lại một lần nữa nàng khẳng định quyền tự do của nàng trước René. Cái quyền này là điều kiện nàng đã đặt ra với chàng ngay từ khi cưới nhau.
Tại sao René không chịu hiểu rằng không thể bắt vợ chỉ chăm lo đến áo quần, đầu tóc, chiêu đãi, tiệc tùng, đến chuyện phiếm với những kẻ kiêu kỳ nhưng ngu xuẩn? Tại sao chàng lại không muốn hiểu rằng Stephanie đâu phải loại người cam chịu sống theo dư luận, sợ hãi những lời đàm tiếu để không dám làm cái này cái nọ theo ý mình?
Stephanie đâu thuộc loại ngươi quan tâm đến ý kiến nhận xét của những kẻ đạo đức giả, những kẻ không dám sống theo ý mình và không để người khác sống theo ý họ? Những kẻ chỉ chăm chăm tạo cho mình vẻ ngoài sang trọng, quí phái, kiểu cách phù phiếm? Stephanie thuộc loại phụ nữ hiếu động, yêu cuộc sống, thích lao vào những tình huống phức tạp, không sợ nguy hiểm, thích luôn luôn đương đầu với những hoàn cảnh bất ngờ…
Đúng là gần đây nàng ít xông pha vào những tình huống nguy hiểm, nhưng nỗi lo lắng về số phận tầu thuyền của nàng ngoài biển, niềm kiêu hãnh khi nàng chiến thắng trong cuộc giành giật những mặt hàng quí với các đối thủ, niềm phấn hứng khi nàng vạch ra những ý đồ táo bạo, tính mạo hiểm trong việc bỏ vốn vào những vụ kinh doanh liều lĩnh… tất cả những thứ đó René đều tìm mọi cách tước đi của nàng.
Stephanie đã ba lần giật sợi dây chuông gọi Aimé. Nàng đấm mạnh xuống mặt bàn mà vẫn không ghìm được cơn giận dữ. Lần này René đi quá mức. Chàng dám nói: “Khi mang danh hiệu cao quí phu nhân Guinchamp thì…” Cao quí gì? Cao quí chỗ nào? Nếu không do bà mẹ bán cái mã đẹp trai của con mình cho Agnès lấy món tài sản kếch sù của dòng họ Lomanais thì chàng đâu có cái biệt thự sang trọng “De Guinchamp” này?… Lương sĩ quan được là bao?
Stephanie khinh thói nhu nhược, sợ dư luận của René nhưng vẫn không thể thôi không yêu chàng. Nghĩ cho cùng thì René xưa nay vẫn là người như thế. Nàng chẳng nói với Pompette ngày nào rằng “Tôi biết tất cả những nhận xét của bác về anh ấy, nhưng tôi yêu anh ấy với tất cả mọi ưu điểm và khuyết điểm. Biết làm sao được, tôi không thể không yêu René!” Nàng đã yêu chàng đến mức bất chấp nguy hiểm, bỏ nhà cửa, con cái, đuổi theo chàng ra tận chiến trường. Yêu đến mức nàng nhận lấy chàng để có chàng bên cạnh tất cả các đêm, để được nhìn thấy chàng cười, chàng đi lại, được nghe thấy giọng nói nồng ấm và dâm đãng của chàng thầm thì gọi tên nàng.
Mỗi khi René thầm thì gọi “Stephanie”, lập tức nàng rùng mình tưởng như môi chàng đang lướt trên da thịt nàng. Nàng đã bỏ qua thói phù phiếm, thói sợ dư luận của chàng để được yêu chàng, để được hưởng những cơn ân ái cuồng nhiệt của chàng. René chỉ là người đàn ông để yêu đương. Tình ái là sở trường của chàng, là phẩm chất duy nhất của chàng. Than ôi, đúng là duy nhất! Ngoài khả năng yêu đương và ân ái ra, René không còn bất cứ phẩm chất nào khác!
- Cứ vào! Nàng nói to khi nghe thấy ba tiếng gõ ngoài cửa. Đấy là mật hiệu giữa họ. Ba hồi chuông và ba tiếng gõ cửa! Ám hiệu giữa nàng và Aimé.
Ngay sau lần cãi nhau đầu tiên, hôm ấy Stephanie báo chồng biết nàng có thai và René lợi dụng hoàn cảnh đó đã yêu cầu nàng thay đổi cách sống, bỏ những công việc quen thuộc của nàng, Stephanie lại trở về với Aimé. Nàng khôi phục mối quan hệ thân tình với anh. Với Aimé nàng có thể nói hết, bởi anh hiểu rõ nàng hơn cả chính nàng hiểu bản thân mình.
Giữa Stephanie và Aimé có bao nhiêu sợi dây gắn bó với nhau: quê hương, những kỷ niệm thuở nhỏ, Charles, cùng bao nhiêu yếu tố bí hiểm khác.
Trước kỳ sinh nở, René lại một lần nữa yêu cầu vợ rời bỏ công việc kinh doanh mà chàng gọi là “công việc của một mụ nhà buôn”. Sau khi Stephanie sinh cho chàng bé Diane, con gái không phải con trai như nàng mong ước, thì René lải nhải không biết mệt, ngày này sang ngày khác:
- Bao giờ em mới chịu thôi cái việc la cà các hãng buôn? Bao giờ em mới chịu thôi đến phố Vivienne, thôi bàn bạc tranh cãi giá cả với đám chủ hiệu đồ gỗ?
- Không bao giờ! Em trả lời anh lần này là lần cuối cùng. Đừng bao giờ anh nhắc lại câu hỏi đó với em nữa!
Hôm đó, nói xong nàng đã băng ra ngoài và đóng sập cửa lại.
- Bà chủ gọi tôi?
Thoạt nhìn, Stephanie thấy ngay Aimé giữ thế rồi. Chỉ mấy tháng mới cưới tình thân giữa nàng và anh đã bị giảm bớt, sau đó họ đã lấy lại được tình thân ngày xưa. Lẽ tự nhiên là Aimé lại không ngần ngại tỏ thái độ ương ngạnh với nàng mỗi khi anh không tán thành việc gì đó.
- Anh lại thế rồi!
- Bà chủ muốn nói tôi lại tiếp tục chứ gì?
Nàng cau mặt lườm anh.
- Đến bao giờ René mới chịu thôi cái việc dằn vặt tôi?
- Thì bà chủ có thôi bỏ thói ương ngạnh, thôi hành hạ ông ấy đâu?
- Anh định nói rằng…
- Theo cách suy nghĩ của ông chủ, thì ý kiến ông chủ đúng.
Stephanie nổi cơn thịnh nộ.
- Anh tán thành René à?
- Tôi hiểu ông chủ.
- Thế thì ích gì chứ? - Stephanie gầm lên.
- Ích chứ! - Aimé nói bằng giọng ương ngạnh, cái giọng bao giờ cũng làm Stephanie điên người.
- Anh cốtình nói thế để chọc tức tôi thêm!
Đúng là Aimé làm thế. Anh thấy nên đẩy cơn giận của Stephanie đến tột đỉnh, sẽ có lợi cho nàng hơn. Phải sau khi lên đến đỉnh điểm, cơn uất giận của nàng mới chịu lui và khi đó anh sẽ lựa lời nói cho nàng hiểu. Tất nhiên không khí thuận hòa giữa hai vợ chồng họ chẳng thể kéo dài được mãi mãi. Dù sao trong một quãng thời gian, họ cũng được hưởng niềm hạnh phúc trong yêu thương.
- Anh cũng khuyên tôi đừng hoạt động gì nữa?
- Tất nhiên là tôi không khuyên như thế. Bản chất bà chủ đã như vậy làm sao thay đổi được?
- Bản chất tôi làm sao?
- Bà chủ là người thích leo trèo.
- Tôi chưa hiểu - nàng bực tức Aimé giở cái giọng bí hiểm quen thuộc ra.
- Ý tôi muốn nói hồi nhỏ còn ở lâu đài bà chủ đã thích tụt lan can cầu thang gác, thích nhẩy vài bậc một lúc, thích trèo cây, thích leo vách núi dốc đứng.
Mỗi khi định thuyết phục nàng điều gì, Aimé luôn gợi nhớ lại thời thơ ấu của nàng ở quê nhà, gợi lại cuộc chiến tranh Crimée, khi nàng làm cấp dưỡng cho trung đoàn Bắc Phi.
- Như thế thì sao?
- Bản chất bà chủ là hiếu động. Tính hiếu động ấy tất nhiên phải được bộc lộ ra trong một công việc nào đó. Hồi cụ bà còn sống, phu nhân Hortense…
Stephanie xưa nay vẫn cố học theo mẹ nhưng kết quả nàng lại khác xa mẹ. Bà Hortense ngày xưa không bao giờ nổi nóng. Mẹ nàng bao giờ cũng nói với giọng dịu dàng, nhỏ nhẹ tình cảm trong khi vẫn kiên quyết. Không ai lay chuyển được điều gì một khi mẹ nàng đã quyết.
- Mẹ tôi ngày xưa được làm việc theo ý riêng. Cha tôi không bao giờ cản trở.
- Bởi cụ chủ ngày xưa đâu có giống ông chủ René de Guinchamp bây giờ?
Stephanie hiểu câu đó như Aimé định nói: “Bà chủ đã sai lầm là lấy ông ta!” Nàng còn phạm thêm sai lầm nữa là chịu đến sống ở biệt thự Guinchamp. Như vậy thành ra nàng là người khác chứ không phải là nàng. Lẽ ra nàng phải tậu hoặc xây một tòa nhà khác. Nhưng hồi đó nàng đang khao khát tình yêu, Stephanie đâu có nghĩ gì. René bảo gì nàng cũng răm rắp nghe theo.
Chính vì vậy bây giờ thằng bé René năm nay lên 2 cùng hai chị nó sống với nàng, trong khi bốn đứa con nàng đẻ ra - hai đứa sinh đôi con Armand và hai đứa một trai một gái con André, lại không được sống cùng với mẹ chúng.
Bốn đứa vẫn sống với mẹ chồng thứ nhất của nàng, bà Francoise. Tình trạng này là do một loạt tình huống. Sau cái chết thương thảm của André, Stephanie một thời gian nằm liệt giường, đành để các con sống bên biệt thự Dytteville. Hồi đó chính Aimé đã khuyên nàng như thế. Vả lại bà Francoise không hề phân biệt đối xử giữa hai đứa cháu nội của bà với hai đứa em cùng mẹ khác cha của chúng.
Còn thêm một nguyên nhân nữa khiến Stephanie dễ chấp nhận lời đề nghị của René là sau khi Agnès qua đời chàng đổi tên biệt thự Lomanais thành biệt thự Guinchamp. Nàng đã trở thành phu nhân Guinchamp, việc sống tại biệt thự Guinchamp đâu có gì không hợp lý?
Tuy biết không thể lay chuyển những định kiến đã hình thành nên trong đầu Aimé, Stephanie vẫn cố tìm cách lay chuyển chúng. Nàng nói giọng xót xa:
- Ôi nếu anh biết vừa rồi René nói với tôi như thế nào, dằn vặt tôi ra sao… Anh ấy dám bảo tôi: “Khi đã mang danh hiệu cao quí “phu nhân Guinchamp” thì có những loại người em không nên tiếp xúc. Quá lắm là đến nhà họ nếu như em buộc phải gặp!”.
- Chắc ông chủ định nói đến Vaudières!
- Ông Vaudières quen biết tôi lâu năm. Ồng lại là chủ ngân hàng, tôi cần quan hệ với ông ta.
- Nhưng bà chủ cũng biết, ông chủ không ưa ông Vaudières!
- Tôi đang muốn tậu khu đất ở Chesnay thuộc ngoại thành Vaudières và nhất định tôi sẽ tậu, nàng nói giọng dứt khoát - Tôi đã “ngửi” thấy đó là miếng đất tuyệt vời, sẽ có lãi rất lớn. Vụ này cần tiến hành nhanh chóng kẻo có người thọc gậy bánh xe. Tôi không thể đưa chuyện đó ra bàn ở phố Vivienne vì cha tôi quá thận trọng, còn chú Hippolyte thì trước mỗi việc cứ cân nhắc quá lâu. Tôi bàn chuyện với ông Vaudières và hai cố vấn thì có gì là xấu?
- Tất nhiên rồi. Nhưng hình như bà chủ lại yêu cầu ông chủ bắt tay họ, những người ông chủ vẫn khinh thường, thậm chí ghét nữa.
Quả là Stephanie có yêu cầu René chào hỏi, bắt tay họ! Nàng rất biết rằng Antonin Vaudières cũng như hai người cố vấn kia nếu được nghe René Guinchamp niềm nở chào hỏi, họ sẽ “mềm” hơn khi nàng trao đổi với họ về các khoản trong hợp đồng. René đã hai lần chịu tiếp họ tại biệt thự Guinchamp, nhưng lần nào cũng bảo vợ: “Chỉ lần này thôi đấy”.
Đến hôm nay, chàng lại bảo: “Anh đã nói rồi, anh không muốn ai bàn chuyện hàng hóa, buôn bán trong cái nhà này. Em muốn bàn bạc ở đâu tùy em. Tại các văn phòng công ty, tại cửa hiệu hay quán giải khát nào cũng được, miễn không phải ở đây! Em nhớ rằng đã mang danh hiệu cao quí phu nhân Guinchamp thì… “
Chính câu đó làm nàng điên tiết. Danh hiệu cao quí Guinchamp! Bà mẹ René không đào mỏ mấy cô gái nhà giầu thì lấy đâu ra sự “cao quí” của cho Guinchamp.
- Mà một cái bắt tay, một nụ cười niềm nở và một câu chào lịch sự thì có gì mà không thể làm được? - Stephanie rầu rĩ nói.
- Xin phép bà chủ tôi xin nói thế này. Bà chủ có lý thì ông chủ cũng có lý. Mọi người đều có lý hết. Tuy nhiên Bắc cực và Nam cực không bao giờ đến với nhau. Riêng tôi thì bà chủ hãy tin rằng tôi thi hành mọi điều bà chủ yêu cầu và các vị khách đó tôi sẽ tiếp họ chu đáo: cà phê, trà, nước ngọt, bánh trái… tất tất đều có đủ.
Trong lòng Stephanie lại trào lên nổi căm giận René! Vì tình yêu nàng, tại sao chàng không thể bỏ ra năm phút “quí giá”, chào hỏi khách để chiều vợ? Trong khi nàng từng đã dám bỏ cả gia đình để theo chàng ra chiến trường, sẵn sàng chịu dựng bao nỗi gian truân ở Dobroudja. Alma, ở Sebastopol? Đến đây nàng chợt nghĩ đến Boris!
Boris! Đến nay nàng vẫn luôn, nghĩ đến chàng. Chàng là tình yêu không gợn sóng mây, tình yêu của tình yêu. Trong thời gian cuộc triển lãm thương mại ở Paris, Boris đã quan tâm đến công việc của nàng. Chàng đã tính sẽ trở lại Paris để nghiên cứu những kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh của nước Pháp. Boris là người thật sự hiểu mình. Stephanie thầm nghĩ, chàng chịu nghe những lời khuyên của nàng. Boris vêrr nàng tuyệt đối, nhưng rồi… chiến tranh, cuộc bao vâv Paris, cái chết của Agnès, René tự do và nàng lấy René! Hoàng thân Boris Petrovitch Biotsky và quận chúa Nalasa vợ chàng đã gửi thư chúc mừng đám cưới Stephanie. Nhưng nàng cũng nhận được một lá thư của Boris mà nàng vẫn còn giữ, một lá thư tuyệt diệu…
“… Anh hiểu rằng anh không thể dâng cho em danh hiệu dòng họ anh, tài sản của anh, cuộc đời anh, nhưng anh yêu em và trong ký ức anh, em gần gụi với anh hơn nhiều so với phu nhân Guinchamp đang sống ở Paris. Tha lỗi cho anh. Trong mấy năm tới anh chưa thể sang Pháp. Anh rất đau lòng. Anh vẫn gìn giữ em trong tim anh, trong linh hồn anh, trong con mắt anh. Mong em hạnh phúc, Stephanie! Stephanie của anh, chỉ của riêng anh thôi!…”
Cuối thư chàng viết, ám chỉ René:
‘Anh đã cứu sống con người ấy trên bãi chiến trường, cứu hắn vì em, vậy mà bây giờ em lại ở đó với hắn, trở thành vợ hắn… Chúa đã an bài như thế biết làm sao được”? Anh chỉ cầu Chúa một điều, em thân yêu, là sau đây Chúa sẽ cho hai ta được chung sống bên nhau mãi mãi. Đấy là lời cầu Chúa duy nhất của anh!”.
Stephanie đưa tay lên gạt những hình ảnh hiện ra trước mắt. Mơ màng làm gì? Boris đã có cuộc đời chàng. Nàng có cuộc đời nàng, cuộc đời mà nàng tự ý lựa chọn. Bao tháng nay cuộc đời ấy biến thành nỗi đau khổ ngấm ngầm, không làm sao chữa được. Thói ngoan cố của René mỗi ngày làm nàng thêm cay đắng trong lòng. Tại sao René bất công làm vậy? Tại sao René thiển cận làm vậy?
Lúc ăn bữa trưa, nàng đã tính sẽ giảng hòa với chồng và thuyết phục thêm đôi chút. Nhưng lúc nàng gọi lấy cà phê, René nói ngay:
- Phu nhân tha lỗi…
Cách xưng hô nhạt nhẽo “phu nhân” nàng rất ghét. Cách đó nàng chỉ chịu được nơi đông người.
- Tôi sang uống cà phê bên biệt thự Resmont. Achille đã có lời mời tôi, bởi biết phu nhân hôm nay bận tiếp khách kinh doanh.
- Anh ấy biết là do anh kể chứ gì? - Nàng bực tức nói.
- Chính phu nhân báo trước cho tôi biết chuyện đó và tôi muốn phu nhân hoàn toàn thoải mái, hoàn toàn tự do làm những công việc quan trọng của phu nhân. Phu nhân coi tự do là thứ quí giá nhất. Cũng nói thêm, nếu phu nhân định mời những vị khách kia đến ăn tối, xin phu nhân cho tôi biết trước để tôi liệu.
Đúng là thái độ khiêu khích! Stephanie không nhịn được, quật mạnh khăn xuống bàn, giận dữ đứng phắt dậy, cặp mắt tóe lửa nhìn thẳng vào mắt René, nhưng René làm như không thấy, thản nhiên bước ra cửa.
- René!
René vẫn thản nhiên mở cửa, điềm tĩnh bước ra ngoài, coi như không nghe thấy vợ gọi. Anh ta đã biến thành vừa câm vừa mù vừa điếc! Stephanie cắn ngón tay, lẩm bẩm một mình:
- Mình sẽ không chịu! Mình không muốn chịu nhún. René phải hiểu mình… Mình buộc anh ấy phải hiểu… Còn anh ấy vẫn ngoan cố, mình sẽ tiếp Vaudières tại đây. Mình sẽ tậu bằng được khu đất ở Chesnay!
Tối hôm ấy, Stephanie thấy chồng về, nàng không buồn hỏi xem ngày hôm ấy chàng có gì vui không. René tỏ ra vẫn đẹp trai, duyên dáng và đáng yêu như mọi khi. Chàng hỏi vợ nên nhận hay thoái thác lời mời đến dự buổi vũ hội ở biệt thự nữ công tước Lozencoise.
Không muốn gây chuyện thêm, Stephanie nở nụ cười rất tươi, bảo chồng rằng nàng sẽ rất vui đến dự buổi vũ hội ấy. René nghiêng mình cảm ơn vợ tỏ ý chàng rất sung sướng thấy nàng cũng muốn dự.
“Mình đành đầu hàng vậy - Stephanie thầm nghĩ - Mình có mong ước gì đâu, ngoài việc làm cho chàng vui. Rồi chàng sẽ phải hiểu như thế, sẽ chiều mình và niềm nở tiếp những khách kinh doanh của mình”.
Nhưng trong khi nghĩ thế, nàng lại càng thấy ghét nữ công tước Lozencoise. Bà ta góa chồng, công tước Wedborg, nhưng còn rất trẻ. Đó là một phụ nữ tóc vàng vô cùng xinh đẹp, được nam giới kháo nhau là “người phụ nữ mặc áo có cổ rộng nhất Paris!” Đã một thời gian dài Lozencoise là nhân tình lén lút của René, ngay từ hồi Agnès còn sồng. Stephanie rất ghét bà ta vì mỗi lần hai vợ chồng nàng gặp bà ta trong một cuộc hội họp đông người nào đó, Lozencoise đều tỏ thái độ thân mật quá mức với René và hai người trò chuyện theo kiểu nói như ngầm ám chỉ những kỷ niệm ân ái với nhau, Stephanie rất khó chịu thấy Lozencoise lẳng lơ quá đáng, cổ áo bao giờ cũng mở rất rộng, chỉ vừa đủ che núm vú, còn cả nửa trên cặp vú nhô hẳn ra ngoài, miệng thì bôi son đỏ chót và lúc nào cũng như sắp hôn người đàn ông đang tiếp chuyện bà ta.
Cặp mắt Lozencoise nhìn René như muốn nói với chảng: “Em yêu anh. Em không thể quên anh. Bất cứ lúc nào anh muốn, em cũng sung sướng được chiều anh. Thân xác em đang khao khát thân xác anh. Cặp môi em đang khao khát cặp môi anh!”
Một lần sau cuộc vũ hội René gặp “mụ ta”, Stephanie đã to tiếng với chồng. René chỉ cười… nhưng chuyện đó đã lâu rồi, nàng chỉ còn coi là một kỷ niệm êm ái. Vì nàng ghen với “mụ ta” thì đúng là điên rồ. Nàng là vợ của René và nàng biết René chỉ yêu một mình nàng. Tuy nhiên Stephanie vẫn lấn cấn thế nào đó mỗi khi chồng gặp Lozencoise. Chính vì vậy hàng tháng, “mụ ta” đều gửi thiếp mời hai vợ chồng nàng đến dự vũ hội ở nhà mụ.
Mọi lần Stephanie đều khoái thác, nhưng hôm nay vì muốn làm lành với chồng nên nàng chiều chàng, bằng lòng đi dự. Nàng thầm nghĩ: “Em bằng lòng đi với anh đến nhà mụ ta dự vũ hội chỉ vì anh thích đến đó. Nhưng để đáp lại, anh cũng phải chiều em trong một số việc”.
Khốn nỗi từ khi René chịu rời khỏi nhà để vợ tiếp khách kinh doanh cũng như nàng chịu cùng chồng đến dự vũ hội ở nhà người đàn bà đáng ghét, thì sự rạn nứt giữa họ cũng bắt đầu. Sự nhượng bộ nhau tạo cho quan hệ giữa họ mất đi niềm tươi mát, sự thoải mái không thể thiếu được trong tình yêu. Theo đà ấy cuộc sống chung giữa René và Stephanie biến thành một thứ mỹ lệ giả tạo, một lớp sơn phết bên ngoài để che giấu những bất đồng bên trong.
Cuối cùng đến lúc quá mệt mỏi, Stephanie đã nghĩ đến chuyện xa lánh chồng. Không khí trong biệt thự Guinchamp ngày càng làm nàng khó chịu. Nàng đâm ghét mọi thứ xa hoa phù phiếm ở đây, từ những bức họa khoe mẽ đến những hàng mỹ nghệ đắt tiền nhưng vô tích sự. Stephanie cảm thấy sống trong tòa nhà cực kỳ sang trọng này không thoải mái bằng sống trong phòng giam chật chội tại pháo đài Sebastopol!
Ban ngày nàng cố không ở nhà. Buổi tối buộc phải về thì lòng nàng nặng trĩu. Nhiều buổi tôi nàng ngồi với các con trong biệt thự Dytteville và chỉ ao ước được ngủ lại đấy, không phải về biệt thự Guinchamp. Đang trong tâm trạng rối bời, đang nghĩ cách nào thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt căng thẳng này thì một lá thư bay đến tay nàng.
Lá thư của Yves Kendelec. Ông ta là người nàng chưa gặp bao giờ, chỉ một lần nàng viết thư cho ông ta hỏi tình hình ở đảo Nouvelle Caledonie[1], tại sao việc khai thác kền ở đó lại không tăng lên được… Lá thư “hỏi tình hình” đó phải một năm sau nàng mới nhận được phúc đáp.
Thư viết:
- “… Nouvelle Caledonie là một nơi đất mới. Công việc hiện đại hóa nó đòi hỏi rất nhiều tiền bạc và thời gian. Các phương tiện khai thác ở đây hiện rất thô sơ. Thiếu nhân công châu Âu. Dân bản địa, người Canaques, quen sống nhàn tản, mặc dù họ rất hiền lành chất phác. Bẳn thân tôi lại đang rất mỏi mệt và đau ốm. Vài năm nữa, tôi lại giao công việc lại cho con trai tôi và hó sẽ trình bày tình hình với ngài Georges Dytteville… “
Bức thư làm Stephanie sôi máu. Nàng thấy rõ nếu cứ để tình trạng như thế này thì việc kinh doanh ở đảo không sao tiến triển được. Nàng thấy cần phải sang xem xét tình hình tại chỗ, thuyết phục mọi người ở đó và thực hiện cải tiến công nghệ bằng mọi giá, trang bị kỹ thuật hiện đại…
“Không, không phải việc của mình - Stephanie suy nghĩ - Mình không thể sang đó. Đấy là việc của Hippolyte. Nhứng cậu ta lại quen hưởng cuôc sống yên ổn, nhàn hạ, sung túc rồi. Cậu ta ngại khó khăn, “sợ gian khổ”.
Mối mâu thuẫn đó ám ảnh Stephanie và nhiều lúc nàng thấy phải đích thân nàng sang mới được. Ngoài nàng không ai khác. Nhưng nếu đi nàng sẽ phải xa gia đình, bỏ lại con cái. Nàng không muốn xa hẳn René… Nàng đã bốn mươi tuổi rồi, đâu còn trẻ trung để đi đây đi đó nữa…
Nhưng một ý nghĩ khác bác lại. Tình trạng ở Nouvélle Caledonie cần phải giải quyết ngay. Chờ mười năm nữa thì sẽ quá muộn! Đảo Nouvelle Caledonie đang là vùng đất mới. Người ta đã phát hiện những mỏ kền ở đó từ nhiều năm rồi. Nếu nàng sang đó, bắt tay vào xây dựng, việc khai thác thứ kim loại đáng quí này mới có cơ phát đạt mạnh mẽ… Đành để các con xa mẹ chúng trong mười tháng, mười lăm tháng… Nàng phải sang nhìn tận mắt mới nghĩ ra cách phát triển. Sau thời gian đó nàng trở về Pháp tuyển mộ một đội ngũ thợ kỹ thuật trẻ, đồng thời mua sắm máy móc…
“Thôi được mình sẽ suy nghĩ thêm. Nếu thật sự cần thiết. Nếu không có ai khác ngoài mình… Và sau một thời gian xa cách, rất có thể mình và René nối lại được…” nàng kết luận.
---------------------------
[1] Còn gọi là Tân Caleđôni hoặc Tân Đảo, nằm ở Nam Thái Bình Dương (N.D)
Mời các bạn đón đọc Cái Giá Của Tự Do của tác giả Marcel Gobineau.